Gần đây, Trung Quốc đã có những hành động gây hấn rõ ràng với Ấn Độ liên quan đến biên giới chung ở cao nguyên Doklam thuộc khu vực ngã ba Trung Quốc - Ấn Độ - Bhutan. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình “bằng mọi giá” và Ấn Độ phải ngừng gây căng thẳng. Trong lúc yêu cầu Ấn Độ tiếp tục rút quân khỏi “lãnh thổ Trung Quốc”, tức vùng Đông Lăng theo cách gọi của Bắc Kinh, PLA nói rõ rằng Ấn Độ phải hiểu rằng việc “làm rung chuyển một ngọn núi còn dễ hơn là lay chuyển PLA”.

Mâu thuẫn trong vấn đề Doklam bùng phát do hoạt động xây dựng đường bộ của PLA trong khu vực, khiến quân đội Ấn Độ cùng với Quân đội Hoàng gia Bhutan phải kêu gọi PLA chấm dứt hành động này bởi đây là khu vực đang tranh chấp. Ấn Độ đã thỏa thuận với Bhutan về vấn đề này nhằm ngăn cản quân đội Trung Quốc xây đường bộ, khiến PLA thêm tức giận. Hiện tại PLA đang biến căng thẳng ở khu vực biên giới Doklam thành vấn đề “danh dự quốc gia”, vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập PLA, bằng cách gắn nó với chủ quyền của Trung Quốc.

Việc PLA tuyên bố “chủ quyền” với Ấn Độ nhằm cải thiện hình ảnh quân đội Trung Quốc trong mắt công chúng trong nước trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ XIX, đồng thời cũng thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của PLA vào quá trình ra quyết định của Trung Quốc. “Bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc” đã trở thành một khẩu hiệu của giới lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc trong thời gian gần đây. Minh chứng cho điều này được thể hiện trong tuyên bố mới đây của Tập Cận Bình tại Hong Kong nhân kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong được chuyển giao cho Trung Quốc. Khi đó, Chủ tịch Trung Quốc nêu rõ rằng “thách thức chủ quyền của Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc vượt qua lằn ranh đỏ”.

Được xem là xương sống của CPC, PLA suốt chiều dài lịch sử đã trợ giúp đắc lực cho Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ trong việc duy trì quyền lực mà trong cả việc khẳng định các yêu sách đầy tham vọng về lãnh thổ và lãnh hải. Kể từ khi thành lập vào ngày 1/8/1927, PLA đã trải qua nhiều đợt thay đổi và cải tổ trong quá trình bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc, mà không thách thức nhiều đến quyền lực tối cao của CPC. Những cải cách và tái cơ cấu năm 2016, đợt cải cách toàn diện và lớn nhất trong những năm gần đây, đã nhấn mạnh hơn nữa vai trò của PLA dưới thời Tập Cận Bình, theo đó trao quyền cho cơ quan này trong quá trình ra quyết định có ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia. Sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong vụ căng thẳng ở biên giới Doklam mới đây đã thể hiện quyền lực đang gia tăng của PLA.

PLA ngày nay đóng một vai trò ngày càng thuyết phục trong chính sách của Trung Quốc đối với Ấn Độ. Trong bối cảnh tranh chấp biên giới tồn tại từ lâu giữa hai nước, PLA từng là công cụ trong việc phác thảo chiến lược khu vực lân cận của Bắc Kinh trong khi vẫn thận trọng với Ấn Độ. Việc nâng cấp bậc vị trí chỉ huy quân sự ở Tây Tạng, đặt dưới sự giám sát trực tiếp của lực lượng lục quân của PLA, lý giải cho sự thuyết phục ngày càng tăng này. Một lý do cơ bản đằng sau sự nâng cấp bậc này là nhằm củng cố việc xây dựng quân đội Trung Quốc ở khu vực Tây Tạng, tạo ra lợi thế chiến lược trực tiếp với Ấn Độ. Bộ Chỉ huy Quân khu miền Tây của PLA kiểm soát Sở chỉ huy Tây Tạng, với trụ sở đóng tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên giáp biên giới với Ấn Độ. Điều này cho phép PLA siết chặt sự kiểm soát quân sự ở biên giới Trung-Ấn hơn so với trước đây. Trước thềm kỷ niệm 90 năm ngày thành lập, PLA mới đây đã tiến hành cuộc tập trận quân sự ở cao nguyên Tây Tạng, báo hiệu sự sẵn sàng của lực lượng quân đội đóng tại đây.

Tuyên bố của PLA về vấn đề chủ quyền trong vụ căng thẳng biên giới với Ấn Độ ở khu vực Doklam không phải là một sự kiện hoàn toàn riêng rẽ. Qua đây, Bắc Kinh muốn phát đi thông điệp lớn hơn đến các nước như Nhật Bản về những tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và cả các nước Đông Nam Á (ASEAN) về những tranh chấp ở Biển Đông. Việc PLA ra tuyên bố khẳng định chủ quyền lãnh thổ gắn liền với chiến lược lớn của Trung Quốc là thay đổi từng bước nguyên trạng, một chiến lược “kinh điển” của Trung Quốc. Tranh chấp biên giới trên đất liền với Ấn Độ cho thấy cách mà Trung Quốc biến bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ thành “lãnh thổ tranh chấp” một cách có hệ thống, bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với bang này và thực hiện chiến dịch tuyên truyền của họ một cách mạnh mẽ. Arunachal Pradesh được chính quyền Bắc Kinh đánh giá là một “chương sử phức tạp” trong tranh chấp biên giới Trung-Ấn, và dư luận Trung Quốc hiện nay quan tâm đến việc giành một vị trí vững chắc ở vùng đất này. Đặc điểm tương tự được nhận thấy trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với tranh chấp ở Biển Đông, nơi mà PLA đã gia tăng các yêu sách chủ quyền thông qua nỗ lực bồi đắp đất và quân sự hóa. Tương tự, với việc phớt lờ quyền sở hữu của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, Bắc Kinh đã mở rộng yêu sách của mình và gây áp lực lên Nhật Bản khi biến nó thành tranh chấp chủ quyền trên biển.

Jagannath Panda là chuyên viên nghiên cứu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, Học viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng, New Delhi, Ấn Độ. Bài viết được đăng trên The Asian Age.

Trần Quang (gt)