Mấy năm lại đây, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh, liên tiếp vượt qua nhiều nước công nghiệp sừng sỏ từng có thời xem thường Trung Quốc. Để vượt qua Mỹ, Trung Quốc cần phải có thời gian, nhưng hiện nước này đã là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Thực lực kinh tế tăng lên mạnh mẽ đã giúp Trung Quốc dần “đứng thẳng” được trong các sự vụ quốc tế, cho thấy sự tự tin chưa từng có trong hơn 100 năm qua. Trong lịch sử, mỗi khi có một nước lớn trỗi dậy, diện mạo thế giới sẽ thay đổi theo. Hiện nay, chúng ta đang tận mắt nhìn thấy diện mạo thế giới đang thay đổi. Đây lẽ nào không phải là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ càng, người ta thấy sự tự tin của Trung Quốc vẫn thiếu lực cố định mang tính nội tại. Trong xu thế phát triển ngày càng đi lên, xã hội Trung Quốc vẫn tồn tại tình trạng “béo giả” ở mức độ rất lớn và sau vẻ bề ngoài tự tin tăng lên mạnh, sự cố kết của xã hội Trung Quốc vẫn có rất nhiều bong bóng.

Chúng ta thường xuyên thấy rằng ở một thời điểm đặc thù nào đó, người Trung Quốc thực sự là đầy tự tin, thậm chí bị coi là cao ngạo. Nhưng ở thời điểm khác, toàn bộ xã hội lại chìm trong bầu không khí bỡn cợt và căm giận. Khi Trung Quốc và Mỹ hoặc Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra va chạm, đa số người Trung Quốc thể hiện lòng yêu nước của mình đến nỗi bị rất nhiều người nước ngoài coi là chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nhưng trong các tình huống thông thường, ở Trung Quốc lại có quá nhiều người mang trạng thái tâm lý hoàn toàn trái ngược nhau, rất dễ nổi nóng hoặc rơi vào tình trạng bực bội, dường như hoàn toàn không ăn nhập gì với xã hội mà họ đang sống, khó có thể nhất trí, thậm chí là không đội trời chung với các loại thể chế hiện có.

Những biểu hiện mâu thuẫn với nhau như vậy đã làm nổi rõ trạng thái tâm lý của xã hội Trung Quốc. Đó chính là sự bất mãn và oán hận đối với những hiện tượng xấu xa nào đó, gây ra sự mất cân bằng phổ biến trong tâm lý xã hội. Trong bối cảnh mất cân bằng tâm lý xã hội, người ta cảm thấy bó tay và bất lực trước hiện thực, thiếu sự xác định vào tương lai và ở đâu cũng nhìn thấy cảnh đau lòng cùng tội ác.

Về lý mà nói, những người có tiền có quyền, bao gồm tầng lớp phú quý mới nổi lên từ làn sóng kinh tế thị trường phải hài lòng với hiện trạng và tin tưởng nhiều hơn vào tương lai. Nhưng thực tế không phải như vậy. Những người càng có nhiều tiền, càng có nhiều quyền hoặc nhóm người được lợi nhiều nhất từ sự phát triển kinh tế, lại càng thiếu ý thức về bản sắc xã hội. Tại sao những thương nhân giàu có lại chuyển tài sản ra nước ngoài? Tại sao giới quyền thế lại tìm trăm phương nghìn kế để gửi con cái ra nước ngoài?

Ở đây, tôi không nói tới các sự kiện đặc biệt hay nguyên nhân đặc biệt. Đằng sau hiện tượng phổ biến nói trên, về đại thể, có mấy nguyên nhân chủ yếu sau: Thứ nhất, cho dù là giới quyền quý hay dân thường, ai cũng cảm thấy xã hội mà họ đang sống thiếu sự ổn định và cảm giác an toàn. Thứ hai, tất cả mọi người đều hy vọng trong tương lai, con cái mình có thể sống trong môi trường xã hội công bằng và an ninh, nhưng hiện tại họ không nhìn thấy những tia hy vọng như vậy. Thứ ba, tuyệt đại đa số người dân đều cho rằng họ không có năng lực cũng như quyền lực để thay đổi hiện trạng và càng không có quyền tham gia việc tạo dựng tương lai đất nước.

Do vậy, mỗi khi thế giới chỉ trích người Trung Quốc quá tự tin, thậm chí là tự cao và ngạo mạn, tôi đều cảm thấy họ không hiểu nhiều về Trung Quốc. Người Trung Quốc hiện nay không quá tự tin, cũng không quá tự cao và ngạo mạn, ngược lại họ thiếu tự tin. Tại sao một Trung Quốc đang giàu lên lại vẫn không thể tăng cường được sự cố kết của người dân? Tại sao một nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc lại không thể mang đến sự tự tin cho toàn thể nhân dân Trung Quốc? Chỉ cần nhìn vào phương thức quản lý xã hội rời xa nguyên tắc công bằng chính nghĩa, nhìn vào mối quan hệ thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa quan chức và nhân dân, nhìn vào môi trường sinh tồn không ngừng xấu đi và việc quyền lợi cá nhân thiếu sự bảo đảm, chúng ta sẽ thấy ngay đáp án.

Thiếu hệ thống giá trị được toàn dân thừa nhận

Tầng lớp phú quý mới bề ngoài ai cũng rất tự tin, thậm chí còn khiến người ta có ấn tượng rằng họ ngông cuồng tự cao tự đại. Tuy nhiên, trên thực tế, đó chỉ là sự không tự tin, sau khi được phủ bằng tiền bạc và vật chất trở thành tự tin. Khắp nơi trên thế giới, những kẻ giàu lên nhanh chóng đều thích khoe khoang, lấy vật chất tạo lớp vỏ bên ngoài để thay thế cho sự thiếu hụt về nội hàm của bản thân. Rất nhiều trong số tầng lớp phú quý mới của Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Điều đáng chú ý là ở một mức độ rất lớn, họ thường được coi là đặc trưng chủ lưu, là đặc trưng chủ thể của xã hội và ở mức độ tương đối lớn họ đại diện cho mô thức tư duy của các nhà quản lý xã hội.

Vấn đề ở chỗ nếu như tiến trình diễn biến xã hội bị lực lượng và lối tư duy này chủ đạo, toàn bộ xã hội sẽ nhầm đường. Liệu rằng xã hội Trung Quốc sẽ xuất hiện xu thế này? Liệu rằng tư duy và phương hướng phát triển của Trung Quốc sẽ bị lực lượng này dẫn dắt? Thực tế đó đáng phải cảnh giác.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy rõ hiện thực. Sở dĩ sự tự tin của người Trung Quốc thiếu sức cố định mang tính nội tại không chỉ là do người Trung Quốc cảm thấy bất mãn và bó tay với hiện trạng. Từ Chiến tranh Nha phiến tới Phong trào Dương vụ, tiếp đó là Phong trào Ngũ Tứ, trạng thái tâm lý của xã hội Trung Quốc luôn trong tình trạng dày vò và lưỡng lự giữa tự tin và không tự tin. Trước đòn hợp công của những kìm nén bên trong và những bức ép bên ngoài, mô thức phản ứng tập thể của người dân thường là mâu thuẫn. Trạng thái tâm lý xã hội cũng rối như tơ vò. Cho tới ngày hôm nay, tuy Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm lại được một phần tự tin đã mất từ lâu, nhưng lại bộc lộ sự mất tự tin qua rất nhiều mô thức hành vi. Việc mấy năm gần đây, Trung Quốc không tiếc công sức và tiền của để thể hiện giá trị tự thân bằng các hình thức bên ngoài là ví dụ điển hình.

Vấn đề hiện tại của Trung Quốc nằm ở chỗ bất cứ hình thức hay sự mở mày mở mặt bên ngoài nào đều không thể lấp đầy sự thiếu hụt bên trong và càng không thể dẫn tới sự tái lập tinh thần dân tộc một cách tự nhiên. Ở rất nhiều phương diện, Trung Quốc kì thực đã có sự tiến thủ và tiến bộ, bao gồm thực lực kinh tế tăng lên chưa từng có. Nhưng khi “cơ bắp” phát triển, người dân Trung Quốc vẫn cảm thấy băn khoăn và buồn khổ trong lòng. Họ vừa hoài nghi bản thân vừa hoài nghi thể chế. Nói tóm lại, cho tới nay Trung Quốc vẫn chưa xây dựng được một hệ thống giá trị hoàn toàn mới được tất cả nhân dân Trung Quốc thừa nhận.

Cái gọi là “hệ thống giá trị”, nghe ra rất huyền diệu, nhưng kì thực không phải vậy. Nói một cách đơn giản, hệ thống giá trị chung của một đất nước hoặc một xã hội chính là mô thức quản lý thông hành trong xã hội mà tự đáy lòng người dân tin phục, tuân thủ và lấy đó làm chỗ dựa, giúp xã hội vận hành có trật tự, ổn định theo các nguyên tắc đã định. Trong mấy nghìn năm lịch sử, Trung Quốc từng có khung xã hội siêu ổn định. Dù triều đại này lên hay triều đại kia xuống, nhưng mô thức vận hành xã hội vẫn tuân theo một khung cơ bản. Chỉ tới thời cận đại, khung xã hội này mới bị các lực lượng trong và ngoài nước phá vỡ và không còn nền tảng tự tái sinh. Do đó, muốn có được sự tự tin nước lớn, trước tiên, Trung Quốc phải tìm được cái đã mất, lấy đó làm nền tảng tiến hành cộng sinh, cùng phát triển với văn minh thế giới hiện đại./.

 

Theo Liên hợp Buổi sáng (ngày 14/4)

Quốc Trung (gt)