CHINA_Xi-Jinping-applauding_2.jpg 

Trong một loạt bài diễn văn được đọc ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi nạn tham nhũng không chỉ là một vấn đề đáng kể mà còn là một mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước ông. Ông cảnh báo rằng nạn tham nhũng tràn lan có thể dẫn đến “sự sụp đổ của Đảng [Cộng sản Trung Quốc] và sự sụp đổ của nhà nước”. Trong 2 năm qua, ông Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, được công khai một cách rộng rãi. Xét về quy mô, kết quả rất ấn tượng: theo thống kê chính thức, đảng đã trừng phạt khoảng 27.000 cán bộ đảng vì các hành vi tham nhũng, động chạm tới gần như mọi bộ phận của chính phủ và mọi cấp của bộ máy hành chính quan liêu đồ sộ của Trung Quốc. Những người mắc tội nghiêm trọng nhất đã bị truy tố và tống giam; một số thậm chí còn bị kết án tử hình.

Đa số những người bị vướng vào cuộc trấn áp của Tập Cận Bình là các đảng viên và công chức cấp thấp hoặc cấp trung. Nhưng các cuộc điều tra tham nhũng cũng dẫn tới việc cách chức một loạt quan chức cấp cao của đảng, kể cả một số ủy viên Bộ Chính trị, một nhóm gồm 25 quan chức điều hành đảng và, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, khai trừ khỏi đảng và bắt giữ một thành viên trước đây thuộc giới tinh hoa Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Chiến dịch của Tập Cận Bình đã tỏ ra vô cùng được lòng dân, bổ sung thêm khía cạnh dân túy vào hình ảnh của Tập Cận Bình và góp phần tạo nên sự sùng bái cá nhân mà nhà lãnh đạo Trung Quốc mới bắt đầu xây dựng xung quanh mình. Và điều đó có được sự ủng hộ âm thầm của tầng lớp “Thái tử đảng” quý tộc, con cháu của các nhà lãnh đạo cách mạng từ thời Mao Trạch Đông. Họ đặt những lợi ích của mình ngang hàng với lợi ích của đất nước và coi Tập Cận Bình là người của họ. Nhưng có sự phản kháng từ giới tinh hoa khác bên trong hệ thống này, một số người trong đó tin rằng chiến dịch này chẳng khác gì một cuộc thanh trừng có động cơ chính trị nhằm giúp Tập Cận Bình củng cố quyền lực của chính ông. Các tổ chức truyền thông ở Hong Kong đã đưa tin rằng hai người tiền nhiệm ngay trước Tập Cận Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đã yêu cầu ông hủy bỏ chiến dịch này. Và một số quan sát viên tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của chiến dịch này: năm 2014, bất chấp những nỗ lực của Tập Cận Bình, Trung Quốc đạt điểm thấp hơn về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế so với năm 2013. Ngay cả bản thân Tập Cận Bình cũng bày tỏ sự chán nản, than vãn về “tình trạng bế tắc” trong cuộc chiến của ông nhằm làm trong sạch hệ thống trong khi vẫn cam kết sẽ không từ bỏ bằng những lời lẽ “đao to búa lớn”, có tin ông đã tuyên bố tại một cuộc họp kín của Bộ Chính trị hồi năm 2014 rằng: “Trong cuộc đấu tranh của tôi chống lại nạn tham nhũng, tôi không quan tâm tới việc sống hay chết, hay hủy hoại danh tiếng của mình”.

Chẳng nghi ngờ gì khi chiến dịch của Tập Cận Bình một phần có động cơ chính trị. Nhóm giật dây của ông Tập Cận Bình vẫn chưa bị động đến, các cuộc điều tra còn lâu mới minh bạch, và Tập Cận Bình đã kiểm soát chặt chẽ quá trình, đặc biệt là ở cấp cao. Giới chức trách Trung Quốc đã đặt ra giới hạn đối với các phương tiện truyền thông nước ngoài dám tự triển khai các cuộc điều tra nạn tham nhũng, và chính phủ đã ngăn cản những người chỉ trích, những người đã kêu gọi các nỗ lực thực hiện chủ động hơn.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chiến dịch này sẽ thất bại. Như chuyên gia Trung Quốc Elizabeth Economy đã viết, cuộc chiến chống tham nhũng chỉ là một phần trong sự thúc đẩy lớn hơn của Tập Cận Bình nhằm củng cố thẩm quyền của ông bằng việc tự chứng minh rằng ông là “nhà lãnh đạo tối cao bên trong một hệ thống chính trị tập trung chặt chẽ”. Cho đến nay, Tập Cận Bình dường như có khả năng thực hiện được công cuộc đó. Mặc dù việc nắm giữ quyền lực này tạo ra những rủi ro khác, nhưng nó đặt ông Tập Cận Bình vào một vị trí tốt để giảm bớt nạn tham nhũng một cách đáng kể - nếu không nói là cần thiết theo cách thức hoàn toàn nhất quán, phi chính trị.

Điều này dường như có lẽ là nghịch lý: xét cho cùng, quá nhiều quyền lực tập trung là một nhân tố chính tạo ra nạn tham nhũng tràn lan. Đó là lý do vì sao trong dài hạn, số phận của cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập sẽ phụ thuộc vào việc ông Tập tìm cách hợp nhất nó vào một chương trình cải cách kinh tế, pháp lý và chính trị tài tình như thế nào. Tuy nhiên, tầm nhìn của ông về cải cách không phải là một tầm nhìn mà sẽ giải phóng các tòa án, phương tiện truyền thông, hay xã hội dân sự, hoặc cho phép một đảng đối lập có thể kiểm tra quyền hạn của đảng cầm quyền. Quả thực, Tập Cận Bình tin rằng nền dân chủ kiểu phương Tây ít nhất cũng dễ xảy ra nạn tham nhũng như sự cai trị một đảng. Thay vào đó, tầm nhìn của ông Tập về cải cách thể chế có liên quan tới việc duy trì một lực lượng điều tra mạnh mẽ trung thành với ban lãnh đạo tập trung, trung thực. Dường như ông tin rằng trong vòng một vài năm, việc giám sát nhất quán và điều tra thường xuyên sẽ làm thay đổi tâm lý của các công chức, từ việc coi nạn tham nhũng là thường lệ, như nhiều người hiện đang làm vậy, sang coi đó là rủi ro – và, cuối cùng là, thậm chí còn không dám xem xét đến nó.

Dập tắt được tham nhũng, hối lộ và lợi dụng chức quyền có thể giúp ích rất nhiều cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc duy trì được sự ổn định chính trị mà họ lo sợ rằng có thể biến mất khi tăng trưởng kinh tế chậm dần và những căng thẳng về địa chính trị ở châu Á bùng lên. Nhưng nếu cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập trở nên tách rời khỏi các cải cách mang tính hệ thống, hoặc biến thành một cuộc thanh trừng các đối thủ chính trị, thì nó có thể đem lại kết quả trái với mong đợi, kích động những sự bất bình gây cản trở cho “xã hội hài hòa” mà đảng tìm cách tạo ra.

Có qua có lại

Một trường phái tư tưởng cho rằng tham nhũng là một hiện tượng văn hóa có gốc rễ thâm sâu ở Trung Quốc. Một số nhà khoa học chính trị và xã hội học lập luận rằng trong vấn đề quản trị và kinh doanh, sự trông cậy truyền thống của Trung Quốc vào quan hệ là nhân tố quan trọng nhất khi giải thích sự tồn tại dai dẳng và quy mô của vấn đề này. Mức độ sung túc mà nhiều công dân Trung Quốc có được nhờ hệ thống quan hệ có lẽ giúp giải thích tại sao phải mất thời gian rất dài thì sự giận dữ của dân chúng mới lên đến mức ban lãnh đạo buộc phải phản ứng. Nhưng tất cả mọi nền văn hóa và xã hội đều tạo ra một kiểu quan hệ, và phiên bản của Trung Quốc không đủ khác biệt để giải thích chiều sâu và tính nghiêm trọng của nạn tham nhũng gây tổn hại cho hệ thống của Trung Quốc hiện nay.

Những thủ phạm chính trở nên rõ ràng và cũ rích: sự cai trị độc đảng và sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế. Việc thiếu cứng rắn trong kiểm soát và cân bằng trong một nhà nước độc đảng khiến tham nhũng và hối lộ lan tràn; giờ đây, không một thể chế nào của Trung Quốc là không có tham nhũng. Và sự kiểm soát của nhà nước đối với các nguồn tài nguyên, đất đai và doanh nghiệp tạo nên vô số cơ hội tham nhũng. Trong 3 thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên ngày càng hỗn tạp. Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc, khu vực tư nhân giờ đây chiếm khoảng 2/3 GDP của Trung Quốc và sử dụng hơn 70% lực lượng lao động. Và nền kinh tế Trung Quốc không còn bị cô lập; nó đã được hòa nhập vào thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, khu vực tư nhân vẫn phụ thuộc rất nhiều vào chính phủ, nơi không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào mà còn sử dụng quyền hành pháp và điều tiết để gây ảnh hưởng và thậm chí là kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân.
Trong vấn đề mua sắm, thầu khoán của chính phủ và giao dịch mua bán các tài sản của nhà nước Trung Quốc (bao gồm cả đất đai), quá trình đấu thầu và đấu giá rất không minh bạch. Các quan chức, công chức và cán bộ đảng lợi dụng sự thiếu minh bạch đó để làm giàu cho cá nhân và tạo ra các cơ hội hưởng lợi cho các đồng nghiệp cấp cao hơn của họ để được thăng tiến. Các quan chức cấp trung, những người giám sát các nguồn tài nguyên kinh tế, thường đưa đến cho cấp trên của họ quyền tiếp cận đất đai giá rẻ, các khoản vay với điều kiện ưu đãi từ các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, các khoản trợ cấp của chính phủ, giảm thuế và các hợp đồng của chính phủ; đổi lại, họ yêu cầu được thăng chức.

Những dàn xếp như vậy cho phép tham nhũng không chỉ làm méo mó thị trường mà còn làm méo mó hoạt động của đảng và nhà nước.
Các vấn đề tương tự cũng tồn tại trong các tổ chức chính phủ không trực tiếp kiểm soát các nguồn tài nguyên kinh tế, như quân đội Trung Quốc. Để thăng tiến, các sĩ quan quân đội cấp thấp thường hối lộ các sĩ quan cấp cao hơn với quà tặng và tiền hoặc hàng hóa xa xỉ. Năm 2014, các nhà chức trách đã bắt giữ Từ Tài Hậu, một viên tướng đã nghỉ hưu từng là ủy viên Bộ Chính trị và là Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc. Trong ngôi nhà của ông, họ phát hiện ra vô số vàng, tiền mặt, trang sức và những bức họa có giá trị - những món quà tặng mà đảng buộc tội là từ các sĩ quan cấp thấp, những người tìm cách tiến thân trên dây chuyền chỉ huy. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, sau khi bị khai trừ khỏi đảng, Từ Tài Hậu đã thú tội; một vài tháng sau đó, ông qua đời, có tin là vì bệnh ung thư.

Tuy nhiên, sở hữu nhà nước trực tiếp khó có thể là một điều kiện tiên quyết cho sự tư lợi. Quyền điều tiết vô cùng lớn mà các nhà chức trách Trung Quốc nắm giữ đối với khu vực tư nhân cũng giúp họ nhét đầy túi. Trong những ngành công nghiệp chịu sự điều tiết lớn, như tài chính, viễn thông và dược phẩm, những thân nhân của các quan chức chính phủ cấp cao thường làm “cố vấn” cho các thương nhân tìm cách có được giấy phép và sự phê chuẩn mà họ cần để hoạt động. Trịnh Tiêu Du, cựu Cục trưởng Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm nhà nước, đã nhận khoảng 850.000 USD tiền hối lộ từ các công ty dược để sản phẩm mới được chấp thuận. Năm 2007, sau khi hơn 100 người ở Panama chết sau khi uống siro ho nhiễm bẩn mà ông Trịnh đã phê duyệt, ông đã bị xét xử với những cáo buộc tham nhũng; ông bị xác minh và tuyên bố là có tội và bị tử hình vài tháng sau đó.

Tham nhũng cũng đã “lây nhiễm” sang hệ thống pháp lý và thực thi pháp luật. Những nhóm tội phạm có tổ chức hối lộ các sĩ quan cảnh sát để bảo kê đường dây ma túy và mại dâm của chúng. Những kẻ bị tình nghi phạm tội và thân nhân của họ thường hối lộ các sĩ quan cảnh sát để được phóng thích hoặc miễn bị truy tố. Nếu thất bại, họ có thể thử vận may với các công tố viên và thẩm phán. Và đương nhiên, vì bộ máy tư pháp của Trung Quốc không phải là độc lập, nên luôn có các quan chức của đảng và chính phủ có khả năng và sẵn sàng can thiệp vào một vụ kiện – với cái giá hợp lý. Các nhà chức trách cáo buộc rằng Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Bộ Chính trị của đảng, người từng giám sát các vấn đề pháp lý và an ninh nội địa, đã can thiệp với tư cách cá nhân vào nhiều vụ kiện sau khi nhận hối lộ. Chu Vĩnh Khang bị bắt, kết án, và bị khai trừ khỏi đảng năm 2014 và hiện đang chờ xét xử - lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, nhà nước theo đuổi một vụ án hình sự chống lại cựu ủy viên Ban Thường vụ.

Khi các thị trường nội địa của Trung Quốc lớn mạnh, các ngân hàng và công ty đa quốc gia đã học được rằng giành được quyền tiếp cận đồng nghĩa với việc biết phải “bôi trơn” ai. Nhiều công ty đã thuê con cái của các quan chức cấp cao trong chính phủ, thậm chí đôi khi còn chi trả học phí tại các trường đại học phương Tây cho họ. Những người khác lại chọn con đường trực tiếp hơn, trả phí “tư vấn” đắt đỏ cho những người trung gian nhằm tham gia phát hành cổ phiếu hoặc giành được ưu tiên trong việc đấu thầu các hợp đồng của chính phủ. Môi trường này đã khiến một số công ty đa quốc gia tránh đầu tư và tiến hành kinh doanh tại Trung Quốc, đặc biệt là những công ty bị kiềm chế bởi luật chống tham nhũng của Mỹ.

Trong khi đó, các quan chức đã lợi dụng sự kiểm soát tài chính lỏng lẻo và thiếu minh bạch để bảo vệ lợi ích bất chính của họ. Nhiều quan chức có một số hộ chiếu Trung Quốc, thường dưới những cái tên khác nhau nhưng có thị thực hợp lệ, và thường sử dụng chúng để đi du lịch nước ngoài và giấu tiền trong tài khoản ngân hàng nước ngoài.

Nhưng tham nhũng khó có thể bị giới hạn trong giới quan chức và doanh nghiệp lớn; mọi khía cạnh của xã hội đều cảm nhận được ảnh hưởng của nó. Hãy xem xét giáo dục. Để có được một chỗ tại một trong số ít ỏi những trường tiểu học, trung học và đại học chất lượng cao của Trung Quốc, cha mẹ thường phải hối lộ hiệu trưởng hay những người chịu trách nhiệm tuyển sinh. Tương tự, sự khan hiếm các bệnh viện tốt và nhân viên y tế được đào tạo tốt đã dẫn tới hoạt động đưa phong bì cho bác sĩ hoặc các nhà quản lý y tế để đảm bảo được điều trị tốt.

Giữ trong sạch

Đối mặt với vấn đề có ảnh hưởng sâu rộng này, ông Tập hứa hẹn đem lại không chỉ một “chiếc băng cứu thương”, mà còn vẽ ra viễn cảnh về một tiến trình cải cách mang tính hệ thống trong dài hạn. Giai đoạn đầu tiên là cuộc trấn áp được chỉ đạo một cách gắt gao trong hai năm qua. Cho đến nay, chiến dịch này đã chứa đựng một yếu tố của chủ nghĩa dân túy: nó chỉ nhắm mục tiêu vào các quan chức, công chức và các nhân vật kinh doanh lớn mà đảng nghi ngờ có dính dáng tới tham nhũng; không có người Trung Quốc bình thường nào bị đụng tới.
Chiến dịch này không chỉ tìm cách trừng trị nạn tham nhũng mà còn tìm cách ngăn chặn nó: Vào cuối năm 2012, đảng ban hành một loạt hướng dẫn được biết đến là “8 quy định và 6 điều cấm”, cấm công chức nhận quà và nhận hối lộ, dự tiệc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc câu lạc bộ tư nhân đắt tiền; chơi golf; sử dụng các quỹ của chính phủ để du lịch cá nhân; sử dụng phương tiện của chính phủ cho mục đích cá nhân, v.v…
Chính phủ cũng đã yêu cầu tất cả các quan chức và các thành viên trong gia đình họ công khai tài sản và thu nhập, gây khó khăn hơn cho việc che giấu lợi nhuận bất chính. Đồng thời, đảng cũng tìm cách giảm bớt những động cơ dẫn đến nạn tham nhũng bằng cách rút ngắn khoảng cách thu nhập bên trong hệ thống. Năm 2014, chính phủ đã tăng lương và phúc lợi hưu trí cho các sĩ quan quân đội, nhân viên thực thi pháp lý và các nhân viên chính phủ trực tiếp khác, trong khi đó cắt giảm mạnh tiền lương cao hơn mà các nhà quản lý cấp cao nhất của các doanh nghiệp sở hữu nhà nước được hưởng.

Tuy nhiên, cho đến nay, chiến dịch của Tập Cận Bình chủ yếu là một nỗ lực thực thi. Các cuộc điều tra được dẫn dắt bởi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), ủy ban cử các tổ điều tra tới kiểm tra tất cả các bộ và cơ quan và mọi doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước. Các tổ điều tra này có quyền lực không hạn chế để điều tra, bắt giữ và thẩm vấn hầu hết tất cả mọi người, nhưng chủ yếu là các quan chức chính phủ, phần lớn trong số họ là đảng viên. Một khi tổ điều tra tin rằng họ đã thu thập đủ bằng chứng về hành vi sai trái, thì Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương sẽ khai trừ những người thuộc diện tình nghi ra khỏi đảng rồi sau đó giao họ cho hệ thống pháp lý để truy tố.

Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng không một quan chức tham nhũng nào được tha, bất kể vị trí của họ có cao đến đâu. Tuy nhiên, trên thực tế, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã lựa chọn các mục tiêu của mình một cách rất cẩn thận, đặc biệt là ở cấp cao. Quyết định “đụng đến” Chu Vĩnh Khang được báo trước là đặt ra một tiền lệ mới – kể từ cuối những năm 1980, đảng đã tuân theo luật bất thành văn chống lại việc thanh trừng một ủy viên hoặc cựu ủy viên Ban Thường vụ. Và việc loại bỏ và truy tố Chu Vĩnh Khang vẫn là duy nhất; chúng không chỉ là điềm báo cho những gì sắp xảy đến, mà còn là một lời cảnh báo nhằm xua đi bất cứ sự chống đối tiềm tàng nào bên trong ban lãnh đạo đối với Tập Cận Bình. Chu Vĩnh Khang dễ bị đụng đến bởi ông đã nghỉ hưu và không còn có quyền lực hay quyền kiểm soát trực tiếp. Đồng thời, Chu Vĩnh Khang còn chống lưng cho một nhóm các quan chức cấp cao của đảng, những người thách thức quyền lực và thẩm quyền của ông Tập vào lúc ông bắt đầu nhiệm kỳ của mình; trong số họ có Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh có sức ảnh hưởng, người bị hạ bệ vào năm 2013 do một vụ bê bối có liên quan tới tham nhũng và âm mưu giết người mà trong đó vợ ông có tham gia. Cuối cùng, Chu Vĩnh Khang và các thành viên trực tiếp trong gia đình ông đặc biệt trắng trợn trong các hoạt động tham nhũng, điều khiến ông trở thành một mục tiêu dễ dàng. Một số tin tức truyền thông đã ngụ ý rằng giới chức trách đang điều tra các thành viên trong gia đình các ủy viên Ban Thường vụ khác đã nghỉ hưu. Nhưng cho đến nay, không có thành viên cấp cao nào thuộc tầng lớp “quý tộc đỏ” (con cháu của những người từng tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi đảng này lên nắm quyền vào năm 1949) bị nhắm mục tiêu, và tất cả các mục tiêu cấp cao nhất, bao gồm cả Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu, là một phần trong mạng lưới chính trị lỏng lẻo duy nhất. Rõ ràng là vẫn còn có những giới hạn mà ông Tập chưa sẵn sàng vượt qua.

Cũng đáng chú ý là mặc dù Tập Cận Bình đã cho phép điều tra các thể chế quân sự then chốt của nước này, nhưng ông vẫn chưa thực hiện bất kỳ sự thay đổi lớn nào về nhân sự trong Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Quân ủy Trung ương, ủy ban tương tự như Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của các lực lượng vũ trang. Ông Tập vẫn cần thêm thời gian để củng cố quyền lực của ông đối với quân đội và các thể chế của nó.
Một số yếu tố khác trong chiến dịch của Tập Cận Bình cũng đáng ngờ, vì chúng mang lại cơ hội cho sự lạm dụng và đi ngược lại với tinh thần của các cải cách pháp lý mà ông Tập đang theo đuổi. Tập Cận Bình tuyên bố rằng ông muốn cải thiện quá trình xét xử và giảm bớt các hành động lạm quyền của cảnh sát và tòa án. Nhưng chính Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương không phải lúc nào cũng tuân theo các thủ tục pháp lý tiêu chuẩn. Chẳng hạn, luật pháp Trung Quốc chỉ cho phép cảnh sát bắt giữ nghi phạm trong 7 ngày mà không chính thức buộc tội người đó, trừ phi cảnh sát có được sự cho phép rõ ràng từ các nhà chức trách pháp lý để gia hạn thời gian giam giữ. Mặt khác, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã bắt giữ nghi phạm trong thời gian dài hơn mà không tìm kiếm bất kỳ sự phê chuẩn nào và không đưa ra bất kỳ lời buộc tội chính thức nào, cho thấy một tiêu chuẩn riêng biệt.

Trong khi đó, với thẩm quyền mới có được của mình, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đang dần trở thành thể chế quyền lực nhất bên trong hệ thống đảng. Nếu đảng không tạo thế cân bằng và hạn chế quyền lực và tầm ảnh hưởng của cơ quan này, thì Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương có thể trở nên vô trách nhiệm và trở thành nguồn gốc cho chính những loại hành vi mà nó được cho là đang chống lại.

Có lẽ rào cản tiềm tàng lớn nhất đối với thành công của chiến dịch này là sự chống đối mạnh mẽ bên trong hệ thống bộ máy hành chính quan liêu đối với nó. Ông Tập đã phát động một cuộc tấn công trực tiếp vào những lợi ích của nhiều quan chức và công chức bảo thủ; ngay cả những người đã thoát khỏi bị truy tố cũng thấy tài sản và đặc quyền của họ thu hẹp lại. Nhiều quan chức có lẽ cũng phẫn nộ về ý tưởng rằng có điều gì đó sai lầm về căn bản với cách mà họ quen cư xử. Họ có thể cảm thấy rằng họ xứng đáng được hưởng những lợi ích có được thông qua nhận hối lộ; xét cho cùng nếu không có công việc của họ, chẳng có điều gì được thực hiện – hệ thống này sẽ không hoạt động đúng chức năng.
Vào đầu nhiệm kỳ của ông Tập, một số quan chức dường như tin rằng mặc dù những ngày “tư lợi” trắng trợn đã qua, nhưng họ vẫn sẽ có thể lợi dụng vị trí của họ để hưởng lợi; họ chỉ cần trở nên khôn khéo hơn một chút. Năm 2013, tờ New York Times, trích dẫn truyền thông nhà nước Trung Quốc, đưa tin rằng một khẩu hiệu mới đã trở nên phổ biến trong giới quan chức chính phủ: “Ăn lặng lẽ, đi nhẹ nhàng, và chơi bí mật”. Nhưng cảm giác tự tin đó đã biến mất khi mọi việc trở nên rõ ràng rằng ông Tập nghiêm túc về cuộc trấn áp này. Trong suốt hai năm qua, các đảng viên và công chức nhà nước đã trở nên vô cùng thận trọng trong việc đối đầu với phong cách mới, mặc dù nhiều người đang âm thầm sục sôi về tình huống này. Điều này đã can thiệp vào chức năng bôi trơn truyền thống của nạn tham nhũng và góp phần tạo nên sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc. Nếu nạn tham nhũng không còn hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua những rào cản quan liêu trước đây, thì nó sẽ gây thêm áp lực buộc ông Tập phải đưa ra những cải cách kinh tế thực sự làm giảm bớt những trở ngại này.

Hoạt động chính trị của chống tham nhũng

Vì chiến dịch chống tham nhũng chỉ là một trong một số những thay đổi lớn diễn ra trong thời đại của ông Tập, nên khó có thể dự đoán điều xảy ra tiếp theo. Trong một kịch bản bi quan, chiến dịch này sẽ kết thúc trong thất bại sau sự chống đối mạnh mẽ bên trong ban lãnh đạo đảng cấp cao nhất và hệ thống quan liêu buộc ông Tập phải lùi bước. Kết quả đó sẽ là một thảm họa. Tham nhũng có khả năng sẽ tăng lên các mức trước năm 2012 (tối thiểu), gây bất ổn cho nền kinh tế, làm giảm lòng tin của nhà đầu tư, và làm xói mòn nghiêm trọng quyền lực của ông Tập, khiến ông khó có khả năng lãnh đạo.

Trong một kịch bản lạc quan hơn, ông Tập sẽ xoay xở để vượt qua sự chống đối trong nước và tiến đến các cải cách kinh tế, pháp lý và chính trị rộng lớn hơn. Lý tưởng là chiến dịch này sẽ củng cố đủ cơ sở quyền lực của ông Tập và đem lại cho ông sự ủng hộ cần thiết nhằm giảm bớt sự kìm kẹp của đảng đối với chính sách, quyền lực pháp lý và hành chính, tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của một khu vực tư nhân độc lập hơn. Tập Cận Bình không quan tâm đến việc tạo ra một hệ thống dân chủ kiểu phương Tây, nhưng ông thực sự nghĩ rằng Trung Quốc có thể tạo ra một kiểu chủ nghĩa độc đoán trong sạch hơn và hiệu quả hơn. Để đáp ứng được mục tiêu này tốt hơn, Tập Cận Bình nên cân nhắc việc bổ sung thêm một số yếu tố tham vọng hơn vào chiến dịch chống tham nhũng này, kể cả một bước tiến mà cả Tổ chức Minh bạch Quốc tế và G-20 từng kêu gọi: cải thiện đăng ký công khai để xác định rõ việc ai sở hữu và kiểm soát những công ty và khu vực đất đai nào, điều sẽ khiến cho các quan chức tham nhũng và doanh nhân khó có thể giấu được lợi nhuận bất chính của họ.

Hiện tại, có nhiều lý do để lạc quan hơn là bi quan. Ông Tập vốn đã củng cố được một số lượng lớn quyền kiểm soát đối với các cơ cấu quyền lực của nhà nước và kiên quyết và có khả năng loại bỏ bất cứ ai chống đối hoặc thách thức quyền lực hay chính sách của ông. Cho đến nay, bên trong ban lãnh đạo cấp cao và hệ thống hành chính quan liêu rộng lớn hơn, sự chống đối chiến dịch chống tham nhũng là thụ động chứ không phải là chủ động: có tin rằng một số công chức đã trì hoãn công việc của họ trong một hình thức phản kháng âm thầm khá hạn chế. Trong khi đó, chiến dịch chống tham nhũng tiếp tục có được sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng, đặc biệt là từ những người Trung Quốc có thu nhập thấp và trung bình, những người phẫn nộ với cách mà tham nhũng làm cho hệ thống của Trung Quốc thậm chí còn bất công hơn nó vốn có. Do đó, chống tham nhũng thể hiện cách thức mà đảng xoa dịu những căng thẳng và sự phân hóa trong xã hội mà có thể sẽ xuất hiện khi nền kinh tế giảm tốc, ngay cả khi sự bất bình đẳng kinh tế mạnh mẽ tồn tại. Để duy trì sự ủng hộ này của dân chúng, “thủ thuật” của ông Tập sẽ là điều chỉnh phạm vi và cường độ của chiến dịch: không quá hạn hẹp hay khiêm tốn như kiểu miễn cưỡng, nhưng không quá rộng lớn và nghiêm trọng như một hình thức lạm dụng chính nó./.

Theo “Foreign Affairs” (tháng 5-6/2015)

Vũ Hiền (gt)