Từ ĐH 16 đến nay, trước những biến động quốc tế to lớn và thay đổi trong quan hệ của TQ với thế giới, TW/ĐCS/TQ với đồng chí Hồ Cẩm Đào là Tổng Bí thư đã kiên trì trù tính hai đại cục trong nước và quốc tế, đẩy mạnh đổi mới lý luận và thực tiễn nền ngoại giao đặc sắc TQ, kiên định giữ gìn chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, tạo môi trường bên ngoài thuận lợi cho xây dựng toàn diện xã hội khá giả, viết lên trang huy hoàng của nền ngoại giao TQ đầu thế kỷ 21.

I. 10 năm từ ĐH 16 đến nay, ngoại giao TQ tiếp tục làm phong phú và phát triển tư tưởng, phong cách ngoại giao của tập thể lãnh đạo TW 3 thời kỳ với nòng cốt là đồng chí Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, đưa ra một loạt nhận thức mới, nhận định mới và tư tưởng mới, mở ra giới hạn mới trong xây dựng lý luận ngoại giao đặc sắc TQ.

(i) Đi sâu nhận thức đối với thời cơ chiến lược quan trọng trong phát triển đất nước. 10 năm qua, thế giới xảy ra một loạt sự kiện lớn, tình hình quốc tế và môi trường bên ngoài của TQ có thay đổi mới, sâu sắc và phức tạp. ĐCS/TQ phán đoán tình hình quốc tế một cách khoa học, nhấn mạnh TQ đứng trước thời cơ chưa từng có, cũng đối mặt với thách thức chưa từng có, phát triển của TQ vẫn ở trong thời kỳ chiến lược quan trọng và có thể làm nên thành tựu; TQ cần tăng cường ý thức về cơ hội và khó khăn, thúc đẩy hơn nữa cải cách mở cửa và hiện đại hoá XHCN. Những nhận thức mới, yêu cầu mới này có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với việc thống nhất tư tưởng, làm tốt các công tác trong và ngoài nước.  

(ii) Xác định rõ sách lược cơ bản đi con đường phát triển hoà bình. ĐCS/TQ nêu rõ TQ sẽ luôn đi con đường phát triển hoà bình. Nội hàm của con đường này là vừa thông qua bảo vệ hoà bình thế giới, phát triển tự thân, vừa thông qua phát triển tự thân để bảo vệ hoà bình thế giới; vừa nhấn mạnh dựa vào sức mạnh tự thân và cải cách sáng tạo để phát triển, đồng thời kiên trì mở cửa đối ngoại, học hỏi mặt mạnh của nước khác; kiên trì coi lợi ích căn bản của quốc gia và nhân dân làm điểm xuất phát và đích đến của công tác ngoại giao, đồng thời kiên trì kết hợp lợi ích của nhân dân TQ với lợi ích chung của nhân dân thế giới, không bao giờ xưng bá, không bành trướng. Kiên trì đi con đường phát triển hoà bình là kiên trì con đường XHCN đặc sắc TQ, là thực tiễn và thể hiện của quan điểm phát triển khoa học trong chính sách đối ngoại của TQ, là phương hướng sách lược cơ bản của công tác ngoại giao TQ thời kỳ mới.

(iii) Đưa ra chiến lược mở cửa cùng có lợi, cùng thắng. Hiện nay, sự dung hoà về lợi ích giữa TQ và thế giới bên ngoài đạt mức độ sâu rộng chưa từng có. Đồng chí Hồ Cẩm Đào đã chỉ rõ, sự phát triển của TQ không tách rời được thế giới và phồn vinh, ổn định của thế giới cũng không tách rời được TQ. TQ sẽ luôn thực hiện chiến lược mở cửa cùng có lợi, cùng thắng, tiếp tục dựa vào sự phát triển của mình để thúc đẩy phát triển chung của khu vực và thế giới, mở rộng điểm hội tụ lợi ích với các bên. TQ quyết không làm những việc có lợi cho mình mà tổn hại người khác, giá hoạ cho người khác. Cùng có lợi, cùng thắng thể hiện trào lưu hoà bình, phát triển và hợp tác, phản ánh quan điểm về hợp tác quốc tế kiểu mới và lợi ích của TQ trong thế kỷ 21, là tiêu chí nổi bật của ngoại giao TQ thời kỳ mới.

(iv) Đề xướng xây dựng thế giới hài hoà, hoà bình lâu dài, cùng phồn vinh. Năm 2005, đồng chí Hồ Cẩm Đào chỉ rõ, TQ sẽ cùng các nước, thúc đẩy xây dựng thế giới hài hoà, hoà bình lâu dài, cùng phồn vinh. Tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng hiệp thương về chính trị, cùng thúc đẩy dân chủ hoá quan hệ quốc tế; hợp tác, bổ sung ưu thế cho nhau về kinh tế, cùng thúc đẩy toàn cầu hoá kinh tế phát triển theo hướng cân bằng, cùng thắng, cùng có lợi ích; học hỏi lẫn nhau, cầu đồng tồn dị về văn hoá, tôn trọng tính đa dạng của thế giới, cùng thúc đẩy văn minh, tiến bộ của loài người; tin cậy, tăng cường hợp tác về an ninh, kiên trì giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình chứ không phải chiến tranh, cùng giữ gìn hoà bình ổn định của thế giới; giúp đỡ lẫn nhau, hợp sức thúc đẩy về môi trường, cùng bảo vệ trái đất. Tư tưởng thế giới hài hoà thể hiện tư duy mới và chủ trương mới của TQ trong xây dựng trật tự thế giới công bằng hợp lý, sẽ có ảnh hưởng sâu xa đến sự nghiệp tiến bộ của nhân loại.

(v) Tiếp tục hoàn thiện bố cục ngoại giao tổng thể. Công tác ngoại giao tiếp tục củng cố bố cục công tác đối với nước lớn, láng giềng và các nước đang phát triển, đồng thời nêu đa phương là diễn đàn quan trọng của công tác ngoại giao TQ, ngoại giao nhân văn và công chúng là phương hướng phát triển quan trọng của công tác ngoại giao trong tình hình mới; nhấn mạnh công tác ngoại giao có quan hệ chặt chẽ với phát triển quốc gia, cần thiết phải dựa vào phát triển, phục vụ phát triển, thúc đẩy phát triển. Bố cục ngoại giao tổng thể của TQ không ngừng phong phú và hoàn thiện, hình thành cơ cấu ngoại giao tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau, kết hợp đa phương song phương, chính trị kinh tế giữa các nước, khu vực và các lĩnh vực, thúc đẩy toàn phương vị công tác ngoại giao.

Lý luận ngoại giao kể trên đã cơ bản phản hồi đối với các mối quan ngại phổ biến của cộng đồng quốc tế đối với hướng đi của quan hệ TQ với thế giới, là kim chỉ nam cho hành động của ngoại giao TQ trong thế kỷ mới, giai đoạn mới, là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống lý luận XHCN.

II. 10 năm qua, với sự lãnh đạo của TW/ĐCS/TQ mà đồng chí Hồ Cẩm Đào là Tổng Bí thư, ngoại giao TQ nắm bắt cơ hội, đối phó thách thức, thuận theo tình thế, ứng phó thoả đáng với cục diện rối loạn quốc tế, tích cực định hướng cục diện biến đổi, nỗ lực mở ra cục diện mới, trải qua chặng đường phát triển lớn lao, không bình thường.

(i) Kiên định bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích phát triển. TQ kiên định bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, xử lý thoả đáng tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển với các nước láng giềng, tạo dựng môi trường bên ngoài có lợi về tổng thể cho việc đẩy nhanh xây dựng hiện đại hoá XHCN. Kiên quyết ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực chia rẽ như “Đài Loan độc lập”, “Tây Tạng độc lập”, “East Turkestan”, coi việc đối phó với tác động khủng hoảng tài chính quốc tế, phục vụ tốt cho kinh tế xã hội phát triển bình ổn, tương đối nhanh là trục chính xuyên suốt công tác ngoại giao. Tích cực tham gia hợp tác quốc tế đối phó khủng hoảng. Tăng cường kết nối công tác ngoại giao với chiến lược phát triển tổng thể quốc gia và khu vực, thúc đẩy hình thành khối lượng lớn các dự án hợp tác về kinh tế thương mại, tài nguyên năng lượng quan trọng; đảm bảo an ninh tuyến đường chiến lược trên biển và thông suốt tuyến huyết mạch tài nguyên năng lượng.

(ii) Tích cực lập kế hoạch, thúc đẩy cân bằng quan hệ với các nước lớn. Giữ quan hệ Trung - Mỹ ổn định phát triển về tổng thể, xử lý thoả đáng bất đồng, hai bên tích cực xây dựng quan hệ đối tác hợp tác tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, cùng thắng, đạt nhận thức chung quan trọng về tìm kiếm xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới. Quan hệ Trung - Nga được nâng tầm đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai bên xây dựng quy hoạch phát triển quan hệ nước lớn 10 năm tiếp theo. Nội hàm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện TQ - EU không ngừng phong phú, quan hệ TQ với các nước chủ chốt ở châu Âu và các nước Trung Đông Âu tiếp tục phát triển. Xử lý thoả đáng quan hệ Trung - Nhật, đồng thời đấu tranh kiên quyết với phía Nhật về việc chính phủ Nhật mua đảo trái phép. Vai trò của TQ trong chiến lược đối ngoại của các nước lớn tăng lên rõ rệt, các nước lớn đều tăng hợp tác và dựa vào TQ.

(iii) Tăng cường hơn nữa phụ thuộc chiến lược với láng giềng. Kiên trì phương châm thân thiện với láng giềng, coi láng giềng là bạn, hợp tác không ngừng đi vào chiều sâu. TQ xây dựng quan hệ đối tác với hầu hết các nước châu Á với các hình thức khác nhau, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước láng giềng, xây dựng khu mậu dịch TQ - ASEAN lớn nhất giữa các nước đang phát triển. TQ thúc đẩy các cơ chế hợp tác khu vực như SCO liên tục phát triển, tích cực dẫn dắt hướng đi của EAS, giữ vai trò có lợi, chủ động trong tiến trình hợp tác khu vực láng giềng.

(iv) Củng cố phát triển vai trò cơ bản của các nước đang phát triển trong toàn cục ngoại giao TQ. TQ tăng cường đoàn kết với đa số các nước đang phát triển, làm sâu sắc tình hữu nghị truyền thống. Tăng cường hợp tác giao lưu với các nước lớn mới nổi, bảo vệ quyền lợi chính đáng và lợi ích chung của các nước đang phát triển. Thông qua việc tổ chức Diễn đàn hợp tác Trung - Phi, đưa ra biện pháp hợp tác mới, tiếp tục củng cố cơ sở quan hệ đối tác chiến lược kiểu mới Trung - Phi. Xây dựng và kiện toàn cơ chế Diễn đàn hợp tác TQ - Ảrập, hai bên xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, cùng phát triển. Xây dựng các văn kiện chính sách với Mỹ Latinh và Caribe, hợp tác cùng có lợi với các nước và khu vực tiếp tục đi vào chiều sâu. Với cầu nối là Diễn đàn hợp tác, phát triển kinh tế TQ - đảo quốc TBD, thắt chặt hợp tác hữu nghị giữa TQ với các nước này.

(v) Phát huy vai trò nước lớn có trách nhiệm trên các diễn đàn đa phương. Nhân việc lãnh đạo TQ tham dự các hội nghị đa phương quan trọng để vận dụng hiệu quả các cơ chế đa phương mở rộng ảnh hưởng, giữ gìn lợi ích, thúc đẩy thực hiện lợi ích chung của nhân loại. Bảo vệ uy quyền của LHQ và HĐBA, phản đối chủ nghĩa bá quyền dưới mọi hình thức. Tích cực định hướng cải cách hệ thống quốc tế, nâng cao tính đại diện và quyền phát ngôn của các nước đang phát triển. TQ trở thành bên tham gia quan trọng của G20, quyền bỏ phiếu trong Ngân hàng thế giới tăng lên vị trí thứ 3, tỉ lệ trong IMF và các giải pháp cải cách cơ cấu cũng tăng lên vị trí thứ 3.

(vi) Kiên trì lấy dân làm gốc, ngoại giao vì dân. Tăng cường công tác bảo hộ lãnh sự trong tình hình mới. Kiện toàn cơ chế bảo hộ lãnh sự, tích cực triển khai công tác bảo hộ lãnh sự mang tính dự phòng. Kịp thời xử lý thoả đáng các tranh chấp liên quan đến lao động TQ ở nước ngoài, hoàn thành tốt các chương trình đưa công dân từ Ai Cập, Lybia về nước với sự chỉ đạo thống nhất của TW và phối hợp tích cực của các cơ quan hữu quan, giải cứu thành công nhiều vụ công dân bị bắt cóc, giữ gìn quyền lợi hợp pháp của công dân TQ ở nước ngoài.

(vii) Không ngừng nâng cao sức mạnh mềm. Nhân việc lãnh đạo TQ tham dự các Hội nghị quốc tế và tổ chức Olympic Bắc Kinh, EXPO Thượng Hải để tuyên truyền ý tưởng chính sách ngoại giao hoà bình, phát triển và hợp tác của TQ. Giới thiệu với cộng đồng quốc tế về thành tựu phát triển của TQ, nêu cao “thuyết tương lai tươi sáng của sự phát triển TQ”. Đổi mới phương pháp ngoại giao công chúng, tổ chức thành công nhiều hoạt động lớn như “năm TQ”, “cảm nhận TQ” với nhiều nước. Tích cực thúc đẩy văn hoá TQ đi ra ngoài và xây dựng trung tâm văn hoá TQ ở nước ngoài.

(viii) Kiên định thúc đẩy hoà bình, phát triển của thế giới. Kiên định giải quyết hoà bình các tranh chấp và điểm nóng quốc tế, thúc đẩy xây dựng cơ chế Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân TT, khuyên giải đàm phán các vấn đề Syria, hạt nhân Iran, Nam Bắc Sudan, tích cực tham gia hợp tác quốc tế như chương trình gìn giữ hoà bình LHQ, chống khủng bố, chống cướp biển. Tăng cường điều phối kinh tế vĩ mô với các nước, củng cố lòng tin của cộng đồng quốc tế, thúc đẩy kinh tế thế giới sớm phục hồi. Cùng các nước đối phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, gánh vác trách nhiệm và nghĩa vụ trong phạm vi của mình. Thông qua việc tăng viện trợ, giảm nợ, miễn thuế để giúp các nước đang phát triển tăng cường năng lực phát triển bản thân, thúc đẩy cùng phát triển.

10 năm qua, ngoại giao TQ mở ra con đường mới về phát triển hoà bình, mở ra cục diện mới về hợp tác hữu nghị, xây dựng hình tượng mới về nước lớn văn minh, dân chủ, cởi mở, tiến bộ và có trách nhiệm, đóng góp mới cho hoà bình phát triển của thế giới.

III. Hiện nay và trong thời gian tới, tình hình quốc tế sẽ tiếp tục có điều chỉnh sâu sắc. Dòng chảy hoà bình, phát triển và hợp tác càng mạnh mẽ, đồng thời ảnh hưởng tầng sâu của khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn tiếp diễn, các nhân tố bất xác định tác động đến hoà bình phát triển của thế giới tăng lên. TQ ở trong thời kỳ then chốt xây dựng toàn diện xã hội khá giả và đi sâu cải cách mở cửa, đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế. Ngoại giao TQ đang đứng trên khởi điểm lịch sử mới, sứ mệnh vinh quang, nhiệm vụ khó khăn.

Trong tình hình mới, cần tiếp tục thúc đẩy lý luận ngoại giao đặc sắc TQ, đổi mới thực tiễn. Kiên định kết hợp đặc sắc TQ với trào lưu phát triển của thời đại, học hỏi thành quả văn minh của các nước, lấy đổi mới thực tiễn làm nguồn tài nguyên không cạn của đổi mới lý luận, coi đổi mới lý luận làm động lực mạnh mẽ của đổi mới thực tiễn.

Cần tiếp tục đi con đường phát triển hoà bình. Luôn thực hiện chính sách ngoại giao hoà bình, độc lập tự chủ. Cùng các nước lớn tìm kiếm đạo lý nước lớn kiểu mới cùng chung sống, tích cực xây dựng khuôn khổ quan hệ nước lớn kiểu mới tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng. Coi khu vực láng giềng là khu vực đầu tiên thực hiện thế giới hài hoà, giữ gìn môi trường láng giềng hữu nghị, ổn định và phồn vinh. Tăng cường đoàn kết với các nước lớn mới nổi và nước đang phát triển. Tích cực tham gia các công việc đa phương, thúc đẩy tuần tự tiệm tiến và định hướng cải cách hệ thống quốc tế. Tiếp tục tăng cường xây dựng sức mạnh mềm, coi thế giới quan hợp tác cùng thắng dẫn dắt cộng đồng quốc tế hình thành nên quan điểm về TQ khách quan, cân bằng.

Cần tiếp tục thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới. Khởi xướng các nước làm sâu sắc tin cậy bình đẳng, kiên trì các nước không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, mạnh yếu, đều có quyền tham gia các công việc quốc tế một cách bình đẳng. Thúc đẩy các nước tăng cường đối thoại, công nhận và tôn trọng tính đa dạng về văn minh và đa dạng hoá các mô hình phát triển, thúc đẩy các nền văn minh khác nhau bổ sung thế mạnh trong cạnh tranh so sánh, cùng phát triển trong cầu đồng tồn dị. Định hướng các nước tăng cường hợp tác, mở rộng điểm hội tụ lợi ích chung, chung tay đối phó thách thức toàn cầu, đưa thế kỷ 21 thành thế kỷ hoà bình, hợp tác và cùng thắng.

Cần tiếp tục tăng cường xây dựng cơ chế, thể chế ngoại giao. Xây dựng quan niệm toàn cục, hình thành việc chung sức trong công tác ngoại giao, phục vụ tốt hơn nữa cho việc hoàn thành nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhà nước. Đẩy mạnh đầu tư cho ngoại giao, đảm bảo vững chắc cho việc làm tốt công tác ngoại giao trong tình hình mới.

TQ tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo kiên cường của TW Đảng, Quốc vụ viện, với sự ủng hộ to lớn của các địa phương, các ban ngành và nhân dân toàn quốc, ngoại giao TQ chắc chắn sẽ tiếp tục viết lên trang mới về hoà bình, phát triển, hợp tác, tạo dựng môi trường có lợi hơn nữa cho việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả và thực hiện phục hưng dân tộc, đóng góp to lớn hơn nữa cho việc thúc đẩy sự nghiệp hoà bình, phát triển của nhân loại.

Lê Sơn (gt)