Khi Trung Quốc tổ chức 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản vào ngày 1/7 tới, giai cấp tư sản “phản động” là một trong những đối tượng ăn mừng nhiều nhất. Mặc dù đến cuối thập niên 1990 mới bắt đầu xuất hiện, song hiện nay giai cấp này đã trở thành chỗ dựa quan trọng nhất của ĐCS. Tới nay, ĐCS Trung Quốc vẫn giữ lời trong cuộc mặc cả ngầm: Yêu cầu giới trung lưu thành thị đánh đổi quyền lợi chính trị lấy cơ hội làm giàu. Nhưng một khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trong thập kỷ tới, ĐCS Trung Quốc sẽ khó có thể giữ lời. Trên thực tế, việc có được sự ổn định và thịnh vượng hay không có thể sẽ phụ thuộc vào công cuộc cải cách chính trị mà ĐCS Trung Quốc vẫn tìm mọi cách tránh né. 

Trong 15 năm qua, giai cấp tư sản đã ủng hộ ĐCS bởi những gì đảng làm cho họ. ĐCS nắm quyền đã tạo ra một giai đoạn tăng trưởng kinh ngạc, khẳng định vai trò của Trung Quốc là một quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn cầu, và giữ cho dân tộc này không rơi trở lại thảm cảnh diễn ra trong hầu hết thế kỷ 20. Tuy nhiên, mối tình giữa một đảng tự gọi mình là đội quân tiên phong của giai cấp vô sản với những người ủng hộ, trên thực tế là giai cấp trung lưu, đang bị đe dọa. Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là kinh tế tăng trưởng chậm lại. Có thể cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 cũng là thời điểm đi xuống của nền kinh tế nước này. Một cuộc khủng hoảng không phải là không thể xảy ra: Có thể Trung Quốc sẽ thất bại trong việc xì hơi bong bóng trên thị trường bất động sản, hay khống chế lạm phát mà Thủ tướng nước này ví là “con hổ xổng chuồng”. Nguy cơ trung hạn còn lớn hơn: Quá trình kinh tế tăng trưởng chậm lại không thể đảo ngược khi Trung Quốc đặt chân vào thế giới của các nước có thu nhập trung bình; và gánh nặng dân số già kết hợp với sa sút kinh tế càng khiến cuộc sống của giai cấp trung lưu thêm khó chịu. Để cứu vãn, ĐCS Trung Quốc sẽ phải tiến hành cải cách đầy đau đớn. Đảng đang nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi quỹ đạo phát triển không bền vững hiện nay, hướng tới một nền kinh tế tăng cường vai trò của tiêu dùng nội địa. Đất nước này còn một chặng đường dài phía trước để có thể xây dựng được một hệ thống y tế, hưu trí và an sinh xã hội đủ để làm an lòng người dân. Đây là những điều kiện cần thiết để thuyết phục giới trung lưu dành dụm ít hơn. 

Ngoài ra, việc cấp vốn cho các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc giống như đổ nước vào những chiếc thùng không đáy, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn lãng phí vốn. Đánh vào các doanh nghiệp nhà nước đồng nghĩa với việc đánh vào một nhóm người có nhiều quan hệ, trong đó nhiều người thuộc giai cấp trung lưu. Lý tưởng của đảng không có ý nghĩa với đa số nhóm người này. ĐCS vẫn giữ bí mật quá trình tuyển mộ đảng viên mới gia nhập lực lượng 80 triệu đảng viên. Nhưng một báo cáo chính thức năm 2008 nói rằng trong số các đảng viên mới, nhiều nhất vẫn là giới sinh viên đại học trên 18 tuổi. Mặc dù giới trẻ cho thấy sức mạnh của ĐCS Trung Quốc, nhưng họ có tham vọng khác xa với các đảng viên đi trước. 

ĐCS Trung Quốc cũng sẽ phải làm việc vất vả hơn để duy trì quá trình đô thị hóa - động lực của tăng trưởng kinh tế. Phần việc đã làm là phần việc dễ: Lôi kéo những người thất nghiệp trẻ tuổi ở nông thôn lên thành phố kiếm việc làm. Nhưng nguồn lao động bắt đầu eo hẹp, sẽ dễ thở hơn nếu như nông dân được phép bán hoặc thế chấp đất nông nghiệp và dùng tiền vốn đó gây dựng sự nghiệp ở thành thị. Nhưng ĐCS vẫn không dám để tư nhân hóa đất canh tác, một phần vì lo sợ giai cấp nông dân bần cùng hóa, một phần vì lý do ý thức hệ. 

Tệ hơn, hệ thống đăng ký “hộ khẩu”, định nghĩa một người dù cư trú lâu đời ở thành thị vẫn là nông dân, đang ngăn chặn họ có nhà ở, được học hành và các lợi ích khác. Không ngạc nhiên khi những người nhập cư ngày càng cảm thấy khó chịu. Trong số hàng chục nghìn cuộc biểu tình mỗi năm, hầu hết là xảy ra ở nông thôn, nhất là những nông dân bất bình vì bị thu hồi đất mà không được đền bù thỏa đáng. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ở thành phố, chẳng hạn cuộc biểu tình của công nhân gần đây tại một nhà máy ở Quảng Đông, ngày càng phổ biến. Nếu ĐCS Trung Quốc muốn giữ ổn định tại các thành phố và nếu muốn tiếp tục thu hút lực lượng lao động từ nông thôn, họ cần tìm cách trao cho người nhập cư đầy đủ các quyền lợi của người thành thị. 

Đây là điểm khiến ĐCS Trung Quốc xung đột trực tiếp nhất với giai cấp trung lưu. Để dân nhập cư có đủ nhà ở và quyền lợi giống như dân thành thị và để xây dựng một mạng lưới an sinh xã hội thì sẽ rất tốn kém. Nếu chọn giải pháp là tăng thuế, khi đó giới trung lưu có thể sẽ bắt đầu đòi hỏi tiếng nói chính trị lớn hơn. 

Đó sẽ là ngày kinh hoàng của ĐCS Trung Quốc. Kể từ cuộc biểu tình quy mô lớn năm 1989 do sinh viên khởi xướng, giới tri thức thành thị hầu như vẫn im lặng trong các vấn đề chính trị. Nhưng ĐCS sợ họ nhiều hơn là sợ giai cấp nông dân và những người nhập cư. Sự lo lắng của giới trung lưu vẫn chưa biến thành một cuộc biểu tình chống lại chính phủ. Nhưng một số đặc quyền của họ không thể tránh khỏi đã bắt đầu bị tước đoạt dần. Nếu giai cấp tư sản biểu tình, ĐCS Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một tình thế khó xử không mới: Thay đổi hoặc đàn áp. Nhìn vào các cuộc đàn áp trong quá khứ, và cả mới đây, sẽ thấy họ sẽ lựa chọn giải pháp thứ hai. Nhưng bản thân việc đàn áp có thể giúp chính trị hóa giai cấp trung lưu. Ở các nước châu Á khác, đòi hỏi về quyền lợi chính trị đang gia tăng cùng với thu nhập của người dân; và đàn áp tức là cắt bớt tự do từ những người đã quen với việc tự do của họ ngày càng tăng lên. 

Năm 2012 lãnh đạo ĐCS Trung Quốc sẽ chuyển giao quyền lực, và cả nhiệm vụ xử lý những mâu thuẫn trên, cho thế hệ mới. Lần chuyển giao quyền lực gần đây nhất, năm 2002, đã diễn ra êm thấm. Nhưng mọi lần chuyển giao trước đó đều diễn ra hỗn loạn. Và, so với cách đây 10 năm, nhiệm vụ mà thế hệ lãnh đạo mới phải đối mặt sẽ khó khăn hơn nhiều. 

Nghiên cứu Biển Đông (giới thiệu)