Công bố Sách Trắng lần thứ 3 về chương trình vũ trụ cho thấy Trung Quốc tiếp tục cam kết đẩy mạnh ngành công nghiệp vũ trụ và có ý định khai thác các lợi ích chính trị của chương trình vũ trụ thành công. Sách Trắng đề cập nhiều đến sự tiến bộ của Trung Quốc trong phát triển các công nghệ vũ trụ và số lượng hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng tăng của Bắc Kinh. Sách Trắng cho biết Trung Quốc dự định xây dựng một chương trình vũ trụ mạnh mẽ hơn khi chuyển đổi chương trình từ thử nghiệm sang xây dựng các hệ thống. Nhưng Sách Trắng dành quá ít nội dung liên quan đến chính sách quản lý các hoạt động của Trung Quốc trong vũ trụ, từ đó gây lo ngại cho các nước về sức mạnh quốc gia ngày càng tăng của Trung Quốc. 

Đánh giá Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 và Triển khai Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 

Nếu Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (2001-2005) đặt nền móng cho chương trình vũ trụ của Trung Quốc thì rõ ràng Trung Quốc xây dựng Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006-2010) trên cơ sở này. Hơn nữa, Sách Trắng mô tả giai đoạn của Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) là một "giai đoạn quan trọng đối với Trung Quốc" và là giai đoạn sẽ tạo nên nhiều cơ hội mới cho ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc đề ra kế hoạch phát triển công nghệ vũ trụ trong giai đoạn của Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 bằng cách chủ yếu dựa vào các khả năng của họ thông qua các chương trình đổi mới mang màu sắc bản địa. Từ năm 2006-2010, Trung Quốc tăng 3 lần số vụ phóng thành công các vệ tinh từ 24 vụ lên 67 vụ, trong đó có 2 vụ thất bại. Năm 2010 là năm bản lề, trong đó lần đầu tiên Trung Quốc hợp tác với Mỹ trong một số vụ phóng của tổng số 15 vụ và năm 2011 Trung Quốc vượt Mỹ 18 lần phóng. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, Trung Quốc dự định duy trì tốc độ này với số lần phóng 100 vệ tinh bằng 100 tên lửa. Trung Quốc cũng dự kiến phát triển 3 loại tên lửa Trường Chinh -5, -6 và -7 và cuối cùng sẽ thay thế hàng loạt bệ phóng Trường Chinh hiện nay. Các phương tiện phóng này có thể phóng các đầu đạn nặng hơn vào quỹ đạo để hỗ trợ các trạm vũ trụ của Trung Quốc và các chương trình thăm dò Mặt Trăng đồng thời tạo khả năng phóng thuận lợi hơn. Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu đáng kể qua những lần phóng. Thành công đầu tiên là hỗ trợ chương trình bay trong vũ trụ của người Trung Quốc. Năm 2007, Trung Quốc phóng Thần Châu-7, trong đó có người đầu tiên bước ra ngoài không gian. Năm 2011, Trung Quốc phóng modul vũ trụ không người lái đầu tiên Thiên cung-1 và đặt trên trạm vũ trụ một thiết bị khoa học vũ trụ Thần châu-8 không có con người. Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động bay lên vũ trụ của con người trong năm 2012 bằng cách phóng Thần châu -9 và 10 phi hành đoàn dừng chân tại trạm vũ trụ Thiên Cung-1. Trung Quốc cũng sẽ phóng nhiều modul vũ trụ khác trong 4 năm tới để làm chủ các kỹ thuật cũng như hoạt động của các trạm vũ trụ.

Ít nổi bật, nhưng quan trọng hơn cả là các lần phóng vệ tinh nhạy cảm từ xa. Từ năm 2006-2010, Trung Quốc phóng 19 vệ tinh nhạy cảm từ xa, trong đó có các vệ tinh tình báo điện tử hay vệ tinh giám sát đại dương. Các nỗ lực của Trung Quốc từ vệ tinh nhạy cảm từ xa đặt trên vũ trụ đến các lĩnh vực an ninh quốc gia trong chương trình vũ trụ cũng như mong muốn thiết lập một Hệ thống chỉ huy kiểm soát thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và do thám (C4ISR) để hỗ trợ các nhiệm vụ chống thâm nhập cũng như ngăn chặn tiếp cận khu vực để chống lại các kẻ thù tiềm tàng. Thực tế, Sách Trắng chỉ rõ 4 năm tới Trung Quốc sẽ thiết lập một hệ thống giám sát trái đất có độ phân giải khác nhau liên tục 24 giờ hàng ngày. Thành tựu đáng kể thứ ba của Trung Quốc là thành lập hệ thống định vị vệ tinh khu vực. Tháng 12/2011, 10 vệ tinh của hệ thống định vị Bắc Đẩu bắt đầu hoạt động ở bên trong và xung quanh lãnh thổ Trung Quốc. Hoạt động này sẽ được kéo dài đến năm 2012 bằng cách phóng thêm 6 vệ tinh. Hệ thống Bắc Đẩu cung cấp các tín hiệu vị trí chính xác trong khu vực có đường kính 10m, độ chính xác ít hơn vài mét so với Hệ thống Định vị Toàn cầu của Mỹ. Trung Quốc cũng tiến hành 2 lần thăm dò Mặt Trăng trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 11. Nhiệm vụ của vệ tinh Hằng Nga-1 năm 2007 và Hằng Nga-2 năm 2010 là vẽ bản đồ bề mặt của Mặt Trăng. Trong những năm tới, Trung Quốc sẽ tiến hành hạ cánh xuống Mặt Trăng bằng một người máy. Một trong những tuyên bố quan trọng nhất trong Sách Trắng là, Trung Quốc sẽ nghiên cứu kế hoạch sơ bộ để đưa con người lên Mặt Trăng. Theo các tài liệu về tiến trình phát triển và nghiên cứu công nghệ vũ trụ của Trung Quốc, hiện nay Trung Quốc đang xác định sử dụng công nghệ cho dự án đưa người lên Mặt Trăng và dự án này sẽ được tiến hành sau khi Nhà nước chính thức thông qua. 

Hợp tác quốc tế 

Sự phát triển công nghệ hiện nay của Trung Quốc là kết quả của quá trình tăng cường hợp tác quốc tế. Thực tế, hoạt động hợp tác vũ trụ của Trung Quốc đã được thúc đẩy liên tục 11 năm qua. Từ năm 2001-2005, Trung Quốc có 5 hoạt động hợp tác liên quan đến phát triển công nghệ hoặc hợp tác về nhiệm vụ vũ trụ. Năm 2006-2010, con số này tăng lên 9 lần. Phần lớn hoạt động hợp tác vũ trụ của Trung Quốc liên quan đến các nước như Nga và Ucraina. Sách Trắng cho biết Trung Quốc đã ký một số hiệp định hợp tác khoa học vũ trụ và thăm dò chiều sâu vũ trụ với Nga, tăng cường hợp tác với Ucraina, đồng thời mở văn phòng đại diện ở nhiều nước khác. Ngoài ra, Trung Quốc và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã hợp tác triển khai các nhiệm vụ thăm dò Mặt Trăng của vệ tinh Hằng Nga-1 và 2, đồng thời hợp tác với Anh và Pháp về công nghệ và khoa học vũ trụ. Bốn năm tới, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các nước về thiên văn, vật lý, trọng lực vi mô, khoa học sự sống trên vũ trụ, thăm dò chiều sâu và mảnh vỡ của vũ trụ; các hoạt động hợp tác liên quan đến vệ tinh quan sát trái đất, phát thanh của vệ tinh thông tin liên lạc, hệ thống định vị vệ tinh; hợp tác kỹ thuật liên quan đến các trạm vũ trụ và nghiên cứu khoa học vũ trụ; hợp tác chỉ huy, theo dõi và đo xa từ vũ trụ. 

Hoạt động thương mại 

Trung Quốc cũng mong muốn thúc đẩy các hoạt động vũ trụ thương mại. Hiện nay Trung Quốc tự coi họ là nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh thương mại và lần đầu tiên đã xuất khẩu vệ tinh. Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu các phương tiện đưa vệ tinh thông tin liên lạc lên quỹ đạo sang Nigiêria, Vênêxuêla và Pakixtan; cung cấp các dịch vụ phóng vệ tinh thương mại cho Inđônêxia; ký các thỏa thuận thương mại nhằm cung cấp các vệ tinh thông tin liên lạc và dịch vụ hỗ trợ hệ thống mặt đất với Bôlivia, Lào, Bêlarút và Tuốcmênixtan. Các hoạt động vũ trụ thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc diễn ra đúng vào lúc các thị trường sản xuất vệ tinh cũng như dịch vụ phóng vệ tinh cạnh tranh rất lớn do việc mua bán vệ tinh giảm và số lượng các nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh tăng. Kế hoạch chiếm 15% dịch vụ phóng vệ tinh thương mại và 10% xuất khẩu vệ tinh quốc tế của Trung Quốc trong 4 năm tới sẽ chỉ làm tăng xu hướng này. Ví dụ năm 2012 Trung Quốc sẽ tiến hành 5 lần phóng thương mại và xuất khẩu vệ tinh nhạy cảm từ xa đầu tiên cho Inđônêxia. Sách Trắng còn cho biết Trung Quốc sẽ xuất khẩu các bộ phận và phụ tùng vệ tinh, thiết bị thử dưới mặt đất, xây dựng và cung cấp dịch vụ mặt đất của vệ tinh cũng như các cơ sở chứa vệ tinh. 

Chính sách vũ trụ 

Theo Sách Trắng: "Mục đích của ngành công nghiệp vũ trụ Trung Quốc là: thăm dò vũ trụ và tăng hiểu biết về trái đất cũng như vũ trụ; sử dụng vũ trụ vào mục đích hòa bình, thúc đẩy văn minh con người và tiến bộ xã hội, và đem lại lợi ích cho nhân loại; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, phát triển khoa học và công nghệ, an ninh quốc gia và tiến bộ xã hội, cải thiện sự hiểu biết về văn hóa và khoa học của nhân dân Trung Quốc, bảo vệ lợi ích và quyền quốc gia của Trung Quốc, xây dựng sức mạnh toàn diện quốc gia". Một trong những đặc điểm ấn tượng nhất của Sách Trắng là nó đánh giá thấp việc ứng dụng ngành công nghiệp vũ trụ vào an ninh quốc gia. Mặc dù Sách Trắng cho rằng ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc có ý định thúc đẩy an ninh quốc gia và bảo vệ các lợi ích và quyền quốc gia, nhưng tài liệu này cố gắng giảm thiểu vai trò của vệ tinh quân sự. Chẳng hạn, đề cập đến hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu, Sách Trắng cho rằng Bắc Đẩu được sử dụng vào lĩnh vực giao thông vận tải, đánh cá trên biển, theo dõi nước biển, các dịch vụ thông tin liên lạc và thời gian..., nhưng không hề đề cập tới các ứng dụng quân sự. Nhưng báo chí của quân đội Trung Quốc khẳng định, Bắc Đẩu sẽ làm tăng các khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc gấp 100-1.000 lần và cải thiện hiệu quả chi phí từ 10-15 lần. Sách Trắng cũng không nhắc đến 2 vụ thử chống vệ tinh (ASAT) được tiến hành năm 2007 và 2010, không đề cập chính sách của Trung Quốc về các hoạt động tấn công chống vệ tinh. Trái lại, Sách Trắng nhấn mạnh: "Trung Quốc luôn gắn sử dụng vũ trụ vì các mục đích hòa bình và phản đối vũ trang hóa hoặc chạy đua vũ trang trên vũ trụ". Nhưng rõ ràng, đây chỉ là chính sách của Trung Quốc trước khi tiến hành các vụ thử ASAT. 

Kết luận 

Các hoạt động vũ trụ của Trung Quốc trong năm 2011 là nỗ lực quan trọng của Bắc Kinh nhằm làm cho chương trình vũ trụ của họ minh bạch hơn và giới thiệu chương trình vũ trụ theo hướng tích cực. Về vấn đề này, đây là một thành công lớn. Sách Trắng bao gồm các hoạt động vũ trụ của Trung Quốc trong 5 năm qua và cung cấp tóm tắt các hoạt động vũ trụ trong 4 năm tới. Trên lĩnh vực này, Sách Trắng cung cấp thông tin nhiều hơn các tài liệu tương tự về chương trình vũ trụ của Trung Quốc. Điều đáng tiếc, mặc dù Sách Trắng mô tả nhiều hoạt động Trung Quốc đang tiến hành trên vũ trụ, nhưng đề cập quá ít đến các ý đồ trên vũ trụ. Về lĩnh vực này, Sách Trắng hạn chế hơn nhiều các tài liệu của Mỹ như Chiến lược Vũ trụ Quốc gia và Chiến lược Vũ trụ An ninh Quốc gia, trong đó giải thích cụ thể các chính sách và cơ chế để qua đó Mỹ sẽ thực hiện các chính sách vũ trụ. Tuy nhiên, Sách Trắng của Bắc Kinh không hề làm giảm nỗi lo ngại của quốc tế và khu vực trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc./.

Theo Jamestown (ngày 3/2)

Viết Tuấn (gt)