Trong 10 năm tới, dự báo Trung Quốc vẫn sẽ duy trì xu thế phát triển nhanh như hiện nay. Việc duy trì tốc độ phát triển nhanh của Trung Quốc khiến cho môi trường xung quanh Trung Quốc xuất hiện những thay đổi phức tạp và to lớn. Một mặt, năng lực của Trung Quốc trong việc bảo vệ an ninh bản thân được tăng cường; mặt khác cũng khiến sự lo ngại của một bộ phận các nước xung quanh tăng lên và sự can dự của các thế lực nước lớn bên ngoài sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Trong 10 năm tới, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước xung quanh không thể tránh khỏi bước vào một giai đoạn điều chỉnh mới và thích ứng lẫn nhau. 

Thách thức mới cho môi trường xung quanh Trung Quốc 

Trong 10 năm tới, môi trường xung quanh Trung Quốc sẽ đối mặt với 4 thách thức nghiêm trọng sau: 

Một là, đối mặt với thách thức Mỹ quay trở lại châu Á. Để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng tại khu vực châu Á, Mỹ bắt đầu điều chỉnh chiến lược, quay trở lại châu Á. Mỹ chủ yếu áp dụng chính sách hai mặt: một là tích cực tìm kiếm cơ hội gia nhập Hội nghị cấp cao Đông Á, ngăn chặn Trung Quốc trở thành quốc gia chủ đạo của cơ chế khu vực Đông Á; hai là tích cực tìm kiếm điểm tựa chiến lược mới tại khu vực Đông Nam Á, dựa vào sức mạnh của các quốc gia Đông Nam Á kiềm chế Trung Quốc. Tháng 7/2009, Chính phủ Mỹ đã ký “Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á”, đây chính là trở ngại cuối cùng mà Mỹ vượt qua để tham gia Hội nghị Đông Á. Tháng 10/2009, các nhà lãnh đạo Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 5 đã đạt được nhận thức chung, mời Mỹ chính thức tham gia Hội nghị Đông Á, chính sách quay trở lại châu Á của Chính phủ Obama đang nhận được sự “báo đáp”. Đồng thời, Mỹ cố hết sức giúp đỡ sự phát triển và tính độc lập của các quốc gia Đông Nam Á, nhằm ngăn chặn thế lực Trung Quốc thẩm thấu xuống toàn bộ khu vực Đông Nam Á. 

Thứ hai, đối mặt với thách thức về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ngày càng quyết liệt. Tháng 9/2010, tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh đảo Điếu Ngư gia tăng căng thẳng. Từ năm 2011 đến nay, tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Việt Nam, Philíppin với Trung Quốc trở nên gay gắt. Đồng thời, các nước láng giềng khác như Nhật Bản, Ấn Độ cũng xuất hiện những động thái tương tự, cho thấy ý đồ “cấu kết” của các nước này. Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn thực hiện nguyên tắc “gác tranh chấp, cùng khai thác” đối với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, nhưng nguyên tắc này đã không nhận được sự đồng tình của các quốc gia xung quanh. Trong 10 năm tới, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng có thể sẽ ngày càng quyết liệt hơn. 

Thứ ba, đối mặt với thách thức xung quanh bất ngờ bùng phát các sự kiện quan trọng. Tại các khu vực xung quanh Trung Quốc, vẫn tiềm ẩn nhiều khả năng bùng phát các sự kiện quan trọng. Trong 10 năm tới, vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên nếu không được giải quyết thoả đáng, có thể khiến cho vũ khí hạt nhân được phổ biến rộng rãi ra toàn khu vực Đông Bắc Á, từ đó tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực. Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải làm tốt công tác dự phòng đối với Mianma, Pakixtan, Trung Á có thể xuất hiện bất cứ tình huống nào. 

Thứ tư, đối mặt với thách thức đến từ cơ chế đa phương khu vực. Hiện nay, các quốc gia và tổ chức quốc tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều đề ra ý tưởng về cơ chế đa phương khu vực. Mỹ bên cạnh việc bảo đảm “cơ chế cũ” là APEC tiếp tục tồn tại, cũng đang tích cực gia nhập “cơ chế mới” là Hội nghị cấp cao Đông Á, đồng thời tuyên bố gia nhập “Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương”. Nhật Bản cho rằng mô hình Hội nghị cấp cao Đông Á có lợi cho việc cân bằng sức ảnh hưởng đang tăng nhanh của Trung Quốc, mong muốn biến Hội nghị này từ diễn đàn chiến lược thành cơ chế hợp tác khu vực thực chất. ASEAN lại có ý đồ duy trì địa vị lãnh đạo trong xây dựng cơ chế đa phương tại châu Á, nhằm cân bằng sức ảnh hưởng của các nước lớn châu Á-Thái Bình Dương tại khu vực này. Cho dù là cạnh tranh giữa các cơ chế hiện có, hay là những đề xướng mới của cơ chế khu vực, đề xuất hoặc chủ trương của các quốc gia, tổ chức khu vực kể trên ở một mức độ nhất định đều có tính toán tới việc cân bằng sức ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Chiến lược mới của ngoại giao xung quanh Trung Quốc 

Để bảo vệ tốt hơn lợi ích của Trung Quốc và sự ổn định châu Á, Trung Quốc phải kiên trì đặt châu Á vào vị trí đầu tiên trong chính sách đối ngoại. Trong 10 năm tới, ngoại giao xung quanh Trung Quốc cần có chiến lược mới. 
Trong vấn đề đối phó với thách thức Mỹ quay trở lại châu Á, Trung Quốc phải tiếp tục thực thi chiến lược thế cân bằng cơ chế. Ý nghĩa của “thế cân bằng cơ chế Trung-Mỹ” là: trong bối cảnh sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng sâu sắc giữa hai nước Trung-Mỹ cần thông qua cơ chế quốc tế để cân bằng lẫn nhau. Trung Quốc phải nhận thức được sự tồn tại lịch sử và lợi ích thực tế của Mỹ tại khu vực châu Á, lấy phương thức không làm tổn hại tới lợi ích quan trọng của Mỹ để thực hiện mục tiêu chiến lược bản thân; trong khi đó Mỹ lại phải chấp nhận sự thật là Trung Quốc đang trỗi dậy hòa bình, bắt đầu suy xét nghiêm túc làm thế nào để cùng tồn tại, cùng phồn vinh với Trung Quốc tại khu vực châu Á. Ngoài ra, Trung-Mỹ đều phải tiếp tục tăng thêm sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Việc phụ thuộc sâu sắc về kinh tế Trung-Mỹ có thể giảm thiểu căng thẳng chiến lược giữa hai nước, từ đó tạo ra môi trường xung quanh tốt đẹp cho Trung Quốc phát triển hòa bình. 

Trong việc đối phó với các thách thức về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ngày càng căng thẳng, Trung Quốc phải luôn theo đuổi chiến lược hiệp thương hòa bình. Trong 10 năm tới là thời kỳ thời cơ chiến lược phát triển hòa bình của Trung Quốc, mà môi trường xung quanh tốt đẹp là nhân tố bên ngoài hàng đầu cho sự phát triển hòa bình của Trung Quốc. Đường lối tư duy và thực tiễn của hiệp thương hòa bình giải quyết là con đường và phương pháp thực hiện chuyển biến từ tranh chấp căng thẳng sang cùng hưởng lợi cùng thắng. Tháng 4/2011, tại lễ khai mạc diễn đàn châu Á Bác Ngao, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có bài phát biểu chỉ rõ: “Trung Quốc sẽ tiếp tục cố gắng thông qua đàm phán hòa bình hữu nghị giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển với các nước láng giềng”. 

Trong việc đối phó với thách thức những sự kiện quan trọng có thể bùng phát xung quanh, Trung Quốc phải nhanh chóng xác lập chiến lược kiểm soát khủng hoảng. Trong 10 năm tới, Trung Quốc cần khuyến khích hai miền Triều Tiên hợp tác xây dựng cơ chế xử lý khủng hoảng, ngăn chặn bất cứ bên nào đưa ra phản ứng sai lầm và thái quá đối với tình hình. Đồng thời, Trung Quốc vẫn cần theo đuổi chủ trương cơ chế đàm phán 6 bên là phương thức đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Xét về lâu dài, đối với việc các nước xung quanh có khả năng xuất hiện cục diện bất ổn, Trung Quốc cần “kê đơn đúng thuốc”, bảo vệ thoả đáng lợi ích địa chiến lược của Trung Quốc, phòng ngừa hữu hiệu những rủi ro phát sinh bên ngoài ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc. 

Trong việc đối phó với thách thức về cơ chế đa phương khu vực, Trung Quốc cần tích cực xác lập chiến lược đa phương châu Á. Trung Quốc nên cổ vũ và ủng hộ các quốc gia vừa và nhỏ đề xướng hợp tác mang tính cơ chế khu vực và tiểu khu vực. Chiến lược ngoại giao đa phương châu Á của Trung Quốc nên lấy Hội nghị cấp cao Đông Á làm hình thức cơ chế chủ yếu, đồng thời tích cực thúc đẩy cơ chế Hội nghị cấp cao Đông Á chuyển hoá theo hướng cơ chế châu Á. Điều này không chỉ có lợi cho sự ổn định lâu dài của hợp tác châu Á, có lợi cho sự ổn định lâu dài của quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia châu Á mà còn giúp Trung Quốc phát huy vai trò quan trọng trong cơ chế hợp tác châu Á./.

  Theo Tờ “Báo Khoa học xã hội Trung Quốc” (ngày 30/7)

Hương Trà (gt)