Nói một cách đơn giản, Trung Quốc có 3 lợi ích chiến lược cơ bản. Lợi ích chiến lược quan trọng nhất là duy trì an ninh trong nước. Trong lịch sử, khi Trung Quốc bắt đầu tham gia thương mại toàn cầu, như trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các khu vực ven biển phồn vinh, trong khi các khu vực nội địa, cách bờ biển khoảng 160 km và chạy dài 1.600 km về phía Tây, thì nghèo khổ. Hơn 80% số dân Trung Quốc hiện có mức thu nhập hộ gia đình thấp hơn mức thu nhập hộ gia đình trung bình tại Bôlivia. Hầu hết người nghèo Trung Quốc sống ở khu vực phía Tây vùng ven biển giàu có hơn. Sự bất bình đẳng thu nhập này hết lần này đến lần khác châm ngòi căng thẳng giữa lợi ích của các khu vực ven biển và trong nội địa. Sau cuộc nổi dậy thất bại tại Thượng Hải năm 1927, Mao Trạch Đông đã khai thác những căng thẳng này bằng cuộc Trường Chinh về phía Tây, huy động một đội quân nông dân và cuối cùng chinh phục được khu vực ven biển. Ông Mao đã đóng cửa Trung Quốc với hệ thống thương mại quốc tế, khiến Trung Quốc thống nhất và bình đẳng hơn, nhưng cực kỳ nghèo. Chính phủ Trung Quốc hiện nay đã tìm được những phương tiện thân thiện với người giàu hơn để đạt được sự ổn định: mua sự trung thành của người dân bằng việc làm. Những kế hoạch mở rộng công nghiệp đang được thực hiện mà hầu như không nghĩ đến các thị trường hay lợi nhuận. Tạo việc làm tối đa là mục tiêu chi phối. Tiết kiệm cá nhân đang được khai thác để tài trợ cho nỗ lực công nghiệp, khiến trong nước còn ít vốn để mua hàng hóa sản xuất ra. Vì thế Trung Quốc buộc phải xuất khẩu. Lợi ích chiến lược thứ hai của Trung Quốc bắt nguồn từ lợi ích chiến lược thứ nhất. Cơ sở công nghiệp của Trung Quốc được thiết kế để sản xuất ra nhiều hàng hóa hơn nền kinh tế nội địa có thể tiêu dùng, vì thế Trung Quốc phải xuất khẩu hàng hóa cho các nước khác, trong khi nhập khẩu các nguyên liệu thô. Vì thế, Trung Quốc phải làm mọi cách để đảm bảo nhu cầu quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu của họ. Việc này bao gồm rất nhiều hoạt động, từ việc đầu tư tiền vào nền kinh tế các nước tiêu dùng, đến việc hình thành sự tiếp cận tự do các tuyến đường biển quốc tế. Lợi ích chiến lược thứ ba là duy trì việc kiểm soát các vùng đệm. Dân tộc Hán chiếm đa số tại Trung Quốc chủ yếu sinh sống tại khu vực phía Đông, chiếm 1/3 diện tích Trung Quốc, nơi có lượng mưa nhiều để phân biệt với miền Trung và miền Tây Trung Quốc khô hạn hơn. Do vậy, an ninh của Trung Quốc đang phụ thuộc vào việc kiểm soát bốn khu vực đệm không phải người Hán: Mãn Châu, Nội Mông, Tân Cương và Tây Tạng. Bảo vệ những khu vực này có nghĩa là Trung Quốc có thể tự cách ly khỏi Nga ở phía Bắc, bất kỳ cuộc tấn công nào từ thảo nguyên phía Tây, Ấn Độ hoặc Đông Nam Á. Việc kiểm soát các vùng đệm cung cấp cho Trung Quốc những rào cản địa lý như rừng rậm, núi non, thảo nguyên và vùng đất hoang Xibêri, rất khó vượt qua và tạo ra sự phòng thủ sâu, sẽ đặt bất kỳ nước nào tấn công Trung Quốc vào thế bất lợi nghiêm trọng. 

Những lợi ích thách thức 

Hiện nay, Trung Quốc đang đối diện với những thách thức đối với cả 3 lợi ích trên. Sự suy thoái kinh tế tại châu Âu và Mỹ, hai khách hàng chính của Trung Quốc, đang khiến khu vực xuất khẩu Trung Quốc phải cạnh tranh nhiều hơn và nhu cầu giảm đi. Trong khi đó, Trung Quốc không có khả năng tăng nhu cầu nội địa, và việc đảm bảo tiếp cận các tuyến đường biển toàn cầu đang phụ thuộc vào những tuyến đường biển mà hải quân Mỹ muốn cho phép. Những áp lực kinh tế này cũng đang thách thức Trung Quốc ở trong nước. Khu vực bờ biển giàu có hơn đang phụ thuộc vào thương mại, hiện đang suy yếu và các khu vực nội địa nghèo khổ đang yêu cầu các khoản trợ cấp, khó được cung cấp khi tăng trưởng kinh tế giảm đáng kể. Thêm vào đó, hai vùng đệm của Trung Quốc đang không ổn định. Các dân tộc tại Tây Tạng và Tân Cương kiên quyết chống lại sự xâm lược của người Hán. Trung Quốc hiểu rằng việc mất các khu vực này có thể gây ra những mối đe dọa đối với an ninh của Trung Quốc, nhất là việc này có khiến Ấn Độ vươn sang phía Bắc dãy núi Himalaya hoặc tạo ra một chế độ Hồi giáo cực đoan tại Tân Cương. Tình hình tại Tây Tạng có tiềm năng đáng ngại nhất. Một cuộc chiến tranh thực sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ, ngoài những đụng độ nhỏ, là không thể xảy ra, một khi hai nước vẫn bị chia cách bởi dãy Himalaya. Không bên nào có thể cung cấp hậu cần cho một cuộc chiến tranh có quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều sư đoàn tại địa hình này. Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ có thể đe dọa nhau nếu họ vượt qua được dãy Himalaya và tạo được sự có mặt quân sự ở bên kia dãy núi. Đối với Ấn Độ, nguy cơ sẽ nổi lên nếu các lực lượng Trung Quốc tiến vào Pakixtan với số lượng lớn. Đối với Trung Quốc, nguy cơ xuất hiện nếu một số lượng lớn quân Ấn Độ tiến vào Tây Tạng. Vì thế, Trung Quốc liên tục làm ra vẻ sẽ đưa một lực lượng vũ trang lớn vào Pakixtan, nhưng cuối cùng, Pakixtan không thích thú gì với sự xâm lược thực tế của Trung Quốc, cho dù việc xâm lược này là nhằm chống lại Ấn Độ.

Tương tự như vậy, người Trung Quốc cũng không muốn tiến hành các hoạt động an ninh tại Pakixtan. Ấn Độ cũng không mấy quan tâm đến việc cử lực lượng vào Tây Tạng trong trường hợp nổ ra một cuộc cách mạng Tây Tạng. Đối với Ấn Độ, một Tây Tạng độc lập khỏi Trung Quốc là thú vị hơn. Một khi Tây Tạng còn là một khó khăn đối với Trung Quốc, vấn đề này còn trong tầm kiểm soát. Những người nổi dậy Tây Tạng có thể nhận được phần nào sự khuyến khích và hỗ trợ của Ấn Độ, nhưng không đến mức có thể đe dọa sự kiểm soát của Trung Quốc. Một khi các vấn đề nội bộ tại khu vực người Hán của Trung Quốc có thể kiểm soát, thì sự chi phối của Trung Quốc tại các vùng đệm cũng vậy, mặc dù với phần nào nỗ lực và hư hại danh tiếng của Trung Quốc tại nước ngoài. Chìa khóa đối với Trung Quốc là duy trì sự ổn định bên trong. Nếu phần người Hán tại Trung Quốc bất ổn, việc kiểm soát các vùng đệm trở nên không thể. Việc duy trì ổn định bên trong đang yêu cầu việc chuyển giao các nguồn lực, đòi hỏi sự tăng trưởng tiếp tục cao của kinh tế ven biển Trung Quốc nhằm tạo ra vốn để chuyển vào nội địa. Nếu xuất khẩu hàng hóa và việc nhập khẩu nguyên liệu thô dừng lại, thu nhập tại khu vực nội địa sẽ nhanh chóng giảm xuống mức bùng nổ chính trị. Trung Quốc hiện nay không đến mức xảy ra cách mạng, nhưng những căng thẳng xã hội đang tăng lên và Trung Quốc phải sử dụng bộ máy an ninh và Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) để kiểm soát những căng thẳng này. Việc duy trì các dòng xuất-nhập khẩu này là một thách thức lớn. Mô hình ưu tiên việc làm và thị phần hơn lợi nhuận đang phân bổ sai các nguồn lực và phá vỡ mối liên kết, thường được tự điều chỉnh, giữa cung và cầu. Một trong những hậu quả rõ thấy nhất là lạm phát, đang làm tăng chi phí trợ cấp cho khu vực nội địa, đồng thời phá hoại sức cạnh tranh của Trung Quốc với các nước xuất khẩu chi phí thấp khác trên thế giới. Đối với Trung Quốc, đó là một thách thức chiến lược và chỉ có thể đối phó bằng việc tăng lợi nhuận của các hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Điều này gần như là không thể đối với các nhà sản xuất giá trị gia tăng thấp. Giải pháp là bắt đầu sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn (sản xuất giầy ít hơn, và sản xuất xe ô tô nhiều hơn), nhưng điều này đòi hỏi một lực lượng lao động có trình độ giáo dục và được đào tạo kỹ năng nhiều hơn những người dân ven biển hiện nay, chứ đừng nói đến những người trong nội địa. Việc này cũng khiến Trung Quốc phải cạnh tranh trực tiếp với các nền kinh tế đã phát triển của Nhật Bản, Đức và Mỹ. Đây là chiến trường chiến lược mà Trung Quốc phải tấn công nếu muốn duy trì sự ổn định của họ. 

Một thành phần quân sự 

Ngoài những vấn đề có liên quan đến mô hình kinh tế, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với một vấn đề quân sự chủ chốt. Trung Quốc đang phụ thuộc vào các đại dương để tồn tại. Hình dạng của Biển Đông và Biển Hoa Đông khiến Trung Quốc khá dễ bị phong tỏa. Biển Hoa Đông khép kín trên một tuyến đường từ Hàn Quốc sang Nhật Bản và Đài Loan, với một chuỗi đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Biển Đông còn khép kín hơn với một tuyến đường từ Đài Loan tới Philíppin và từ Inđônêxia tới Xinhgapo. Quan ngại chiến lược lớn nhất của Bắc Kinh là Mỹ có thể phong tỏa Trung Quốc, không phải bằng việc đặt Hạm đội 7 vào bên trong mà ở bên ngoài 2 chuỗi đảo này. Từ đó, Mỹ có thể buộc Trung Quốc phái các lực lượng hải quân đi xa hẳn đại lục để có một sự mở cửa, đối mặt với tàu chiến Mỹ, trong khi vẫn phong tỏa các lối ra của Trung Quốc. Việc Trung Quốc không có một lực lượng hải quân đủ khả năng thách thức Mỹ đang làm vấn đề thêm tồi tệ. Trung Quốc vẫn đang trong tiến trình hoàn thiện tàu sân bay đầu tiên của họ. Quả thực, hải quân Trung Quốc không đủ quy mô và chất lượng để thách thức hải quân Mỹ. Nhưng vũ khí của Hải quân không phải là thách thức lớn nhất của Trung Quốc. Mỹ đã có tàu sân bay đầu tiên từ năm 1922 và cải tiến cả kỹ thuật tàu sân bay lẫn các chiến thuật chiến đấu nhóm từ đó đến nay. Việc đào tạo các đô đốc và nhân viên đủ khả năng chỉ huy các nhóm tác chiến tàu sân bay cũng mất nhiều thế hệ. Vì Trung Quốc chưa có tàu sân bay, nên họ cũng chưa bao giờ có một người chỉ huy một nhóm tác chiến tàu sân bay. Trung Quốc hiểu vấn đề này và đã chọn một chiến lược khác để ngăn chặn sự phong tỏa hải quân của Mỹ: tên lửa chống hạm, có khả năng chống lại và có thể xâm nhập các hệ thống bảo vệ của tàu sân bay Mỹ, cùng với sự có mặt đáng kể của lực lượng tàu ngầm. Mỹ hoàn toàn không muốn chiến tranh với Trung Quốc, nhưng nếu điều này thay đổi, phản ứng của Trung Quốc sẽ đầy khó khăn.

Mặc dù Trung Quốc có một hệ thống tên lửa trên bộ mạnh, nhưng hệ thống này dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái. Khả năng chiến đấu một trận chiến lâu dài là hạn chế đối với Trung Quốc. Hơn nữa, một chiến lược tên lửa chỉ hiệu quả với khả năng trinh sát hiệu quả. Người ta không thể phá hủy một con tàu, nếu không biết nó ở đâu. Điều đó dẫn tới việc cần có những hệ thống trong không gian, có khả năng xác định vị trí những con tàu của Mỹ và một hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp chặt chẽ. Điều này làm nảy sinh câu hỏi liệu Mỹ có khả năng chống vệ tinh hay không. Nếu giả dụ là có, thì khi Mỹ sử dụng khả năng này, tên lửa của Trung Quốc sẽ bị "mù". Vì thế, Trung Quốc đang bổ sung cho chiến lược này bằng việc tiếp cận cảng biển tại những nước ở Ấn Độ Dương và nằm ngoài Biển Đông. Bắc Kinh đang có những kế hoạch xây dựng cảng biển tại Mianma và Pakixtan. Bắc Kinh đã tài trợ và xây dựng cảng Gwadar tại Pakixtan, Côlômbô và Hambantota tại Xri Lanca, Chittagong tại Bănglađét và hy vọng xây dựng một cảng nước sâu tại Sittwe, Mianma. Để chiến lược này hoạt động, Trung Quốc đang cần cơ sở hạ tầng giao thông nối Trung Quốc với các cảng này. Điều đó có nghĩa là các tuyến đường sắt và đường bộ vươn dài. Nhưng quan trọng hơn, Trung Quốc cần duy trì những quan hệ chính trị sẽ cho phép họ tiếp cận những cảng đó. Ví dụ, Pakixtan và Mianma đang phần nào bất ổn và Trung Quốc không thể giả định rằng các chính phủ hợp tác sẽ luôn nắm quyền tại các nước đó. Để đảm bảo các cảng tại Ấn Độ Dương hữu dụng, Bắc Kinh phải tự tin về khả năng kiểm soát tình hình chính trị tại nước có cảng trong một thời gian dài. Kiểu kiểm soát này chỉ có thể được đảm bảo bằng sức mạnh vượt trội, có khả năng tiếp cận các cảng và hệ thống giao thông bằng vũ lực.

Điều cần lưu ý rằng sau khi thành lập nước, Trung Quốc ít tiến hành các chiến dịch tấn công quân sự và với những kết quả không mong muốn. Trung Quốc luôn tự khắc họa họ là một lực lượng quân sự thành thạo, nhưng trên thực tế họ ít có kinh nghiệm trong dự báo lực lượng. Lý do của sự thiếu kinh nghiệm này bắt nguồn từ an ninh nội bộ. PLA chủ yếu được định hình như một lực lượng an ninh nội bộ, do lịch sử những căng thẳng nội bộ của Trung Quốc. Việc lập chiến lược thận trọng đang đòi hỏi xây dựng các lực lượng nhằm đối phó với tình huống xấu nhất. Do được thiết kế cho an ninh trong nước nên PLA không thích hợp về học thuyết và hậu cần đối với các chiến dịch tấn công. Do vậy, việc sử dụng PLA để tấn công thường dẫn tới thất bại, hoặc bế tắc rất đau đớn. Dựa vào quy mô những vấn đề trong nước của Trung Quốc và thách thức để xâm lược một nước như Mianma, chứ đừng nói đến Pakixtan, việc xây dựng một lực lượng thứ hai đủ khả năng có thể không vượt quá khả năng nhân lực, nhưng vượt quá khả năng chỉ huy và hậu cần. PLA được xây dựng để kiểm soát Trung Quốc, chứ không phải đi xâm lược và những chiến lược xây dựng trên khả năng cần xâm lược là đầy rủi ro. Từ những năm 1980, Trung Quốc đã nỗ lực chuyển các trách nhiệm đảm bảo an ninh nội địa cho Cảnh sát vũ trang nhân dân, Biên phòng và các lực lượng an ninh nội địa khác. Nhưng bất chấp việc tái cấu trúc này, khả năng phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc với quy mô có thể trực tiếp thách thức Mỹ vẫn rất hạn chế. Có sự khác nhau giữa nhận thức Trung Quốc là một cường quốc khu vực và thực tế. Trung Quốc có thể kiểm soát nội bộ của họ, nhưng khả năng kiểm soát các nước láng giềng thông qua vũ lực quân sự là hạn chế. Quan ngại về việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan là không có căn cứ. Trung Quốc không có khả năng tổ chức một cuộc tấn công đổ bộ ở khoảng cách xa như vậy, chứ đừng nói đến việc duy trì hậu cần phục vụ chiến đấu lâu dài. Một phương án lựa chọn của Trung Quốc là các cuộc chiến tranh du kích thay thế tại Philíppin hoặc Inđônêxia. Nhưng vấn đề là với kiểu chiến tranh như vậy, Trung Quốc cần có những tuyến đường biển mở, và lực lượng du kích, chỉ cần trang bị tên lửa chống hạm hoặc mìn, đều có thể đóng cửa các tuyến đường biển này. 

Giải pháp chính trị 

Do vậy, Trung Quốc đang đối mặt với một vấn đề chiến lược lớn. Trung Quốc phải căn cứ vào chiến lược an ninh quốc gia của họ trên những việc Mỹ có khả năng làm, chứ không phải những gì Bắc Kinh mong muốn. Trung Quốc không thể chống lại Mỹ trên biển và chiến lược xây dựng các cảng tại Ấn Độ Dương vấp phải thực tế chi phí quá lớn và điều kiện chính trị để vào các cảng đó không chắc chắn. Nhưng nhu cầu tạo ra một lực lượng có khả năng đảm bảo việc tiếp cận này đi ngược lại những yêu cầu an ninh ở bên trong Trung Quốc. Một khi Mỹ vẫn là cường quốc hải quân chi phối của thế giới, chiến lược của Trung Quốc phải là trung lập hóa chính trị Mỹ. Nhưng Bắc Kinh phải chắc chắn rằng Mỹ không cảm thấy sức ép phải lựa chọn phương án phong tỏa. Vì thế, Trung Quốc phải chứng tỏ là một bộ phận quan trọng của đời sống kinh tế Mỹ. Nhưng Mỹ không nhất thiết phải coi hành động kinh tế của Trung Quốc là có lợi và người ta chưa rõ Trung Quốc có thể duy trì vị thế duy nhất của họ với Mỹ mãi hay không. Có những phương án lựa chọn khác ít tốn kém hơn. Những lập trường chính thức cứng rắn và hùng biện của Trung Quốc, được thiết kế để tạo ra sự ủng hộ dân tộc chủ nghĩa ở trong nước, có thể hữu dụng về chính trị, nhưng làm căng thẳng các quan hệ với Mỹ, không đến mức tạo ra xung đột chính trị, nhưng dựa vào điểm yếu của Trung Quốc, bất kỳ căng thẳng nào cũng nguy hiểm. Người Trung Quốc cảm thấy họ biết cách thức phân biệt giữa nguy cơ khẩu chiến và nguy cơ thực sự với Mỹ, nhưng đó vẫn là sự cân bằng tinh tế. Có nhận thức rằng Trung Quốc là một cường quốc khu vực, thậm chí toàn cầu đang trỗi dậy. Họ có thể đang trỗi dậy nhưng còn lâu mới giải quyết được những vấn đề chiến lược cơ bản, chứ đừng nói đến việc thách thức Mỹ. Sự căng thẳng trong chiến lược của Trung Quốc chắc chắn làm suy yếu, nếu không nói là làm chết người. Mọi phương án lựa chọn của họ đều có những điểm yếu nghiêm trọng. Chiến lược thực tế của Trung Quốc tránh việc phải đưa ra những lựa chọn chiến lược rủi ro. Trung Quốc đã may mắn trong 30 năm qua vì không phải đưa ra các quyết định như vậy, nhưng Bắc Kinh đang thiếu các công cụ cần thiết để tái định hình lại môi trường này. Việc xem xét vai trò thế giới hiện nay của Trung Quốc, trong tranh chấp năng lượng ở Xuđăng và thử nghiệm chính trị của Mianma cho thấy đó là một chính sách hy vọng mù quáng./.

Tin gốc: The State of the World: Assessing China's Strategy

Theo Stratfor (ngày 6/3)

Viết Tuấn (gt)