Đầu tiên, tiến trình chuyển giao quyền lực đã hoàn tất nhanh chóng và dứt khoát hơn so với 10 năm trước đó. Điều này cho phép các nhà lãnh đạo mới thực hiện hàng loạt biện pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy các mục tiêu đã cam kết.

Trên mặt trận kinh tế, Thủ tướng Lý Khắc Cường tỏ ra quyết đoán hơn so với người tiền nhiệm Ôn Gia Bảo trong năm đầu cầm quyền. Ông đã định hướng cụ thể các thay đổi chính sách sẽ được thực hiện trong những năm sắp tới. Có nhiều dấu hiệu cho thấy rõ ràng Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều là những nhà cải cách, bao gồm quyết định thiết lập một khu thương mại tự do ở thành phố Thượng Hải, những nỗ lực làm trong sạch thị trường tín dụng lộn xộn của Trung Quốc, và bãi bỏ một loạt thủ tục phê chuẩn cấp chính phủ. 

Chỉ vài tháng sau khi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo bắt đầu lên nắm quyền, dịch bệnh Viêm đường hô hấp cấp (SARS) bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc. Nhiều cuộc khủng hoảng tương tự cũng đã nổ ra trong giai đoạn đầu cầm quyền của bộ đôi Tập-Lý như cúm gia cầm, hàng nghìn xác lợn chết chật kín các con sông ở Thượng Hải và một trận động đất kinh hoàng ở tỉnh Tứ Xuyên. Mặc dù những vụ việc đó là rất nghiêm trọng, nhưng trên thực tế quy mô của chúng vẫn nhỏ so với đại dịch SARS. Có thể nói Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã may mắn hơn những người tiền nhiệm của họ, song thực tế là hai nhà lãnh đạo này đã tìm cách giải quyết những khó khăn riêng của mình một cách khá hiệu quả, góp phần giúp họ nhanh chóng củng cố quyền lực. 

Trong hai năm cuối của kỷ nguyên Hồ Cẩm Đào-Ôn Gia Bảo, các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc đã bị sa sút về một số mặt, mà nổi bật nhất là quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng xung quanh các cuộc tranh chấp kéo dài liên quan đến chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở Biển Hoa Đông và chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông. Sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã giải quyết các vấn đề này bằng cách thực hiện một chiến lược ngoại giao tấn công khôn khéo và thận trọng nhằm cải thiện hình ảnh của Trung Quốc ở trong khu vực cũng như trên toàn cầu. 

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã nhanh chóng tăng cường các mối quan hệ của Trung Quốc với châu Phi, Nga, Trung Á và Mỹ Latinh, Brazil và một chuyến thăm nổi bật trước đó tới Trung Mỹ. Cũng trong khoảng thời gian đó, các chuyến công du của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Nam Á và châu Âu đã củng cố và tăng cường hơn vị thế của Trung Quốc ở những khu vực này. Trung Quốc sau đó còn ký một thỏa thuận thương mại tự do với Thụy Sĩ. 

Có thể nhận ra rằng một trong các kết quả của diễn biến trên là Mỹ bắt đầu cảm thấy phải chịu sức ép của việc cần thiết phải sửa chữa mối quan hệ “cơm không lành canh chẳng ngọt” với Trung Quốc. Điều này đã mở đường cho cuộc gặp không chính thức giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama ở California trong khuôn khổ chuyến công du Trung Mỹ của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Các mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc giờ đây nhìn chung đã ổn định hơn. 

Hiện tại, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng cũng đã cải thiện, với hàng loạt chuyến thăm tới các quốc gia Đông Nam Á của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc. Gần đây, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cũng đã tổ chức một cuộc họp cấp cao quan trọng bàn về mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng. 

Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã thể hiện khả năng nhanh chóng thích ứng và kiểm soát tốt các vấn đề chính trị thông qua các quyết định trong lĩnh vực ngoại giao cũng như các biện pháp nhằm thanh lọc bộ máy cầm quyền. Tập Cận Bình cũng đã thể hiện quyết tâm củng cố quyền lực của Đảng Cộng sản cầm quyền. Đây là bước đi đúng đắn và hợp lý trong bối cảnh các thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Bất chấp các tư tưởng chính trị trái chiều, không thể phủ nhận thực tế là Đảng Cộng sản vẫn là đại diện cần thiết cho một thể chế đảm bảo sự phát triển của Trung Quốc cũng như giúp chính quyền đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Cải cách hệ thống pháp lý tại Trung Quốc vẫn là một vấn đề thể chế cần được cân nhắc, song đây là một nhiệm vụ to lớn và ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc dường như vẫn chưa sẵn sàng với thách thức này. Các nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề trong nội bộ Đảng cầm quyền - như nạn tham nhũng, cùng các thách thức ngày càng tăng về tình trạng mất đoàn kết và lệch lạc tư tưởng - của Tập Cận Bình có vẻ khá "lạc hậu". Nhiều quan điểm và hướng giải quyết các vấn đề trong nội bộ Đảng cũng như xây dựng nhà nước, như siết chặt tự do truyền thông, khiến nhiều người không khỏi liên tưởng tới "sự hồi sinh" của chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Chiến dịch "mặt trận quần chúng" đang được triển khai, nhằm tái kết nối chính quyền với người dân và đẩy lùi mọi hình thức suy đồi đạo đức và tha hóa, khiến xã hội Trung Quốc như đang quay trở lại dưới giai đoạn cầm quyền của Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, điều này không gì quá ngạc nhiên bởi Tập Cận Bình là một sản phẩm của chế độ đó và bởi vậy, những tầm nhìn của nhà lãnh đạo này về Đảng Cộng sản và việc xây dựng Nhà nước Trung Quốc mang các đặc điểm rõ ràng của kỷ nguyên chủ nghĩa cộng sản Mao Trạch Đông, thời kỳ mà ông được giáo dục và bồi dưỡng. 

Mọi chuyện cũng diễn ra tương tự đối với quan điểm của Tập Cận Bình về dân chủ và cải cách chính trị.

Năm 2012, tại Trung Quốc đã nổ ra những tranh cãi xoay quanh các cuộc "tấn công" của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm vào “các giá trị phổ quát” và “chủ nghĩa hợp hiến”. Trên thực tế, những khái niệm và quan điểm này phù hợp với ít nhất một vài trong số các cam kết tư tưởng và chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên cỗ máy tuyên truyền của Đảng lại coi đó là các âm mưu thù địch của phương Tây chống Trung Quốc, do lo ngại rằng một cuộc thảo luận cởi mở về vấn đề này sẽ đe dọa việc nắm giữ quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Những sự kiện này đã dẫn đến việc người dân nghi ngờ về quan điểm thực sự của Tập Cận Bình đối với mở cửa chính trị. Thậm chí, nhiều người thuộc tầng lớp trí thức và giới doanh nhân đã thất vọng trước việc chính trường Trung Quốc ngày càng thiên tả.

Phó Giáo sư Zhengxu Wang tại Trường Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại, hiện là Giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham.

Theo The South China Morning Post

Thùy Anh(gt)