Bo chi huy lien hop - TQ.jpg

Hỏi: Có thể định nghĩa ý tưởng của ông Tập Cận Bình về “Giấc mơ Trung Hoa” như thế nào trên khía cạnh đối ngoại?

Trả lời: Chính sách ngoại giao trước đây của Bắc Kinh dựa trên cơ sở Trung Quốc còn là nước đang phát triển. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã thay đổi từ nhận thức với tư cách là một cường quốc và bắt đầu nói với thế giới về “Giấc mơ Trung Hoa”. Nội dung của “Giấc mơ Trung Hoa” là Trung Quốc sẽ tìm cách trở thành một quốc gia đủ tự tin để khẳng định với bất kỳ đối tác nào về những lợi ích cốt lõi, lãnh thổ, chủ quyền và sự phát triển, cũng như về các vấn đề toàn cầu trên cơ sở bình đẳng.

Hỏi: Đâu là sự khác biệt giữa ông Tập Cận Bình và người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào trong lĩnh vực đối ngoại?

Trả lời: Sự thay đổi sức mạnh quốc gia của Trung Quốc là cốt lõi của sự khác biệt. Có thể thấy điều này khi so sánh sức mạnh quốc gia của Trung Quốc trước và sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Đồng thời, niềm tự hào và sự tự tin vào sức mạnh quốc gia của người Trung Quốc đang tăng lên. Một điểm nữa là, trên cơ sở sức mạnh mới, ông Tập Cận Bình và những người đồng chí hướng đã thúc đẩy nhận thức mới của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc. Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn tái định hình các chiến lược toàn cầu và khu vực dựa trên nhận thức mới này. Trong thời kỳ ông Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc vẫn là quốc gia đang phát triển và không có một đại chiến lược. Việc một nước đang phát triển xây dựng đại chiến lược là bất khả thi. Do Trung Quốc phải ưu tiên cho phát triển, chính sách đối ngoại tỏ ra lép vế so với các chính sách phát triển quốc gia. Trung Quốc khi đó cũng ưu tiên hơn cho duy trì hòa bình, ổn định và không muốn hao phí nguồn lực vào các tranh chấp.

Khi đã trở thành cường quốc, Trung Quốc muốn chứng tỏ vị thế và trách nhiệm toàn cầu. Nước này cũng muốn xây dựng một đại chiến lược không chỉ với khu vực Đông Á mà còn trên phạm vi toàn cầu. Dĩ nhiên, có sự kế tiếp trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, tuy nhiên đang diễn ra những chuyển biến bắt nguồn từ thay đổi trong nhận thức của người Trung Quốc.

Hỏi: Tính cách của ông Tập Cận Bình ảnh hưởng như thế nào đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc?

Trả lời: Việc đánh giá chính sách đối ngoại của một nước cần bắt đầu bằng phân tích bối cảnh triển khai chính sách đó. Yếu tố quan trọng thứ hai là đặc điểm lãnh đạo. Nếu ông Hồ Cẩm Đào vẫn đang cầm quyền, Trung Quốc sẽ không triển khai chính sách đối ngoại nhanh chóng và mạnh mẽ như hiện nay. Ông Tập là mẫu nhà lãnh đạo trưởng thành trong những khó khăn, trở ngại. Khi nắm quyền tại các địa phương phát triển nhanh chóng, ông đã thu thập được nhiều kinh nghiệm về các vấn đề đối ngoại, qua đó tạo cho bản thân tính cách tự tôn mạnh mẽ và sự bạo dạn. Với đặc điểm này, ông Tập có thể củng cố quyền lực với bên trong và triển khai chính sách đối ngoại mạnh bạo với bên ngoài.

Trong thời kỳ các ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào nắm quyền, Trung Quốc đã thiết lập và nuôi dưỡng văn hóa vinh danh quyền lãnh đạo tập thể. Tuy nhiên, Tập Cận Bình là mẫu lãnh đạo khác biệt. Ngay cả người dân Trung Quốc cũng bất ngờ với thực tế này. Ông Tập Cận Bình đã nhanh chóng củng cố quyền lực, hiện tại có thể đánh giá là vượt quá mức độ quyền lực của ông Giang Trạch Dân trước đây. Đáng ngạc nhiên là ông Tập Cận Bình đã có cách tiếp cận để dẫn dắt hệ thống lãnh đạo tập thể mà không phá hủy hệ thống này. Việc thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia đặt dưới sự phụ trách trực tiếp của ông Tập Cận Bình với thành viên là các lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc giúp ông Tập Cận Bình nắm quyền kiểm soát đối với các lĩnh vực quan trọng, trong khi giảm thiểu sự chống đối từ những người ủng hộ mô hình lãnh đạo tập thể.

Hỏi: Ông Tập sẽ nắm quyền tới năm 2022. Đâu sẽ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong giai đoạn này.

Trả lời: Trước hết, ông Tập Cận Bình sẽ nỗ lực thiết lập nền tảng kinh tế ổn định cho Trung Quốc. Với mục tiêu này, ông Tập cần dẫn dắt sự thay đổi cấu trúc kinh tế-xã hội của Trung Quốc từ dựa vào tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng trung bình. Nói cụ thể hơn, Trung Quốc cần chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu thành nền kinh tế dựa trên tiêu dùng.

Về chính sách đối ngoại, ông Tập Cận Bình có thể sẽ nỗ lực đặt nền tảng cho sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới, không chỉ trong phạm vi Đông Á. Trong nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc có thể sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và để giúp Trung Quốc tạo nên bước nhảy vọt khác, ông Tập sẽ nỗ lực củng cố các nền tảng về an ninh, đối ngoại và kinh tế của Trung Quốc. Một phần trong nỗ lực này là sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.

Bên cạnh đó, tuy chưa có những bằng chứng cụ thể, song ông Tập Cận Bình có thể tạo ra dấu ấn liên quan đến tiến trình thống nhất Trung Quốc. Với di sản này, lịch sử sẽ nhớ tới ông Tập không chỉ như một nhà lãnh đạo giúp Trung Quốc vượt qua Mỹ về quy mô kinh tế mà còn tạo ra bước ngoặt trong tiến trình thống nhất lãnh thổ. Nếu làm được, ông Tập Cận Bình có thể đạt tới mức độ được tôn kính như ông Mao Trạch Đông.

Hỏi: Trung Quốc và Mỹ đã nhấn mạnh những lĩnh vực hợp tác trong cuộc gặp thượng đỉnh tháng trước. Trung Quốc sẽ xử lý quan hệ với Mỹ như thế nào?

Trả lời: Một trong những nhân tố lý giải vì sao chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình ban đầu có vẻ “hung hăng” là do vị thế của Trung Quốc đã thay đổi khi trở thành cường quốc, nước này cũng điều chỉnh chính sách đối ngoại. Sự điều chỉnh này rõ ràng khiến chính sách đối ngoại của Trung Quốc có vẻ “hung hăng” hơn.

Lý do thứ hai liên quan đến chính trị nội bộ. Khi củng cố quyền lực, ông Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng với nhiều sự chống đối. Ông Tập Cận Bình đã tận dụng lĩnh vực đối ngoại để bảo đảm sự ủng hộ bên trong (cho chiến dịch chống tham nhũng) và cô lập những người chống đối. Theo chiến lược này, Trung Quốc đối mặt với Mỹ và tỏ lập trường cứng rắn trong các vấn đề về lãnh thổ, an ninh và chủ quyền. Điều này giúp ông Tập Cận Bình giành được sự ủng hộ to lớn của người dân. Tuy nhiên, vấn đề là Trung Quốc, với tiềm lực quốc gia hiện tại, không thể tiếp tục theo đuổi chiến lược này.

Đây là lý do ông Tập Cận Bình đã đưa ra thông điệp với người dân trong nước trong dịp HNTĐ APEC vào tháng 11/2014 với nội dung Trung Quốc sẽ không đối đầu và duy trì quan hệ tốt với Mỹ, đồng thời, mặc dù là cường quốc, Trung Quốc cần thận trọng trong chính sách đối ngoại. Thông điệp này thể hiện tầm nhìn thực tế về sức mạnh quốc gia của Trung Quốc. Lý do nữa là ông Tập Cận Bình đã củng cố đáng kể quyền lực (do đó ít cần dựa vào chính sách đối ngoại để củng cố quyền lực như trước đó). Thứ ba, sự gia tăng vị thế của Mỹ nhờ cách mạng đá phiến và sự tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật đã tạo thêm sức ép với Trung Quốc. Trên cơ sở các nhân tố này, chiến lược Trung Quốc theođuổi hiển nhiên là tạo dựng nền tảng dài hạn cho việc tăng cường vị thế, trong khi tránh đối đầu trực tiếp với liên minh Mỹ-Nhật hay với Mỹ.

Trung Quốc dự đoán rằng sức ép từ Mỹ đang gia tăng và, bất chấp đảng phái nào thắng cử tại Mỹ vào năm tới, quan hệ Mỹ-Trung sẽ vẫn có những sóng gió. Trong bối cảnh này, Trung Quốc thúc đẩy “quan hệ nước lớn kiểu mới” với các nội hàm: tránh đối đầu Mỹ-Trung và phát triển cùng thịnh vượng, Mỹ coi Trung Quốc là đối tác bình đẳng. Mỹ rõ ràng đã có thái độ tích cực với hai nội dung đầu tiên, song phản đối nội dung thứ ba. Vì vậy, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là đạt được yêu cầu thứ ba là được Mỹ công nhận là đối tác bình đẳng.

Trung Quốc sẽ tìm cách mở rộng hợp tác với Mỹ và phát triển cùng thịnh vượng. Trung Quốc có thể sẽ vẫn muốn phô diễn sức mạnh quân sự do nhiều yếu tố, bao gồm chính trị nội bộ. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ cố gắng tránh sự đối đầu ở mức độ nghiêm trọng. Quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục là tổng hòa của hợp tác và cạnh tranh.

Hỏi: Ngoài phát triển sức mạnh cứng, có phải Trung Quốc cũng đã quan tâm tăng cường sức mạnh mềm mặc dù có nhiều ý kiến đánh giá thấp về sức mạnh này của Trung Quốc?

Trả lời: Các chiến lược gia chính thống tại Bắc Kinh cho rằng Mỹ vượt trội Trung Quốc về sức mạnh cứng. Để vượt qua Mỹ về sức mạnh cứng, Trung Quốc cần rất nhiều thời gian và khó có khả năng Trung Quốc khó vượt qua Mỹ về sức mạnh cứng tổng thể trong giai đoạn đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, chính trị quốc tế trong thế kỷ 21 cho thấy tầm quan trọng của sức mạnh mềm đã gia tăng, được thúc đẩy bởi cách mạng thông tin, từ đó tạo ra cơ hội để Trung Quốc thu hút cảm tình của người dân toàn cầu.

Trung Quốc tự hào về văn hóa, truyền thống và lịch sử và cho rằng nếu tận dụng tốt, nước này có thể tạo dựng sức mạnh mềm riêng, như Mỹ đã tạo ra các giá trị toàn cầu về dân chủ và nhân quyền. Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 18 xác định ngoại giao công chúng là trụ cột ngoại giao thứ năm, bên cạnh ngoại giao nước lớn, ngoại giao láng giềng, ngoại giao với các nước đang phát triển và ngoại giao đa phương. Vì vậy, có thể nói rằng Trung Quốc chú trọng sức mạnh mềm nhiều hơn so với mức độ đánh giá từ bên ngoài. Trung Quốc đang cố gắng tạo dựng một khuôn khổ dựa trên sức mạnh mềm, qua đó ảnh hưởng của Bắc Kinh được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu./.

Bài trả lời phỏng vấn tờ "Korea Herald" của Giáo sư Chính trị Kim Heung-kyu thuộc Đại học Ajou

Mỹ Anh (gt)