Ngay sau khi trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản, quân đội và nhà nước Trung Quốc, Tân lãnh đạo Tập Cận Bình đã có một loạt các phát biểu liên quan đến “giấc mộng Trung Hoa” và “giấc mơ quân đội mạnh”.[1] Cùng với các phát biểu của lãnh đạo, báo chí Trung Quốc gần đây cũng tích cực tuyên truyền “giấc mơ quân sự hùng mạnh” và nhu cầu “sẵn sàng chiến đấu” khiến dư luận đặt ra câu hỏi: liệu quân sự có phải là công cụ then chốt  để “phục hưng” Trung Quốc?

Giấc mơ quân sự hùng mạnh

Chủ trương thực hiện giấc mơ quân sự hùng mạnh đã được thể hiện khá rõ nét trong hoạt động của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc gần đây. Trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của mình, Tân Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã có một loạt chuyến thăm đến quân đội, không quân, các chương trình không gian và căn cứ phóng tên lửa... Điều này hoàn toàn khác với hai người tiền nhiệm của ông là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Trong các chuyến thăm, ông Tập đã khởi động một chiến lược tăng cường khả năng của quân đội để “chiến đấu và chiến thắng trong những cuộc chiến tranh”[2]. Những lời nói và việc làm trong thời gian qua đã phần nào phản ánh tư duy và quan niệm của Tập Cận Bình về sức mạnh của Trung Quốc. Ông Tập đang cố gắng xây dựng hình ảnh một lãnh đạo quân sự mạnh trong nước và đi theo đường lối diều hâu hơn trong cách nhìn thế giới, khá gần với quan điểm của các tướng lĩnh quân đội rằng Mỹ đang suy giảm và Trung Quốc cần tận dụng cơ hội để trở thành cường quốc quân sự thống trị tại Châu Á vào giữa thế kỷ. Điều này phần nào giải thích cho những hành động leo thang trong cách hành xử gần đây của Trung Quốc với các nước khu vực, đặc biệt là trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Có tin cho rằng ông Tập Cận Bình đã trực tiếp chỉ đạo các phản ứng của Trung Quốc trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, dẫn đến sự đối đầu thường xuyên giữa tàu và máy bay Trung Quốc với Nhật Bản quanh quần đảo này.[3]

Đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội

Quan điểm của Tập Cận Bình đã được đẩy mạnh trong thời gian gần đây thông qua một loạt các chương trình cụ thể. Đáng chú ý là việc Trung Quốc quyết định tăng ngân sách quốc phòng 10,7% lên 740,6 tỉ nhân dân tệ (119 tỉ Đô la) cho năm 2013[4]. Con số này tuy thấp hơn tỉ lệ tăng 11,2 % của năm ngoái nhưng trong bối cảnh quốc hội nước này đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 7,5%, so với tăng trưởng bình quân là 10% trong hầu hết các thập niên qua cho thấy hiện đại hóa quân đội vẫn là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Trung Quốc.

Mới đây, lần đầu tiên Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đưa ra kế hoạch tập trận cho năm 2013, bao gồm 40 cuộc diễn tập, theo đó nội dung diễn tập sẽ chủ yếu là huấn luyện tập trung vào “chiến đấu thật sự”. Cùng với thời gian biểu dày đặc của các hoạt động quân sự, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc phát triển hệ thống vũ khí tối tân như gồm tàu sân bay (chiếc đầu tiên đã được khởi động vào cuối năm ngoái) và các máy bay tàng hình (phiên bản của chiếc đầu tiên đã được sản xuất và thử nghiệm năm 2011), xây dựng đội máy bay không người lái lớn nhất nhằm mở rộng khả năng hoạt động quân sự ở Thái Bình Dương và tấn công các tàu sân bay nếu xảy ra chiến tranh[5]. Trong trường hợp đó, các máy bay tàng hình này sẽ được sử dụng để do thám chiến trường, điều khiển các tên lửa và khống chế lực lượng đối phương.

Theo một báo cáo có tên Dự án 2049 (Project 2049) của Mỹ, Trung Quốc đang phát triển loại máy bay không người lái “Dark Sword” có tần số radar thấp để tránh bị phát hiện[6]. Loại máy bay này có thể bay ở độ cao 31 dặm (50km) trên mặt đất để phục vụ việc do thám thường xuyên. Báo cáo này cũng cho biết Trung Quốc cũng đang phát triển các máy bay chiến đấu không người lái (UAVs) để định vị, theo dõi, và nhằm vào các tàu sân bay của Mỹ để hỗ trợ các tên lửa chống tàu tầm xa và các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Bắc Kinh cũng đang sản xuất đội tàu ngầm, tàu chiến và tên lửa chống tàu trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa hải quân và thử nghiệm những công nghệ đánh chặn tên lửa tầm trung mới.

Cùng với việc đầu tư nghiên cứu, sản xuất Bắc Kinh cũng tích cực nhập khẩu công nghệ và các loại vũ khí nước ngoài để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội nước này. Trong chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình (22-24/3/2013) vừa qua, Trung Quốc đã ký với Nga 2 thỏa thuận vũ khí lớn, trong đó Trung Quốc mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 và 4 tàu ngầm diesel lớp Lada của Nga (2 chiếc chế tạo tại Nga, còn 2 chiếc sẽ được chế tạo tại Trung Quốc).[7]

Chủ trương dùng sức mạnh quân sự để đạt được vị thế siêu cường và hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” không chỉ được thực hiện một cách tuần tự mà còn được công khai trên các phương tiện truyền thông nhà nước. Vào tháng 2 vừa qua, tạp chí Cầu thị (Quishi), tờ báo chính thức của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng bài của Văn phòng Bộ Tổng tham mưu PLA khẳng định rằng: “Lịch sử và thực tiễn cho thấy điều quyết định mô hình kinh tế và chính trị của thế giới là so sánh sức mạnh giữa các cường quốc rốt cuộc phụ thuộc vào vũ lực.”[8]

Hiếu chiến trong các tranh chấp Biển Đảo

Cùng với việc đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, nước này cũng tích cực thể hiện ưu thế của mình để răn đe và cưỡng ép các nước khu vực. Trong vòng 3 năm trở lại đây, với tiềm lực quân sự được tăng cường, phái diều hâu quân sự Trung Quốc đã chủ trương cứng rắn hơn với các nước láng giềng, đặc biệt là trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ở Biển Hoa Đông thời gian qua, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các hành động gây hấn với Nhật Bản tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku do Nhật Bản quản lý.[9] Một diễn biến đáng chú ý trong năm 2013 là việc Trung Quốc đưa ra tấm bản đồ mới trong đó trong đó coi hơn 130 đảo lớn nhỏ ở Biển Đông và quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông thuộc lãnh thổ nước này.[10] Căng thẳng tiếp tục leo thang khi lần đầu tiên Bộ Tổng tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc kêu gọi các tướng lĩnh và binh sĩ củng cố khả năng sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra.[11] Không chỉ dừng lại ở mức đưa tàu và máy bay tiếp cận quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý, tàu chiến Trung Quốc thậm chí còn hướng thẳng radar điều khiển hỏa lực về phía tàu chiến Nhật Bản. Hậu quả đã dẫn đến việc cả Bắc Kinh và Tokyo bất ngờ triển khai máy bay phản lực gần khu vực tranh chấp trên vùng Biển Hoa Đông.

Bên cạnh Hoa Đông, Biển Đông cũng là nơi chứng kiến nhiều cuộc đối đầu gay gắt giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Trung Quốc liên tục sử dụng các lực lượng chấp pháp được trang bị hiện đại và hùng hậu của mình để đẩy mạnh khẳng định chủ quyền trong “đường lưỡi bò” và cản trở hoạt động của các quốc gia yêu sách khác. Mở màn cho “cơn bão” Biển Đông kéo dài suốt năm qua là cuộc đối đầu quyết liệt giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines Gregorio Del Pilar với hai tàu hải giám của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough tháng 4/2012. Tiếp sau đó là việc Trung Quốc có những hành động gây hấn với Việt Nam. Vào tháng 6/2012, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã ngang nhiên thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Vào tháng 7/2012, Trung Quốc đã thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi gồm hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm tại ba quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và đưa quân đến đồn trú ở tại các đảo này[12].

Song song với việc củng cố yêu sách ngày càng mở rộng, Trung Quốc còn có nhiều hành động khẳng định chủ quyền như: huy động một lượng lớn tàu thuyền ngang nhiên đi vào các vùng tranh chấp, quấy nhiễu, thị uy tàu thuyền các nước khác và tiến hành một chuỗi các hành động leo thang như: đưa bản đồ có đường 9 đoạn vào hộ chiếu phổ thông cấp cho người dân[13], ban hành đạo luật mới cho phép lực lượng cảnh sát nước này xông lên lục soát, bắt giữ tàu thuyền của các nước khác ở những vùng lãnh hải tranh chấp thuộc Biển Đông, và cắt cáp các tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam đang tiến hành khảo sát bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Các hoạt động gây hấn của nước này ngày càng có xu hướng gia tăng khi ngày 20/03/2013 vừa qua, tàu Trung Quốc đã xua đuổi và bắn cháy cabin một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa.[14] Có thể nói dưới cái vỏ “dân sự”, các lực lượng chấp pháp này đã cho phép Trung Quốc thể hiện sức mạnh áp đảo đối với các nước nhỏ và giành quyền kiểm soát ngày càng lớn trên Biển Đông mà không tạo cớ cho Mỹ và các nước quy kết Trung Quốc sử dụng vũ lực để lấn chiếm biển.

Những tuyên bố đầy tham vọng của lãnh đạo Trung Quốc, chương trình hiện đại hóa quân đội đang được đẩy mạnh, cùng với những hành động hiếu chiến trong tranh chấp biển đảo với các nước khu vực thời gian gần đây cho thấy Bắc Kinh đang hướng đến hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” của mình bằng sức mạnh quân sự. Vì lẽ đó, thời gian tới, tình hình an ninh khu vực, đặc biệt là an ninh biển, có thể sẽ còn diễn biến phức tạp vì chiến lược “phục hưng” của Trung Quốc./.

Trần Quang.

 


[1] Jeremy Page, “For Xi, a ‘China Dream’ of Military Power”, Wall Street Journal, 13/3/2013, xem tại http://online.wsj.com/article/SB10001424127887324128504578348774040546346.html

[2] Jeremy Page, “For Xi, a ‘China Dream’ of Military Power”, Wall Street Journal, 13/3/2013, xem tại http://online.wsj.com/article/SB10001424127887324128504578348774040546346.html

[3] Jeremy Page, “For Xi, a ‘China Dream’ of Military Power”, Wall Street Journal, 13/3/2013, xem tại http://online.wsj.com/article/SB10001424127887324128504578348774040546346.html

[4] “China Boosts Defense Spending as Military Modernizes Arsenal”, Bloomberg, 5/3/2013, xem tại

http://www.bloomberg.com/news/2013-03-05/china-boosts-defense-spending-as-military-modernizes-its-arsenal.html

[5] Jeremy Page China’s Military Ambitions: A Walking Tour”, Wall Street Journal, 18/11/2010, xem tại

http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2010/11/18/chinas-military-might-on-display/

[6] Jeremy Hsu, “China's Drone Swarms Rise to Challenge US Power” Tech News Daily, 13/3/2013 xem tại http://www.technewsdaily.com/17280-china-drone-swarms-rise.html

[7] “China-Russia Arms Deals Are Political for Cold War Partnership”, Tiananmen’s Tremendous Achievements, xem tại http://tiananmenstremendousachievements.wordpress.com/2013/03/31/sino-russian-arms-deals-political-sino-russian-cold-war-partnership/

[8] Jeremy Page, “For Xi, a ‘China Dream’ of Military Power”, Wall Street Journal, 13/3/2013, xem tại http://online.wsj.com/article/SB10001424127887324128504578348774040546346.html

[9] “China to send in surveyors to disputed Senkaku islands”, The Guardian, 12/3/2013, xem tại

http://www.guardian.co.uk/world/2013/mar/12/china-surveyors-disputed-senkaku-islands

[10] Chen Zhi, “China publishes new maps; South China Sea islands highlighted” Xinhua News, 2013-01-11 xem tại http://news.xinhuanet.com/english/china/2013-01/11/c_132097207.htm

[12] Paterno Esmaquel II “South China Sea under new Chinese City” Rappler Beta, 22/6/2012, xem tại http://www.rappler.com/nation/7404-south-china-sea-under-new-chinese-city

[13] Fernan J. Angeles and PNA, “China hits back at Noy, issues 9-dash lines in e-Passports” Dailly Tribune, 23/11/2012, xem tại http://www.tribuneonline.org/index.php/headlines/item/7241-china-hits-back-at-noy-issues-9-dash-lines-in-e-passports

[14] Văn Mịnh “Tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam”, Thanh niên online 25/3/2013, xem tại http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130325/yeu-cau-trung-quoc-dieu-tra-xu-ly-nghiem-vu-ban-tau-ca-viet-nam.aspx