Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao

Kính thưa các vị khách quý,

Thưa Quý bà, Quý ông,

Thay mặt Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam – đơn vị đồng Tổ chức – tôi xin nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các quý vị đại biểu đã tới dự Hội thảo Quốc tế “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực” lần thứ ba được tổ chức Việt Nam.

Thưa các Quý vị,

Một năm đã qua kể từ Hội thảo lần thứ 2 tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Biển Đông đã chứng kiến nhiều biến chuyển. Cộng đồng khu vực và thế giới ngày càng quan tâm nhiều hơn tới Biển Đông. Thế giới quan tâm hơn vì Biển Đông có ý nghĩa ngày càng quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển, không chỉ của khu vực Đông Á mà của toàn Châu Á-Thái Bình Dương. Thế giới quan tâm hơn vì Biển Đông vẫn tiềm ẩn những bất ổn mà nếu không có sự kiềm chế, sự tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế của các bên liên quan, nếu không có những nỗ lực có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Trong năm qua, Biển Đông cơ bản là hòa bình, ổn định. Nhưng cũng có lúc, nguy cơ xung đột “nóng” đã hiện hiện hữu, cũng có lúc cộng đồng khu vực và quốc tế đã phải “nín thở”. Năm qua cũng là năm các nước liên quan có nhiều nỗ lực ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác. Sau chín năm bản thảo, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về các Nguyên tắc triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Giữa các nước liên quan trực tiếp tới tranh chấp, nhất là giữa Việt Nam, Philippines và Trung Quốc, có rất nhiều nỗ lực ngoại giao. Trên các hội nghị, diễn đàn chính thức của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, Biển Đông và việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông đã trở thành chủ đề quan trọng được quan tâm và được thảo luận với tinh thần xây dựng. Các cơ chế hợp tác mới trên Biển Đông giữa quân đội, hải quân và các lực lượng thực thi luật pháp của các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác đã được thảo luận. Từ một chủ đề bị coi là “nhạy cảm”, Biển Đông và việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông đã ngày càng được thảo luận chính thức trên tinh thần tôn trọng luật pháp, công khai, minh bạch vì lợi ích của các bên liên quan và lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế.

Đồng hành cùng với những diễn biến tích cực trên đây, các học giả nghiên cứu về Biển Đông, mà rất nhiều quý vị đang có mặt tại Hội thảo hôm nay, thông qua việc công bố các kết quả nghiên cứu, thông qua việc phát biểu chính kiến của mình, đã đóng góp rất quan trọng. Nếu tôi không nhầm thì năm 2009, ở khu vực chúng ta chỉ có 3 hội thảo quốc tế về Biển Đông, năm 2010, có 7 Hội thảo. Nhưng năm 2011 có tới 15 hội thảo. Và điều quan trọng là, các vấn đề thảo luận, các đánh giá và kiến nghị ngày càng thiết thực đối với việc giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông. Chính những hoạt động nghiên cứu và thảo luận này đã góp phần quan trọng đưa Biển Đông vào “Ra-đa” kiểm soát của cộng đồng quốc tế; bản chất của tranh chấp trên Biển Đông cũng như các vụ việc xảy ra trên Biển Đông được phân tích, đánh giá trên tình thần khoa học, khách quan để dư luận trong nội bộ từng bên liên quan đến tranh chấp và dư luận quốc tế có thông tin đầy đủ và nhiều chiều hơn.

Thưa các Quý vị,

Biển Đông là một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới. Sự phức tạp ấy đang gia tăng gấp bội do những biến chuyển của tình hình kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh ở khu vực. Bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống như tranh chấp đảo, tranh chấp vùng biển; các vấn đề an ninh phi truyền thống như: cướp biển, cướp có vũ trang trên biển, ô nhiễm môi trường biển, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên sinh vật biển, sự suy giảm đa dạng sinh học biển; biến đổi khí hậu… đang ngày càng nghiêm trọng.

Những nỗ lực hợp tác trên đây mới chỉ là bước đầu trên một con đường vô cùng lâu dài và gian khổ để các bên liên quan đến tranh chấp, trực tiếp và không trực tiếp, hành động vì lợi ích của mình mà tính đến lợi ích của các bên liên quan khác và của cả cộng đồng quốc tế, để hướng tới mục tiêu cuối cùng là biến Biển Đông từ khu vực tranh chấp phức tạp, thực sự trở thành một khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thưa các Quý vị,

Tiếp theo tinh thần của hai hội thảo trước, Hội thảo của chúng ta hôm nay là một diễn đàn hoàn toàn khoa học  với những mục tiêu :

- Trao đổi các kết quả nghiên cứu, các đánh giá từ góc độ luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế về tầm quan trọng của Biển Đông trong bối cảnh môi trường chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh của khu vực đang và sẽ có nhiều thay đổi.

- Trao đổi các kết quả nghiên cứu, các đánh giá từ góc độ luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế về lợi ích, chính sách của các bên; về những diễn biến gần đây trên Biển Đông. Và quan trọng nhất là

- Đề xuất những kiến nghị cho chính phủ các nước liên quan trực tiếp và không trực tiếp tới tranh chấp để tăng cường hợp tác, quản lý hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa và kiểm soát các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông.

Thưa các quý vị,

Với phương thức thảo luận là thẳng thắn, khách quan, xây dựng và cầu thị, Hội thảo của chúng ta sẽ là một ngày hội về trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành thế giới nghiên cứu về Biển Đông, sẽ có những đóng góp tích cực để giờ này sang năm gặp lại chúng ta có thể vui mừng hơn vì có thêm nhiều cơ chế hợp tác được thiết lập; vì lòng tin giữa các bên liên quan đến tranh chấp được củng cố và do đó Biển Đông an ninh hơn, thịnh vượng hơn.

Trên tinh thần đó, tôi xin trân trọng khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế làn thứ 3 “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực.”

Xin chúc sức khoẻ tất cả các quý vị, và chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám độc Học viện Ngoại Giao