Kể từ khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2012 và sau đó là Chủ tịch Trung Quốc tháng 3/2013, ông Tập Cận Bình đã đưa ra những ý tưởng lớn như "Giấc mộng Trung Hoa" và "Một vành đai, một con đường”. 

Lãnh đạo Trung Quốc đã thông qua hai mục tiêu thế kỷ gồm: một là xây dựng một xã hội khá giả vào năm 2021 đúng dịp Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập; hai là xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh hài hòa vào năm 2049 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các mục tiêu trên sau này đã được đề cập thông qua việc thiết lập Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (SREB) và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (MSR) kết nối Trung Quốc với châu Âu bằng đường bộ và đường biển. 

Mặc dù được báo cáo ở phạm vi hẹp và ít gây tranh cãi tại Ấn Độ cũng như trên thế giới nhưng những sáng kiến này đã làm dấy lên hy vọng, cũng như hoài nghi về những gì Trung Quốc đang thực hiện. Trên thực tế, các tuyến đường tơ lụa đã tồn tại từ thời cổ đại, nhưng sự liên hệ tới các sáng kiến như vậy trong thời hiện đại là gì? Liệu các sáng kiến này có trùng khớp với các mục tiêu chính sách đối ngoại của Trung Quốc như đa cực, không bá chủ, an ninh chung… hay để nhằm đối phó với các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ như "xoay trục sang châu Á" hay "Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”? hoặc Trung Quốc đang thách thức sự bá chủ của Mỹ và viết lại các quy tắc của cầu trúc địa chính trị và kinh tế toàn cầu? 

Ý tưởng “Một vành đai, một con đường” được bắt nguồn từ lịch sử như là sự tồn tại một con đường tơ lụa trên bộ và một con đường tơ lụa trên biển kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu. Trong ba thập kỷ cải cách, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống đường cao tốc, đường sắt từ Bắc vào Nam, từ phía Đông sang khu vực kém phát triển phía Tây và Tây Nam. Sau khi thực hiện được điều này, Trung Quốc coi đó là cơ hội để liên kết với các khu vực ở Nam Á, châu Âu, châu Phi và thậm chí cả châu Mỹ. 

Ý tưởng này lần đầu tiên được đưa ra trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Đại học Nazarbayev, Kazakhstan vào ngày 7/9/2013: “Để kết nối chặt chẽ kinh tế, tăng cường hợp tác và mở rộng phát triển trong khu vực Á-Âu, chúng ta nên có một cách tiếp cận sáng tạo và cùng nhau xây dựng một vành đai kinh tế theo con đường tơ lụa. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả người dân dọc theo tuyến đường”. Ông Tập đã đề nghị kết nối giao thông cần phải được cải thiện để mở đường cho việc kết nối các khu vực chiến lược từ Thái Bình Dương sang Biển Baltic và dần dần hướng tới việc thiết lập hệ thống giao thông kết nối Đông, Tây và Nam Á. Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi các thành viên trong khu vực thúc đẩy việc thiết lập hệ thống tài chính nội khối để tăng cường khả năng chống đỡ những rủi ro tài chính và cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu. 

Không nghi ngờ gì, các kết nối kinh tế là lý do chính ông Tập Cận Bình công bố thành lập Quỹ con đường tơ lụa trị giá 40 tỷ USD để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước có liên quan. Tuy nhiên, ý tưởng này có ý nghĩa chiến lược hơn vì nó sẽ bao hàm an ninh truyền thống hoặc sự song trùng về an ninh ở cả cấp độ khu vực và liên khu vực. 

Sáng kiến xây dựng Con đường tơ lụa trên biển (MSR) được ông Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Indonesia tháng 10/2013 với mục đích đưa kết nối về kinh tế và hàng hải đi vào chiều sâu. MSR sẽ bắt đầu ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến phía Đông Nam Trung Quốc và các đầu phía Nam Trung Quốc với các quốc gia ASEAN, qua eo biển Malacca và hướng tới các quốc gia phía Tây dọc theo Ấn Độ Dương trước khi gặp Con đường tơ lụa ở Venice qua Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Theo phạm vi của MSR, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng “cứng” và “mềm” từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đến châu Phi, bao gồm vận tải, năng lượng, quản lý nước, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội. 

Trung Quốc đã tìm cách lôi kéo sự tham gia của các nước và các khu vực trong vùng “Một vành đai, một con đường”. Hầu hết các quốc gia thuộc ASEAN – nơi mà kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các nước ASEAN lên tới 400 tỷ USD đã hoan nghênh những ý tưởng này khi các quốc gia ASEAN đang phấn đấu hình thành cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015. Các nước khu vực Nam Á, ngoại trừ Ấn Độ cũng đã hoan nghênh những ý tưởng này khi cho rằng đây là cơ hội lớn để làm sâu sắc hơn các quan hệ kinh tế và ngoại giao nhân dân. 

Tại sao Ấn Độ vẫn im lặng trước lời mời của Trung Quốc cho dù Ấn Độ từng nhấn mạnh tầm quan trọng của mình trước khi sáng kiến này được quan tâm? Các nhà phân tích an ninh và những người hoài nghi có nên nhìn nhận các sáng kiến trên như là một phần “sự bao vây chiến lược” đối với chính sách của Ấn Độ và cùng với các sáng kiến khác tương tự nhưng nhỏ hơn của Trung Quốc như Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, Hợp tác kinh tế liên khu vực Himalaya với Nepal và Bhutan, các hành lang kinh tế BCIM (Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar) kết nối Đông Bắc Ấn Độ với phía Tây Nam của Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar? Liệu có phải vì lo ngại sự “bao vây chiến lược" đó mà Ấn Độ chậm trễ triển khai hành lang kinh tế BCIM ngay cả khi nó chính thức được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2013 của Thủ tướng Lý Khắc Cường và sự suy giảm ảnh hưởng của sáng kiến “một vành đai"? Việc thiết lập an ninh và cộng đồng chiến lược luôn được duy trì theo cách Ấn Độ không thể cho phép Trung Quốc can dự sâu vào các khu vực nhạy cảm. Nhưng liệu chính phủ mới cầm quyền tại Ấn Độ có suy nghĩ khác về vấn đề này? 

Shennon Tiezzi, biên tập viên tạp chí The Diplomat và Chen Dingding đã đưa ra sự tương đồng giữa ý tưởng “Một vành đai, một con đường” với “Kế hoạch lớn - Marshal Plan” – được Mỹ thiết lập như là một siêu quyền lực. Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc, trong đó có Giáo sư Shi Ze thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc đã lên án những chỉ trích phương Tây đối với những sáng kiến này và cho rằng Bắc Kinh đã duy trì chính sách “ba không” - đó là không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác; không tìm kiếm cái gọi là "ảnh hưởng toàn cầu”; không giành quyền bá chủ hay thống trị trong thực hiện chính sách "Một vành đai, một con đường”. 

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” thực sự là lớn hơn so với “Marshal Plan” khi nó cố gắng bao trùm toàn bộ thế giới với giá trị kinh tế có thể lên tới 21 nghìn tỷ USD. Liệu sáng kiến này có thành công và cho thấy đó không chỉ là ước mơ của Trung Quốc mà còn là mơ ước của các quốc gia khác và người dân trên khắp thế giới? Hoặc nó sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh địa chiến lược toàn cầu, các cuộc chiến tranh lạnh hay nóng với siêu cường duy nhất và sự suy giảm của cường quốc thế giới? 

Sự xuất hiện của các sáng kiến lớn như Ngân hàng “đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Quỹ con đường Tơ lụa, MSR và Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương gần đây (FTAAP) đã đặt Trung Quốc vào vị trí trung tâm địa chính trị-kinh tế toàn cầu và điều này đã buộc Mỹ phải tranh giành vai trò lãnh đạo ít nhất là trong khu vực, thậm chí là toàn cầu. Những sáng kiến trên đã thách thức việc thực hiện quyền bá chủ của Mỹ trong khu vực bao gồm triển khai ý tưởng “xoay trục sang châu Á” và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Cách tiếp cận của Ấn Độ đối với hai thái cực trên vẫn đang được xem xét vì cho đến nay New Delhi vẫn ở ngoài quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ cũng như các sáng kiến của Trung Quốc. Người Trung Quốc nhận ra rằng Mỹ sẽ không ủng hộ một Bắc Kinh mới nổi như những năm đầu cải cách và thực hiện chính sách mở cửa cuối những năm 1970. Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ duy nhất có đủ khả năng đe dọa vị trí bá chủ của Mỹ. Trung Quốc cũng cho rằng chỉ có Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ có thể kiềm chế tham vọng biển của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, liệu Ấn Độ sẽ duy trì quyền tự quyết chiến lược của mình hay sẽ nghiêng về một bên giữa Trung Quốc hoặc Mỹ, sự lựa chọn sẽ khó khăn.

Giáo sư B. R. Deepak tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc-Đông Nam Á thuộc Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, Ấn Độ. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và được đăng trên Eurasia Review.

Văn Cường (gt)