Tôn Xuân Lan 

Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến Tôn Xuân Lan là người phụ nữ duy nhất làm Bí thư Tỉnh ủy ở Trung Quốc hiện nay. Trong cuộc cải tổ nhân sự đang diễn ra, bà Tôn Xuân Lan, 62 tuổi, được cho là sẽ trở thành Bí thư Thành ủy Thiên Tân, một trong những thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc. Tôn Xuân Lan là một trong những người phụ nữ hiếm hoi của đội ngũ lãnh đạo nòng cốt ở Trung Quốc. Hầu hết sự nghiệp của bà Tôn Xuân Lan là ở các liên đoàn lao động và phụ nữ. Bắt đầu sự nghiệp tại Nhà máy sản xuất đồng hồ An Sơn ở tỉnh Liêu Ninh năm 1974, Tôn Xuân Lan sau đó đã được đề bạt làm Chủ nhiệm Liên đoàn Phụ nữ Nhà máy An Sơn, rồi Chủ nhiệm Liên đoàn Phụ nữ tỉnh Liêu Ninh và Liên đoàn Lao động tỉnh Liêu Ninh trong khoảng thời gian những năm 1980 đến 1990. Năm 2001, Tôn Xuân Lan thay Bạc Hy Lai làm Thị trưởng thành phố Đại Liên. Năm 2005, Tôn Xuân Lan được đưa về Bắc Kinh làm Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Trung Quốc. Trong thời gian đảm nhận chức vụ này, Tôn Xuân Lan được công nhận là người có nhiều thành tích trong thúc đẩy việc thiết lập các liên đoàn lao động ở các công ty do nước ngoài, Hồng Công và Đài Loan đầu tư, để giải quyết những tranh chấp giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Ở vị trí hiện nay, Tôn Xuân Lan đã gây ấn tượng với người dân địa phương nhờ sự nhiệt tình trong công việc. Tạ Hòa An, một người Phúc Kiến làm việc tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đồng thời là một đại biểu Đại hội 18, tin rằng Tôn Xuân Lan sẽ là sự lựa chọn hợp lý để điều hành Thiên Tân dựa trên những kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực thúc đẩy đầu tư, những mối quan hệ rộng rãi và nền tảng thương mại vững chắc. Tạ Hòa An nhận định: “Tôi cho rằng Tôn Xuân Lan sẽ làm tốt công việc tại Thiên Tân giống như bà ấy đã làm ở Phúc Kiến. 3 năm trước, bà ấy đã sử dụng mọi phương pháp có thể để đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng các biện pháp khoa học.” Ông Tạ Hòa An cũng nói thêm rằng Tôn Xuân Lan sẽ đưa quan điểm phát triển khoa học, một di sản lớn của Hồ Cẩm Đào, vào cánh cửa kinh tế Thiên Tân ở miền Bắc Trung Quốc. Tôn Xuân Lan nói rằng Phúc Kiến đã nghiêm túc trong những đánh giá môi trường khi khuyến khích đầu tư công nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến nhấn mạnh: “Khi lựa chọn các dự án, chúng tôi luôn luôn coi trọng chất lượng hơn là số lượng, và chúng tôi muốn phát triển chậm mà chắc để đảm bảo rằng sự phát triển của chúng tôi không phải trả giá vì sự phá hoại môi trường.” 

Tôn Chính Tài 

Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm Tôn Chính Tài là một trong những Bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất đã vào Bộ Chính trị, gióng lên hồi chuông khởi đầu một cuộc chiến mà ở đó những người chiến thắng sẽ trở thành các nhà lãnh đạo thế hệ thứ 6 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong một thập kỷ. Việc đưa Tôn Chính Tài vào Bộ Chính trị rõ ràng gần như chắc chắn là nhằm mục đích mở đường cho ông này về lãnh đạo thành phố trực thuộc Trung ương Trùng Khánh, nơi vẫn còn đang bề bộn khó khăn sau “cú ngã ngựa” của Ủy viên Bộ Chính trị khóa 17 kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Các nguồn tin ở cả Trùng Khánh và Cát Lâm đều nói với báo Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng rằng có đến 99% khả năng là Tôn Chính Tài sắp tới sẽ về làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Chuyên gia phân tích chính trị Trần Tử Minh ở Bắc Kinh nói rằng nếu như Tôn Chính Tài trở thành Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, vai trò mới sẽ đảm bảo cho ông này một suất trong Thường vụ Bộ Chính trị sau 5 năm nữa. Chuyên gia Trần Tử Minh nhận định: “Không cần biết Tôn Chính Tài sẽ làm gì ở cương vị mới. Điều quan trọng là ông ấy đã được lựa chọn vào Bộ Chính trị với tư cách là một trong những chính trị gia trẻ nhất, một bệ phóng để vào Thường vụ Bộ Chính trị tại Đại hội 19 sau 5 năm nữa và đưa ông ấy trở thành ứng cử viên chủ chốt hàng đầu cho thế hệ lãnh đạo Trung Quốc trong một thập kỷ sau đó.” 

Sinh năm 1963 tại tỉnh Sơn Đông, Tôn Chính Tài đã xây dựng vốn trí thức của bản thân chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, với các bằng cấp khác nhau về nông nghiệp. Tôn Chính Tài được biết đến là một sinh viên hàng đầu, một người quên cả những ngày nghỉ để nghiên cứu, học tập. Sở hữu chiều cao 1,8m, một chiều cao hiếm có trong các quan chức cấp cao Trung Quốc, Tôn Chính Tài đã từng chơi bóng rổ hồi còn đi học, nhưng sau đó đã bỏ môn thể thao này để chuyên tâm vào công tác nghiên cứu và học tập. Năm 1997, Tôn Chính Tài được điều chuyển đến công tác tại quận Thuận Nghĩa ở thủ đô Bắc Kinh trong vai trò Phó Chủ tịch Quận, bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình. Năm 2002, Tôn Chính Tài được bầu vào Thường vụ Đảng ủy Thành phố Bắc Kinh do Giả Khánh Lâm làm Bí thư Thành ủy và sau đó Giả Khánh Lâm được tấn thăng vào Thường vụ Bộ Chính trị. Từ đó, Tôn Chính Tài nhanh chóng thăng tiến trên con đường quan lộ, trở thành Bộ trưởng Nông nghiệp vào năm 2006. Vị trí này giúp Tôn Chính Tài đến nay vẫn là một trong những bộ trưởng trẻ nhất. Sau đó Tôn Chính Tài được đưa về làm Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm năm 2009. Hai năm sau đó, Cát Lâm đã gia nhập “Câu lạc bộ GDP nghìn tỷ” khi sản lượng kinh tế của tỉnh này đạt 1.040 tỷ nhân dân tệ. 

Hồ Xuân Hoa 

Bí thư Khu ủy Khu Tự trị Nội Mông Hồ Xuân Hoa, 49 tuổi, là một trong những “ngôi sao chính trị đang lên” được theo dõi chặt chẽ nhất trong thế hệ lãnh đạo thứ sáu của Trung Quốc. Ông này được cho là sắp được điều chuyển về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông. Sinh năm 1963 tại tỉnh Hồ Bắc, Hồ Xuân Hoa đã tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh (Hồng Công) chuyên ngành ngôn ngữ. Ông này đã từ chối công việc ở Bắc Kinh và thay vào đó là lựa chọn làm việc tại Tây Tạng. Hồ Xuân Hoa bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò là một cán bộ thuộc Phòng Tổ chức Cán bộ Đoàn Thanh niên Khu Tự trị Tây Tạng, sau đó lên làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Tây Tạng năm 1987, khi mới 24 tuổi, trở thành Phó Bí thư Đoàn cấp tỉnh thành trẻ nhất Trung Quốc. Hồ Xuân Hoa trở lại Bắc Kinh năm 1997 làm Bí thư Đoàn Thanh niên Bắc Kinh kiêm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc. Năm 2001, Hồ Xuân Hoa một lần nữa lại đến Tây Tạng trong 5 năm, làm Phó Bí thư Khu ủy Khu Tự trị Tây Tạng và Hiệu trưởng Trường Đảng Tây Tạng. Năm 2006, Hồ Xuân Hoa được bổ nhiệm làm Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc ở tuổi 43. Hai năm sau đó, Hồ Xuân Hoa được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Hà Bắc, trở thành Tỉnh trưởng trẻ nhất của Trung Quốc. Tháng 1/2010, Hồ Xuân Hoa được điều chuyển làm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Khu Tự trị Nội Mông. Truyền thông nước ngoài gọi Hồ Xuân Hoa là “Tiểu Hồ” bởi vì họ và nền tảng cơ bản từ Đoàn Thanh niên của ông này giống như Chủ tịch sắp mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào. 

Tuy nhiên, ngay cả khi có nhiều kinh nghiệm làm việc ở những khu vực xa xôi và phức tạp như Tây Tạng, Nội Mông, nhưng Quảng Đông vẫn là một thử thách lớn đối với Hồ Xuân Hoa. Liệu Hồ Xuân Hoa có thể thích nghi với môi trường kinh tế phức tạp của Quảng Đông, một tỉnh hiện đang đối mặt với thách thức tái cấu trúc, xuất khẩu đình trệ, một xã hội dân sự hoạt động mạnh mẽ và giới truyền thông thẳng thắn, hay không? Điều này sẽ được các chuyên gia phân tích theo dõi chặt chẽ. Tiến sĩ Bành Bành, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Khoa học Xã hội Quảng Châu nhận định: “Chúng ta sẽ không trông đợi một bước đột phá lớn ở Hồ Xuân Hoa, nhưng chúng ta có thể hoàn toàn chắc chắn rằng Quảng Đông dưới quyền quản lý của ông ấy sẽ không tụt hậu nhiều.” 

Triệu Lạc Tế 

Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây Triệu Lạc Tế là một ứng cử viên nặng ký cho chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi được tấn thăng vào Bộ Chính trị khóa 18. Sinh năm 1957 trong một gia đình trí thức ở thành phố Tây Ninh, thủ phủ của tỉnh Thanh Hải ở Tây Bắc Trung Quốc, nhưng tổ tiên Triệu Lạc Tế lại ở Tây An, Thiểm Tây. Triệu Lạc Tế đã có hơn 30 năm thăng tiến trên các nấc thang chính trị ở Thanh Hải sau khi tốt nghiệp khoa Triết học Đại học Bắc Kinh năm 1980. Ông này là một trong những người thuộc nhóm tốt nghiệp đầu tiên sau Cách mạng Văn hóa. Năm 2000, ở tuổi 42, Triệu Lạc Tế trở thành Tỉnh trưởng Thanh Hải, là nhà lãnh đạo cấp tỉnh trẻ nhất Trung Quốc. Việc bắt đầu sự nghiệp chính trị ngay từ khi còn trẻ đã giúp Triệu Lạc Tế trở thành một trong những nhà lãnh đạo khu vực cao cấp và giàu kinh nghiệm nhất, nhưng điều đó không đủ để giúp ông này vào được Bộ Chính trị khóa 17 cách đây 5 năm. Thất bại của Triệu Lạc Tế trong cuộc đua giành một suất Bộ Chính trị năm 2007 có thể là do ông này thiếu quan hệ mạnh mẽ theo một phe phái cụ thể. Tuy nhiên, điều đó có lẽ không phải là trở ngại trong cuộc đua lần này.Do được tấn thăng thành một trong số 25 Ủy viên Bộ Chính trị và hiện ở tuổi 55 – độ tuổi tương đối trẻ. Nếu kế nhiệm thành công Lý Nguyên Triều ở vị trí Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Triệu Lạc Tế sẽ ở vào một vị trí chủ chốt để có thể trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong 5 năm nữa, khi một số Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay sẽ về hưu. Chuyên gia phân tích chính trị Trần Tử Minh ở Bắc Kinh trước đó đã nói rằng nền tảng chính trị tương đối độc lập của Triệu Lạc Tế đã tạo cho ông này một cơ hội tốt để trở thành Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ông Trần Tử Minh nhận định: “Không giống như thực tiễn trong quá khứ, nếu bạn nhìn vào các cuộc cải tổ quyền lực gần đây trong số các sĩ quan quân đội và quan chức khu vực, bạn sẽ thấy rằng những người có quan hệ yếu hoặc không có liên kết với một phe phái cụ thể nào rõ ràng đã nhận được những phần thưởng vào thời điểm hiện nay.” Chuyên gia Trần Tử Minh cũng cho rằng việc Triệu Lạc Tế có thời gian dài công tác tại khu vực Tây Bắc xa xôi, khó khăn và kém phát triển cũng có thể có lợi cho ông này. 

Mạnh Kiến Trụ 

Bộ trưởng Công an Mạnh Kiến Trụ được cho là sẽ kế nhiệm nhân vật “bàn tay sắt” Chu Vĩnh Khang làm Bí thư ủy ban Chính trị pháp luật Trung ương mặc dù chưa từng là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Các chuyên gia phân tích nói rằng Mạnh Kiến Trụ chắc chắn sẽ tập trung nhiều hơn vào vấn đề chính sách thay vì các chiến dịch chính trị như người tiền nhiệm. Mạnh Kiến Trụ sinh tháng 7/1947 tại thành phố Tô Châu, thủ phủ tỉnh Giang Tô. Năm 1968, khi là một thanh niên tình nguyện 21 tuổi trong phong trào “về nông thôn” thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Mạnh Kiến Trụ đã về một nông trường trên đảo Trường Hưng ở Thượng Hải và bắt đầu các nấc thang chính trị. Mạnh Kiến Trụ làm việc 16 năm ở nông trường đó, thiết lập cơ sở sản xuất lương thực chính cho thành phố Thượng Hải vào năm 1958, trở thành một đảng viên sau 3 năm làm việc tại đó. Trong thập kỷ đầu tiên, Mạnh Kiến Trụ là một thủy thủ, rồi làm nhân viên điều vận, Bí thư Chi đoàn nông trường và Bí thư chi bộ Đảng ủy Ban Chính trị nông trường, trước khi trở thành Phó Bí thư Đảng ủy Nông trường năm 1977 ở tuổi 30. Là một “ngôi sao đang lên,” năm 1984 Mạnh Kiến Trụ được cử đến trường Đảng thành phố Thượng Hải để bồi dưỡng trong 2 năm. Ông này trở thành một trong hai Phó Thị trưởng Thượng Hải phụ trách công tác nông thôn vào đầu những năm 1990 và được bổ nhiệm là Phó Bí thư Thành ủy Thượng Hải năm 1996. 

Năm 2001, Mạnh Kiến Trụ rời Thượng Hải và trở thành Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây, Đông Bắc Trung Quốc. Mạnh Kiến Trụ giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô 6 năm, sau đó chuyển đến Bắc Kinh làm Bộ trưởng Công an năm 2007, thay Chu Vĩ Khang, người trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong năm đó. Các chuyên gia cho rằng vai trò của Mạnh Kiến Trụ trong việc củng cố an ninh trước Olympic Bắc Kinh và các lễ kỷ niệm cấp quốc gia như 60 năm Quốc khánh Trung Quốc năm 2009 đã giúp Mạnh Kiến Trụ giành đủ “vốn chính trị” để đảm bảo được tấn thăng vào Bộ Chính trị. Chu Vĩnh Khang đã bị chỉ trích vì những chiến thuật mạnh tay trong việc giám sát tư pháp và an ninh công cộng, nhưng các chuyên gia phân tích nói rằng có nhiều khả năng Mạnh Kiến Trụ sẽ thể hiện một phong cách khác. Giáo sư Mao Thụ Long thuộc Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định: “Chu Vĩnh Khang đã sử dụng việc giám sát tư pháp và an ninh công cộng làm một công cụ chính trị để xây dựng căn cứ quyền lực của riêng ông ta. Mạnh Kiến Trụ sẽ điều chỉnh một số thứ... và ông ấy có thể tập trung vào việc quốc tế hóa và chuyên nghiệp hóa các hệ thống cảnh sát và pháp luật của Trung Quốc. 

Mã Khải 

Ủy viên Quốc Vụ viện (Chính phủ) Mã Khải, 66 tuổi, nhiều khả năng sẽ trở thành Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực tài chính sau kỳ họp Quốc hội thường niên vào tháng 3 tới. Mã Khải là một trong 5 Ủy viên Quốc Vụ viện – một cấp bậc cao hơn Bộ trưởng – trong 4 năm qua. Ông này cũng là Tổng Thư ký Quốc Vụ viện, Chủ nhiệm một khoa của Học viện Hành chính Quốc gia Trung Quốc, đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Lãnh đạo Phát triển miền Tây của Chính phủ Trung Quốc. Vị cựu Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia đã xây dựng được một kho kinh nghiệm phong phú trong việc quản lý kinh tế những năm qua. Mã Khải, một người có nền tảng giáo dục tốt, được sinh ra trong một gia đình cán bộ quân sự cấp cao ở Thượng Hải. Gia đình Mã Khải chuyển tới Bắc Kinh khi ông lên 9 tuổi. Mã Khải học tại trường trung học Số 4 Bắc Kinh, một cái nôi đào tạo nổi tiếng của những thành phần ưu tú Trung Quốc thời bấy giờ. Sau khi tốt nghiệp, Mã Khải ở lại trường làm giáo viên và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Là một trí thức, Mã Khải đã bị ngược đãi trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa và bị buộc phải làm việc như một người lao động chân tay ở các khu ngoại ô của Bắc Kinh trong thời gian 2 năm, bắt đầu từ năm 1971. Tuy nhiên, sau đó Mã Khải kiếm được một vị trí giảng dạy triết học và chính trị tại Trường Đảng Trung ương ở quận Tây Thành của thủ đô Bắc Kinh. Năm 1979, ở tuổi 33, Mã Khải trở thành giảng viên Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh và tiếp tục kiếm được tấm bằng Thạc sĩ Kinh tế. Từ năm 1982 đến năm 1988, Mã Khải đảm nhận các vị trí khác nhau trong chính quyền thành phố Bắc Kinh, chủ yếu là về lĩnh vực kinh tế. Năm 1993, Mã Khải được điều chuyển đến làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Tái cấu trúc Kinh tế và Cải cách. Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đã bổ nhiệm Mã Khải làm Phó Tổng Thư ký Quốc Vụ viện vào năm 1998, và năm 2003 ông trở thành Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Ban lãnh đạo Năng lượng Quốc gia. Mã Khải nhiều khả năng sẽ làm việc dưới quyền Thủ tướng tương lai Lý Khắc Cường, và giám sát công tác phát triển trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc Đại lục từ năm tới. 

Lưu Kỳ Bảo 

Sự tấn thăng đầy bất ngờ của Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Lưu Kỳ Bảo vào Bộ Chính trị khóa 18 được xem như một phần thưởng cho vai trò của ông này trong việc điều phối công tác phục hồi sau thảm họa động đất kinh hoàng tại tỉnh Tứ Xuyên ngày 12/5/2008, làm gần 70.000 người thiệt mạng và 18.000 người mất tích. Ông Lưu Kỳ Bảo, 59 tuổi, cũng đã giám sát một phần chiến dịch mạnh tay đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến, những người tìm cách quy cho số lượng học sinh lớn thiệt mạng do động đất với các trường học chất lượng kém bị sập trong trận động đất này. Sản lượng kinh tế hàng năm của Tứ Xuyên đã tăng gấp đôi lên mức 2 nghìn tỷ nhân dân tệ kể từ khi công tác tái thiết sau động đất được hoàn tất vào năm ngoái, sớm hơn 12 tháng so với dự kiến. Thành tích này đã đưa Lưu Kỳ Bảo lên bệ phóng thăng tiến vào Bộ Chính trị, cơ quan quyết sách của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lưu Kỳ Bảo cũng gần như chắc chắn sẽ giám sát bộ máy tuyên truyền trên cương vị Trưởng ban tuyên truyền Trung ương. Vương Hiểu Đông, một nhà hoạt động vì nạn nhân động đất ở Tứ Xuyên, nói rằng Lưu Kỳ Bảo chắc chắn sẽ duy trì một lập trường cứng rắn nếu như ông này trở thành Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, do ông là người đã thực hiện chính sách đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến một cách liều lĩnh. Năm 2010, nhân vật bất đồng chính kiến Đàm Tác Nhân đã bị kết án 5 năm tù do bị buộc tội âm mưu lật đổ chế độ, trong khi Hoàng Khởi đã bị giam giữ 3 năm trong thời gian từ giữa năm 2008 đến năm 2011 vì tội “phổ biến bất hợp pháp các bí mật quốc gia.” Vương Hiểu Đông nhấn mạnh: "Lưu Kỳ Bảo, nhiều khả năng hơn bất cứ ai, sẽ làm Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, do cách tiếp cận cứng rắn của ông ta đối với các nhân vật bất đồng chính kiến và chiến dịch của ông ta chống lại những người nói ra sự thật.” Lưu Kỳ Bảo đã tốt nghiệp cử nhân lịch sử tại Đại học Sư phạm An Huy năm 1974 ở tuổi 21. Sau đó ông này trở thành Chánh Văn phòng Đảng ủy Tỉnh An Huy. Năm 1985, Lưu Kỳ Bảo được thăng chức làm Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc – căn cứ quyền lực của Hồ Cẩm Đào, cùng làm việc với Lý Khắc Cường, người hiện đang làm Phó Thủ tướng và sắp tới sẽ lên nắm chức Thủ tướng. Lưu Kỳ Bảo về làm Phó Tổng Biên tập Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 8/1993. Sự nghiệp chính trị của Lưu Kỳ Bảo đã có bước chuyển biến quan trọng vào năm 2000, khi ông này trở thành Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Tây. 6 năm sau Lưu Kỳ Bảo trở thành Bí thư Tỉnh ủy Quảng Tây và giành được nhiều uy tín nhờ thành tích phát triển kinh tế của khu vực này. 

Vương Hộ Ninh 

Cho dù là Hồ Cẩm Đào đi thăm những người nông dân ở các ngôi làng xa xôi hẻo lánh hay là gặp những nhà lãnh đạo các quốc gia, Vương Hộ Ninh thường đi bên cạnh vị Chủ tịch nước. Ông này cũng thường đi cùng Giang Trạch Dân trong thời kỳ Giang Trạch Dân còn tại nhiệm. 

Trên thực tế, Vương Hộ Ninh đã xuất hiện trước công chúng thường xuyên hơn so với bất kỳ quan chức cấp cao nào khác trong những năm gần đây, mặc dù ông này hiếm khi phát ngôn và thường giấu mình khá kín. Trong hai thập kỷ, Vương Hộ Ninh, 57 tuổi, đã phục vụ các nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong vai trò một cố vấn đáng tin cậy. Vương Hộ Ninh hiện là Trưởng ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương. Vương Hộ Ninh được cho là sẽ trở thành Phó Thủ tướng hoặc Ủy viên Quốc Vụ viện phụ trách các vấn đề đối ngoại. Sau khi trở thành Giáo sư đại học trẻ nhất Trung Quốc, Vương Hộ Ninh đã ở lại giảng dạy chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán năm 1981. Vương Hộ Ninh đã giành được sự tôn trọng và tin tưởng từ các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc nhờ chiều sâu học thuật, lập trường chính trị trung lập và phong cách làm việc thận trọng. Giang Trạch Dân đã lần đầu tiên chú ý đến Vương Hộ Ninh sau khi người cố vấn của vị cựu Chủ tịch này – cựu Thị trưởng Thượng Hải Uông Đạo Hàm - gọi cho nhân vật đầy triển vọng này đến gặp Giang Trạch Dân và ngay lập tức nhà lãnh đạo này đã chú ý đến Vương Hộ Ninh. Vương Hộ Ninh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc dự thảo “Thuyết Ba Đại diện” của Giang Trạch Dân cũng như là “Khái niệm phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào. Cả hai lý luận này hiện đã được đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Sinh năm 1956 tại Thượng Hải, Vương Hộ Ninh đã được miễn phải về các ngôi làng ở vùng nông thôn trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa do vấn đề sức khỏe. Ông theo học tiếng Pháp tại Đại học Sư phạm Thượng Hải và học chính trị quốc tế tại Đại học Phúc Đán. Vương Hộ Ninh trở thành một giáo sư ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Phúc Đán và từng có thời gian làm Giáo sư Thỉnh giảng tại Đại học California , Berkeley (Mỹ) vào cuối những năm 1980. Vương Hộ Ninh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa Chính trị Quốc tế của Đại học Phúc Đán năm 1989 và đứng đầu Trường Luật của Đại học Phúc Đán đến năm 1995. Vương Hộ Ninh đã trở nên nổi tiếng hơn vào năm 1993, khi đội tranh luận của Đại học Phúc Đán do ông huấn luyện đã giành chiến thắng trong một cuộc thi đấu quốc tế ở Xinhgapo./. 

Vũ Hiền (gt)