Phân tích trên tạp chí "Đại Tây Dương" về vai trò và ảnh hưởng của ban lãnh đạo tối cao mới của Trung Quốc trong việc dẫn dắt nước này trong bối cảnh mới ở trong cũng như ngoài nước, tướng Jean-Vincent Brisset, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), nói rằng chừng nào chưa thấy họ hành động thì không thể nói gì trước về định hướng chính trị của êkíp mới, cũng không thể nói sẽ có những thay đổi gì. Bởi lẽ ở Trung Quốc không là một hệ thống trong đó Đảng cầm quyền phải đối mặt với một phe đối lập. Trái lại, đó là một hệ thống có một chuẩn mực và trong chuẩn mực đó lại có các liên minh. Những người tạo thành chuẩn mực đó có thể có ý kiến khác nhau, nhưng khi đứng ngoài chuẩn mực đó, người ta sẽ bị loại bỏ. Đó là điều đã xảy ra với Bạc Hy Lai. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là liên minh đó điều hành trên cơ sở lợi ích và tư tưởng giống nhau. Các thành viên của nhóm lãnh đạo này có nhiều điểm tương đồng hơn là điểm bất đồng. Như vậy, họ phải tìm cách cùng nhau hoạt động vì họ buộc phải làm như vậy. Được hỏi thành phần ban lãnh đạo mới có tác động thế nào đến chính sách đối nội của Trung Quốc, tướng Jean-Vincent Brisset cho rằng dường như không có thay đổi gì lớn. Phương châm của Trung Quốc trong 30 năm qua là "tăng trưởng và ổn định". Liệu các nhà lãnh đạo mới, đứng đầu là Tập Cận Bình, có trung thành với khuynh hướng đó bằng mọi giá không? Có thể cho rằng Trung Quốc sẽ dần dần đi theo con đường dân chủ không? Tướng Jean-Vincent Brisset cho rằng vấn đề ở đây là nền dân chủ kiểu gì? Một nền dân chủ kiểu phương Tây ở Trung Quốc là điều có thể loại trừ vì các nhóm vận động hành lang không giống như ở phương Tây, còn tình trạng ban phát bổng lộc là nảy sinh do độc đoán chứ không có tính chất dân chủ. 

Liên quan đến các cuộc cải cách được Tập Cận Bình nói đến, ông Michel Aglietta, giáo sư kinh tế Trường đại học Pari 10 (Pháp), cảnh báo không nên coi Tập Cận Bình là một kẻ ngoại đạo, vì bước thăng tiến chính trị của ông trở thành hiện thực trước hết là nhờ ý chí của số cán bộ Đảng cũ, những người hoàn toàn không thể bỏ qua được trong hoạt động chính trị ở Trung Quốc. Mọi quyết định về lãnh đạo đều được tập thể thông qua, từ đó không thể có huyền thoại con người của tình thế sẽ một mình cách mạng hóa cả một xã hội. Điều này là quan trọng khi biết rằng các cuộc cải cách được Tập Cận Bình công bố, cụ thể là về vai trò của quân đội và lực lượng an ninh, chỉ có thể thực hiện được với điều kiện duy nhất là các cuộc cải cách đó phải được các cơ quan lãnh đạo còn lại đánh giá là đáp ứng được yêu cầu. Người ta có nói đến một sự đồng thuận nào đó trong Thường vụ Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương về chính sách cho những năm tới. Giáo sư Michel Aflietta một mặt khẳng định nếu đúng như vậy thì đó chắc chắn là một tin tốt lành, mặt khác cũng cảnh báo rằng không nên rơi vào cách hiểu theo kiểu phương Tây: mục đích không phải là tạo ra một xã hội tân tự do để rồi dẫn đến tư nhân hóa toàn bộ xã hội. Trả lời câu hỏi Tập Cận Bình sẽ dựa trên tính hợp pháp nào để khiến mọi người chấp nhận cải cách, giáo sư Michel Aglietta, đồng thời là cố vấn Trung tâm nghiên cứu viễn cảnh và thông tin quốc tế (CEPII), cho biết ở Trung Quốc, tính hợp pháp hình thành trên cơ sở số người ủng hộ trong Đảng. Tập Cận Bình có được sự ủng hộ tương đối trong Quốc hội (2.000 đại biểu), Bộ Chính trị (25 ủy viên) và cấp lãnh đạo tối cao ra quyết định là Thường vụ Bộ Chính trị (7 ủy viên). Tuy nhiên, không lúc nào Tập Cận Bình có thể chơi con bài dân tộc để chống lại giới tinh hoa bằng cách sử dụng uy tín mà ông có được đối với dư luận. Như vậy, khái niệm cán cân lực lượng giữa nhiều phe phái chính trị, trong khi mỗi phe đều dựa vào một bộ phận dân chúng, là không thể tồn tại trong văn hóa Trung Quốc và không nên nhìn nhận một vấn đề phức tạp như vậy theo nhãn quan của phương Tây. Trong Thường vụ Bộ Chính trị có một số nhân vật cải cách, từ đó cho phép nghĩ rằng có thể đèn xanh sẽ được bật đối với từng mảng cải cách và theo một thời gian nhất định. 

Tập Cận Bình hy vọng từ Đại hội 18, Đảng Cộng sản Trung Quốc ủng hộ hiện đại hóa các cơ cấu lãnh đạo, nếu không nhân dân sẽ mất "lòng tin" vào Đảng. Liệu đó có phải là ý định cuối cùng đối với chế độ cộng sản Trung Quốc không? Theo giáo sư Michel Aglietta, cũng là đồng tác giả cuốn "Con đường Trung Hoa, chủ nghĩa tư bản và đế chế" (Nhà xuất bản Odile Jacob), cơn giận dữ hiện nay của dân chúng nảy sinh là do trong thời gian gần đây, một số lĩnh vực kinh tế, như công nghiệp nặng, thường được lợi nhờ vị thế ưu đãi của mình, trong khi các lĩnh vực khác cũng như các tầng lớp dân nghèo nhất bị bỏ mặc. Trái ngược với những gì người ta tưởng, Đảng Cộng sản Trung Quốc theo dõi hiện tượng này rất chặt chẽ và với thái độ nghi ngại kế thừa từ nhiều thế kỷ qua. Lý do rất đơn giản: trong lịch sử Trung Quốc thường nổ ra các cuộc nổi dậy của dân chúng chống lại hoàng đế, trong đó một số cuộc thậm chí thành công trong việc lật đổ các triều đại hùng mạnh. Chính quyền trung ương vẫn luôn quan tâm đến việc đổi mới các cơ quan lãnh đạo để bảo đảm có được một sợi dây liên hệ trực tiếp và có hiệu quả với bộ phận dân chúng còn lại và Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay cũng không làm khác. Một chương trình đổi mới rộng rãi chính giới dựa trên việc sử dụng một số cán bộ trẻ hơn và được đào tạo về kinh tế, đang diễn ra nhằm mục đích cải thiện hình ảnh về một chính phủ có hiệu quả. Như vậy, có thể nói rằng mặc dù sai lầm xảy ra thường xuyên, song Đảng Cộng sản Trung Quốc đang áp dụng một văn hóa trọng bằng cấp nào đó, đúng lúc để cải thiện hình ảnh của Đảng cũng như nâng cao năng lực của Đảng trong việc bảo đảm sự thống nhất của cả nước. Như vậy, nếu Tập Cận Bình thành công trong việc thực hiện lời hứa đã công bố, chế độ Trung Quốc sẽ đi lên chứ không tiếp tục lún sâu vào tình trạng bất động nữa. Tướng Jean-Vincent Brisset cho rằng trong tiềm thức của Chính phủ Trung Quốc, ổn định chính trị gắn liền với cuộc sống đầy đủ của dân chúng, nhưng các nhà lãnh đạo mới liệu có tìm kiếm mục tiêu thiên về chất hơn không? Ít tăng trưởng về lượng hơn và tiến triển theo hướng tăng trưởng có thể chịu được, nghĩa là một cường độ năng lượng thấp hơn, có tính tới môi trường, tìm kiếm sáng tạo công nghệ cũng như mở rộng bảo trợ xã hội, có thể sẽ là mục tiêu của ban lãnh đạo mới. 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các vấn đề cực kỳ phức tạp và mối quan tâm đầu tiên của họ từ nhiều thập kỷ nay là duy trì ổn định xã hội ở trong nước. Đó là mối quan tâm rất lớn, còn tất cả những vấn đề còn lại là thứ yếu và phụ thuộc vào quyết tâm duy trì sự yên bình xã hội ở trong nước và sự thống nhất đằng sau Đảng. Để điều đó diễn ra tốt đẹp, Trung Quốc cần hạn chế nạn tham nhũng. Đằng sau các vấn đề tham nhũng đó vẫn tồn tại các vấn đề xung quanh sự kiện Thiên An Môn. Đó không phải là một cuộc đấu tranh vì dân chủ như báo chí phương Tây thời đó vẫn nói mà trước hết đó là cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Ba thách thức mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới phải đối mặt là kinh tế, rạn nứt xã hội và sinh thái. Êkíp mới sẽ buộc phải quan tâm đến ba vấn đề này. Hiện nay, không biết liệu êkíp đó có thể đối phó với các thách thức được đặt ra không. Trong khi trên thực tế, kinh tế điều khiển mọi thứ. Nền kinh tế Trung Quốc được xây dựng trên cát và với giả thiết cây vươn tới tận trời cao. Chắc chắn là cây sẽ không vươn được tới tận trời cao. Trong trường hợp đó, liệu ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc có kiểm soát được một cú hạ cánh nhẹ nhàng không? Họ từng làm được điều này vào đầu những năm 1990, nhưng hiện nay, Trung Quốc can dự nhiều hơn vào nền kinh tế thế giới vốn đang bất ổn. Vấn đề còn gay cấn hơn nữa khi nền kinh tế Trung Quốc dựa vào xuất khẩu. Đảng, chính phủ và quân đội - vì tất cả đều là một - phải kiểm soát được việc hạ cánh của một nền kinh tế hướng về xuất khẩu và biến nền kinh tế đó thành một nền kinh tế hướng hơn nữa về trong nước. Ở Trung Quốc, mức độ tiêu thụ trong nước thấp một cách không bình thường, kể cả đối với một nước mới trỗi dậy, vì chỉ chiếm 38% Tổng sản phẩm quốc nội. Hậu quả này là do tiến trình tăng trưởng cố tình tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những người có thiên hướng tiêu thụ mạnh lại không có phương tiện để làm việc đó, từ đó cần phải tái cơ cấu sâu rộng mô hình kinh tế. 

Người ta nhận thấy ở Trung Quốc có nhiều động lực đang thúc đẩy sự việc. Một bên là những thay đổi quan trọng về dân số làm thay đổi bản chất thị trường lao động. Ngày càng có ít lao động trẻ di cư chấp nhận đồng lương quá thấp và như vậy phải tăng lương. Chính phủ Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi để vấn đề này được giải quyết đúng hướng. Yếu tố quan trọng thứ hai là quá trình đô thị hóa. Phần lớn tình trạng không công bằng về thu nhập nảy sinh giữa khu vực nông thôn với thu nhập thấp hơn nhiều và khu vực thành thị. Nếu các nhà lãnh đạo sửa đổi chính sách này nhằm tạo điều kiện để tăng số lượng thành phố và quy mô các thành phố đó nhằm giảm phần nông thôn trong dân số vốn quá cao, sẽ vừa có nguồn tăng trưởng, vừa giúp gia tăng tiêu thụ vốn là đặc điểm của quá trình đô thị hóa. Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng cần ngăn chặn rạn nứt xã hội: các triều đại ở Trung Quốc sụp đổ một cách có hệ thống khi không còn tình đoàn kết ở trong nước. Hiện nay, tình đoàn kết đang dần mất đi. Có một tầng lớp nhỏ giàu có, thậm chí rất giàu, còn cả nước gần như không được hưởng của cải. Cũng có một tầng lớp trung gian, nhưng không quan trọng lắm. Đó là một thách thức cần phải kiểm soát và việc đó sẽ là rất khó khăn. Về rạn nứt xã hội, Trung Quốc là một nước vẫn luôn hoạt động với các triều đại, và đối với một người Trung Quốc, các nhà lãnh đạo hiện nay giống như một triều đại của các vị Hoàng đế. Nhưng sứ mệnh Trời trao chỉ có thể có hiệu quả nếu vị Hoàng đế hay chính phủ có cái ăn cái ở cho dân và duy trì được tình đoàn kết ở trong nước. Lúc này, ở Trung Quốc, tình hình không phải là như vậy. 

Lê Sơn (gt)