Giáo sư Hà Tộ Hưu, nhà vật lý học lý thuyết hàng đầu của Trung Quốc, người từng tham gia phát triển quả bom hạt nhân đầu tiên của nước này, cho rằng các nhà tư vấn chính sách năng lượng cho chính phủ đã đánh giá quá cao khả năng urani cũng như độ chín muồi của công nghệ hạt nhân của nước này. Viết trên số mới nhất của “Thời báo Khoa học”, Giáo sư Hà Tộ Hưu cũng nêu lên vấn đề là giới hữu quan chưa bao giờ công khai khả năng chống động đất của các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc.

Theo số liệu tháng 3/2011 của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Trung Quốc hiện có 14 lò phản ứng đang hoạt động, 26 lò đang được xây dựng và 28 lò trong giai đoạn lên kế hoạch. Hà Tộ Hưu, một thành viên Viện Khoa học Trung Quốc, mạnh mẽ cảnh báo: “Liệu chúng ta đã sẵn sàng cho tốc độ phát triển chóng mặt như vậy? Tôi cho rằng chưa. Chúng ta thiếu trầm trọng sự chuẩn bị, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn”.

Một nhà nghiên cứu giấu tên tại Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết bài báo của Hà Tộ Hưu đã gây dư luận xôn xao trong ngành này. Đây là nhà khoa học uy tín đầu tiên dám chỉ trích chiến lược hạt nhân của chính phủ. Theo nhà nghiên cứu này, Hà Tộ Hưu hiểu rõ đâu là những khiếm khuyết. Lấy ví dụ, mức độ kháng động đất vẫn đang là chủ đề tranh luận dữ dội trong ngành vì nó có tác động lớn đến chi phí của các dự án hạt nhân tương lai.

Mặc dù hiện chỉ có công suất điện hạt nhân khoảng 9 gigaoát (GW), Trung Quốc đặt mục tiêu đạt 200 GW vào năm 2030 và 400 GW vào năm 2050, chiếm hơn 15% nguồn cung năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, theo Hà Tộ Hưu, “rõ ràng đây là một cuộc Đại nhảy vọt”, đề cập đến hậu quả nặng nề khi Trung Quốc cố công nghiệp hóa nhanh chóng ở cuối thập niên 50.

Hà Tộ Hưu cho rằng một lý do Trung Quốc không thể lao vào phát triển nhanh chóng như vậy là thiếu nguồn nhiên liệu hạt nhân. Các nhà tư vấn chính sách năng lượng ước tính Trung Quốc có ít nhất 2 triệu tấn trữ lượng urani tự nhiên. Nhưng theo tính toán của Hà Tộ Hưu, dựa trên số liệu từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), số lượng này chỉ chưa đầy 300.000 tấn. Hà Tộ Hưu nhận định nhập khẩu không phải là giải pháp vì sẽ khó hơn nhiều so với nhập khẩu dầu, khí đốt.

Một cách giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu là công nghệ lò phản ứng tốc độ cao mà về lý thuyết có thể tăng hiệu quả thương mại của nhiên liệu. Nhưng nhà máy như vậy đòi hỏi đầu tư nhiều hơn cũng như chi phí bảo dưỡng cao hơn, đồng nghĩa giá điện thành phẩm sẽ tăng, làm giảm nghiêm trọng lợi thế cạnh tranh của điện hạt nhân.

Tuy nhiên, Hà Tộ Hưu nhận xét trở ngại lớn nhất cho chiến lược hạt nhân của Bắc Kinh là an toàn. Các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản được thiết kế có thể kháng động đất 7 độ Richter, của Hàn Quốc mức độ chính thức là 6,5 độ Richter và đang có kế hoạch nâng cấp lên tiêu chuẩn 7 độ Richter sau thảm họa hạt nhân vừa qua ở Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc chưa bao giờ thông báo mức độ này. Hà Tộ Hưu nêu lên thắc mắc: “Nhiều chuyên gia hạt nhân Trung Quốc nói rằng các nhà máy của chúng ta an toàn hơn ở Fukushima. Nhưng mức độ kháng động đất là bao nhiêu? Chưa hề có con số chính xác”.

Nhà khoa học này bày tỏ hy vọng con số đó sẽ được công bố và được dư luận giám sát. Song, theo Hà Tộ Hưu, ai trong ngành năng lượng hạt nhân cũng hiểu xây dựng một nhà máy điện hạt nhân có thể kháng động đất cỡ 9 độ Richter sẽ làm tăng chi phí khủng khiếp khiến tính cạnh tranh thị trường giảm đáng kể. 

 Theo SCMP

 Viết Tuấn (gt)