Xét về góc độ địa lý, Trung Quốc nằm ở phía Đông lục địa Á-Âu, bờ Tây của Thái Bình Dương, từ xưa tới nay luôn là nước lớn theo mô hình phức hợp gồm cả biển và đất liền; ngoài ra, các nước liền kề trên đất liền và trên biển của Trung Quốc rất đông, do đó biên giới trên biển tự nhiên trở thành vấn đề Trung Quốc không thể không đối mặt một cách thận trọng, đồng thời giải quyết ổn thỏa. Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, cùng với việc phần lớn vấn đề biên giới trên đất liền được giải quyết cũng như lợi ích quốc gia được mở rộng, vấn đề biển bắt đầu dần nổi rõ. Đặc biệt là mấy năm gần đây, các vấn đề biển liên tiếp xảy tranh chấp biển giữa  Trung Quốc với một số quốc gia, bao gồm tranh chấp chủ quyền, có đặc điểm “cùng lúc xảy ra vấn đề ở 3 vùng biển” - Hoàng Hải, Đông Hải (Biển Hoa Đông) và Biển Đông: từ sự bột phát của “sự kiện tàu Cheonan” ngày 26/3/2010 khiến tình hình ở Hoàng Hải trở nên rối ren tới một đợt tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku mới giữa Trung Quốc và Nhật Bản lấy “sự kiện va chạm tàu” ở đảo Điếu Ngư giữa hai nước trên ngày 7/9/2010 làm chất xúc tác kéo dài tới hiện nay, tiếp đó là vấn đề Biển Đông  liên tục nóng lên giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á kể từ năm 2011, “tình cảnh khó khăn trên biển” mà Trung Quốc phải đối mặt đã làm dấy lên sự quan tâm rộng rãi, cao độ ở trong và ngoài nước. Quan trọng hơn là, bối cảnh nảy sinh vấn đề biển gần đây hết sức phức tạp, đằng sau biểu hiện của các mâu thuẫn như tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển còn có một loạt nguyên nhân tầng sâu bên trong và bên ngoài. Bài viết dự định từ các vấn đề biển Trung Quốc hiện phải đối mặt, phân tích bối cảnh tầng sâu nảy sinh vấn đề này cũng như biện pháp đối phó của Trung Quốc. 

1- Bối cảnh tầng sâu nảy sinh vấn đề biển của Trung Quốc hiện nay 

Người viết cho rằng sự nảy sinh vấn đề biển của Trung Quốc hiện nay vừa có vai trò của nhân tố bên ngoài, vừa có nguyên nhân trong nước Trung Quốc, là kết quả của hai phương diện bên ngoài và bên trong cùng nhau phát triển. Do hiện phần lớn học giả trong và ngoài nước chủ yếu thảo luận xoay quanh các thách thức bên ngoài mà Trung Quốc phải đối mặt, nên trong bài viết này tác giả sẽ nhấn mạnh có trọng điểm ảnh hưởng của nhân tố trong nước đối với vấn đề biển để từ đó phân tích vai trò của nhân tố bên ngoài. 

Về các nguyên nhân trong nước, hiện chủ yếu thể hiện ở 4 phương diện sau: 

Thứ nhất, sự phát triển nhanh chóng của công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc làm cho tầm quan trọng của “cơ sở lịch sử” giảm đi, tầm quan trọng của “cơ sở địa lý” tăng lên. Trong lịch sử, tuy Trung Quốc luôn là một quốc gia gồm cả biển và đất liền, có một vùng duyên hải rộng lớn song do quyền lực quốc gia của xã hội tiền hiện đại chủ yếu do các lực lượng trên đất liền đặc biệt là kỵ binh quyết định nên “cơ sở địa lý” gồm cả biển và đất liền của Trung Quốc chưa được thể hiện. Tuy nhiên kể từ thời cận đại tới nay, cùng với việc nhân loại tiến vào công nghiệp hóa, tiếp đó bước vào thời đại toàn cầu hóa, sức mạnh trên biển đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của sức mạnh quốc gia. Trong xu thế phát triển khách quan này, việc không ngừng đẩy mạnh hiện đại hóa của Trung Quốc cũng chắc chắn dẫn tới quyền lực chính trị không còn do sức mạnh quân sự trên đất liền quyết định, sức mạnh trên biển tương tự trở thành bộ phận then chốt không thể xem nhẹ của quyền lực quốc gia. Vì vậy, Trung Quốc đã chuyển từ “cơ sở lịch sử” thuần túy dựa vào sức mạnh trên đất liền sang “cơ sở địa lý” coi trọng cả trên biển lẫn đất liền.

Thứ hai, mấy năm gần đây sức mạnh quốc gia của Trung Quốc tiếp tục tăng nhanh làm cho sức mạnh trên biển được tăng cường rõ rệt. Khi hiện đại hóa quân sự là việc cần làm trong quá trình xây dựng hiện đại hóa Trung Quốc và được coi là bộ phận cấu thành quan trọng của sức mạnh quân sự, việc phát triển lực lượng hải quân rõ ràng đã được đặt ở vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Việc tăng tốc hiện đại hóa lực lượng hải quân của Trung Quốc trong mấy năm gần đây đã chứng minh điểm này. Hiện nay, khả năng tác chiến dưới nước và trên mặt nước của Hải quân Trung Quốc đều đã được nâng cao mạnh mẽ: về khả năng tác chiến dưới nước, Trung Quốc đã chế tạo tàu ngầm kiểu mới sản xuất trong nước với các kích cỡ khác nhau và phạm vi hoạt động đang mở rộng chưa từng có; về khả năng tác chiến trên mặt nước, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã kết thúc thử nghiệm trên biển lần thứ 9 vào ngày 30/7/2012 đồng thời đưa vào hoạt động trong cùng năm, việc phát triển của tàu sân bay đã cho thấy mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là dốc sức phát triển khả năng tác chiến ở biển xa. 

Thứ ba, nhu cầu lợi ích trên biển tăng lên, sức ép của xã hội công dân Trung Quốc tăng mạnh. Về mặt khách quan, sự phát triển nhanh của nền kinh tế và sức mạnh tổng hợp đất nước được nâng lên tự nhiên đòi hỏi nhu cầu lợi ích trên biển cũng tăng lên. Năm 2011, tổng giá trị kinh tế biển của Trung Quốc lên tới 4,557 tỷ nhân dân tệ, chiếm trên 9,7% GDP, hơn nữa tốc độ tăng trưởng của nó cao hơn hẳn tăng trưởng GDP cùng kỳ. Có thể nhận thấy các ngành liên quan tới biển đã trở thành bộ phận cấu thành không thể thiếu của nền kinh tế Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu ngày càng quan tâm tới lợi ích quốc gia trên biển; đồng thời, do kinh tế biển liên quan tới lợi ích thiết thân của nhiều ngành và bộ phận trong xã hội nên sức ép bảo vệ lợi ích trên biển đến từ xã hội công dân cũng ngày càng lớn. 

Thứ tư, những ảnh hưởng chủ yếu nảy sinh từ sự thay đổi ở ba phương diện trên, tức là sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước có biển xung quanh. Về mặt bản chất, ba nội dung được đề cập ở trên lần lượt phản ánh Trung Quốc hiện đã hướng tới biển ở ba cấp độ nhận thức chủ quan, phát triển sức mạnh và lợi ích khách quan, do vậy mang đến xung đột lợi ích tiềm tàng và tác động tâm lý thực sự cho Mỹ và các nước Đông Á, Đông Nam Á có liên quan là điều dễ nhận thấy. Về phía Mỹ, việc Trung Quốc hướng ra biển bị coi là sẽ đe dọa lợi ích quốc gia lâu dài của cường quốc biển Mỹ, thậm chí Mỹ được coi là bá chủ trên biển; về các quốc gia có biển xung quanh, sự trỗi dậy về sức mạnh trên biển của Trung Quốc được dư luận đông đảo cho là sẽ làm thay đổi căn bản cục diện chiến lược, lợi ích biển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay, đe dọa quyền lợi biển vốn có của các quốc gia này. 

Về các nguyên nhân bên ngoài, Mỹ là nhân tố chính, các nước xung quanh là nhân tố phụ. 

Từ khi Chính quyền Obama đưa ra chiến lược “quay trở lại châu Á” năm 2009 tới nửa cuối năm 2011 bắt đầu cao giọng đẩy mạnh chiến lược này với các biện pháp chủ yếu là quân sự và ngoại giao, vùng biển xung quanh Trung Quốc trở thành vũ đài quan trọng để Mỹ quay trở lại châu Á. Không khó nhận thấy phía sau tình hình “cùng lúc xảy ra vấn đề ở 3 vùng biển” mà Trung Quốc phải đối mặt, đâu đâu cũng thấy hình bóng của Mỹ. Nguyên nhân là kinh tế Mỹ hiện rơi vào tình cảnh khó khăn, các vấn đề xã hội phức tạp gay gắt, do đó trọng điểm của chiến lược trở lại châu Á là dựa vào ưu thế quân sự của chính nước này, đặc biệt là ưu thế sức mạnh trên biển. Cụ thể, Mỹ có khả năng can thiệp vào vấn đề biển của Trung Quốc chủ yếu là do có 3 ưu thế sau: thứ nhất, sức mạnh trên biển của Mỹ hiện vẫn ở vào vị thế không ai địch nổi; thứ hai, các nước ở bờ Tây Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philíppin tạo thành hệ thống đồng minh của Mỹ; thứ ba, là lực lượng ngoài khu vực, Mỹ có điều kiện lợi dụng tranh chấp lãnh thổ biển giữa Trung Quốc với các nước xung quanh, tiến hành can thiệp vào khu vực này. 

Nếu nói Mỹ đã lợi dụng mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước xung quanh can thiệp vào tranh chấp vùng biển gần bờ Trung Quốc thì một số nước xung quanh Trung Quốc đồng thời cũng sẽ qua đó có ý định chế tạo mâu thuẫn Trung-Mỹ, lợi dụng sức mạnh của Mỹ kiềm chế Trung Quốc đang ngày một trỗi dậy, đồng thời đạt được mục đích dịch chuyển mâu thuẫn trong nước. Do đó, những quốc gia này đã đóng vai trò đổ thêm dầu vào lửa đối với tình hình hiện nay. Nhiều năm nay, do kinh tế Philíppin liên tục không khởi sắc, nhà lãnh đạo nước này chẳng làm được công trạng gì trong nước, mới giương chiêu bài dân tộc chủ nghĩa chuyển dịch tầm nhìn trong nước, khơi lên tranh chấp đảo Hoàng Nham. 

2- Biện pháp đối phó của Trung Quốc 

Đối mặt với vấn đề biển xuất hiện hiện nay, đặc biệt là bối cảnh trong và ngoài nước ở tầng nấc sâu phức tạp, trên cơ sở chính sách chiến lược đã có, Trung Quốc nên khẩn trương nghiên cứu biện pháp đối phó mới để thích ứng tốt hơn với tình hình mới và giải quyết vấn đề mới. Người viết cho rằng để giải quyết vấn đề biển hiện nay, Trung Quốc nên bắt tay từ 4 phương diện sau.

Thứ nhất, phân tích và xem xét vấn đề từ tầm cao chiến lược, tránh vì chỉ nhìn nhận đúng sai, hay dở từ bản thân sự việc mà rơi vào cục diện bị động bận rộn đối phó, thu hiệu quả ít. Tranh chấp chủ quyền chỉ là hiện tượng bên ngoài của vấn đề biển hoặc có người nói là nguyên nhân lớp ngoài, chúng ta nên xem những hiện tượng này để hiểu bản chất của các nhân tố bên trong và bên ngoài ở tầng nấc sâu hơn. Người viết cho rằng căn nguyên mà những nhân tố tầng sâu này cùng phản ánh có thể quy lại thành: cục diện chiến lược lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang có những thay đổi sâu sắc. Hiểu được như vậy, trong thời gian tới chúng ta mới có thể thảo luận về vấn đề biển với mục tiêu rõ ràng. 

Thứ hai, mấu chốt để giải quyết vấn đề biển hiện nay nằm ở sự trao đổi và phối hợp chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Thời gian gần đây, vấn đề “nghi ngờ chiến lược lẫn nhau” hoặc có người nói là “thiếu lòng tin lẫn nhau” giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở thành trọng điểm được giới chiến lược và các giới thảo luận, làm thế nào xóa bỏ sự “thiếu hụt” này trong vấn đề biển đã trở thành vấn đề quan trọng liên quan tới toàn bộ cục diện quan hệ Trung-Mỹ. Và việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự nỗ lực chung của cả hai nước. Một mặt, Mỹ nên hiểu rằng sức mạnh quốc gia của Trung Quốc tăng lên tất sẽ bao gồm sự tăng cường sức mạnh trên biển và mở rộng lợi ích trên biển, thừa nhận đồng thời dần chấp nhận hiện thực này là sự lựa chọn có ích nhất đối với Mỹ; mặt khác, Trung Quốc cũng nên tiến hành trao đổi và giao lưu hết mức với Mỹ, áp dụng phương thức phối hợp giữa hai bên chứ không phải đối kháng cứng rắn để xóa bỏ sự nghi ngờ của phía Mỹ, thực hiện hợp tác cùng thắng lợi. 

Thứ ba, tăng cường sự phối hợp hài hòa lợi ích giữa Trung Quốc với các nước có biển xung quanh cũng là mắt xích quan trọng giải quyết vấn đề hiện nay. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến một số nước Đông Á, Đông Nam Á có thái độ phản đối và kiềm chế đối với sự phát triển sức mạnh trên biển của Trung Quốc chính là do lo ngại lợi ích biển vốn có của mình bị tổn hại. Trong bối cảnh này, Trung Quốc cần nỗ lực triển khai hợp tác quốc tế trong quá trình “GDP biển” của mình tăng lên để các nước có liên quan xung quanh chia sẻ thành quả phát triển của Trung Quốc nhằm giảm bớt va chạm ngoại giao và bất đồng lợi ích, thực hiện cùng nhau phát triển. 

Cuối cùng, trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ biển, Trung Quốc một mặt cần tiếp tục giữ vững quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, mặt khác nên tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu pháp lý và lịch sử đối với lãnh hải và các đảo của mình, đồng thời triển khai giao lưu đối thoại nhiều hơn để bên ngoài có thể hiểu hơn về vấn đề này./. 

Theo Tạp chí Hòa bình và Phát triển (Trung Quốc)

Quốc Trung (gt)