Tại vòng đàm phán mới nhất của hội nghị thượng định G-8 diễn ra ở khu nghỉ mát Deauville, miền Bắc nước Pháp, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev bất ngờ ủng hộ các cường quốc phương Tây trong việc thúc giục nhà lãnh đạo Libi Muammar Gaddafi từ chức.

Các chuyên gia và nhà phân tích tin rằng động thái này của Nga nhằm mục đích bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình trong tương lai ở Libi. Tuy nhiên họ vẫn không tin Nga có khả năng tạo ra sự chuyển biến tại quốc gia này.
Kể từ khi cuộc biến động đẫm máu diễn ra tại Libi, các nhà hoạch định chính sách Mátxcơva đã bận rộn tính toán xem liệu Gaddafi có từ chức không và liệu những lợi ích của Nga tại đây có được công nhận không nếu như lực lượng đối lập lên nắm quyền. Và cuộc chiến với những diễn biến đầy kịch tính tại Libi khiến Nga khó mà đi đến câu trả lời cuối cùng.

Cảm thấy còn quá sớm để chọn đứng về bên nào, Nga đã chọn chủ trương linh hoạt, lên án cả chiến dịch không kích do NATO đứng đầu lẫn những hành động thù địch chống lại thường dân của quân đội Gaddafi. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, những lời kêu gọi 'ra rả" của phương Tây đòi trục xuất Gaddafi và những cuộc không kích do phương Tây lãnh đạo ngày một leo thang tại Tripôli có thể đã khiến Nga phải đưa ra lập trường cụ thể.

Ông Lawendy chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính trị Ahram của Ai Cập, khẳng định với Tân Hoa Xã trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, NATO sẽ không chấm dứt sự can thiệp của mình trừ khi chế độ của Gaddafi sụp đổ. Hơn nữa, việc tìm cách bảo vệ và giữ vững lợi ích của mình ở Libi hậu xung đột có thể là một nguyên nhân quan trọng khác. Nga coi Libi là một đối tác quan trọng tại khu vực và đã đổ hàng tỉ USD để đầu tư vào Libi trong những lĩnh vực như khai thác dầu, xây dựng đường tàu hỏa và buôn bán vũ khí. 
Tuy nhiên, những biến động ở Libi đã gây ảnh hưởng trầm trọng tới những khoản đầu tư của Nga tại đây. Theo nhật báo "RBC" của Nga, cuộc chiến Libi có thể cản trở đầu tư của Nga vào dầu khí trong nhiều năm nữa. Báo cáo này cũng cho biết Tatneft - một hãng dầu của Nga đã đầu tư rất mạnh vào Libi trong 6 năm qua, và tháng 2 vừa qua Gazprom - tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga - đã chi 163 tỉ USD để mua cổ phần của dự án khai thác mỏ dầu khí Elephant của Libi. Cuộc chiến Libi đã buộc hai công ty này phải đình chỉ hoạt động và sơ tán công nhân của họ ra khỏi Libi.

Meisant al-Janabi, Giáo sư tại trường Đại học Hữu nghị Nhân dân Nga, cho rằng Điện Cremli đang cố gắng ngăn cản việc tương lai của Libi chỉ do phương Tây định hình. Medvedev đang nỗ lực để ngăn chặn nguy cơ này. Thêm vào đó, một vài lời hứa hẹn và chào mời của các quốc gia phương Tây tại hội nghị thượng định G-8 cũng thúc đẩy Nga có sự thay đổi này.

Tại hội nghị thượng định, các nước phương Tây cam kết sẽ ủng hộ việc Nga tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cuối năm nay. Trước đó, Nga và Pháp đã đạt được một thỏa thuận mà theo đó Pari sẽ bán cho Mátxcơva 4 tàu chở trực thăng loại Mistral. Giáo sư al-Janabi nói: "Những quyết định chính trị của mọi cường quốc đều dựa trên lợi ích không phải là điều gì bí mật... Do đó mà ông Medvedev chẳng làm điều gì khác thường cả. Ông ta chỉ thể hiện rằng Nga đã tính toán những được mất có thể xảy ra của Nga".

 

Theo  Xinhuanet

Vũ Hiền (gt)