Nhìn lại một năm qua, tình hình tổng thể của Trung Quốc vẫn đi lên. Từ Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, sự mở rộng lợi ích chung của Trung Quốc trên toàn cầu được nhiều hơn mất. Nhìn quanh thế giới, ảnh hưởng thực tế của Trung Quốc đã được chứng minh rõ. Ví dụ ở châu Phi, cơ sở hạ tầng của rất nhiều nước như đường quốc lộ, bến cảng… đều do Trung Quốc xây dựng. Có quan chức ngoại giao phương Tây thậm chí còn than thở với tác giả rằng Trung Quốc đem đến sự phát triển kinh tế cho một số khu vực (châu Phi), còn người Mỹ chỉ biết bán vũ khí. 

Bên cạnh đó, tác giả nhận thấy một điều tương phản rõ rệt là trong khi trong nước đều đánh giá thấp năng lực tiềm tàng của Trung Quốc, tiềm lực và ảnh hưởng ở bên ngoài của Chính phủ Trung Quốc; bên ngoài lại đánh giá cao sự giàu có, khả năng hoạch định chiến lược và tính khả thi của các biện pháp thực tế được Trung Quốc thực hiện ở khu vực xung quanh và trên toàn cầu. Chính vì tồn tại sự tương phản này, dẫn đến rất nhiều người dân trong nước cảm thấy Chính phủ Trung Quốc mềm yếu, đưa ra quá nhiều cam kết với bên ngoài; bên ngoài thì cho rằng Trung Quốc giành được nhiều lợi ích nhất trong tiến trình toàn cầu hóa, nhưng sản phẩm công cộng và sự giúp đỡ đặc biệt mà Trung Quốc cam kết và cung cấp lại chưa nhiều. 

Chuyên gia về vấn đề Trung Quốc nổi tiếng của Mỹ, Michael Pillsbury cho biết Trung Quốc đang tham gia một cuộc chạy “Marathon thế kỷ”, mục tiêu cuối cùng là vượt Mỹ, lũng đoạn thế giới, thực hiện quyền bá chủ của mình. Trong khi ở Trung Quốc lại có những lập luận ngược lại, không ít quan điểm cho rằng Mỹ đang tăng cường “cuộc chiến bao vây” đối với Trung Quốc, tiến hành liên kết với các nước đồng minh để đối phó với Trung Quốc. Hai quan điểm này đều chưa đánh giá đúng hết tình hình. 

Xét môi trường ngoại giao tổng thể của Trung Quốc, hiện nay sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đang tiến vào thời kỳ thu hoạch, các dự án ở nước ngoài đang được tiến hành một cách có trật tự; quan hệ với các nước châu Âu về tổng thể là khá tốt, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tuy quan hệ giữa hai bên có một số điểm khó đoán định nhưng vẫn đang trao đổi tích cực với nhau; ở châu Á có lẽ ngoài Nhật Bản, quan hệ với các nước láng giềng khác đều tương đối ổn định. So với Chính quyền Putin, Chính quyền Obama, năm 2016 Trung Quốc là nước lớn có tương đối ít phiền phức. 

Không nên manh động khi đối phó với Chính quyền Donald Trump 

Sau khi ông Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, rất nhiều người đang đổ dồn sự chú ý vào diễn biến tiếp theo của quan hệ Trung-Mỹ. Nhìn lại 8 năm cầm quyền của đảng Dân chủ có thể thấy theo thời gian, di sản ngoại giao của Obama có thể ngày càng được đánh giá tích cực hơn. Xét theo quan điểm của người Mỹ, có lẽ họ đã bỏ ra quá nhiều, nhận được lại quá ít. Nhưng theo quan điểm của cộng đồng quốc tế, Mỹ rút quân khỏi Iraq, Afghanistan, cải thiện quan hệ với Cuba, Iran, trong rất nhiều vấn đề không phải là sử dụng vũ lực đơn phương, mà đã sử dụng chủ nghĩa đa phương để giải quyết, ví dụ như sáng kiến thế giới phi hạt nhân, sự bày tỏ thái độ đối với biến đổi khí hậu, ngoài ra Mỹ còn quan tâm đến vấn đề Bắc Cực, bảo vệ môi trường biển, những điều này minh chứng Obama ít nhiều có chút cảm xúc và lý tưởng. Ít nhất thì thế giới mà ông khát khao là thế giới hiểu nhau và hợp tác với nhau nhiều hơn, ít đối đầu và hiểu sai về nhau. 

So với ông Obama, việc ông Donald Trump lên cầm quyền quả thực khiến cho tình hình Mỹ và thế giới trở nên rất khó đoán. Trump sẽ đặt những ưu tiên của nước Mỹ lên vị trí hàng đầu, nhưng lại thông qua việc áp dụng các biện pháp lỗi thời để đạt được, ví dụ như xây dựng bức tường ngăn cách, phản đối người di cư và các nhóm người khác. Điều này làm cho bên ngoài lo ngại liệu các cam kết trước kia của Mỹ đối với Liên hợp quốc và đồng minh có giảm đi hay không. 

Ở Trung Quốc, hiện nay một số người lại có nhận định rằng bản thân nước Mỹ đã có quá nhiều sự phiền phức, có thể chẳng có sức quan tâm tới một số biện pháp gây sức ép đối với Trung Quốc trước kia như tuần tra ở Biển Đông, khai quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Trong nội bộ nước Mỹ và các đồng minh của nước này có thể đã đánh giá quá cao, nhưng Trung Quốc có lẽ lại đánh giá thấp mối nguy hại do Donald Trump lên cầm quyền mang lại. Một số học giả Mỹ lo ngại “Trung Quốc và Nga sẽ chiếm ưu thế trước Donald Trump”, trước luận điệu này Trung Quốc nên giữ thái độ thận trọng, không nên manh động, đồng thời tăng cường trao đổi, không được thiếu cảnh giác. Hiện nay, chính sách ngoại giao của Mỹ đang đối diện với sự xem xét lại, sau đó là thay đổi diện mạo mới hay sẽ bị hủy bỏ, vẫn cần phải được quan sát hơn nữa. Đương nhiên, những chính sách này chắc chắn sẽ phục vụ cho cục diện lớn là “ưu tiên công việc nội bộ”. 

Trong điện mừng gửi Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đề cập đến từ “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Phải chăng điều này có nghĩa là đối thoại kinh tế chiến lược Trung-Mỹ được tiến hành nhiều năm qua, mối quan hệ ổn định “hòa nhập nhưng vẫn giữ bản sắc riêng, đọ sức nhưng không phá vỡ thế cân bằng” mà hai nước xây dựng sẽ thay đổi. 

Điều đáng lo ngại hiện nay là trên lĩnh vực kinh tế thương mại, chẳng hạn như cuộc đàm phán hiệp định đầu tư song phương (BIT) giữa Trung Quốc và Mỹ đang đến một thời khắc rất quan trọng, nếu xuất hiện bất kỳ vấn đề gì, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ gặp phải trở ngại tương đối lớn. Không ít người còn cho rằng trong ngắn hạn, sự mất giá của đồng nhân dân tệ, xuất khẩu sang Mỹ suy giảm sẽ buộc Chính phủ Trung Quốc phải tập trung vào việc phát triển thị trường trong nước. Dựa trên những điều này, Trung Quốc không có lý do gì để quá lạc quan, mà nên thận trọng. 

Biển Đông: “Giành thắng lợi bên trong, nhưng thất bại ở bên ngoài” 

Điều không thể xem nhẹ là ngoại giao của Trung Quốc trong năm 2016 cũng có thời điểm “lâm vào tình thế nguy hiểm”, đó là cuộc khủng hoảng hoặc thất bại về ngoại giao, được thể hiện đặc biệt rõ ràng ở hai khu vực lớn – Biển Đông và bán đảo Triều Tiên. 

Trong vấn đề Biển Đông, sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông vào tháng 7, khiến cho Trung Quốc ở bên ngoài – cho dù nhà lãnh đạo hay là các học giả - muốn tái khẳng định “đường 9 đoạn” cũng gặp khó khăn hơn. Đa số các nước cho dù là cố tình hay vô ý đều có thể bị tác động bởi dư luận quốc tế, vì vậy rất nhiều tuyên bố và quyền lợi về Biển Đông trước đó của Trung Quốc đều mất hiệu lực hoặc phải đàm phán lại. Hiện nay, Trung Quốc không những không thực hiện được mục tiêu tổng thể như kỳ vọng ban đầu, mà các công trình trên một số đảo, đá nhỏ cũng có thể chịu ảnh hưởng. 

Điều này làm nhớ lại năm 1982, tuy Anh giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành quần đảo Falkland/Malvinas, nhưng vì không có giấy phép khai thác và sự công nhận của quốc tế, cho đến nay Argentina vẫn đang kháng cáo đối với chủ quyền quần đảo Falkland. Điều này làm cho quần đảo Falkland và vùng biển xung quanh dường như trở thành vùng cấm quân sự, không thể thực hiện bất kỳ hoạt động khai thác nào. Tương tự, những đảo, đá mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nếu không được sự công nhận của cộng đồng quốc tế, không được Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) công nhận, vận mệnh của những đảo đá này trong tương lai sẽ ra sao? Trong tương lai, nếu muốn khai thác thì phải dựa vào tiêu chuẩn nào, đây đều là những trở ngại. 

Nhìn chung, sự chuẩn bị ban đầu của Trung Quốc đối với vụ kiện về Biển Đông chưa đầy đủ, chưa xem xét toàn diện, mức độ tham gia cũng chưa đủ. Tuy tham gia cũng chưa chắc có thể giành phần thắng, nhưng đã đưa ra tòa giải quyết thì sẽ kéo dài thời gian kiện tụng, các trình tự như khiếu nại, phản chứng… đều sẽ phức tạp hơn nhiều. Nếu Trung Quốc hoàn toàn không tham gia thì còn có thể rơi vào cục diện bị động nếu muốn đạt được lợi ích chiến lược trong tương lai. 

Cho dù Trung Quốc dùng những lời lẽ đanh thép để đáp trả, hoặc quyền lợi tương tự “đường 9 đoạn”, thì cũng không phải là những thứ có thể đàm phán về mặt pháp lý và ngoại giao với cộng đồng quốc tế. Ví dụ một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ thường sử dụng một số phát ngôn thô bạo để gây sức ép với nước khác, nhưng thái độ này không nên được coi là sự đáp trả trên phương diện quốc gia. 

Trong những năm gần đây sự thất bại ngoại giao như vậy được coi là rất hiếm, tình hình thực tế hiện nay là Trung Quốc “giành thắng lợi bên trong, nhưng thất bại ở bên ngoài” ở Biển Đông. “Bên trong” ở đây là sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc đối với Biển Đông không ngừng tăng lên, dù là về xây dựng cơ sở hạ tầng, hay là bố trí hạm đội, tàu cá. Nhưng sự ảnh hưởng của “bên ngoài” như làm thế nào để giành được lòng người, được người dân các nước Đông Nam Á hiểu được là điều Trung Quốc đáng phải suy ngẫm. 

Trước vấn đề này, một số học giả nước ngoài thậm chí còn cho rằng trong tương lai, khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông có lẽ sẽ trở thành một “Trung Đông mới”, ví dụ như xuất hiện chiến tranh hỗn loạn, cuộc đọ sức căng thẳng giữa các nước, sự đối đầu của người dân. Có lẽ bây giờ chúng ta nghe có vẻ rất ngạc nhiên, nhưng điều này đang đại diện cho mối quan ngại của bên ngoài đối với khu vực này. Chúng ta luôn nói “đứng trên phương diện chính nghĩa, sẽ có được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhiều người”, trong cộng đồng quốc tế, thế nào là “chính nghĩa”? Đối với tác giả, các phương thức như Hiến chương Liên hợp quốc, lợi ích của cộng đồng quốc tế, hợp tác cùng thắng... là “chính nghĩa”, đây là những thứ không thể bị bỏ qua trong thời đại Trung Quốc phát triển nhanh chóng, trỗi dậy nhanh chóng hiện nay. 

Đề phòng bán đảo Triều Tiên xuất hiện chiến tranh lạnh mới 

Một cuộc khủng hoảng khác trong năm 2016 đến từ bán đảo Triều Tiên, cụ thể là cuộc khủng hoảng tồn tại trên hai phương diện sau. 

Một là quan hệ Trung-Triều liên tục suy giảm. Các bước phát triển vũ khí tầm xa và bom hạt nhân của Triều Tiên không ngừng được đẩy nhanh, năm 2016 nước này liên tiếp tiến hành 2 vụ thử hạt nhân, đây phải là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà quan hệ Trung-Triều đang phải đối diện hiện nay. Từ sau khi Triều Tiên có nhà lãnh đạo mới đến cuối năm 2016, nhà lãnh đạo hai nước vẫn chưa gặp nhau, điều này cho thấy hai bên tồn tại bất đồng căn bản trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Điều này cũng làm cho cơ chế Đàm phán sáu bên chỉ còn là hình thức. Sau khi tổng thống mới của Mỹ lên cầm quyền, bên giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong tương lai không phải là người Mỹ, mà phải dựa vào người Trung Quốc. Có thể nói vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã ngày càng đến gần điểm tới hạn của khủng hoảng. 

Hai là việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Đây có lẽ lại là một cuộc khủng hoảng lớn nhất từ khi Trung Quốc và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay. Cuộc khủng hoảng tương tự là “sự kiện Cao Câu Ly/Koguryo” năm 2004, khi đó vì vấn đề chủ quyền lịch sử của Vương quốc Cao Câu Ly cổ đại, Triều Tiên và Hàn Quốc đã xảy ra tranh cãi với Trung Quốc, họ cho rằng việc Trung Quốc trình báo di chỉ của Cao Câu Ly là di sản văn hóa thế giới, đã cho thấy tư tưởng bá quyền muốn chiếm đoạt bán đảo này, không ít người Hàn Quốc thậm chí còn biểu tình phản đối trước cổng đại sứ quán Trung Quốc tại nước này. Nhưng sự việc khi đó là tranh cãi ngoại giao do phương diện văn hóa gây ra, sau đó đã được hóa giải thông qua nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc. THAAD hiện nay là vấn đề an ninh, đối với Trung Quốc lại càng quan trọng và nhạy cảm. Điều này cho thấy Trung Quốc và Hàn Quốc thiếu sự tin cậy lẫn nhau ở tầng sâu, không hình thành nhận thức chung trong các đề tài liên quan đến an ninh quan trọng, trái lại còn khiến Mỹ tìm kiếm được lợi thế trong các kẽ hở. 

Đối diện với hai cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc một mặt vẫn dựa theo mục tiêu đã định, kiên trì quan điểm xóa bỏ hạt nhân; mặt khác phải đề phòng bán đảo Triều Tiên trở thành ngòi nổ của chiến tranh lạnh mới. Đối với Hàn Quốc, hiện nay có thể nói là hỗn loạn bên trong, tai họa bên ngoài. Đến lúc này, chỉ có thể hy vọng trong tương lai các bên có liên quan lợi ích có thể tiếp tục trao đổi – nếu xử lý thỏa đáng có lẽ sẽ làm cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên được cứu vãn, nếu không sẽ xuất hiện bóng đen của cuộc chiến tranh lạnh mới. 

Chiến tranh lạnh có nghĩa là sẽ hình thành hai tập đoàn lớn, theo quan điểm của một số người, một bên là Mỹ-Nhật-Hàn, một bên là Trung Quốc và Triều Tiên, hiện nay cộng thêm Nga. Một khi cục diện này được hình thành sẽ rất nguy hiểm, gây kích động người dân ở một số nước. Dư luận có lúc rất dễ bị bắt cóc, nếu một số người Trung Quốc cảm thấy Mỹ-Nhật-Hàn là một phe cánh thì có thể sẽ dấy lên tâm lý tẩy chay đối với những quốc gia này, như vậy sẽ gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho các vấn đề thực tế như đàm phán Khu vực thương mại tự do Trung-Nhật-Hàn. 

“Khi cần cứng rắn phải cứng rắn, khi cần mềm dẻo phải mềm dẻo” 

Hai cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nêu trên, ngoài có ảnh hưởng của nhân tố bên ngoài, ví dụ các nước ngoài khu vực như Mỹ, Philippines, Triều Tiên... thì cũng có vấn đề của bản thân Trung Quốc. Sau vụ kiện về Biển Đông, các quan chức ngoại giao của Trung Quốc quả thực đã dốc toàn lực vào công việc, cũng không ngừng liên lạc với các nước ASEAN, nhưng với tư cách là nước lớn khu vực, Trung Quốc cũng cần hiểu rõ và thông cảm với tâm lý của các nước xung quanh.      

Nhiều người hỏi tác giả, không phải đã có hơn 70 nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông sao? Tác giả phải nói rằng quan điểm của nhà lãnh đạo của những quốc gia này, trong đó có Thủ tướng Đức Merkel, là không dùng vũ lực giải quyết tranh chấp, phản đối nước lớn bên ngoài can dự, cũng như giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nhiều người ở Trung Quốc cho rằng điều mà họ tán thành là vấn đề chủ quyền Biển Đông, tức là các đảo đá trong tranh chấp thuộc về Trung Quốc. Sự giải thích quá đơn giản và chưa đủ rõ ràng của quan chức và phương tiện truyền thông Trung Quốc sẽ tạo nên sự hiểu sai như vậy. Tương tự, sau khi Tổng thống Philippines Duterte lên cầm quyền, quan hệ đối với Trung Quốc dường như tốt hơn nhiều, dư luận trong nước cơ bản đều cho rằng Trung Quốc đã giành được thắng lợi ngoại giao, vấn đề Biển Đông đã được cứu vãn. Nhưng nếu chỉ tổng kết lịch sử như vậy, Trung Quốc sẽ không thể có được những suy ngẫm cần thiết. 

Với tư cách là cường quốc biển, ngoài có tàu sân bay, hạm đội viễn dương, tàu chở hàng, tàu du lịch đi ra biển sâu với quy mô lớn, có sự đầu tư cho việc xây dựng chế độ ví dụ như khu cảnh giới ở thành phố Tam Sa, Trung Quốc còn có trí tuệ ứng phó với các vấn đề về biển, tức là các biện pháp giải quyết tình hình phức tạp, tư duy mang tính sáng tạo, khả năng hòa giải cung cấp các phương án đàm phán… Trung Quốc không những phải biết kiểm soát thực tế, đó là khi cần “cứng rắn phải cứng rắn”; hơn nữa còn phải hiểu pháp lý, đó là lúc cần “mềm dẻo phải mềm dẻo hơn”. 

Trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền quan trọng, có thể làm theo biện pháp của Đặng Tiểu Bình đối với vấn đề Hong Kong trước đây, đó là áp dụng chính sách chủ quyền trên các tầng nấc, có sự sắp xếp linh hoạt và đa dạng: một số có thể gác lại, một số có thể hợp tác, một số lại cần có sự can thiệp của quốc tế. 

Về phương diện lợi ích cốt lõi, biên giới của Trung Quốc cũng đang không ngừng thay đổi. Khi Trung Quốc phân biệt lợi ích quốc gia theo thứ tự quan trọng hay thứ yếu – khi đã có lợi ích cốt lõi, các lợi ích khác có thể hiểu được là có thể cùng chia sẻ và nhượng bộ. Nhưng điều này cũng tạo ra một vấn đề khác, đó là liên quan đến lợi ích cốt lõi thì phải cố thủ, không để lại khoảng trống. Vì vậy, Trung Quốc cần phải phân biệt giới hạn của những lợi ích cốt lõi này nằm ở đâu, cũng như khi đến giới hạn đỏ phải xử lý như thế nào, ví dụ áp dụng các biện pháp như kiểm soát khủng hoảng. 

Ngoài ra, khái niệm lợi ích cốt lõi cũng chỉ là tương đối, khi quốc gia suy yếu, lợi ích cốt lõi cũng sẽ suy yếu, còn trong thời đại tiến bộ, lợi ích cốt lõi ngày càng rõ ràng. Ví dụ như Trung Quốc luôn coi Đài Loan, Tây Tạng là lợi ích cốt lõi, và bây giờ là thêm Biển Đông; 50 năm sau, có lẽ một trạm không gian ngoài vũ trụ hoặc trạm khảo sát khoa học ở vùng địa cực cũng là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Để tránh đối đầu, Trung Quốc phải đưa ra những sự bố trí khác nhau ở các địa điểm khác nhau, khiến cho danh sách liệt kê của Trung Quốc và danh sách liệt kê của cộng đồng quốc tế có thể đạt tới sự ổn thỏa nào đó. Điều cần phải xem xét là khi lợi ích cốt lõi nảy sinh thay đổi, làm thế nào để cộng đồng quốc tế thích ứng với mình, đồng thời làm cho các bên lợi ích liên quan có thể từ đó được hưởng lợi. 

Trung Quốc cần phải có một quan niệm chủ quyền mới 

Đối với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” mà Trung Quốc đưa ra 3 năm trước, tác giả cho rằng hiện nay nên chuyển từ giai đoạn nói về lợi ích và ý nghĩa to lớn sang giai đoạn vừa nói về tiềm lực vừa nói đến sự cân bằng của các vấn đề.      

Cách đây không lâu, trong cuộc tọa đàm về công tác xây dựng “Một vành đai, một con đường”, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trình bày một cách tỉ mỉ, ông cho rằng việc xây dựng “Một vành đai, một con đường” từ không đến có, từ cục bộ đến toàn diện, tiến độ và thành quả đều vượt mong đợi. Điều này có nghĩa là phải biến kế hoạch xây dựng trong ngắn hạn thành kế hoạch trung và dài hạn, hình thành cơ chế. Từ bài phát biểu của Tập Cận Bình có thể thấy ông đã nhận thấy rõ những rủi ro và vấn đề tồn tại trong đó. 

Hiện nay, thị trường trong nước không khởi sắc, cần phải kết nối với bên ngoài, và các nước bên ngoài cũng đang kỳ vọng dựa vào Trung Quốc để kiếm lợi. Trước kia Trung Quốc chủ yếu là thu hút nguồn vốn, còn hiện nay đã đến giai đoạn xuất khẩu nguồn vốn, trong 5-10 năm tới, xuất khẩu của Trung Quốc ra nước ngoài sẽ có những thành quả to lớn và vĩ mô. Đây không chỉ là mong muốn của riêng nhà lãnh đạo, mà còn phản ánh sự tất yếu của việc Trung Quốc phát triển đến giai đoạn lịch sử này. Sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, “Một vành đai, một con đường” nhất định sẽ trở thành kiểu mẫu, trở thành điểm tựa để thế hệ như Chủ tịch Tập Cận Bình tạo dựng sự nghiệp. 

Năm 2017, nói rằng cần thảo luận bước tiếp theo của ngoại giao, không bằng nói rằng cần quan tâm hơn đến vấn đề trong nước. Vì phương thức tốt nhất để Trung Quốc ảnh hưởng thế giới là làm tốt công việc của mình. Giáo sư Tôn Lập Bình của Đại học Thanh Hoa không lâu trước từng viết bài, đề cập đến vấn đề nên xác định rõ phương hướng của đất nước. Ông cho rằng từ khi cải cách mở cửa đến nay, Trung Quốc có lẽ từng có thời điểm thuận lợi hoặc không thuận lợi, nhưng phương hướng tổng thể không lệch lạc, đó là hợp tác với thế giới, đi theo phương hướng hiện đại hóa. Ông cho rằng hiện nay phương hướng này có chút mơ hồ, đây cũng là nguy cơ lớn nhất hiện nay. Tác giả cũng tán thành phán đoán này. 
Đối với Trung Quốc, nếu tập thể lãnh đạo mới sau Đại hội XIX có thể hợp tác thiết thực với thế giới nhiều hơn thì sẽ làm cho Trung Quốc càng tự tin hơn. Hy vọng sau Đại hội XIX, Trung Quốc vẫn có thể bình tĩnh phân tích, tiếp tục cam kết cải cách mở cửa, cam kết hợp tác cùng thắng với thế giới này. 

Cụ thể là phương diện ngoại giao, mấy năm gần đây Trung Quốc quả thực đã đạt được tiến bộ không nhỏ, nhân viên ngoại giao đã bỏ ra rất nhiều công sức ở nhiều nơi. Trước kia, Bộ Ngoại giao từng đề xuất “Trung Quốc là người bảo vệ và người tham gia mang tính xây dựng của các quy tắc quốc tế”, “sự tham gia mang tính xây dựng” trong đó giống với “can dự mang tính sáng tạo” mà trước kia tác giả luôn đề cập. Tuy nhiên, trên phương diện cơ sở xã hội của ngoại giao, hiện nay Trung Quốc vẫn chưa đạt được những mong muốn của mình. 

Từ lý luận cho thấy Trung Quốc cần phải có quan niệm chủ quyền mới. Sự hùng mạnh của đất nước không chỉ dựa vào sức mạnh của ý chí, mà còn phải dựa vào sức mạnh mềm và trí tuệ, làm cho sự phát triển trong nước và trào lưu quốc tế cùng tiến bước. Quan niệm chủ quyền mới phải coi trọng hoàn thiện đối nội và đối ngoại: về đối ngoại, bên cạnh việc xác lập thứ tự lợi ích mục tiêu mới trên toàn cầu, cần hiểu rõ nhu cầu và mối lo ngại của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc; về đối nội, phải đề phòng tinh thần chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, hiểu rõ đa nguyên mở cửa và tiến bộ chính trị, vai trò tích cực của quyền lợi quốc tế đối với mình. Ví dụ như làm thế nào kết hợp tốt hơn giữa chủ quyền với nhân quyền; làm thế nào để biến chủ quyền thành tiến trình biến động, chứ không phải là pháp lý và khái niệm đơn giản... Tác giả hy vọng có thể thông qua việc xây dựng một loạt quan niệm, vừa phù hợp truyền thống và tình hình đất nước của Trung Quốc, vừa có thể kết nối tốt hơn với sự phát triển của nhân loại. Đây đều là những điều Trung Quốc cần suy ngẫm và thúc đẩy trong thời gian tới.

Vương Dật Châu, Phó Viện trưởng Học viện quan hệ quốc tế Đại học Bắc Kinh. Bài viết được đăng trên Thời báo Tài chính Trung Quốc.

Hoàng Lan (gt)