Trong cuộc duyệt binh ngày 3/9 kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và được nhiều người coi là một phần trong chiến dịch tuyên truyền chống Nhật Bản, Trung Quốc đã phô diễn những vũ khí truyền thống mang tính chiến lược, trong đó có cả những loại chưa từng xuất hiện hoặc chưa từng được biết đến trước đây.

Cục Tình báo Quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc đã theo dõi sát sao cuộc duyệt binh này để tìm kiếm những manh mối phản ánh hoạt động củng cố sức mạnh quân sự cũng như các loại vũ khí công nghệ cao mà Trung Quốc đang sản xuất. Một quan chức Lầu Năm Góc nói rằng lễ duyệt binh quy mô và được tổ chức chặt chẽ tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 3/9 là rất đáng chú ý, bởi có những loại "vũ khí" Trung Quốc không cho trình diễn. Trong số này có lực lượng chiến tranh mạng ngày càng được tăng cường về chất và lượng, các tên lửa chống vệ tinh và tàu lượn siêu thanh DZ-ZF. Cả ba chương trình phát triển đều được giữ kín trong nội bộ chính quyền Trung Quốc và các chi tiết liên quan ít có khả năng được công bố trong thời gian tới.

Lực lượng chiến tranh mạng

Phần lớn hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc đều được giữ kín và do Tổng cục 3 PLA (thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc PLA), tiền thân là Bộ Tổng Tham mưu của PLA, một phiên bản Trung Quốc của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Một báo cáo tóm tắt của NSA được kênh truyền hình NBC tiết lộ hồi tháng 7 cho biết các đơn vị do thám và tấn công mạng của Trung Quốc đã được Quân ủy Trung ương Trung Quốc và Bộ Tổng Tham mưu PLA "bật đèn xanh". Tất cả gồm 28 đơn vị gián điệp mạng độc lập, hoạt động dưới trướng 3PLA, cơ quan tình báo được gọi tắt là 2PLA và một đơn vị quân sự khác phụ trách tác chiến điện tử và rada có tên 4PLA. Bộ Công an Trung Quốc cũng tiến hành các hoạt động do thám với khoảng 28 đơn vị triển khai. 

Lực lượng Chiến tranh mạng Trung Quốc

3PLA chịu trách nhiệm chỉ huy hoạt động của Đơn vị 61398 tại Thượng Hải, từng bị cáo buộc tiến hành các vụ tấn công mạng và ăn cắp thông tin của nhiều doanh nghiệp Mỹ. Ông Mark Stones, cựu quan chức Lầu Năm Góc, viết trong một báo cáo về hoạt động gián điệp mạng của PLA: "Có bằng chứng cho thấy những nhóm tin tặc hoạt động trên lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (PRC) đang tiến hành một chiến dịch do thám có quy mô và tổ chức nhằm vào các hệ thống máy tính của chính phủ, doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu chính sách của Mỹ".

Hai trong số các vũ khí - vốn không được xuất hiện trong cuộc duyệt binh tuần trước - khiến nhiều người quan ngại về năng lực quân sự chiến lược của Trung Quốc là tên lửa chống vệ tinh quỹ đạo thấp DN-1 và tên lửa chống vệ tinh quỹ đạo cao DN-2. Câu hỏi đặt ra là mức độ đe dọa của các loại tên lửa này như thế nào? Theo một số ước tính, khoảng một chục cuộc tấn công nhằm vào những vệ tinh mà Mỹ triển khai ngoài vũ trụ là đủ để chặn đứng khả năng tiến hành các chiến dịch chung của quân đội Mỹ. Trung tướng John Raymond phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 3: "Nguy cơ mọi vệ tinh hoạt động trong mọi quỹ đạo đều có thể bị tấn công đang ở rất gần".

Tàu lượn siêu thanh

Theo Lầu Năm Góc, mẫu tàu lượn siêu thanh mới của Trung Quốc có tên DF-ZF, là một loại vũ khí tấn công hạt nhân. Trong năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành 5 cuộc thử nghiệm mẫu tàu lượn này, dấu hiệu cho thấy đây là một chương trình được ưu tiên phát triển hàng đầu. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xác nhận các vụ thử nghiệm này và cho biết đây chỉ là hệ thống đang trong quá trình hoạt động thí nghiệm.

Tàu lượn siêu thanh DF-ZF

Tàu lượn siêu thanh DF-ZF, được tên lửa đưa lên gần vũ trụ vào ngày 10/3, với vận tốc gần 8000 dặm/giờ. Loại vũ khí này được phát triển theo hướng hạn chế các trở ngại trong quá trình điều khiển những thiết bị có tốc độ cao, cụ thể là vượt qua các hệ thống phòng thủ và có thể được vô hiệu hóa trước khi tiếp cận mục tiêu.

DF-ZF có thể được trang bị đầu đạn thông thường, và trở thành loại tên lửa thứ ba có điều khiển mà Trung Quốc sở hữu, đủ sức tấn công chính xác mục tiêu hoạt động trên biển. Một trong hai loại lên lửa chống hạm khác được trình diễn trong cuộc duyệt binh tuần trước tại Bắc Kinh là DF-26, tên lửa đạn đạo tầm trung vừa được giới thiệu trên trang mạng chính thức của quân đội Trung Quốc. "Thời báo Hoàn cầu" - một ấn phẩm của Đảng Cộng sản Trung Quốc - miêu tả loại tên lửa này là "kẻ hủy diệt Guam", ngụ ý ám chỉ khả năng tấn công các lực lượng Mỹ đang đồn trú tại hòn đảo chiến lược phía Tây Thái Bình Dương.

Trong lễ duyệt binh, truyền hình Trung Quốc đã miêu tả DF-26 là một loại tên lửa kép - vừa là loại truyền thống, vừa có thể được coi là vũ khí hạt nhân - đáp ứng yêu cầu hoạt động răn đe chiến lược, cũng như đủ khả năng tiến hành các cuộc tấn công trên mặt đất và nhằm vào mục tiêu là các tàu cỡ trung trở lên.

Tên lửa đạn đạo chống hạm

Loại vũ khí đáng chú ý thứ hai trong chương trình của PLA là tên lửa tầm trung DF-21D, một loại tên lửa đạn đạo chống hạm. Loại vũ khí này được cho là đủ khả năng di chuyển theo lịch trình đã định vào không gian và sau đó quay trở lại khí quyển với tốc độ cao, hoạt động theo chỉ đạo của một hệ thống dẫn đường tinh vi và nhắm trúng tàu thuyền đang hoạt động trên biển. Hệ thống phòng thủ của các hàng không mẫu hạm và tàu chiến gần như là vô dụng trước sự tấn công của DF-21 và DF-26 do tốc độ cao và đầu đạn có điều khiển của các loại tên lửa này.

Mô hình tên lửa DT-21D

Truyền hình trung ương Trung Quốc miêu tả DF-21D là "một loại vũ khí quan trọng trong cuộc chiến bất cân xứng của Trung Quốc". Quân đội Trung Quốc không tiết lộ những loại vũ khí quan trọng cấu thành nên học thuyết chiến tranh bất cân xứng, được mệnh danh là các loại vũ khí "Assassin’s Mace" - "Ngọn giáo sát thủ", một thuật ngữ dùng để chỉ các loại vũ khí hủy diệt nhanh chóng - cho phép dễ dàng đánh bại kẻ thù mạnh hơn.

Trong lễ duyệt binh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng PLA không bao giờ tìm kiếm cái gọi là quyền bá chủ hay bành trướng cho dù quân đội nước này có mạnh đến thế nào. Tuy nhiên, chừng nào Trung Quốc vẫn còn che giấu năng lực quân sự thực sự của mình, và giữ kín các mục tiêu cũng như chiến lược sâu xa, người ta vẫn sẽ không khỏi quan ngại về các nguy cơ từ lực lượng quân đội của quốc gia này.

Bill Gertz là nhà báo và là tác giả có kinh nghiệm lâu năm về các lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Ông là tác giả của sáu đầu sách về an ninh quốc gia. Bài viết được đăng trên Asia Times.

Văn Cường (gt)