Điều gì buộc phải tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế? Có hai trường phái giữ quan điểm hoàn toàn khác biệt về vấn đề này. Những người theo chủ nghĩa duy lý tin rằng các quốc gia lựa chọn tuân thủ hay không là do lo sợ sự trừng phạt theo hình thức chế tài, sự cưỡng chế quốc tế hay các hình thức trả giá khác. Những người giải thích luật ở Mỹ thì tin rằng các quốc gia lựa chọn tuân thủ luật pháp quốc tế bởi họ muốn tuân theo những thông lệ và quy định hành xử, hoặc sợ bị mang tiếng xấu về việc không tuân thủ.

Phán quyết của PCA sắp tới về tranh cãi giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông sẽ chẳng phải là một trong những quyết định quan trọng nhất hay ít quan trọng nhất mà PCA từng đưa ra. Phán quyết này dự kiến sẽ được công bố vào ngày 12/7 tới. Các nhóm nghiên cứu về luật pháp quốc tế cho rằng việc Trung Quốc và các quốc gia phản ứng thế nào với phán quyết này cũng thể hiện mức độ tuân thủ luật pháp quốc tế và giá trị của các hiệp ước hàng hải quốc tế, trong trường hợp này là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). 

Bối cảnh của vụ kiện 

Philippines tìm kiếm một tuyên bố mà trước hết cả hai quốc gia đều có quyền hạn và trách nhiệm tương ứng liên quan đến vùng nước, vùng đáy biển, các cấu trúc địa hình trên Biển Đông do UNCLOS quy định, và các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên "quyền lịch sử" - được thể hiện bằng cái gọi là "đường 9 đoạn" - là không phù hợp với Công ước này, vì thế hoàn toàn không có giá trị. 

Thứ hai, Philippines tìm kiếm cách xác định về những thực thể trên biển mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền, được mô tả là "đảo", "đá" hay những "bãi cạn nửa nổi nửa chìm" (LTE). Nếu những thực thể này được quyết định là "đảo" theo UNCLOS thì chúng có thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay vùng thềm lục địa. Tuy nhiên, nếu những thực thể đó là "đá" thì chúng chỉ có khả năng tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý. Nếu được coi là LTE thì chúng sẽ không có khả năng tạo ra bất cứ quyền lãnh hải nào. Phần lớn những thực thể mà Trung Quốc hiện đang chiếm đóng nhìn chung đều là "đá" hay LTE nên không thể tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh các thực thể đó. PCA rất nhiều khả năng có thể sẽ đưa ra một phán quyết cho rằng những hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc không làm thay đổi những đặc điểm cơ bản của thực thể đó. Nếu PCA cho rằng không thực thể nào mà Trung Quốc chiếm đóng có khả năng tạo ra EEZ thì phán quyết này sẽ tước bỏ phần lớn vùng lãnh hải của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông - những khu vực mà đôi khi Trung Quốc ám chỉ như một "vùng hạn chế hoạt động quân sự" để ngăn cản hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ. 

Thứ ba, Philippines tìm kiếm một tuyên bố rằng Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS bởi Trung Quốc đã ngăn chặn các ngư dân Philippines vốn hành nghề đánh bắt cá kiếm sống ở bãi cạn Scarborough, hủy hoại môi trường biển trong phạm vi lãnh thổ của Philippines và thực hiện các "hoạt động nguy hiểm" như sử dụng tàu chấp pháp chống lại những ngư dân Philippines. 

Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, thay vào đó ban hành một "văn kiện lập trường" tuyên bố lý do mà họ từ chối tham gia quá trình xét xử và tái khẳng định cơ sở lịch sử của họ đối với các thực thể trên Biển Đông. Tuy nhiên, PCA đã khẳng định rõ ràng "sự vắng mặt hoặc thiếu khả năng tự bào chữa của bất cứ bên nào sẽ không ảnh hưởng đến quá trình xét xử", có nghĩa là Trung Quốc vẫn là một bên trong vụ kiện và sẽ bị ràng buộc bởi bất cứ phán quyết nào mà Tòa đưa ra. 

Cần nhấn mạnh rằng PCA sẽ không phán quyết về những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông (nghĩa là ai sở hữu cái gì) hay phân định ranh giới lãnh hải của các bên (những tuyên bố chủ quyền trên biển chồng lấn giữa các quốc gia). Về điều trước, PCA không có thẩm quyền phán quyết các tuyên bố chủ quyền. Về điều sau, Trung Quốc dứt khoát loại trừ bản thân họ khỏi những giải pháp giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc trên nhiều lĩnh vực, bao gồm việc phân định ranh giới trên biển khi họ viện dẫn Điều 298 của UNCLOS. Philippines chỉ đơn giản tìm kiếm một phán quyết về việc những quốc gia ven biển nào được quyền tuyên bố chủ quyền trên những thực thể nào và các quyền, quyền tài phán của các nước để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Biển Đông. 

Phản ứng của Trung Quốc trong giai đoạn hậu phán quyết 

Ngay sau khi có phán quyết - giả sử là PCA phán quyết có lợi cho Philippines như dự đoán, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bắt đầu một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ tố cáo phán quyết này là không có giá trị và Trung Quốc sẽ tuyên bố không tuân theo phán quyết. Trung Quốc cũng sẽ vận động càng nhiều quốc gia ủng hộ càng tốt nhằm củng cố lập trường của họ đối với cách dàn xếp của PCA - điều mà họ đã làm. 

Những hành vi cụ thể của Trung Quốc trong thời gian tới rất khó có thể dự đoán. Điều ít có khả năng nhất là Trung Quốc sẽ xuống thang các hoạt động của họ. Nếu điều này diễn ra, nghĩa là Trung Quốc nhận thức rõ về những hậu quả của việc mang tiếng xấu và thể hiện với thế giới rằng họ tuân thủ các thông lệ quốc tế và các quy định của UNCLOS. 

Một viễn cảnh nhiều khả năng xảy ra hơn, viễn cảnh sẽ đẩy Trung Quốc vào tình trạng xung đột trực tiếp với các quốc gia trong khu vực và Mỹ, đó là Trung Quốc quyết định phản ứng kịch liệt hơn để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ. Họ có thể tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tương tự như ADIZ trên biển Hoa Đông năm 2013. Trung Quốc có thể bắt đầu cải tạo các thực thể do họ đang chiếm đóng hoặc các thực thể mới, chưa có ai chiếm đóng, trong đó có xét đến bãi cạn Scarborough. Trung Quốc cũng có thể vẽ những đường cơ sở xung quanh các thực thể tại quần đảo Trường Sa như là một cách thể hiện quyền tài phán và các quyền khác của họ đối với những thực thể này. 

Trung Quốc có thể đẩy mạnh tiến trình tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Nhiều khả năng nhất có lẽ là Trung Quốc sẽ tiếp cận tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhằm thuyết phục ông này đồng ý đàm phán song phương về vấn đề chủ quyền đối với các thực thể trên Biển Đông. Trung Quốc cũng có thể sẽ nỗ lực gia tăng ảnh hưởng đối với các nước thành viên ASEAN nhằm chặn trước những nỗ lực gây sức ép buộc Trung Quốc thay đổi chiến thuật và hành vi của họ. Trung Quốc có thể đồng ý chấp nhận một Bộ quy tắc ứng xử (COC) với ASEAN để làm dịu bớt nỗi lo sợ về ý định của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu các nước ASEAN chịu xuống nước để cho phép Trung Quốc tự do hoạt động. 

Cuối cùng, nếu phán quyết không công nhận những giải thích mang tính bành trướng của Trung Quốc đối với quyền lãnh hải của các đá và LTE tại Biển Đông thì các nước khác có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, như Việt Nam chẳng hạn, có thể kiện Trung Quốc lên PCA. Một phán quyết của PCA không công nhận tính hợp pháp của những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có thể mang lại một khuôn mẫu chi tiết về trình tự thủ tục (hoặc án lệ) cho các quốc gia khác đưa các tranh chấp tại Biển Đông ra PCA. 

Ý nghĩa đối với Mỹ 

Một phán quyết có lợi cho Philippines có thể mang lại cơ sở pháp lý cho Mỹ phản ứng mạnh mẽ hơn đối với hoạt động áp bức và xâm lấn của Trung Quốc trong EEZ của Philippines. Với tư cách một quốc gia đồng minh hiệp ước, Mỹ có cơ sở pháp lý quốc tế mạnh mẽ để phản ứng với những hành vi xâm lấn chủ quyền lãnh hải của Philippines. Hai thực thể nằm trong EEZ của Philippines có thể là mục tiêu cho sự can dự nhiều hơn của Mỹ là bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Rong. Nếu Trung Quốc cố ý can thiệp vào hoạt động khai thác dầu mỏ của Philippines tại bãi Cỏ Rong, Mỹ có thể gửi các lực lượng hải quân tiếp viện để bảo vệ giàn khoan khỏi bị quấy rối. Tương tự như vậy, với bãi cạn Scarborough, Mỹ có thể phản ứng lại các vụ quấy rối của tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc đối với các tàu cá và tàu bảo vệ bờ biển của Philippines thông qua triển khai các thiết bị hải quân cũng như triển khai binh sỹ Mỹ tham gia hoạt động của các tàu hải quân hoặc tàu bảo vệ bờ biển của Philippines trong khuôn khổ của một thỏa thuận về tuần tra chung. Những hoạt động như vậy tất nhiên là không tránh khỏi những mối nguy hiểm và cần được thực hiện rất thận trọng, theo một quy định phối hợp rõ ràng, chặt chẽ giữa quân đội Mỹ với Philippines. 

Mục đích sâu xa của phán quyết 

Việc Trung Quốc có phải trả giá về mặt chính trị cho việc phớt lờ phán quyết của PCA hay không phụ thuộc phần lớn vào cách các quốc gia khác phản ứng mạnh mẽ tới đâu sau khi Tòa ra quyết định. Những tiếng nói công khai ủng hộ tầm quan trọng của việc tuân theo các quy phạm pháp luật từ các quốc gia trong khu vực, Liên hợp quốc, châu Âu và Mỹ sẽ gửi một thông điệp quan trọng đến Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc lựa chọn không tôn trọng phán quyết - đúng như dự đoán, thì họ sẽ bị rất nhiều quốc gia coi là một cường quốc đang lên nhưng không tôn trọng các tiêu chí và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Sự thiếu tôn trọng này sẽ là mối quan ngại nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia muốn các đại dương được quản lý theo quy định của UNCLOS chứ không phải bởi sức mạnh hung bạo. Nếu Trung Quốc phản ứng với phán quyết của PCA thông qua việc gia tăng đáng kể địa vị của họ trong khu vực bằng cách nạo vét, xây dựng các trang thiết bị, sân bay, bến cảng, triển khai phương tiện quân sự đến các khu vực xung đột thì Mỹ và các quốc gia trong khu vực cần có trách nhiệm phản ứng cả về mặt ngoại giao, kinh tế lẫn quân sự.

Lyle J. Morris - cố vấn dự án cấp cao thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách công "RAND Corporation" của Mỹ. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Trần Quang (gt)