Ngay sau khi Tập Cận Bình giữ chức Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhiều nhà phân tích đánh giá Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ theo đường lối bảo thủ. Với việc rút xuống 7 thành viên, một nhóm nhỏ hơn sẽ theo tiến trình ra quyết định, tăng cường hành động nhanh hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế và có khả năng ứng phó nhanh hơn nhằm ngăn chặn và quản lý xung đột khi các vấn đề nổi lên. Ưu tiên chính của Trung Quốc là giữ gìn ổn định trong nước. Với số dân 1,4 tỷ người và nhu cầu cần nguyên liệu thô đang ngày càng gia tăng, những kinh nghiệm từ Trung Đông và Bắc Phi năm 2011 đã cho thấy rõ nếu không đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của nhân dân thì có thể châm ngòi cho bất ổn dẫn tới sụp đổ của Đảng. Đây chính là điều Trung Quốc lo sợ nhất. Do vậy, Trung Quốc phải bảo đảm sự phát triển lành mạnh của xã hội bằng cách đáp ứng đầy đủ các vấn đề xã hội mà đang đe dọa tới tính hợp pháp và uy tín của chính quyền và bảo vệ nhân dân. Hiện có 6 thách thức chính trong nước mà giới lãnh đạo mới Trung Quốc phải đối mặt trong thập kỷ tới:

(1) Bảo đảm tiếp cận tài nguyên thiên nhiên

Sự phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc phụ thuộc vào khả năng tiếp cận tài nguyên thiên nhiên. Thậm chí với sự suy giảm của kinh tế thế giới, Trung Quốc dự kiến tăng trưởng trong năm 2013 là khoảng 9% , trong khi cơ quan tư vấn chính phủ, Viện Chiến lược Kinh tế Quốc gia thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán trong tuần này rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2013 sẽ khoảng 8,5%.

Fu Chengyu, chủ tịch Tập đoàn lọc dầu hàng đầu châu Á Sinopec Corp, nói với Reuters rằng ông hy vọng nhu cầu về dầu của Trung Quốc vẫn tiếp tục ổn định. “Nhu cầu về dầu toàn cầu chưa chắc đã tăng mạnh do triển vọng kinh tế nhưng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2012 và 2013”. Nhu cầu về dầu của Trung Quốc năm 2012 tới nay đã chiếm hơn 50% nhu cầu dầu trên toàn cầu (theo cơ quan năng lượng quốc tế nhận định) và dự đoán tới năm 2025 Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu ¾ nhu cầu dầu của Trung Quốc. Bảo đảm tiếp cận tài nguyên thiên nhiên là nhu cầu cơ bản để bảo đảm sự ổn định xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế.

(2) Cải cách hệ thống tiền lương

Hiện nay Trung Quốc có 180 triệu người trên 60 tuổi và con số này sẽ tăng lên mức 365 triệu vào 2030. Kết quả của chính sách 1 con đã khiến tỷ lệ sinh giảm 10 triệu người/năm do đó khiến cứ 6 người công nhân thì có 1 người về hưu. Khủng hoảng dân số hiện nay kết hợp với sự suy giảm lực lượng lao động và gia tăng đột biến số lượng người già sẽ gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế và ổn định trong nước.

(3) Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

Theo báo cáo của một tổ chức phi chính phủ, Trung Quốc đã đạt tới mức độ nguy hiểm về bất bình đẳng xã hội, và đang có nhiều nguy cơ bất ổn khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng do tác động của cải cách và tự do hóa. Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, người nghèo là nhóm kinh tế xã hội bị ảnh hưởng nhất, và rất dễ bị kích động dẫn tới bạo loạn.

(4) Chống tham nhũng

 Vụ Bạc Hy Lai năm 2012 chỉ là một ví dụ trong hàng loạt các vụ việc giải quyết vấn đề nghiêm trọng này trong xã hội Trung Quốc. Tham nhũng hiện đang xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau trong xã hội Trung Quốc trong đó có hệ thống giáo dục, ngành thực phẩm và quan chức chính phủ. Hàng năm có khoảng từ 130.000 tới 160.000 vụ tham nhũng nhưng chỉ 6% trong số các vụ này kết thúc bằng hình phạt hình sự và chỉ khoảng 6% số đối tượng phải đi tù. Năm 2012 theo chỉ số tham nhũng và minh bạch quốc tế, Trung Quốc giảm từ vị trí 75 năm 2011 xuống vị trí 80 năm 2012. Hơn nữa 1/3 dân số Trung Quốc cho rằng chính phủ Trung Quốc chưa chống tham nhũng hiệu quả và 46% cho rằng tham nhũng vẫn tăng trong vòng 12 tháng qua. Tham nhũng làm mất tính hợp pháp của các cơ quan công quyền, quyền lực và hình ảnh của chính phủ Trung Quốc.

(5) Xử lý vấn đề dài hạn với các dân tộc thiểu số Tây Tạng và Tân Cương

Chỉ vài năm trở lại đây, cái chết của 2 công nhân ở Tân Cương đã dẫn tới hơn 150 người chết khi có sự va chạm giữa nhóm dân tộc Hán và tộc Duy Ngô Nhĩ trên đường phố. Gần đây, vào 31/10/2012 chỉ vài ngày trước khi diễn ra Đại hội 18, 4 người Tây Tạng đã tự thiêu để chống lại các quy định của Trung Quốc. Kể từ 2009 hàng chục người Tây Tạng đã tự thiêu để thu hút sự chú ý về việc đàn áp vẫn tiếp tục diễn ra với người dân khu vực này. Nếu chính phủ Trung Quốc không có giải pháp lâu dài thì những cuộc xung đột dài hạn như vậy có thể dẫn tới sự ly khai hoặc xung đột nội bộ lớn hơn trong các nhóm sắc tộc.

(6) Quản lý xung đột tại Biển Đông và biển Hoa Đông

Khu vực giàu tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, với sự hiện diện của các lực lượng hải quân hiện đại và việc quốc tế hóa xung đột có thể hạn chế khả năng các bên trong đàm phán hướng tới giải pháp hòa bình đặc biệt với sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc dưới sự cổ vũ của chính phủ.

Tháng 9/2012, Nhật Bản và Đài Loan đã bắn vòi rồng tại lãnh thổ tranh chấp trong nhiều ngày sau khi có vụ đụng độ giữa hải quân Trung - Nhật. Hơn nữa, vấn đề Nhật Bản – Đài Loan đã đặt Mỹ vào thế khó bởi Mỹ là đồng minh của cả hai bên. Tương tự, tại cuộc họp ASEAN tháng 7/2012, Philippines đã công khai chống Trung Quốc trong tranh chấp biển kết hợp với quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc và Campuchia đã dẫn tới chia rẽ trong các thành viên ASEAN, thể hiện ở việc tổ chức này không thể ra được tuyên bố chung, lần đầu tiên kể từ khi thành lập vào năm 1967.

Biển Đông cũng là nơi có 300 triệu người đang phụ thuộc vào nguồn lực tại khu vực này xét về nhu cầu kinh tế và nguồn cá đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều nước như Việt Nam và Philippines. Do đó, việc tranh chấp biển có liên quan đến ngư dân, lực lượng tuần tra biển và hải quân. An ninh lương thực là vấn đề tối quan trọng và người dân sẽ làm bất cứ điều gì nếu như họ không thể cung cấp đủ lương thực và thức ăn cho gia đình. Hơn nữa, Biển Đông và biển Hoa Đông có vị trí chiến lược với tiềm năng kinh tế cao đã khiến khu vực này trở thành ưu tiên quan trọng không chỉ đối với Trung Quốc mà toàn khu vực.

Kể từ khi cách mạng văn hóa chấm dứt, Trung Quốc đã đạt được sự phát triển lớn về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nhanh đi kèm với nhiều vấn đề sẽ được quyết định cách thức xử lý bởi giới lãnh đạo mới cũng như quyết tâm của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Không ai có thể phủ nhận được những thành tựu của Trung Quốc nhưng để duy trì sự phát triển kinh tế và trỗi dậy tại khu vực chứ chưa nói tới cường quốc toàn cầu, Trung Quốc trước hết sẽ phải giải quyết các vấn đề trong nước và khu vực. Sáu vấn đề trên sẽ là những vấn đề chính đối với chính quyền mới và cũng là mối quan tâm của Trung Quốc trong quản lý, phòng tránh và giải quyết các xung đột bởi nếu không làm được như vậy sẽ dẫn tới sự bắt đầu suy giảm của Trung Quốc.

Tác giả Billy Tea là nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS. Bài viết được đăng trên trang Atimes (ngày 14/12).

Lê Quang (gt)