Trong bài viết đăng trong cuốn “Lựa chọn Tinh anh Đại hội 18: Nhân sự, Chính sách và Thách thức” vừa được phát hành ở Hồng Công, hai nhà nghiên cứu Byung Kwang Park và Young Hwan Koh thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Bảo vệ An ninh Quốc gia Hàn Quốc nhận định, cho tới nay Trung Quốc vẫn chưa thực hiện bầu cử dân chủ, vì thế người dân thường khó có thể tham gia trực tiếp vào việc quyết định các chính sách quan trọng. Thực tế này đã tạo điều kiện cho giới tinh anh chính trị chỉ chiếm thiểu số ở Trung Quốc chi phối các chính sách chủ chốt. Vì thế, việc tổ chức Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc định kỳ 5 năm một lần để bầu ra ban lãnh đạo tối cao khóa mới có ý nghĩa quan trọng then chốt đối với những thay đổi về chính sách đối nội và đối ngoại.

Xuất phát từ đặc tính và truyền thống chính trị của Trung Quốc, trước khi được Đại hội 18 bầu làm lãnh đạo tối cao, Tập Cận Bình - được dự đoán là sẽ kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào - sẽ không nêu rõ cách nhìn của mình về chính sách đối nội và đối ngoại. Vì thế, người ta chỉ có thể dự đoán về quan niệm cầm quyền và tư duy chính sách liên quan của Tập Cận Bình thông qua các phát biểu mà nhân vật này đưa ra trong các hoạt động công khai.

Về đối ngoại, tư duy chính sách của Tập Cận Bình phần nào được bộc lộ qua chuyến thăm Xinhgapo (14-16/11/2010) trên cương vị Phó Chủ tịch nước.

Trong thời gian thăm Xinhgapo, Tập Cận Bình liên tục nói rằng trọng điểm chính sách đối ngoại của Trung Quốc là “hòa bình để phát triển”, “mở cửa để phát triển” và “hiệp lực để phát triển”. Vì lẽ đó, Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Một số nước xung quanh cho rằng một khi lớn mạnh, Trung Quốc sẽ chuyển sang chủ nghĩa bá quyền, điều này không phù hợp với đường lối ngoại giao của Trung Quốc. Một Trung Quốc phồn vinh và ổn định không chỉ không tạo thành mối đe dọa cho bất cứ quốc gia nào, ngược lại còn trở thành cơ hội phát triển”. Phát biểu này của Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc sẽ kiên trì đường lối ngoại giao hòa bình, không thực hiện bá quyền đối với nước khác.

Bên cạnh đó, về vấn đề phát triển, Tập Cận Bình nhấn mạnh: “GDP của Trung Quốc tuy đứng thứ hai thế giới song thu nhập trung bình của người dân lại thuộc các nước đang phát triển, đứng thứ 100 thế giới”. Qua câu nói này, Tập Cận Bình muốn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tăng trưởng và phát triển bền vững đối với Trung Quốc. Tập Cận Bình còn cho rằng, câu nói "phát triển mới là đạo lý không thay đổi" của Đặng Tiểu Bình tới nay vẫn hữu hiệu và nhấn mạnh “sự nghiệp phát triển của Trung Quốc phải tiến hành theo phương thức khoa học, hài hòa và hợp tác”, tức là muốn ủng hộ thực hiện chính sách phát triển thông qua cải cách mở cửa.

Về cơ bản, hai nhà nghiên cứu Byung Kwang Park và Young Hwan Koh cho rằng, phương hướng chính sách đối ngoại mà Tập Cận Bình bộc lộ qua chuyến thăm Xinhgapo vẫn chưa thoát khỏi đường lối mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình tới nay vẫn theo đuổi. Tập Cận Bình sẽ tiếp tục kế thừa đường lối cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình trong sách lược phát triển đất nước, chính sách đối nội sẽ là sự kéo dài “quan điểm phát triển khoa học” và thuyết “xã hội hài hòa” của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Điều này cho thấy trong bối cảnh sức ảnh hưởng chính trị của các cựu lãnh đạo và đặc tính thể chế lãnh đạo tập thể, trong thời gian ngắn chí ít Tập Cận Bình chỉ có thể kiên trì nhấn mạnh khuynh hướng bảo thủ có tính chất ổn định và kéo dài, không dễ để thay đổi mạnh chính sách đối nội, đối ngoại.

Dù vậy, theo Byung Kwang Park và Young Hwan Koh, sau khi chính thức tiếp nhận quyền lực, cùng với sự dâng cao của chủ nghĩa dân tộc yêu cầu thúc đẩy ngoại giao nước lớn, khả năng thay đổi về chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ dần dần xuất hiện, đặc biệt là sau khi Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới với sức ảnh hưởng gia tăng nhanh chóng trên vũ đài kinh tế quốc tế.

 

  Bài viết của tác gia Byung Kwang Park và Young Hwan Koh đăng trong cuốn "Lựa chọn Tinh anh Đại hội 18: Nhân sự, Chính sách và Thách thức"

 

 

Thuỳ Anh (gt)