Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc là một kế hoạch vô cùng tham vọng - và có lẽ Bắc Kinh giờ mới bắt đầu nhận ra quy mô quá lớn của tham vọng này. Kế hoạch của Trung Quốc dường như phản ánh tham vọng của Bắc Kinh muốn kiến tạo lại thế giới với Trung Quốc là trung tâm. Nếu các dự án kết nối được triển khai, bối cảnh chiến lược và kinh tế của khu vực Á - Âu và quanh Ấn Độ Dương sẽ thay đổi. Trung Quốc sẽ không còn phụ thuộc vào sự kết nối với Đông Á và Thái Bình Dương mà sẽ vươn ra cả hai đại dương lớn với tiềm năng chiếm vị thế chủ đạo ở toàn lục địa Á - Âu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hoài nghi về khả năng Trung Quốc hiện thực hóa được các kế hoạch. Tầm nhìn về xây dựng “Một vành đai, Một con đường” dường như là ước vọng dài hạn của Trung Quốc hơn là thực tế, cụ thể:

Thứ nhất, để triển khai các dự án cần có sự phối hợp giữa nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia đang bất ổn về chính trị, tham nhũng và thậm chí đang đang nội chiến. Đây là rủi ro lớn đối với việc triển khai và vận hành các dự án cơ sở hạ tầng kết nối. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Ấn Độ Dương. Ngoài ra, một vài quốc gia láng giềng của Trung Quốc, nhất là Ấn Độ có sự quan ngại sâu sắc đối với ý đồ chiến lược của Trung Quốc, mặc dù các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc có sự hấp dẫn nhất định.

Thứ hai, Trung Quốc vẫn chưa xác định được rõ ràng nội dung Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ 21. Thực tế, Trung Quốc đã tham gia xây dựng một số cảng biển ở khu vực Bắc Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy các dự án này có thể gắn kết thành một hệ thống kết nối hoàn chỉnh ở tầm khu vực. Hơn nữa, một số quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đang dõi theo các cảng biển này với con mắt lo lắng. Mặc dù Myanmar và Sri Lanka có có vẻ ủng hộ các dự án của Trung Quốc, hiện giới lãnh đạo thân Trung Quốc của các nước này đang thất thế về chính trị liên quan tới vấn đề tham nhũng và để Trung Quốc kiểm soát các cơ sở hạ tầng của quốc gia.

Ấn Độ là quốc gia đặc biệt nhạy cảm với việc triển khai Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc, nhất là sự lo lắng về mất an ninh khi Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương. Tháng 6/2015, Ngoại trường Ấn Độ S Jaishankar gọi sáng kiến của Trung Quốc là gắn đầy tham vọng quốc gia của nước này. Do Ấn Độcó vị trí địa lý nằm ở trung tâm, nếu New Delhi không hợp tác thì tính khả thi của Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc càng trở nên mù mờ.

Thứ ba, hai kế hoạch quan trọng là Hành lang kinh tế Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar (BCIM) và Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) đang gặp các thách thức nghiêm trọng. Hiện kế hoạch BCIM vẫn còn là ý tưởng thảo luận và có lẽ sẽ vẫn còn trên giấy trong những năm tới. Để triển khai được BCIM, cần có các dự án cơ sở hạ tầng lớn và chính sách cho phép hàng hóa và nhân lực được tự do lưu chuyển giữa 4 quốc gia, trong khi quan hệ giữa 4 nước này không phải luôn hữu hảo. Ấn Độ đặc biệt chưa muốn kế hoạch này được triển khai do lo ngại khi các tuyến đường kết nối giữa Trung Quốc với các bang ở phía Đông Bắc nước này được hoàn thành có thể mang lại khả năng “đô hộ” các khu vực còn nghèo của Ấn Độ.

Còn đối với kế hoạch CPEC, đây là niềm hy vọng của Trung Quốc. Tháng 3/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ đầu tư 46 tỷ USD vào CPPEC. Pakistan tỏ ra hào hứng với các khoản đầu tư của Trung Quốc, mong muốn qua đó tạo sự cân bằng trong quan hệ với Ấn Độ. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng gặp những thách thức rất lớn trong triển khai CPEC. Khi tuyến đường của hành lang này hình thành sẽ phải chạy qua các khu vực có đầy rẫy quân nổi dậy chống lại sự hiện diện của người nước ngoài. Việc đảm bảo an ninh cho hàng nghìn công dân Trung Quốc và bảo vệ các cơ sở hạ tầng khỏi bị tấn công sẽ là thách thức rất lớn đối với Trung Quốc. Một số học giả Trung Quốc vẫn nhìn tình hình với “lăng kính màu hồng” khi cho rằng sự phát triển kinh tế sẽ giúp giải quyết các vấn đề này. Tuy nhiên, đối với những chiến binh Hồi giáo, tiền chưa chắc đã đủ để mua chuộc.

David Brewster, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Đại học Quốc gia Úc. Bài viết được đăng trên Diễn đàn Đông Á.

Trần Quang (gt)