Phát biểu tại Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung

Đại chiến lược của Trung Quốc tại Châu Á

Bonnie S. Glaser

Cố vấn cao cấp về châu Á, là Chủ tịch Freeman tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, CSIS

Những ý định của Trung Quốc đối với các quốc gia vùng ngoại vi, bao gồm cả các quốc gia Đông Bắc Á và Đông Nam Á, được Tổng bí Thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện rất rõ ràng tại một hội nghị quan trọng về ngoại giao vùng biên tổ chức vào ngày 24-25/10/2013 tại Bắc Kinh. Ông Tập tái khẳng định rằng, từ giờ đến năm 2020 là “thời kỳ cơ hội chiến lược” cho sự tăng trưởng và phát triển của Trung Quốc. Trong thời kỳ này, Trung Quốc cần duy trì môi trường bên ngoài ổn định có lợi cho sự tăng trưởng và đổi mới nền kinh tế.  Theo ông Tập, để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc phải nỗ lực làm sao cho các quốc gia láng giềng “ngày càng thân thiện hơn về chính trị, có mối quan hệ gần gũi hơn về kinh tế đối với Trung Quốc, và hợp tác sâu hơn về an ninh và các mối quan hệ giữa người dân với người dân ngày càng gần gũi hơn”. Ông cũng cho rằng, Trung Quốc cần đối xử với các nước láng giềng như những người bạn, đối tác. Trung Quốc phải khiến cho họ cảm thấy an tâm và giúp đỡ họ phát triển.[1]

Tuy nhiên, cùng lúc ông Tập lại nhấn mạnh rằng chính sách láng giềng tốt của Trung Quốc không có nghĩa bao hàm cả những vấn đề tranh chấp về lãnh thổ, chủ quyền và quyền chủ quyền. Ngay khi trở thành lãnh đạo cao nhất của đảng, Tập Cận Bình đã phát biểu trước Bộ Chính trị rằng, Trung Quốc sẽ không bao giờ hy sinh những lợi ích hợp pháp và quyền lợi cơ bản của mình.[2] Có vẻ như Trung Quốc tin rằng, với nền kinh tế và quân sự đang phát triển của mình, thì theo thời gian sẽ khiến cho các quốc gia láng giềng tin rằng sẽ có lợi nhiều hơn khi hài hòa lợi ích với Trung Quốc hơn là đối đầu. Trong vấn đề xử lý các mối quan hệ với láng giềng, Trung Quốc triển khai đồng thời chính sách “cây gậy và củ cà rốt” nhằm ngăn chặn họ theo đuổi các chính sách gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Chính sách ngoại vi của Bắc Kinh còn nhằm đối trọng với chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á, ngăn chặn việc hình thành một lên minh chống Trung Quốc ở vùng ngoại vi của mình, làm suy yếu các đồng minh của Mỹ.

Ba mục tiêu an ninh cốt lõi của Trung Quốc tại Châu Á

Hiện tại, Trung Quốc đang theo đuổi 3 mục tiêu an ninh cốt lõi tại Đông Á: gia tăng sự kiểm soát đối với các “vùng biển gần”; thúc đẩy sự hội nhập kinh tế khu vực với Trung Quốc là vai trò trung tâm; bảo vệ và thúc đẩy các yêu sách chủ quyền. Bắc Kinh đang nỗ lực đạt được những mục tiêu này trong khi vẫn duy trì mối quan hệ tốt với tất cả các quốc gia láng giềng Đông Á, tránh đối đầu với Mỹ.

Gia tăng kiểm soát đối với các Vùng Biển gần

Hiện đại hóa quân đổi của Trung Quốc tập trung phát triển năng lực của PLA nhằm thực hiện các hoạt động quân sự khu vực, bao gồm cả những khu vực mà Trung Quốc coi là những hoạt động chống can thiệp. Điều này dẫn đến chuỗi hành động và sứ mệnh nhằm ngăn chặn các lực lượng quân sự bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, can thiệp vào một cuộc xung đột tại các vùng biển gần của Trung Quốc, gồm Hoa Đông, Biển Đông và Hoàng Hải. Để hỗ trợ cho chiến lược chống can thiệp, Trung Quốc đã phát triển hàng loạt vũ khí chống tiếp cận (A2AD) như tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn, tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và trên không, tên lửa đạn đạo chống tàu, máy bay chiến đấu hiện đại với khả năng tấn công với độ chính xác cao, máy bay tiếp nhiên liệu trên không, hệ thống máy bay cảnh báo sớm và hệ thống phòng không chống xâm nhập. Ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là làm suy yếu hoặc làm chậm khả năng can thiệp của Mỹ trong trường hợp khủng hoảng bất ngờ nổ ra tại Bán đảo Đài Loan, tuy nhiên những năng lực trên có thể còn được triển khai trong những cuộc khủng hoảng hoặc kịch bản khủng hoảng khác nhau ở khu vực, chẳng hạn như việc Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Mỹ đã nỗ lực đưa vào cam kết hỗ trợ đồng minh Nhật trong trường hợp bị tấn công.

Bảo vệ và thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc

Ở cả Hoa Đông và Biển Đông, Bắc Kinh đều rất quyết đoán về yêu sách lãnh thổ và tài phán của mình. Trong tranh chấp với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Năm 2008, Trung Quốc đã đi bước đi đầu tiên nhằm thay đổi hiện trạng có lợi cho mình, đó là lần đầu tiên Bắc Kinh phái các tàu chấp pháp đi sâu vào vùng biển 12 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong 5 hòn đảo vào tháng 9/2012, Trung Quốc đã chớp thời cơ bắt đầu tiến hành tuần tra ở khu vực lãnh hải và vùng tiếp giáp. Việc xác lập sự hiện diện trên là nhằm thách thức quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo và xác lập quyền tài phán của Trung Quốc tại đây. Tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không trên biển Hoa Đông (ADIZ) vào ngày 23/11/2013 là nhằm gia tăng thêm áp lực đối với Nhật Bản, buộc Tokyo phải chính thức thừa nhận tồn tại tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Những động thái này diễn ra trong bối cảnh từ đánh giá của Trung Quốc: sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự suy yếu tương đối của Nhật Bản tất yếu dẫn đến thay đổi về sức mạnh.

Tại Biển Đông, dường như Trung Quốc đang thực hiện “tăng cường nỗ lực… nhằm khẳng định quyền kiểm soát đối với các thực thể và vùng biển nằm trong đường 9 đoạn.”[3]   Vào tháng 6/2012, Trung Quốc đã nuốt lời khi không thực hiện thỏa thuận với Philippines rút các tàu của mình ra khỏi Bãi cạn Scarborough và chiếm quyền kiểm soát đối với Bãi cạn này, sau đó lập rào chắn ngăn không cho ngư dân từ quốc gia khác vào đánh bắt. Hành động này đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc thay đổi hiện trạng đối với các thực thể ở Biển Đông kể từ năm 1995 khi nước này đánh chiếm Bãi đá Mischief (Vành Khăn) từ Philippines. Gần đây, Trung Quốc cũng thực hiện những hành động khác nhau trên Biển Đông: mời thầu các lô khí trong khu vực vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam khi chúng cách khá xa đối với các thực thể mà Trung Quốc có yêu sách; quấy nhiễu các cuộc khảo sát địa chấn trong vùng EEZ của các quốc gia khác; tuyên bố khu vực quân sự và hành chính tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông; tuyên bố bổ sung các quy định về cấm đánh bắt cá ở các khu vực tranh chấp tại Biển Đông; đưa tàu chiến vào Bãi ngầm James Shoal, một thực thể chìm dưới mặt nước biển và cách bờ biển phía đông Malaysia 80km, với lời tuyên thệ của thủy thủ đoàn “bảo vệ Biển Đông, duy trì chủ quyền quốc gia, phấn đấu hướng tới giấc mơ về một Trung Quốc hùng mạnh”.[4]

Cả ở Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược “lát cắt salami”. Thông qua tiến trình thực hiện bước đi nhỏ, đều đặn không khơi mào cho một cuộc chiến, Bắc Kinh dần tiến tới thay đổi hiện trạng có lợi cho mình. Cách tiếp cận theo từng giai đoạn của Trung Quốc nhằm buộc các bên yêu sách khác phải từ bỏ yêu sách đối kháng chủ quyền với Trung Quốc, thúc đẩy những yêu sách trên biển và chủ quyền của mình.[5] Đặc biệt là những lo ngại về việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng các công cụ kinh tế để chèn ép và ép buộc. Năm 2010, Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu khí hiếm sang Nhật Bản nhằm gây áp lực Tokyo thả viên thuyền trưởng Trung Quốc bị bắt sau khi đâm vào tàu bảo vệ bờ biển của Nhật Bản. Năm 2012, Trung Quốc đã ngưng nhập khẩu sản phẩm hoa quả nhiệt đới của Philippines để buộc Manila phải rút tàu ra khỏi bãi cạn Scarborough. Ảnh hưởng về kinh tế cùng với năng lực bán quân sự và quân sự ngày càng phát triển, Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ những lợi ích của mình ở các vùng biển gần một cách quyết đoán.

Hiện Trung Quốc cũng đang nỗ lực thúc đẩy yêu sách chủ quyền đối với Đài Loan. Sự kết hợp cả về kinh tế và áp lực chính trị đang được sử dụng khiến cho người dân Đài Loan nhìn trước được viễn cảnh về sự lựa chọn giữa độc lập và thống nhất với Đại Lục. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, việc tái thống nhất không phải là ưu tiên cấp bách hàng đầu, có vẻ như Bắc Kinh vẫn giữ được kiên nhẫn miễn là Trung Quốc nhận thấy xu hướng đi đúng theo toan tính của mình.

Hội nhập kinh tế khu vực lấy Trung Quốc là vai trò trung tâm

Trong mục tiêu theo đuổi hội nhập kinh tế khu vực lấy Trung Quốc làm vai trò trung tâm, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc là Tập Cận Bình và Lý Quốc Cường đã đi thăm các quốc gia Đông Nam Á vào tháng 10/2013 nhằm thúc đẩy việc thiết lập con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, con đường liên kết giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, tạo ra khu vực tự do thương mại quanh khu vực ngoại vi của Trung Quốc, làm sâu sắc sự hợp tác kinh tế khu vực bằng việc thành lập ngân hàng cơ sở hạ tầng Châu Á. Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy việc hoàn tất Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm 2015, đây là hiệp định thương mại tự do sẽ bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác FTA (Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và New Zealand). Trung Quốc cũng tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Đông Nam Á như Hành lang Kinh tế Nam Ninh  -Singapore, một dự án kết hợp giao thông đường sắt và đường bộ nối liền các quốc gia Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Một dự án khác là dự án TIểu vùng sông Mê Công mở rộng. Dự án liên kết tỉnh Vân Nam với 6 quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công. Tính liên kết là trọng tâm trong chiến lược thương mại và kinh tế hiện nay của Trung Quốc đối với Đông Nam Á.

Tại Đông Bắc Á, Bắc Kinh chủ động thúc đẩy các hiệp định FTA song phương với Hàn Quốc và FTA đa phương giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hàn Quốc phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc đáng kể: 21,8% trong tổng thương mại của mình (theo số liệu Chiều hướng Thương mại của IMF năm 2012). Lệ thuộc thương mại của Đài Loan vào Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn rất nhiều: 40,82% trong tổng xuất khẩu của nước này năm 2013. Ngoài ra, ước tính khoảng 80% đầu tư nước ngoài của Đài Loan là ở Trung Quốc.

Tăng cường tính phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực là yếu tố quan trọng trong tổng thể chiến lược làm cho các quốc gia láng giềng tin tưởng vào sự trỗi dậy của Trung Quốc, ngăn chặn họ thách thức các lợi ích của mình. Vào những năm 1990 và 2000, chiến lược này tương đối thành công: sự nghi ngờ của khu vực trước những đe dọa tiềm ẩn về một Trung Quốc hùng mạnh hơn đã được loại bỏ. Điều này là bởi vì Bắc Kinh chỉ tập trung hợp tác về kinh tế, gạt các tranh chấp chủ quyền sang một bên, rất ít khi gây áp lực về chính trị với các nước láng giềng. Tuy nhiên, sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong những năm gần đây và xuất hiện quan điểm của người Trung Quốc cho rằng, thời cơ đã đến để gột bỏ những vết nhơ thế kỷ bị sỉ nhục bởi sự xâm lược từ bên ngoài, điều này khiến Trung Quốc thực hiện cách tiếp cận ngày càng cứng rắn hơn đối với khu vực. Sự thay đổi trong cách tiếp cận và hành vi làm sống lại những quan ngại về mối đe dọa Trung Quốc trên toàn bộ khu vực. Tất cả sẽ được phân tích dưới đây.

Trung Quốc có phải là cường quốc theo chủ nghĩa xét lại ở Đông Á?

Mặc dù những mục tiêu và chiến lược ngắn hạn của Trung Quốc có thể tiên đoán được, nhưng những ý định lâu dài của nước này lại không dễ nhận thấy. Một số nhà quan sát thừa nhận rằng, Trung Quốc sẽ theo đuổi chính sách theo kiểu Học thuyết Monroe tại Châu Á. Chẳng hạn, giáo sư Đại học Harvard Stephen Walt cho rằng “Một Trung Quốc hùng mạnh không muốn Mỹ có những đồng minh thân cận và sự hiện diện quân sự lớn ở gần biên giới của mình, rõ ràng là quốc gia này sẽ cố đẩy lực lượng của Mỹ ra khỏi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.”[6] Một chuyên khác lại nhận định rằng, dù tham vọng của Trung Quốc có như thế nào thì hành vi của nước này sẽ bị kiềm chế bởi các quy định và thể chế của hệ thống quốc tế.[7] Theo quan điểm của tôi, còn quá sớm để nói rằng Trung Quốc có phải là một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại ở Châu Á (hoặc toàn cầu) hay không.

Rõ ràng là Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng đối với vấn đề Đài Loan và các thực thể địa lý tại Hoa Đông và Biển Đông, khu vực Trung Quốc có yếu sách nhưng các quốc gia khác đang chiếm giữ. Không rõ là liệu Trung Quốc có tự điều chỉnh cho phù hợp với các luật lệ và quy định được thừa nhận rộng rãi hay không, chẳng hạn như các vấn đề không đe dọa sử dụng vũ lực, tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán và trọng tài quốc tế. Tuy nhiên việc Trung Quốc thẳng thừng từ chối vụ kiện của Philippines lên tòa trọng tài quốc tế lại cho thấy rằng, Trung Quốc sẽ bác bỏ sự can dự của các cơ chế pháp lý quốc tế nhằm làm trung gian hoặc giải quyết các tranh chấp chủ quyền và quyền tài phán.

Ngoài ra cũng có những dấu hiệu cho thấy khả năng Trung Quốc sẽ thách thức những tập quán và luật pháp cụ thể mà quốc gia này không tán thành. Chẳng hạn như việc Trung Quốc khăng khăng yêu cầu các hoạt động quân sự trong vùng EEZ 200 hải lý của một quốc gia phải được sự cho phép của quốc gia ven biển, và coi đó là điều phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất diễn giải theo ý này – ít nhất có 16 quốc gia khác cũng diễn giải theo cách tương tự - tuy nhiên Trung Quốc lại là quốc gia duy nhất thách thức một cách có hệ thống đối với các lực lượng không quân và hải quân Mỹ, dẫn đến nhiều đụng độ nguy hiểm trên biển trong thập kỷ qua. Ngoài ra cũng có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh phân chia giữa “qua lại vô hại” trong vùng EEZ của một quốc gia, điều Trung Quốc ủng hộ với “tự do hàng hải” là điều mà Trung Quốc phản đối, bởi điều đó sẽ dẫn đến các hoạt động có mục đích giám sát và thủ thập tin tức.

Trung Quốc cáo buộc những nỗ lực của Mỹ tăng cường các mối quan hệ đồng minh quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc là nhân tố làm bất ổn khu vực, chỉ trích các mối quan hệ đó là “di sản của Chiến tranh Lạnh”. Việc thường xuyên tìm cách chia rẽ quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh dường như vẫn tiếp tục được thực hiện, mặc dù Trung Quốc có thể biết trước được là những mối quan hệ đồng minh này sẽ duy trì được nét đặc trưng về môi trường an ninh trong một thời gian tương đối dài trong tương lai. Chỉ có những biến cố rất lớn, chẳng hạn như sự sụp đổ về kiểm soát chính trị tại Bắc Triều Tiên hoặc sự thống nhất Bán đảo Triều Tiên mới có thể thể kiểm nghiệm được Trung Quốc có sẵn sàng sử dụng áp lực để phá vỡ quan hệ đồng minh của Mỹ, đẩy lực lượng của quốc gia này ra khỏi khu vực.

Có lẽ là hợp lý nhận định rằng, khi sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc tiếp tục phát triển thì quốc gia này sẽ không chấp nhận vị trí đứng đầu của Mỹ tại Đông Á, một vị thế được xác lập từ trước tới nay. Năng lực và sự sẵn sàng của Mỹ sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò là người cân bằng trong khu vực, đó sẽ là nhân tố then chốt ảnh hưởng đến hành vi của Trung Quốc, kể cả phạm vi và cách thức mà Trung Quốc theo đuổi nhằm thách thức vị trí đứng đầu của Mỹ cũng như các quy chuẩn, luật pháp hiện hành. Một nhân tố khác có ảnh hưởng đến hành vi của Trung Quốc: liệu Bắc Kinh có cho rằng những lợi ích căn bản của mình có thể được bảo vệ bởi các cơ chế an ninh hiện hành trong khu vực hay không.

Tác động của Trung Quốc đối với xu hướng an ninh khu vực

Sự quan ngại của khu vực về hành vi và ý định của Trung Quốc ở Châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng. Một cuộc thăm dò của Research Center’s Global Attitudes Project đã được thực hiện ở một số quốc gia trong vực năm 2013, cuộc thăm dò nhằm đánh giá mực độ quan ngại của khu vực. Trả lời cho câu hỏi “Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với quốc gia của bạn lớn tới mực nào?”, tỷ lệ trả lời cho rằng vấn đề tranh chấp là “rất lớn” hoặc “lớn” tại Nhật Bản là 82%, Philippines là 90%, Indonesia là 62%, Malaysia là 36% và Hàn Quốc là 77%.[8]

Quan ngại về Trung Quốc đặc biệt “nóng” ở Nhật Bản khi Nhật Bản phản ứng lại trước áp lực ngày càng tăng từ các tàu chấp pháp của Trung Quốc, gia tăng hoạt động hải quân ở các vùng biển quanh Nhật Bản và tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không tại Hoa Đông (ADIZ). Trong vòng 5 năm tới, Nhật Bản sẽ tăng mức chi tiêu quốc phòng lên 5% nhằm mua sắm các thiết bị quân sự, bao gồm máy bay do thám không người lái đầu tiên của mình, máy bay tàng hình F-35 của Mỹ và hệ thống chiến đấu Aegis. Nhằm đối phó với mối đe dọa Trung Quốc ngày càng tăng, trọng tâm của Nhật Bản đã chuyển hướng sang bảo vệ các hòn đảo ở phía tây nam, bao gồm việc thành lập một đơn vị hoạt động trên biển theo kiểu lính Thủy quân Lục chiến có khả năng tái chiếm lại các hòn đảo ở khoảng cách xa xôi.

Hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông bắt đầu từ năm 2007 đã làm sống lại những ký ức về hàng thập kỷ xâm lược của Trung Quốc, dần làm thay đổi đáng kể xu hướng an ninh khu vực. Các quốc gia Đông Nam Á trước đây cảnh giác về sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở khu vực thì nay không còn e ngại về sự thống trị của Mỹ nữa. Thay vào đó, ngày càng có nhiều quốc gia nhìn nhận mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ là phương thức phòng ngừa hữu hiệu đối với hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Hầu như tất cả các quốc gia Đông Bắc Á và Đông Nam Á công khai hoặc ngầm ủng hộ chính sách tái cân bằng của Mỹ tại Châu Á và hy vọng rằng, Mỹ sẽ duy trì vai trò cân bằng của mình và là đối trọng với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc.[9]

Đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc trong tranh chấp biển tại Bãi cạn Scarborough, Bãi Second Thomas và Bãi cạn Reed Bank (Bãi Cỏ rong), Philippines, quốc gia trước đây buộc Mỹ phải rút lực lượng khỏi căn cứ hải quân tại Vịnh Subic năm 1992, giờ lại mong muốn Mỹ gia tăng hiện diện trong khu vực. Theo thông tin thì Manila sẽ ký một thỏa thuận cho phép các lực lượng Mỹ triển khai luân phiên tại các căn cứ ở Philippines. Mối lo lắng cũng ngày càng tăng ở Singapore. Các quan chức nước này đã kêu gọi Trung Quốc làm rõ những yêu sách của mình tại Biển Đông, kín đáo thúc giục quan chức Mỹ bày tỏ một cách mạnh mẽ ủng hộ tự do hàng hải và thiết lập một hệ thống dựa trên những luật lệ. Hành vi bắt nạt của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam và quấy nhiễu các dự án khai thác dầu khí trong vùng EEZ của Việt Nam khiến cho Hà Nội càng mong muốn hợp tác ới Mỹ. Nhằm phòng ngừa sự bất ổn tiềm tàng ở Biển Đông, Indonesia đã tuyên bố rằng nước này sẽ triển khai thêm lực lượng không quân và quân đội đến các vùng biển đảo Natuna. Việc Trung Quốc tiến hành đến 2 cuộc tập trận hải quân trong vòng chưa đầy 1 năm xung quanh khu vực Bãi James Shoal buộc Malaysia âm thầm thúc đẩy hợp tác với Philippines và Việt Nam trong vài tháng gần đây.

Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á đang tiến hành tăng cường năng lực quân sự của mình. Việt Nam sẽ mua những chiếc tàu ngầm Kilo của Nga và tên lửa hành trình chống tàu của Ấn Độ. Philippines đang có kế hoạch mua một đội máy bay chiến đấu của Hàn Quốc và 3 chiếc trực thăng hải quân của Ý. Indonesia sẽ mua tàu ngầm của Hàn Quốc, máy bay Sukhoi của Nga, F-16 của Mỹ và tên lửa chống tàu của Trung Quốc.[10]

Kỳ vòng ngày càng tăng về can dự của Mỹ trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và quân sự với khu vực đang bị xen lẫn bởi những hoài nghi rằng: chính sách tái cân bằng của Mỹ thực sự chưa đủ tin cậy và thiếu kiên nhẫn. Các quốc gia khu vực lo ngại có thể một lần nữa Mỹ sẽ bị kéo vào những khủng hoảng ở Trung Đông hay một nơi nào đó, bỏ mặc họ với năng lực không đủ để chống chọi lại với Trung Quốc. Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông là tín hiệu quan trọng đối với các quốc gia ở Đông Nam Á, mặc dù gần đây họ bắt đầu nhìn nhận những diễn biến ở Đông Bắc Á (chẳng hạn như tuyên bố thành lập ADIZ của Trung Quốc) là dấu hiệu về việc Trung Quốc  sẵn sàng thực hiện hành vi chèn ép đối với tất cả. Các quốc gia Đông Nam Á đang trông mong vào Mỹ thông qua ngoại giao cả về lời nói và hành động để đẩy mạnh việc giải quyết các tranh chấp hòa bình và theo luật pháp. Tuy nhiên, song song với đó họ lại muốn sử dụng khung đối thoại đa phương của ASEAN, tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ về vai trò trung tâm của ASEAN, sử dụng sức mạnh ngoại giao tập thể để gây ảnh hưởng lên lựa chọn chính sách của Trung Quốc.

Mặc dù khu vực chào đón sự gia tăng hiện diện và tập trung vào Đông Nam Á của Mỹ, nhưng đa số các quốc gia đều không mong muốn phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Ưu tiên của họ là tìm kiếm lợi ích từ việc có mối quan hệ tôt với cả hai quốc gia và e ngại về những hệ quả sự đối đầu Mỹ - Trung ngay trên sân nhà của mình. Vì vậy, Mỹ phải thực sự nỗ lực cân bằng giữa vấn đề trấn an các đồng minh và đối tác của mình vừa tránh gia tăng căng thẳng quá mức với Bắc Kinh.

PLA trong chính sách khu vực: Vai trò, Ảnh hưởng và Năng lực

Hàng thập kỷ đổi mới với mục đích chuyên nghiệp hóa các lực lượng vũ trang đã giới hạn vai trò của PLA trong hoạch định chính sách đối ngoại, làm thu hẹp trọng tâm đối với các vấn đề quân sự truyền thống, các vấn đề liên quan đến quốc phòng như kiểm soát và phổ biến vũ khí, và chính sách đối với các quốc gia có tác động trực tiếp đến an ninh của Trung Quốc. Tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á, ảnh hưởng của PLA có vẻ lớn hơn rất nhiều so với chính sách đối với Đài Loan, Nhật Bản, Nga và Mỹ. Cùng với Cơ quan Hải dương Quốc gia, thuộc Bộ Tài nguyên Đất đai (cơ quan kiểm soát các lực lượng mới được thành lập gần đây: lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc thuộc bộ Công An, lực lượng kiểm ngư thuộc Bô Nông nghiệp và cảnh sát chống buôn lậu trên biển thuộc Tổng cục Hải quan), PLA cũng ảnh hưởng lên chính sách đối với các vấn đề trên biển tại các vùng biển gần.

Ảnh hưởng của PLA ở mức cấp cao nhất, Ban Thường vụ Bộ Chính trị (PBSC), bị hạn chế bởi thiếu đại diện trong cơ quan này. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) hiện tại là Tập Cận Bình. Ông Tập thuộc PBSC, đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung Ương (CMC), ông được coi là cầu nối quan trọng giữa giới dân sự và quân sự. Các cuộc họp của CMC được tổ chức sáu lần một năm, mỗi đợt kéo dài vài ngày, tạo cơ hội quan trọng cho sự kết nối giữa PLA với cấp lãnh đạo cao nhất. Ngoài ra, các quan chức cấp cao PLA tham gia vào các Tiểu ban Lãnh đạo về vấn đề đối ngoại, Đài Loan và an ninh quốc gia, các tiểu ban đều thuộc sự chỉ đạo của Tập Cận Bình. Mặc dù thành viên của Ủy ban An ninh Quốc gia (mới được thành lập) do Tập Cận Bình lãnh đạo vẫn chưa được công bố nhưng chắc chắn sẽ có các nhân vật cấp cao của PLA.

Các bằng chứng cho đến nay cho thấy rằng, dường như PLA khá hài lòng về mối quan hệ của mình với ông Tập, bao gồm mối liên kết của ông Tập với quân đội, sự tham dự đối với các vấn đề quốc phòng, quan điểm về các vấn đề an ninh mở rộng và sự ủng hộ của ông trong vấn đề hiện đại quân đội Trung Quốc. Mối quan hệ của ông Tập với PLA có thể được hình thành từ những năm 1970 khi được bố mình là Tập Trọng Huân, một người anh hùng trong thời cách mạng Trung Quốc giới thiệu làm thư ký cho nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Biểu. Trong suốt 17 năm làm việc tại tỉnh Phúc Kiến, ông Tập cũng được cho là kết thân với với một số viên chỉ huy trẻ, những người có cùng nên tảng Thế hệ Đỏ thứ hai, một thuật ngữ áp chỉ đến con cháu của những người có công thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC). Trong số đó có Hứa Kỳ Lượng, hiện đang là phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, Thái Anh Đĩnh, tư lệnh quân khu Nam Ninh.[11]

Sau khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch CMC – khác với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, ông Tập đồng thời giữ chức vụ chủ tịch nước – Tập Cận Bình được cho là sẽ phải nhanh chóng củng cố mối quan hệ của mình với quân đội thông qua nhiều cách thức khác nhau, như có nhều chuyến thăm đến các quân khu và bổ nhiệm thêm 3 vị tướng. Sự ủng hộ của ông Tập đối với quân đội được thể hiện bằng việc phê chuẩn tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng lên 12,2% vào năm 2014, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Cùng lúc, ông Tập cũng quyết tâm loại trừ tham nhũng trong PLA. Vị thế của ông Tập hiện nay rõ ràng là như một ông vua và có được sự tôn trọng nhất định từ giới quân sự.

Việc gia tăng tầm quan trọng an ninh biển trong ưu tiên an ninh của Trung Quốc, được Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh tại Đại Hội Đảng lần thứ 18 nhằm biến Trung Quốc thành cường quốc biển và “kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc” đã củng cố tiếng nói của Hải quân Trung Quốc (PLAN) và các cơ quan chấp pháp của mình. Ông Tập đã khẳng định lại tầm quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh biển của Trung Quốc tại một phiên thảo luận của Bộ Chính trị vào tháng 7/2013 bằng việc quyết định đưa hai thành viên PLA vào Bộ Chính trị, đó là tướng Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng. Các đại diện từ PLA và các cơ quan chấp pháp trên biển phụ trách Phòng Quản lý Biển, đây là cơ quan được thành lập vào tháng 9/2012 nhằm phối hợp với các cơ quan của Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã phụ trách Văn phòng này trước cả khi trở thành Tổng Bí thư.

Các chuyên gia và nhà bình luận của PLA luôn là những người ủng hộ trung thành đối với quan điểm cứng rắn trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, họ đều chỉ trích chính sách tái cân bằng của Mỹ đối với Châu Á, cho rằng chính sách là nhằm lôi kéo láng giềng đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, quan điểm cứng rắn này cũng được giới quan chức và nhà phân tích dân sự thể hiện rộng rãi. Trong một số tình huống, PLA còn thúc đẩy một chính sách cụ thể nào đó và vượt qua cả tầm ảnh hưởng của giới lãnh đạo mà không cần sự xem xét và chấp thuận của giới dân sự. Chẳng hạn, theo một số nguồn tin cho rằng, PLA đã gây áp lực trong việc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng Không tại Biển Hoa Đông (ADIZ) và thuyết phục lãnh đạo Trung Quốc thông qua mà không cần tham vấn với bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Để bảo vệ yêu sách biển, tiếp cận các nguồn tài nguyên, Trung Quốc chủ yếu dựa vào sự kết hợp giữa công cụ kinh tế và ngoại giao, cũng như hoạt động tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển. PLAN hoạt động giữ khoảng cách so với các tàu Bảo vệ Bờ biển, bảo đảm an ninh cho các tàu này. Tàu của PLAN cũng tuần tra thường xuyên tại các vùng lãnh thổ mà nước này yêu sách để tiến hành giám sát và khẳng định chủ quyền trên biển của mình.

Sứ mệnh của PLAN tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á bao gồm các nhiệm vụ: khẳng định yêu sách chủ quyền, duy trì tính sẵn sàng cho khả năng xảy ra tình huống bất ngờ ở Đài Loan, thực hiện các hoạt động chống tiếp cận, tiến hành ngoại giao hải quân, tiến hành hoạt động răn đe trong khu vực, thực hiện hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Để thực hiện các sứ mệnh này, tiến trình hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng trên các mặt: đầu tư bền vững phát triển các loại tên lửa đạn đạo thông thường tầm trung và tầm ngắn, tên lửa hành trình chống tàu và tấn công mặt đất, vũ khí không gian và năng lực không gian mạng của quân đội. PLA cũng tiếp tục phát triển năng lực răn đe hạt nhân và tấn công tầm xa; máy bay chiến đấu tân tiến; tầm ảnh hưởng sức mạnh khu vực còn hạn chế, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh vẫn đang thử nghiệm; hoạt động đổ bộ; liên kết hoạt động phòng không; chiến tranh dưới mặt biển; tăng cường chỉ huy và kiểm soát; và phát triển thêm các hoạt động tập trận và huấn luận nâng cao đối với toàn bộ lực lượng trên bộ, hải quân và không quân.[12]

Hoạt động tập trận quân sự của Trung Quốc diễn ra ngày càng đều đặn và nâng cao hơn. PLA đã nhìn nhận sự cần thiết phải có thêm những hoạt động tập luyện thực tế kết hợp với tất cả các phương diện “chiến tranh cục bộ trong điều kiện thông tin hóa”, nhấn mạnh tầm quan trọng đối với phối hợp tác chiến. Những cuộc diễn tập diễn ra trong môi trường phối hợp chung và môi trường điện từ tinh vi phức tạp. Hiện tại, PLA thường xuyên tiến hành tập trận nhằm thể hiện sự phát triển về công nghệ thông tin và tích hợp thông tin trong hoạt động thu thập tình báo, phối hợp chỉ huy, phối hợp chiến đấu và hoạt động bổ trợ. Sách Trắng Quốc phòng gần đây nhất của Trung Quốc nhấn mạnh nỗ lực của PLA nhằm tăng cường “sẵn sàng chiến đấu” và thúc đẩy phát triển hoạt động huấn luyện thực tế.[13] Trong khi năng lực “sẵn sàng chiến đấu” là ưu tiên lâu dài của PLA, thì giờ đây nó trở thành nhiệm vụ chủ chốt kể từ khi Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Hoạt động huấn luyện của PLAN tại các vùng biển gần trong những năm gần đây gia tăng mạnh. Các đội tàu hải quân của Trung Quốc thường xuyên di chuyển giữa biển Hoa Đông và Thái Bình Dương, sử dụng các lộ trình khác nhau. Máy bay chiến đấu đều đặn thực hiện hoạt động giám sát và cảnh báo cũng như tuần tra trên không tại Hoa Đông. Mãy bay chiến đấu Trung Quốc tăng cường hoạt động xung quanh không phận của Nhật Bản, mở rộng vùng hoạt động và bay theo đội hình bay khác nhau.[14]

Số lượng và quy mô các cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông đang gia tăng. Chẳng hạn, Trung Quốc đã tiến hành 37 cuộc tập trận với tàu sân bay Liêu Ninh vào cuối năm ngoái, cuộc tập trận có sự tha gia của máy bay chiến đấu, tàu hải quân và tàu ngầm. Zhang Zheng, thuyền trưởng tàu Liêu Ninh đã nói rằng, cuộc tập trận là nhằm “tích hợp tất cả các yếu tố: thử nghiệm, huấn luyện và chiến đấu trên tàu sân bay trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học và huấn luyện trên Biển Đông.”[15] Một cuộc tập trận khác cũng đã diễn ra vào đầu năm 2014 có lẽ là để nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển trong đường 9 đoạn. Hai chiếc tàu khu trục Trung Quốc và tàu đổ bộ có sàn đỗ máy bay, Changbaisan, có thể được tàu ngầm hộ tống, lần đầu tiên tiến hành tuần tra tại quần đảo Hoàng Sa, sau đó di chuyển đến Bãi James Shoal, một rặng san hô chìm cách bờ biển Malaysia khoảng 50 hải lý mà Trung Quốc yêu sách là lãnh thổ phía cực nam của mình. Tại đây thủy thủ đoàn đã tuyên thệ quyết bảo vệ lãnh thổ của quốc gia. Đội tàu sau đó tiếp tục di chuyển ra khỏi vùng lãnh thổ yêu sách  tới Ấn Độ Dương, lần đầu tiên tiến hành tập trận tại vùng biển phía nam Indonesia, trước đó đội tàu đã trở lại phía bắc và tiến hành tập trận bắn đạn thật 5 ngày tại Tây Thái Bình Dương.[16] Đặc biệt, đội tàu lần đầu tiên đã đi tới Ấn Độ Dương mà không đi qua eo biển Malacca thay vì đi qua eo Sunda, Lombok và Makassar.

Tập Cận Bình được cho là đang nỗ lực tổ chức lại quân đội nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến. Việc tái cơ cấu có thể cho phép PLA đáp trả hiệu quả hơn các mối đe dọa từ bên ngoài, đặc biệt là tại các vùng biển có tranh chap. Ba quan khu Tế Nam, Nam Kinh và Quảng Châu có khả năng sẽ nhập làm một, trở thành Bộ Chỉ huy Lực lượng Liên quân và đảm trách các vùng biển gần. Những thay đổi này xuất hiện ngay sau chỉ thị của Tập Cận Bình vào mùa thu năm 2013 nhằm tăng cường tính linh hoạt trong tác chiến và sự phối hợp trong chiến đấu. Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ rằng việc tái cơ cấu đang được lên kế hoạch, nhưng cũng không cần phải ngạc nhiên; có lẽ lời tuyên bố sẽ được đưa ra khi quá trình chuẩn bị được hoàn tất. Việc tổ chức lại cấu trúc hoạt động của PLA cho phép lực lượng này có khả năng phán ứng nhanh chóng đối với các mối đe dọa từ bên ngoài. Các chiến dịch tác chiến Không – Hải chiến đòi hỏi sự hợp tác chắc chẽ giữa cá nhân và chủy huy của tất cả lực lượng quân sự của Trung Quốc có thể trở thành một trọng tâm mới.

Kiến nghị đối với chính sách của Mỹ

Trong thập kỷ tới, Mỹ sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc định hình môi trường an ninh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ phải tiếp tục can dự về mặt kinh tế, ngoại giao và quân sự để định hình cán cân sức mạnh trong lai của khu vực, đảm bảo môi trường đó duy trì được những lợi ích của Mỹ, đồng minh và đối tác của mình. Quốc hội có thể và phải đóng vai trò chủ chốt trong tiến trình này. Dưới đây là một số kiến nghị lên quốc hội trong thời gian tới:

Thứ nhất, Quốc hội cần yêu cầu cơ quan Hành pháp đưa ra một bản chiến lược về tái cân bằng đối với Châu Á. Tài liệu này cần đặt ra mục tiêu và tiêu chuẩn rõ ràng để đánh giá tiến trình này. Chính sách đó cũng cần vạch ra cách tiếp cận toàn diện và có sự phối hợp của chính phủ đối với tái cân bằng.

Thứ hai, thông qua lập pháp, điều trần và tuyên truyền, Quốc hội cần chuyển tải đến công chúng Mỹ về tầm quan trọng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đối với lợi ích của Mỹ hiện tại và tương lai. Nhìn chung, người Mỹ không để ý đến châu Á và những cuộc thăm dò gần đây cho thấy một xu hướng mới đối với chủ nghĩa biệt lập, một xu hướng có thể gây tổn hại đến những lợi ích của người Mỹ.[17]

Thứ ba, Quốc hội cần khuyến khích các nhà lập pháp và các chính phủ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương ủng hộ Philippines sử dụng cơ chế tòa trọng tài quốc tế hiện hành trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Đến này thì chỉ có Mỹ và Nhật Bản ủng hộ quyết định của Manila đưa vụ việc lên tòa trọng tài UNCLOS. Nếu có nhiều nước, kể cả các thành viên của ASEAN lên tiếng ủng hộ việc áp dụng luật quốc tế giải quyết tranh chấp, có lẽ điều đó sẽ buộc Bắc Kinh phải nhận thấy việc coi thường quy định của tòa trọng tài sẽ phải trả cái giá rất lớn, thậm chí đường 9 đoạn của Trung Quốc sẽ bị coi là bất hợp pháp.

Thứ tư, Thượng viện Mỹ nên phê chuẩn UNCLOS, điều này sẽ tăng hiệu quả đối với những nỗ lực của Mỹ khi theo đuổi cách tiếp cận dựa trên luật pháp trong vấn đề quản lý và giải quyết tranh chấp quyền tài phán trên biển. Công ước Luật biển (UNCLOS) phù hợp với lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Rõ ràng là công ước vẫn cho phép tàu chiến và máy bay Mỹ đi qua và ngang qua lãnh hải của một quốc gia khác. Do vậy, việc phê chuẩn sẽ có lợi trong vấn đề bảo đảm tự do hàng hải tại châu Á – Thái Bình Dương.

Thứ năm, Quốc hội cần thúc giục cơ quan hành pháp áp đặt trừng phạt lên Trung Quốc khi quốc gia này vi phạm những quy định và luật pháp quốc tế. Nếu như Bắc Kinh có thể trắng trợn vi phạm các thông lệ và luật pháp quốc tế mà không bị trừng phạt, như vậy Trung Quốc sẽ không thể trở thành một quốc gia có trách nhiệm đối với khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, chính phủ cũng cần phải yêu cầu Trung Quốc rõ ràng hơn về việc nước này tìm cách sửa đổi các quy định và luật lệ quốc tế trong tương lai.

Thứ sáu, Quốc hội cần ban hành luật quyền xúc tiến thương mại càng sớm càng tốt, như vậy chính phủ có thể thuyết phục các quốc gia đàm phán TPP mà Mỹ không chỉ ký mà còn phê chuẩn một hiệp định TPP tiêu chuẩn cao. Việc duy trì vai trò lãnh đạo về kinh tế của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương là điều thiết yếu để tăng cường năng lực đạt được các lợi ích khác, kể cả việc thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển dựa trên quy định, luật pháp quốc tế.

Thứ bảy, Quốc hội phải cung cấp nguồn lực hỗ trợ cho tái cân bằng đối với châu Á. Ngân sách đầy đủ là điều thiết yếu để Mỹ duy trì sự sẵn sàng và hiện diện tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Đó cũng là điều cần thiết đề duy trì sự can dự và ngoại giao của Mỹ ở các thể chế đa phương của khu vực, là nơi hết sức quan trọng đối với uy tín và sự thành công của chính sách tái cân bằng. Ngoài ra, Mỹ cũng cần tiếp tục xây dựng năng lực của các đối tác và đồng minh để tăng cường năng lực trên biển tại Hoa Đông và Biển Đông.

Bonnie S. Glaser, Cố vấn cao cấp về châu Á, là Chủ tịch Freeman tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, CSIS. Bài viết được đăng trên CSIS.

Đọc bản PDF tại đây

Trần Quang (dịch)



[1] “Xi Jinping: China to further friendly relations with neighboring countries,” Xinhua, October 26, 2013. http://news.xinhuanet.com/english/china/2013-10/26/c_125601680.htm.

[2] “No Compromises over China’s Sovereignty: Xi,” Xinhua, January 30, 2013, http://english.sina.com/china/2013/0129/555233.html.

[3] Testimony of Daniel Russel, Assistant Secretary ofState, Bureau of East Asian and Pacific Affairs, before the House Committee on Foreign Affairs, February 5, 2014, http://docs.house.gov/meetings/FA/FA05/20140205/101715/HHRG-113-FA05-Wstate-RusselD-20140205.pdf.

[4] Greg Torode, “PLA Navy Amphibious Task Force Reaches Malaysia ‘to Defend South China Sea,” South China Morning Post, http://www.scmp.com/news/asia/article/1200564/pla-navy-amphibious-task-force-reaches-jamesshoal-near-malaysia.

[5] Bonnie S. Glaser, Statement before the U.S. House Armed Services Subcommittee on Seapower and Projection Forces and the House Foreign Affairs Subcommittee on the Asia Pacific, January 14, 2014, http://csis.org/files/attachments/ts140114_glaser.pdf.

[6] “Dealing with a Chinese Monroe Doctrine,” http://www.nytimes.com/roomfordebate/2012/05/02/are-we-headedfor-a-cold-war-with-china/dealing-with-a-chinese-monroe-doctrine.

[7] John Ikenberry, “The Rise of China and the Future of the West,” Foreign Affairs, January/February 2008.

[8] Richard Wike and Bruce Stokes, “Who Is Up, Who Is Down: Global Views of China and the U.S.,” Pew Research Center, Global Attitudes Project, July 2013, http://www.slideshare.net/PewResearchCenter/who-is-up-who-is-downglobal-views-of-china-the-us-71813.

[9] Robert G. Sutter, Michael E. Brown, and Timothy J.A. Adamson, Balancing Acts: The U.S. Rebalance and AsiaPacific Stability, Elliot School of International Affairs, The George Washington University, August 2013, http://www2.gwu.edu/~sigur/assets/docs/BalancingActs_Compiled1.pdf.

[10] http://www.scmp.com/news/asia/article/1146155/southeast-asian-countries-stock-arms-they-face-china?login=1.

[11] http://www.wantchinatimes.com/news-subclass-cnt.aspx?id=20130508000040&cid=1101

[12] DOD report. http://www.defense.gov/pubs/2013_China_Report_FINAL.pdf.

[13] The Diversified Employment of China’s Armed Forces, Information Office of the State Council, April 2013, http://news.xinhuanet.com/english/china/2013-04/16/c_132312681.htm

[14] http://www.mod.go.jp/e/d_act/ryouku/index.html.

[15] http://www.voanews.com/content/chinas-aircraft-carrier-returns-from-south-china-sea-mission/1821831.html

[16] http://online.wsj.com/news/articles/SB10001424052702304914204579392720879214320.

[17] Trong một cuộc phỏng vấn của Pew vào tiến hành từ 30/10 đến 6/11/2013, 52% người Mỹ đã cho rằng "Mỹ chỉ nên quan tâm đến các vấn đề quốc tế của riêng mình và hãy để các nước tự hòa giải với nhau." Con số đó trước đây nằm vào khảng 20-40%. Khi được hỏi họ có đồng ý rằng Mỹ không nên chú ý quá nhiều đến các vấn đề quốc tế và nên tập trung vào các vấn đề trong nước của mình, con số đồng ý của số người khảo sát lên đến 80%, một con số cao kỷ lục và chỉ có 16% không đồng ý. Xem thêm tại http://www.people-press.org/2013/12/03/public-sees-u-s-powerdeclining-as-support-for-global-engagement-slips/.