1.jpg

 

Một nguồn tin tiết lộ “Ông Tập đã nhắm đến một con hổ lớn và một điều gì đó khủng khiếp có thể xảy ra”. Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương - cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 30/5 thông báo ông Lý Vân Phong, Phó Chủ tịch Tỉnh Giang Tô đang bị điều tra vì những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Ông Lý đồng thời là ứng cử viên vào Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Tập đã cam kết sẽ “đả hổ diệt ruồi”, các quan chức từ cấp thấp đến cấp cao – trong nỗ lực chống tham nhũng của mình. Vương Kỳ Sơn đang tiến hành chiến dịch chống tham nhũng này, chiến dịch vốn đã giăng lưới để bắt lần lượt từng nhân vật có ảnh hưởng trong chính phủ. Ông Vương là đồng minh thân cận nhất của ông Tập và hiện đang giữ chức Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương.

Ngay sau vụ bắt giữ ông Lý, một ấn phẩm truyền thông tiếng Trung đã đặt câu hỏi “Vương Kỳ Sơn đang ở đâu?”. Sau khi đọc một bài diễn văn vào ngày 20/4, viên chỉ huy chiến dịch chống tham nhũng này không còn xuất hiện trước công chúng trong hơn một tháng. Ấn phẩm trên cho rằng Vương Kỳ Sơn có thể đứng ở hậu trường vụ thanh trừng một nhân vật có ảnh hưởng khác.

Trong tầm ngắm của ông Tập

Ông Ly sinh gần thành phố Trấn Giang, một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô chạy dọc theo sông Dương Tử và cách Thượng Hải khoảng 250 km về phía Tây Tây Bắc. Trấn Giang là một thành phố cổ nổi tiếng với việc sản xuất dấm từ gạo đen. Khu vực này cũng được coi là một trung tâm vận tải chiến lược. Ông Tập đã có một chương trình hành động bí mật khi ông thị sát Trấn Giang vào cuối năm 2014. Kể từ sau khi nghỉ hưu, cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tiếp tục có tầm ảnh hưởng chính trị khá lớn. Tên Trấn Giang có nghĩa là “đưa Giang vào tầm kiểm soát”. Ông Tập đã thực sự đến thị sát tại thành phố này, hành động được cho là thể hiện quyết tâm chống lại sự ảnh hưởng của ông Giang.

Quê hương của ông Giang Trạch Dân ở thành phố Dương Châu thuộc Giang Tô, chạy cắt ngang sông Dương Tử từ Trấn Giang. Nhiều người từng rất lo ngại việc ông Giang sẽ không cho phép chiếc cầu nào ở địa phương được đặt tên Trấn Giang. Chiếc cầu mang tên Nhuận Dương trên sông Dương Tử được hoàn thành vào năm 2005, nối Trấn Giang, bên phía bờ Nam của sông Dương Tử và Dương Châu. Khi dự án này trong giai đoạn lên kế hoạch, đã có nhiều lời đồn đại trong dân chúng địa phương rằng ông Giang Trạch Dân tỏ ra không hài lòng khi ông biết chiếc cầu đang được gợi ý đặt tên là "cầu Trấn Giang trên sông Dương Tử". Bị báo động từ những lời đồn đại đó, quan chức địa phương đã quyết định đặt tên cầu là "Nhuận Dương trên sông Dương Tử". Chữ “Nhuận” trong “Nhuận Dương” lấy từ chữ “Nhuận Châu”, tên cổ của Trấn Giang. Từ “Nhuận Dương” có nghĩa là “được lợi ích từ Giang” và cũng có thể được giải nghĩa là “lợi ích từ Dương Châu”, quê hương của ông Giang Trạch Dân.

Ông Lý Vân Phong cũng tham gia quá trình này. Khi được khởi công vào khoảng năm 2000, lúc đó ông Giang Trạch Dân là nhà lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc và ông Lý là Phó bí thư tỉnh ủy. Sau đó, ông Lý thường xuyên tham vấn ý kiến của ông Giang Trạch Dân về các vấn đề quan trọng của địa phương. Ông Lý cũng báo cáo trực tiếp với ông Lý Nguyên Triều, lúc đó là Bí thư tỉnh ủy Giang Tô. Ông Lý Nguyên Triều hiện nay là Phó Chủ tịch Trung Quốc và là Ủy viên Bộ Chính trị. Ông Lý Nguyên Triều có thể đã được tham gia Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng Cộng sản năm 2012 song ông không được cất nhắc vào cơ quan quyền lực cao nhất này và thay vào đó được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Trung Quốc, một chức vụ mang tính nghi thức nhiều hơn. Ban thường vụ Bộ Chính trị có 7 thành viên đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, người đồng thời đảm nhiệm chức vụ Tổng bí thư đảng. Ông Vương Kỳ Sơn cũng là một thành viên trong cơ quan quyền lực này.

Ông Lý Nguyên Triều còn là nhân vật nòng cốt của Đoàn Thanh niên, một lực lượng chính trị đông đảo trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đoàn Thanh niên có gần 90 triệu thành viên. Giang Tô là quê hương và cơ sở chính trị quan trọng của Lý Nguyên Triều. Lý Vân Phong leo lên được trong Đảng Cộng sản là nhờ đi theo Lý Nguyên Triều và được mệnh danh là “quản lý của Giang Tô” trong thời gian sau này. Không còn nghi ngờ gì nữa, Lý Nguyên Triều đã rất chấn động vì vụ bắt giữ một đồng minh thân cận của ông này với các cáo buộc tham nhũng. Nhiều nhà quan sát chính trị ở Bắc Kinh đồng ý rằng với việc Lý Vân Phong bị bắt giữ, ông Tập Cận Bình đang nhắm đến Lý Nguyên Triều.

Trở ngại chính trị lớn

Nhiều lãnh đạo địa phương, đặc biệt là những người của ông Tập Cận Bình, trong những năm đầu tiên bắt đầu công khai đề cập đến “sự tỉnh táo của lãnh đạo nòng cốt”. Họ làm theo chỉ thị của ông Tập. Thật ra, khái niệm này đã lan truyền một cách nhanh chóng trong chính trường Trung Quốc. Từ “nòng cốt” là ám chỉ đến ông Tập, lãnh đạo cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến dịch được tổ chức một cách thận trọng này đã bị chệch hướng do vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ, thậm chỉ từ trong nhóm được gọi là “thế hệ đỏ thứ hai”, vì hơi hướng tôn sùng cá nhân. Quy định của Đảng Cộng sản cấm sùng bái cá nhân.

Ông Tập được cho là thuộc cả phái Thái tử và thế hệ đỏ thứ hai. Phái Thái tử là con của các quan chức cấp cao trong đảng có ảnh hưởng và nổi bật trong khi thế hệ đỏ thứ hai là một nhóm nhỏ hơn gồm con của các lãnh đạo Đảng Cộng sản thời kỳ cách mạng. Kể từ khi trở thành lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc trong hơn ba năm qua, ông Tập đã gặt hái được nhiều lợi ích từ chiến dịch chống tham nhũng của mình trong việc chống lại các đối thủ chính trị và củng cố quyền lực. Ông đã tìm cách tập trung một số lượng đáng kể đồng minh nhưng chiến dịch “sự tỉnh táo của lãnh đạo nòng cốt” của ông Tập lại là thất bại chính trị lớn đầu tiên của ông trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc.

Khi chiến dịch bị thất bại, phái Đoàn Thanh niên, được coi là đối thủ của phái Thái tử, đã nắm lấy cơ hội để tìm cách tấn công căn cứ quyền lực của ông Tập. Trọng tâm của phái Đoàn Thanh niên, mặc dù không trực tiếp, là ông Vương Kỳ Sơn, người chỉ huy chiến dịch chống tham nhũng. Một trong những đối tượng lớn nhất thuộc phái này bị ông Vương thanh trừng là Lệnh Kế Hoạch, thành viên chủ chốt của phái Đoàn Thanh niên và là trợ lý thân tín của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Các ấn phẩm truyền thông điện tử liên kết với phái Đoàn Thanh niên khởi động cuộc tấn công bền bỉ nhắm vào Nhậm Chí Cường, một trùm bất động sản nổi tiếng thuộc thế hệ đỏ thứ hai và là một thủ lĩnh nổi tiếng trên mạng xã hội. Ông Vương Kỳ Sơn và ông Nhậm Chí Cường có quan hệ rất chặt chẽ. Ông Nhậm Chí Cường chỉ trích việc Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản kiểm soát truyền thông. Các bài viết của ông lan rộng trên mạng xã hội và nhận được sự ủng hộ của đông đảo cư dân mạng Trung Quốc nhưng ông lại bị Ban Tuyên giáo chỉ trích.

Đó là thời điểm khi các ấn phẩm truyền thông điện tử liên kết với phái Đoàn Thanh niên nhảy vào cuộc. Họ cũng ám chỉ đến mối quan hệ thân thiện giữa ông Nhậm Chí Cường với ông Vương Kỳ Sơn bằng cách đặt câu hỏi: “Vì sao ông Nhậm Chí Cường tự tin đến thế?”. Ban chấp hành đảng bộ Tây Thành ngày 2/5 thông báo ông Nhậm Chí Cường bị quản chế một năm vì vi phạm điều lệ kỷ luật đảng. Vị thế chính trị của ông Tập Cận Bình đã trở nên mạnh hơn trong quá khứ. Giờ đây, ông đối mặt với các luồng gió ngược khá mạnh, những mối quan ngại của một số quan chức trong đảng về kiểu lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, sự kiểm soát chặt chẽ truyền thông của ông và nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc.

Trong một diễn biến đáng lưu ý, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhận thức rõ chính trường Trung Quốc đã bắt đầu chuyển biến như thế nào, mặc dù không rõ rệt, cuối cùng đã thực hiện động thái đầu tiên trong nỗ lực chống lại quyền lực không có đối thủ của ông Tập Cận Bình. Thủ tướng Lý Khắc Cường là vị trí cao thứ hai trong bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sau ông Tập Cận Bình. Thủ tướng được xem như là vị chỉ huy các vấn đề kinh tế của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, thật ra, ông Lý Khắc Cường không có những quyền lực như thế vì ông Tập Cận Bình đã tập trung quá nhiều quyền lực về tay mình. Ngày 5/4, ông Lý Khắc Cường thăm Đại học Thanh Hoa, một trường đại học nổi tiếng tại Bắc Kinh và là nơi ông Tập Cận Bình từng học, trước khi thăm Đại học Bắc Kinh, trường học của ông Lý Khắc Cường, vào cuối ngày. Thủ tướng Lý Khắc Cường thực hiện các chuyến thăm này nhằm thu hút sự ủng hộ của sinh viên và giới học giả.

Trong khi nhân vật số hai của Trung Quốc đặt cược lớn vào giới trí thức, ông Tập Cận Bình dựa vào quân đội và dân chúng để ngăn chặn bất cứ động thái nào của ông Lý Khắc Cường cũng như các đối thủ chính trị khác. Ông Lý Khắc Cường cũng bắt đầu phát ngôn một cách mạnh mẽ hơn về chiến dịch chống khủng bố, về cái bị cho là vượt lên trên thẩm quyền của ông Tập Cận Bình. Cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Lý Khắc Cường từng là thủ lĩnh của phái Đoàn Thanh niên. Ông Hồ Cẩm Đào đã về hưu song được cho là đang cùng với ông Lý Khắc Cường lãnh đạo phái này.

Sự phản công của ông Tập Cận Bình

Bất chấp việc phái Đoàn Thanh niên phát động cuộc tấn công trên, ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn không hề nao núng. Trên thực tế, ông Tập Cận Bình đã phát động một cuộc phản công lớn nhằm vào các đối thủ chính trị của mình chỉ một ngày sau khi Ban chấp hành đảng bộ Tây Thành thông báo ông Nhậm Chí Cường bị quản thúc. Vào ngày 3/5, tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, công bố toàn văn diễn văn của ông Tập Cận Bình đọc bốn tháng trước trong một cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương. Trong bài diễn văn đó, ông Tập mạnh mẽ cảnh cáo tình trạng “âm mưu và bè phái” trong Đảng Cộng sản. Toàn văn được công bố, rõ ràng là khúc dạo đầu cho một đợt thanh trừng mới nhằm vào những đối tượng bị cho là quan chức tham nhũng, như ông Lý Vân Phong.

Một nhà quan sát tại Bắc Kinh nói rằng “ông Tập đang cố gắng giành lại cơ sở chính trị đã mất” trước cả cuộc họp Bắc Đới Hà vào mùa Hè này lẫn Đại hội Đảng toàn quốc vào năm 2017 theo định kỳ 5 năm, nơi mà những thay đổi quyền lực cấp cao sẽ được thực hiện. Hàng năm, Đảng Cộng sản tổ chức các cuộc họp kín tại Bắc Đới Hà vào mùa Hè. Cuộc họp quy tụ các lãnh đạo đương nhiệm và các lãnh đạo tiền bối từ các thế hệ trước để thảo luận không chính thức các vấn đề quan trọng. Thủ tướng Lý Khắc Cường, Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều, người bảo trợ cho Lý Vân Phong đều tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh. Cả hai đều là học trò của ông Lịch Dĩ Ninh, một nhà kinh tế học nổi tiếng của Trung Quốc. Ông Tập cảm thấy bị báo động bởi ông Lý Nguyên Triều hơn là ông Lý Khắc Cường, người mà ông Tập cho là thiếu sự nhạy cảm chính trị. Ông Lý Nguyên Triều từng đảm nhận chức vụ Trưởng ban tổ chức Đảng và nổi tiếng sắc sảo.

Cuộc đấu đá khốc liệt

Bằng việc bắt giữ “con hổ” Lý Vân Phong của Giang Tô, ông Tập đang gây sức ép lên nhóm của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, được gọi là phái Thượng Hải cũng như phái Đoàn Thanh niên. Những phái này có ảnh hưởng rất lớn tại Giang Tô. Bên cạnh việc là trợ lý thân cận của Lý Nguyên Triều, Lý Vân Phong có nhiều quan hệ cá nhân rất mật thiết với phái Thượng Hải. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn ngăn chặn hai phái thành lập một mặt trận thống nhất chống lại ông ta. Đây là lý do tại sao Giang Tô một lần nữa lại gánh chịu cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập. Ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên thường trực Bộ chính trị thuộc phái Thượng Hải của ông Giang Trạch Dân, đã bị thanh trừng trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập. Ông Chu sinh tại Vô Tích, Giang Tô. Ông Dương Vệ Trạch, cựu Bí thư thành ủy Nam Kinh, thủ phủ của Giang Tô, cũng bị thanh trừng trong chiến dịch chống tham nhũng. Đây là người thân cận của Giang Trạch Dân và Chu Vĩnh Khang.

Trong khi đó, ông Lý Nguyên Triều đã xuất hiện công khai trong các cuộc thảo luận bàn tròn vào ngày 1/6, chỉ hai ngày sau khi cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào ông Lý Vân Phong được công bố. Đây dường như là một nỗ lực nhằm chứng tỏ sự tồn tại của ông trên chính trường. Với những diễn biến hiện nay, ông Tập có hai lựa chọn với Lý Nguyên Triều: Một là loại trừ hẳn ông ta, điều này sẽ có nhiều rủi ro song sẽ tác động đáng kể đến sự thay đổi nhân sự cấp chóp bu tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản vào năm 2017 theo hướng có lợi cho ông Tập. Hai là từng bước ngăn chặn song không hẳn là loại trừ nếu ông ta và các thành viên khác trong phái thể hiện thái độ sẵn sàng phục tùng. Ít nhất còn hai nhân vật khác trong phái nắm giữ chìa khóa của cuộc đấu quyền lực này, ông Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân. Cuộc chiến quyền lực chính trị khốc liệt và phức tạp sẽ tiếp diễn sau hậu trường trước thềm Hội nghị Bắc Đới Hà.

Theo “Nikkei Asian Review” (ngày 10/6)

Vũ Hiền (gt)