Ông Bạc Hy Lai là nhân vật lớn hơn cả chức vụ mà ông nắm giữ: người quyền lực nhất và có sức thuyết phục nhất tại Trung Quốc đối với những người cánh tả và tân Maoít. Đúng như ông Bạc nhận xét trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh mới đây, nếu "chỉ có một vài người giàu" vào cuối thập kỷ tăng trưởng kinh tế phi mã, "thì chúng ta là tư bản, chúng ta đã thất bại". Ông Bạc Hy Lai giới thiệu "mô hình Trùng Khánh" của ông là một cuộc hôn nhân hạnh phúc giữa đạo đức của chủ nghĩa cộng sản, công bằng xã hội, hiệu quả kinh tế, phá vỡ kỷ lục tăng trưởng thông qua các công ty nhà nước, trong khi phân chia một phần của cải đó cho công nhân trong các chương trình nhà ở, giáo dục và y tế mang tính xã hội chủ nghĩa. Ông say sưa với các khẩu hiệu kiểu Maoít. Chiến dịch "hát nhạc đỏ và tấn công đen" của ông đã đánh đúng vào tình cảm của nhiều người Trung Quốc vốn bất bình với tham nhũng và sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn mà nhiều người đổ lỗi cho tự do hóa kinh tế. Ông Bạc Hy Lai cũng có ảnh hưởng do nằm trong số các "Thái tử" - con cái của các anh hùng lớn trong cuộc cách mạng năm 1949, những người cho đến rất gần đây vẫn được coi là cấm đụng chạm. Ông được quy hoạch để đẩy lên vị trí chính trị cao nhất vào tháng Mười này, chắc chắn nắm một trong chín ghế của Ban Thường vụ Bộ Chính trị - một tổ chức quyền lực mà những kẻ gièm pha ông Bạc (gọi ông là "Mao con") sợ rằng ông sẽ chiếm quyền và chi phối. Và thực tế, trong chuyện ra đi bất ngờ của ông Bạc Hy Lai có hơi hướng của vụ “bè lũ bốn tên” năm 1976. 

Có thể đo lường được mức độ khó khăn mà ông Bạc Hy Lai đã thách thức các lãnh đạo tại Bắc Kinh về mặt tư tưởng bằng việc đích thân Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phải lên tiếng một ngày trước đó. Trong một cuộc họp báo được phát sóng trực tiếp, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã cố tình chèn vào bài phát biểu những ý tứ rằng số phận chính trị của ông Bạc Hy Lai đã kết thúc. Các cuộc họp báo của đảng ở Trung Quốc thường không phải là các sự kiện đáng chú ý, càng đương nhiên là như vậy trong những tháng trước khi diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực lãnh đạo cho thế hệ kế tiếp, khi tất cả các cán bộ phải thể hiện sự thống nhất trong đảng. Vì vậy cuộc gặp kéo dài ba giờ giữa ông Ôn Gia Bảo và các nhà báo nước ngoài và trong nước vào lúc kết thúc Hội nghị đại biểu nhân dân toàn quốc hôm 14/3 là rất đặc biệt. Thủ tướng Trung Quốc đã vẽ lên những hình ảnh ghê rợn của Cuộc cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, tuyên bố rằng ước vọng dân chủ của người Arập là một lực đẩy không thể cưỡng lại, thuyết phục người Trung Quốc về tính cấp bách của cải cách chính trị, và tấn công không che đậy vào "Thái tử đỏ" Bạc Hy Lai. Bài phát biểu của ông Ôn Gia Bảo thể hiện rõ với tất cả những người theo dõi rằng, theo quan điểm của ông và những người chủ trương hiện đại hóa, không có chuyện quay ngược lại lịch sử; Trung Quốc đang trên đường đi tới một tương lai rất khác so với quá khứ thời Mao. Lời trách phạt của Thủ tướng Ôn Gia Bảo mang kịch tính đúng như chính trị Trung Quốc - và ông đã đúng, rằng tương lai của Trung Quốc phụ thuộc vào kết quả của cuộc đấu tranh trong chính nội bộ đảng. Trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên truyền hình (và vì vậy không thể bị cắt xén hay giải thích khác đi cho công chúng), ông Ôn Gia bảo đã lựa chọn - đúng như ngày hôm sau cho thấy - một quyết định tập thể trong nội bộ lãnh đạo cao cấp - sử dụng cuộc họp báo mỗi năm một lần, vào đúng giờ cao điểm, để tấn công vào Bạc Hy Lai, và thể hiện sự phản đối với việc đưa ông Bạc Hy Lai vào Thường vụ Bộ Chính trị. 

Với một sự thẳng thừng gần như chưa bao giờ thấy trong hoạt động chính thống cứng nhắc của Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo sử dụng diễn đàn công khai nhất này để gọi Cách mạng Văn hóa là một "bi kịch" - và bi kịch đó, nếu không có những cải cách chính trị cấp bách, "có thể tái diễn". Ngược lại, ông Bạc Hy Lai coi việc hồi phục "văn hóa đỏ" là quan điểm chính của mình. Thủ tướng Ôn Gia Bảo mập mờ không nói rõ cải cách chính trị là thế nào ở Trung Quốc - với chỉ một năm còn lại trong suốt một thập kỷ tại vị, những điểm cụ thể, chi tiết không phải là điểm chính. Mục đích của ông Ôn là sử dụng tất cả ảnh hưởng đáng kể còn lại của mình để ủng hộ quá trình cải cách tự do, đi ngược với phái tả trong đảng do Bạc Hy Lai đứng đầu. Và ông tuyên bố với cả nước: "Cẩn thận: con người này nguy hiểm". Ông Ôn phản hồi một cách mạnh mẽ trong buổi phát sóng trước những câu hỏi về câu chuyện đầy kịch tính đã thu hút cả nước kể từ khi tin tức lộ ra vào tháng trước – Giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân chạy trốn đến tổng lãnh sự quán Mỹ và bị bắt sau đó tại Bắc Kinh. Sự bàn luận về vụ việc này đã diễn ra gần như không bị kiểm duyệt trên khắp các blog mạng của Trung Quốc. Thủ tướng Ôn Gia Bảo với giọng sắc lạnh nói rằng thành ủy Trùng Khánh (do Bạc Hy Lai đứng đầu) phải kiểm điểm nghiêm khắc về "sự cố" và chính phủ đang điều tra vụ việc với mức độ cao nhất. Ông nói: "Phải có câu trả lời cho nhân dân và kết quả điều tra phải vượt qua được thử thách về pháp luật và lịch sử". 

Điều mà Thủ tướng Ôn Gia Bảo không nói tới là việc Bắc Kinh thực ra đã điều tra Trùng Khánh từ gần một năm nay, rất lâu trước khi Vương Lập Quân bất ngờ bị “ông chủ” của mình loại bỏ và trốn khỏi Trùng Khánh vì sợ nguy hiểm đến tính mạng. Bắc Kinh đã thu thập được bằng chứng rằng chiến dịch "tấn công đen" của Bạc và Vương, về danh nghĩa là chống tội phạm có tổ chức, còn là cái vỏ che đậy việc bắt giữ hàng nghìn doanh nhân cực kỳ giàu có. Bị giam giữ trong các nhà tù bí mật và thẩm vấn kèm tra tấn, nhiều người đã chịu án tù lâu năm hoặc xử tử. Nhiều người bị tịch thu tài sản - một cách khôn khéo để tạo nguồn tiền cho chương trình nhà ở cho người nghèo của ông Bạc, và cũng để có đủ tiền trả cho chiếc Ferrari màu đỏ của con trai ông ta, và mua chuộc sự trung thành. Chiến dịch "tấn công đen" cũng là một cách tạo tai tiếng tham nhũng cho Uông Dương, bí thư tỉnh ủy Quảng Đông hiện cũng đang chờ vào Thường vụ Bộ chính trị, bằng cách để cho mọi người kết luận là ông Uông chắc hẳn đã cho phép các doanh nhân này phát triển nhanh chóng khi ông giữ chức bí thư Trùng Khánh. Trong cuộc họp báo, Thủ tướng Ôn Gia Bảo khen ngợi nhiệm kỳ của Uông Dương. Giáo sư Đồng Chi Vĩ người thực hiện cuộc điều tra của Bắc Kinh, là chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về luật pháp, quản trị và hiến pháp, hiện giảng dạy tại Đại học Giao thông danh tiếng ở Thượng Hải. Báo cáo của ông được trình lên các nhà lãnh đạo vào mùa Thu năm ngoái và được ông nói đến trên truyền hình với các kết luận buộc tội. Ông cho rằng mục tiêu của "tấn công đen" là "làm suy yếu và loại bỏ" các doanh nghiệp tư nhân, "từ đó củng cố các doanh nghiệp nhà nước hay các nguồn tài chính cho chính quyền địa phương". Tác động chính của nó, theo ông, không phải là với mafia ở Trùng Khánh, mà là khiến giới giàu có nhất mất hết tiền bạc, mất quyền lực và thậm chí cả gia đình - nhiều người còn bị tống tù.

Một trong các triệu phú này, doanh nhân Li Jun hiện sống lưu vong không chút tiền bạc, đã miêu tả sự tra tấn mà ông nói là đã phải chịu đựng dưới sự "tân khủng bố đỏ", do Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân chỉ đạo. Một nhân vật khác là Zhang Mingyu, người tuyên bố nắm trong tay các cuốn băng làm bằng chứng về các biện pháp đối với tù nhân, đã bị cảnh sát Trùng Khánh vây bắt tại Bắc Kinh gần đây. Nếu ông Bạc Hy Lai hy vọng đưa Vương Lập Quân ra làm người đỡ đòn khi tấm lưới đã vây kín xung quanh, thì bước đi này đã gây tác động ngược lại. Bắc Kinh đã quyết định trừng phạt Vương Lập Quân - và công bố sự thật kinh hoàng về cáo buộc tra tấn, ép cung và các biện pháp phi pháp đã được sử dụng ở Trùng Khánh, đúng như Thủ tướng Ôn đã hứa sẽ công bố điều tra của Bắc Kinh về vụ của Vương. Các công bố này, nếu đúng sự thật, sẽ hủy hoại cả hai nhân vật của Trùng Khánh. Ông Bạc Hy Lai rất có thể phải chịu trừng phạt nặng hơn mức mất chức. Để phá vỡ gọng kìm của phe tả thì phải làm mất uy tín của Bạc. Cuộc đấu này không đơn thuần giữa hai đối thủ tham vọng nhằm vào vị trí lãnh đạo. Việc sa thải Bạc Hy Lai còn là động thái tấn công phủ đầu để đảm bảo rằng xu hướng cải cách nổi lên tại Trung Quốc, chứ không phải là mô hình nhà nước kiểm soát tuyệt đối. Bằng việc nhắc lại một thập kỷ đen tối của Cách mạng Văn hóa, ông Ôn Gia Bảo đã đặt thêm sức ép để Tập Cận Bình phải đứng hẳn sang một bên, ngay lập tức, với các lực lượng ủng hộ hiện đại hóa. 

Tin gốc: Bo Xilai’s Sacking Signals Showdown In China’s Communist Party

Theo Thedailybeast (ngày 15/3)

Viết Tuấn (gt)