Trong ba năm đầu sau khi được lựa chọn làm người kế nhiệm của Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình thường phát biểu những lời thể hiện cá tính, làm một số việc thể hiện cá tính. Thậm chí, Tập Cận Bình còn suy tôn tư tưởng Mao Trạch Đông và suy tôn cá nhân Mao Trạch Đông. Nhưng hai năm lại đây, Tập Cận Bình đã cố ý duy trì sự nhất trí với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, không còn đưa ra những phát biểu thể hiện cá tính nữa. Những phát biểu công khai của Tập Cận Bình thận trọng giống Hồ Cẩm Đào. Vậy tại sao càng gần tới cuộc chuyển giao quyền lực, Tập Cận Bình càng trở nên bảo thủ và càng cẩn trọng? Theo tạp chí “Tin mật Trung Quốc”, sự thay đổi theo hướng thận trọng hơn trong lời nói và hành động của Tập Cận Bình, chí ít cho thấy mấy vấn đề sau: 

Thứ nhất, chính trường Trung Quốc phức tạp vô cùng, ngồi vào vị trí người kế nhiệm, Tập Cận Bình phải thận trọng hơn. Chỉ vì một số lời nói và hành động thể hiện chút cá tính mà gây phiền toái cho việc kế nhiệm thì chi bằng làm người kế nhiệm lặng lẽ, không tỏ rõ quan điểm chính trị. 

Thứ hai, cuộc đấu tranh quyền lực ở Trung Quốc rất quyết liệt, việc Tập Cận Bình đột nhiên nổi lên ở Đại hội 17 đã trở thành mũi dùi tấn công của một số nhân vật cạnh tranh trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự kiện Bạc Hi Lai xảy ra chứng minh việc Tập Cận Bình kế nhiệm Hồ Cẩm Đào chưa phải chuyện “ván đã đóng thuyền”, nếu Bạc Hi Lai vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 thành công, việc Tập Cận Bình bị “lật thuyền trong rãnh nhỏ” không phải là không có khả năng. 

Thứ ba, với vai trò là Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, đứng đầu về công tác nghiên cứu hình thái ý thức, Tập Cận Bình không có quyền “vượt qua bãi mìn” trong đánh giá về vị trí của Mao Trạch Đông cũng như tư tưởng Mao Trạch Đông trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một ví dụ liên quan là phát biểu của Ezra F. Vogel về cuốn sách “Đặng Tiểu Bình thay đổi Trung Quốc”. Vị Giáo sư Đại học Harvard này cho biết hiện nay có nhà xuất bản ở Trung Quốc Đại lục mong muốn ấn hành cuốn sách trên của ông, nhưng yêu cầu phải sửa đổi một số nội dung nhạy cảm. Một là nội dung liên quan tới sự kiện Thiên An Môn. Trung Quốc Đại lục lo lắng người dân sau khi xem xong nội dung này sẽ xuống đường gây chuyện. Hai là cách nhìn về Mao Trạch Đông vì trong cuốn sách có một số nội dung tương đối sắc nhọn phê phán trực tiếp Mao Trạch Đông về chủ trương “đại nhảy vọt”, “công xã nhân dân”, “phong trào chống hữu khuynh”. Trong khi đó, thái độ của các nhà xuất bản Trung Quốc Đại lục cho thấy nước này đã thần thánh hóa Mao Trạch Đông, không cho phép phê phán trực tiếp Mao Trạch Đông. 

Vậy thì việc Tập Cận Bình trước sau không thống nhất trong lời nói và hành động phải chăng cho thấy thực tế là nhân vật này chưa chắc đã suy tôn Mao Trạch Đông? Hiện nay, người ta vẫn chưa thể rút ra một kết luận như vậy. Tổng biên tập tạp chí “The Open” (Hồng Công) Sái Vịnh Mai cho rằng hiện nay mọi người đều bàn luận xem có tiến hành cải cách thể chế chính trị hay không và nhà lãnh đạo mới sẽ xử lý vấn đề này như thế nào. Tuy nhiên, không ai biết câu trả lời chính xác ra sao vì không biết lựa chọn tương lai của Tập Cận Bình là gì. Dẫu vậy, người ta cũng có thể nói về một số lựa chọn tương lai mà Tập Cận Bình không chọn. Ví dụ: Khả năng đi lại con đường của Bạc Hi Lai là không có; khả năng sử dụng hình thái ý thức kiểu Mao Trạch Đông để giúp chính quyền Trung Quốc giành lại tính hợp pháp cũng không có.

Lê Sơn (gt)