Đến nay, việc tập thể lãnh đạo mới do Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đứng đầu đã là điều gần như chắc chắn. Dư luận thế giới nhìn chung đánh giá cao năng lực đội ngũ lãnh đạo mới, song những khó khăn của Trung Quốc đang chờ họ giải quyết cũng rất nhiều và đây thực sự là những thách thức lớn. Đối với trong nước, có thể nói rằng những thành tích về kinh tế của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào trong 10 năm qua rất đáng khích lệ. Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã đứng vị trí thứ hai thế giới, để lại một "cơ sở" tốt đẹp cho thế hệ lãnh đạo sau. Việc đưa ra “quan niệm phát triển khoa học” cũng đã giúp Trung Quốc tìm ra con đường đúng đắn cho phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, do chịu sự tác động của tình hình kinh tế thế giới ảm đạm, kinh tế Trung Quốc cũng đang ở vào giai đoạn giảm tốc và thậm chí là sụt giảm. Cùng với đó là nạn tham nhũng trong Đảng vẫn hết sức nghiêm trọng, xã hội phát triển mất cân bằng, sự phân hóa hai cực cùng với sự tranh giành của các nhóm lợi ích khiến mâu thuẫn gia tăng gay gắt. Không chỉ vậy, các thế lực “Tân Cương độc lập” và “Tây tạng độc lập” ngày càng hoạt động mạnh, đe dọa nghiêm trọng sự thống nhất quốc gia và ổn định xã hội… Đây đều là những khảo nghiệm và thách thức gay gắt đối với đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc. 

Về mặt quốc tế, cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, áp lực mà các nước phương Tây và đặc biệt là Mỹ tạo ra đối với Trung Quốc ngày càng lớn. Bên cạnh đó, sự hoài nghi của các nước xung quanh đối với Trung Quốc ngày một sâu sắc, mâu thuẫn giữa các nước như Nhật Bản, Philíppin, Việt Nam… với Trung Quốc ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ Trung-Mỹ đang đối diện với thách thức mới. Trung Quốc đặt mục tiêu tới năm 2020 xây dựng thành công toàn diện xã hội phát triển thịnh vượng, thời kỳ Tập Cận Bình cầm quyền chính là giai đoạn then chốt cho mục tiêu này. Một mặt, những ưu thế giúp Trung Quốc thời gian qua tạo ra "kỳ tích" kinh tế đang thay đổi, mặt khác, các thách thức trên đều liên quan đến củng cố chính quyền và vận mệnh quốc gia. Do đó, giai đoạn cầm quyền tới đây của bộ đôi Tập-Lý sẽ không hề đơn giản. Về chính trị, tại Hội nghị Trung ương 3 khóa 11, Đặng Tiểu Bình đã kết thúc “cách mạng kiểu Mao”, đề xướng “cải cách mở cửa”, từ đó Trung Quốc đã có 30 năm phát triển kinh tế tốc độ cao. Tuy nhiên, đến nay, những “phần thưởng” của thời kỳ đầu cải cách đang dần giảm bớt, và cùng với việc cải cách tiến vào “vùng nước sâu”, các loại mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên phức tạp và nổi cộm. Bởi vậy, thúc đẩy cải cách thể chế chính trị đã trở thành chủ đề nóng chưa từng thấy. 

Càng gần tới thời gian khai mạc Đại hội 18, những tiếng nói kêu gọi cải cách chính trị dường như càng lớn hơn. Trong bài phát biểu quan trọng ngày 23/7 vừa qua, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã trả lời rõ rằng “từ khi cải cách mở cửa đến nay, chúng ta vẫn luôn đặt cải cách thể chế chính trị ở vị trí quan trọng của tổng thể cải cách phát triển, kiên định tăng cường thúc đẩy”. Phó Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Trung Quốc Trần Bảo Sinh cho rằng, trong hơn 30 năm qua, Trung Quốc đã không ngừng thúc đẩy cải cách thể chế chính trị, và cũng đã đạt được nhiều thành quả to lớn. Tuy nhiên, Bắc Kinh cần tỉnh táo nhìn nhận rằng, cải cách thể chế chính trị của Trung Quốc về nhiều mặt còn có rất nhiều vấn đề và thách thức và Bắc Kinh buộc phải tiếp tục tiến về phía trước. Giới quan sát cho rằng, cải cách chính trị ở Trung Quốc sẽ không phải tiến hành theo kiểu “đao to búa lớn”. Đội ngũ lãnh đạo mới ĐCS Trung Quốc vẫn sẽ kiên trì nguyên tắc thận trọng, ổn định từng bước thúc đẩy, song quyết tâm và mức độ thúc đẩy sẽ được tăng cường hơn nhiều, đặc biệt là về các mặt như tăng cường pháp chế, tăng cường độ minh bạch, tăng cường sự giám sát của nhân dân,... Đây có thể sẽ là những bước tiến thực chất. 

Về mặt kinh tế, đội ngũ lãnh đạo mới sẽ đối mặt với 3 vấn đề lớn. Một là xác định điểm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong tương lai và phương thức cần áp dụng để phát triển điểm tăng trưởng này? Hai là nhận định rõ nguy cơ lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai cùng các biện pháp ứng phó và phòng ngừa. Ba là xác định được trở ngại hoặc trở lực lớn nhất đối với cải cách và phát triển kinh tế Trung Quốc thời gian tới. Theo “Minh báo” từ những phát biểu gần đây của Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường có thể thấy rằng đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc đã có suy nghĩ rõ ràng đối với 3 vấn đề trên, bước tiếp theo sẽ là làm thế nào chuyển hóa thành những chính sách cụ thể có thể thực hiện được.

Lê Sơn (gt)