a05-420_1.jpg

Tóm tắt

Kể từ khi Chính quyền Tập Cận Bình thành lập, ngoại giao Trung Quốc đã trải qua những sự thay đổi đáng kể trong khi kế thừa nhiều di sản của các thời kỳ trước. Nó đã ngày càng thể hiện tư duy ngoại giao của một nước lớn đang trỗi dậy với những mục đích chiến lược bắt kịp thời đại, những biện pháp mạnh mẽ để giải quyết các thách thức mới cũng như để thúc đẩy những thay đổi có lợi cho sự phát triển tiếp tục của nước này. Xem xét bối cảnh lịch sử và tình hình hiện tại mà Trung Quốc phải đối mặt, bài viết này nghiên cứu tỉ mỉ những sự đổi mới và tiến bộ của tư duy ngoại giao Trung Quốc, những đặc điểm của chiến lược ngoại giao Trung Quốc hiện nay và những đặc trưng mới trong thực tiễn ngoại giao của nước này. Nói tóm lại, bất chấp tiến bộ to lớn trong tư duy, chiến lược và thực tiễn ngoại giao Trung Quốc, chúng cần phải được lý thuyết hóa, thể chế hóa và vận dụng hơn nữa để thực hiện những nhiệm vụ khác nhau trong các môi trường trong nước và quốc tế ngày càng thay đổi nhanh chóng.

Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết thúc thành công vào tháng 11/2012 đã đánh dấu một kỷ nguyên mới của ngoại giao Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ do ông Tập Cận Bình đứng đầu, ngoại giao Trung Quốc đã trải qua nhiều cuộc thăm dò và đổi mới trong khi kế thừa nhiều di sản của những thời kỳ trước đó. Nó đã ngày càng thể hiện tư duy ngoại giao của một nước lớn đang trỗi dậy, những thiết kế chiến lược bắt kịp với thời đại và những biện pháp mạnh mẽ để giải quyết các thách thức mới cũng như để đem lại những thay đổi có lợi cho sự phát triển tiếp tục của Trung Quốc. Là một phần quan trọng của lý thuyết và thực tiễn ngoại giao với đặc trưng Trung Quốc, tư duy, thiết kế và các biện pháp như vậy đòi hỏi phải củng cố, phát triển và cải thiện hơn nữa để tạo điều kiện hiện thực hóa “Hai mục tiêu thế kỷ”, “Giấc mộng Trung Hoa” và nền hòa bình, phát triển và sự hợp tác cùng có lợi của thế giới.

Sự cần thiết phải có “Ngoại giao mới” của Trung Quốc

Thế giới đang trải qua những thay đổi lớn chưa từng thấy. Theo định nghĩa của ông Thôi Lợi Như, một học giả cao cấp thuộc Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR), “những thách thức lớn” như vậy tức là “cả những hậu quả hệ trọng của sự phát triển thế giới đang diễn ra hiện nay và, quan trọng hơn là, bước ngoặt lịch sử hoặc một sự thay đổi cơ bản trong quá trình phát triển thế giới”. Ở bên ngoài, Trung Quốc đang đối mặt với những xu hướng toàn cầu biến động và tình hình chiến lược ngày càng biến đổi ở châu Á; ở trong nước, vô số nhiệm vụ cải cách và phát triển xã hội tiếp tục đặt ra những thách thức mới cho quốc gia này. Môi trường trong và ngoài nước như vậy đòi hỏi ngoại giao Trung Quốc phải có những cuộc thăm dò và đổi mới khó khăn dựa trên những di sản trong quá khứ.

Trước tiên, ngoại giao Trung Quốc nên phục vụ tốt hơn cho những sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của quốc gia. Sau 35 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc tự hào có sức mạnh quốc gia ngày càng lớn và tiến bộ liên tục trong các hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế. Với những thay đổi như vậy, ngoại giao Trung Quốc đang ngày càng gắn chặt với các quá trình chính trị trong nước, điều đòi hỏi phải có tư duy ngoại giao toàn diện hơn, những chiến lược ngoại giao thích hợp hơn, cách làm ngoại giao chín chắn hơn và nền tảng hiểu biết và ủng hộ vững chắc hơn của công chúng trong nước. Nói tóm lại, cần phải có nhiều nỗ lực hơn nhằm tiếp tục nâng cấp ngoại giao Trung Quốc để bảo vệ những lợi ích cốt lõi và sống còn của đất nước, đáp ứng những yêu cầu của sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, thúc đẩy một môi trường bên ngoài thuận lợi hơn và nâng cao sự phát triển kinh tế và xã hội của nước này.

Thứ hai, ngoại giao Trung Quốc phải phù hợp với những động lực phát triển của châu Á. Là một nước lớn ở châu Á, Trung Quốc phải có những đóng góp xứng đáng vào sự tiến bộ của châu lục. Kể từ đầu thế kỷ 20, châu Á đã trải qua ba giai đoạn lịch sử, cụ thể là sự thức tỉnh của các quốc gia, sự độc lập của các nhà nước và sự phát triển kinh tế và chính trị tương ứng của họ. Đi đầu mỗi giai đoạn là những nhà lãnh đạo lớn như Gandhi của Ấn Độ, Hồ Chí Minh của Việt Nam, Lý Quang Diệu của Singapore và Mahathir của Malaysia. Sau Tôn Trung Sơn, ban lãnh đạo ĐCSTQ liên tiếp dưới thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã đẩy mạnh chủ nghĩa Mác hơn nữa để phù hợp với điều kiện thực tế của Trung Quốc và ngày càng phát triển một khuôn khổ lý thuyết về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều khái niệm của châu Á được đề xuất sau Chiến tranh thế giới thứ hai, như “Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”, “Giá trị châu Á”, “Tinh thần Thượng Hải” và “Đồng thuận ASEAN”, đã trải qua bài thử thách của lịch sử và đang được nhiều nơi trên thế giới công nhận. Là động lực lớn nhất của sự phát triển kinh tế toàn cầu và với những vai trò chính trị và chiến lược ngày càng tăng của các nước lớn và các tổ chức khu vực, châu Á cần tư duy và thực tiễn ngoại giao mới có đặc trưng của riêng mình hơn bao giờ hết để phá vỡ thế độc tôn của phương Tây đối với hoạt động chính trị toàn cầu trong 5 thế kỷ qua và đưa quan hệ quốc tế đến một tương lai công bằng và hợp lý hơn.

Thứ ba, ngoại giao Trung Quốc phản ánh tiến bộ lâu dài của các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển không chỉ cấu thành phần đa số thế giới, mà còn là một động lực lớn đằng sau những hoạt động của quan hệ quốc tế. Hội nghị Á-Phi trong những năm 1950 và “Tinh thần Bandung”, cũng như “Phong trào không liên kết” và “Nhóm 77” sau này, đều đã đóng một vai trò lịch sử thúc đẩy sự đoàn kết và tiến bộ chung của các nước đang phát triển. Kể từ đầu thế kỷ 21, thế giới đang phát triển rộng lớn đã kêu gọi thành lập một hệ thống quốc tế hợp lý và công bằng hơn, và bằng cách áp dụng nhiều sáng kiến chiến lược hơn, đã và đang tìm ra những con đường phát triển tính đến cả những xu hướng toàn cầu lẫn tình hình tương ứng của họ. Tuy vậy, các nước đang phát triển nói chung vẫn chưa thiết lập một hệ thống lý thuyết ngoại giao nội sinh và toàn diện, cũng chưa đạt được một mục tiêu chiến lược chung và các biện pháp chính sách có phối hợp, chứ chưa nói đến việc thiếu sức mạnh thuyết trình và quy tắc xứng đáng với vai trò ngày càng tăng của họ trên thế giới. Thực tế rằng tất cả các nước đang phát triển cần phải gia tăng sức mạnh mềm của họ cũng đòi hỏi các nước đang phát triển lớn như Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn để khởi động tư duy và các chiến lược ngoại giao mới ngoài việc phối hợp chính sách trên nhiều vũ đài toàn cầu.

Cuối cùng, nhưng không kém quan trọng, ngoại giao Trung Quốc nên gia tăng đóng góp vào sự phát triển của thế giới. Như được lưu ý trong Báo cáo Đại hội 18 ĐCSTQ, “các xu hướng toàn cầu hướng tới đa cực và toàn cầu hóa kinh tế đang ngày càng sâu sắc hơn. Sự đa dạng văn hóa đang gia tăng, và một xã hội thông tin đang nổi lên nhanh chóng”. Để thúc đẩy “năng lượng tích cực” trong quan hệ quốc tế và đạt được những kết quả cùng có lợi theo các xu hướng chung đó của thế giới, tất cả các nước cần phải phát triển tư duy, chiến lược và các chính sách mới, trong đó nhiều lý thuyết và thực tiễn ngoại giao do Trung Quốc chủ trương đang ngày càng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Vì những lý do khác nhau, cả các nước phát triển lẫn đang phát triển đều kỳ vọng Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn và đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trên các vũ đài toàn cầu, và với sức mạnh kinh tế của mình, bổ sung những kiến thức chuyên sâu vào vốn tư tưởng, văn hóa, lý thuyết và chiến lược của thế giới. Trong khi đó, để đóng góp nhiều hơn vào nền hòa bình, sự phát triển, hợp tác và kết quả cùng có lợi của thế giới, Trung Quốc phải đào sâu nghiên cứu lý thuyết về các vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu và củng cố nhận thức và ý thức toàn cầu của mình về trách nhiệm của chính nước này, cũng như sự tự tin khi giúp định hình một hệ thống quốc tế công bằng và hợp lý hơn.

Những sự đổi mới và phát triển của tư duy ngoại giao Trung Quốc

Dựa trên những di sản của các thời kỳ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, ngoại giao Trung Quốc dưới thời Chính quyền Tập Cận Bình đã rút ra được nhiều bài học từ tư duy ngoại giao của nhiều nước khác nhau, cũng như đề cao cả những văn hóa và truyền thống Trung Quốc lẫn của nước khác. Cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt chỉ rõ: “Quan sát kĩ ông ấy (Tập Cận Bình) kể từ khi ông lên nắm quyền 2 năm trước, tôi nhận ra rằng các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc phần lớn đã thay đổi những mối quan tâm và cách nhìn của họ về lợi ích trong khi tiếp tục duy trì truyền thống Trung Quốc trong cả hoạt động chính trị trong nước lẫn trong ngoại giao”. Quả thực, phải đối mặt với những sự thay đổi nhanh chóng trong môi trường kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh, công nghệ và xã hội, cả trong lẫn ngoài nước, ngoại giao Trung Quốc không chỉ cần giải quyết nhiều vấn đề và thách thức mới, mà quan trọng hơn còn phải có những quan điểm mới và tư duy cải tiến.

Sự phát triển của tư duy ngoại giao Trung Quốc xã hội chủ nghĩa

Trung Quốc là một nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, do đó sự phát triển tư duy ngoại giao của nước này đương nhiên mang những đặc điểm nổi bật của một nước xã hội chủ nghĩa lớn của phương Đông.

Trên hết, phạm vi của tư duy ngoại giao Trung Quốc xã hội chủ nghĩa đã mở rộng hơn bao giờ hết. Giáo sư Tô Thành Hà nhận thấy rằng trong khi củng cố nền tảng vật chất của ngoại giao, ban lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc đang “có nhiều nỗ lực xây dựng nền tảng trí thức hơn. Bằng cách nâng cao sự tự tin của người dân Trung Quốc và khuyến khích tinh thần tự cải thiện, tự lực và tự tin trong nhiều cam kết quốc tế, ban lãnh đạo Trung Quốc đang xây dựng một nền tảng trí thức để Trung Quốc có thể tiến hành các hoạt động ngoại giao theo ý của riêng mình”. Cụ thể hơn, tư duy ngoại giao Trung Quốc đã gắn nhiều hơn với ba lĩnh vực chính về xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, cụ thể là đào sâu cải cách toàn diện, cải thiện hệ thống quản lý và năng lực, và pháp trị, do đó nhấn mạnh mối liên kết giữa các cải cách trong nước và quốc tế, cũng như sự thích ứng giữa quản lý trong nước và quản lý toàn cầu. Bên cạnh đó, liên quan đến những tình trạng rối loạn ở Tây Á và Bắc Phi cũng như chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố ngày càng tăng, tư duy ngoại giao của Trung Quốc đang chú trọng nhiều hơn đến nâng cao an ninh chung của quốc gia, cải thiện hệ thống quản lý và năng lực và sự lãnh đạo của ĐCSTQ đối với ngoại giao. Tất cả những cách tiếp cận mới này trong ngoại giao đóng vai trò là những mô hình giá trị và cung cấp kiến thức chuyên sâu cho các nước xã hội chủ nghĩa khác, đặc biệt trước những thăng trầm trên các vũ đài quốc tế.

Tiếp đó, Trung Quốc xã hội chủ nghĩa đã nâng tầm Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Trong những năm đầu của Trung Quốc xã hội chủ nghĩa, Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình do Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar chủ trương đã giúp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập giành được nhiều sự ủng hộ về mặt tinh thần và thực tiễn, và kể từ đó vẫn là nền tảng của ngoại giao Trung Quốc. Trong thời kỳ đầu sau Chiến tranh Lạnh, Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ những yếu tố ngoại giao cơ bản của Trung Quốc xã hội chủ nghĩa chống lại sức ép của phương Tây. Hiện nay, trong khi giải nghĩa Năm nguyên tắc, Trung Quốc xã hội chủ nghĩa chú trọng sự bình đẳng giữa tất cả các nước có chủ quyền, an ninh chung, phát triển chung, hợp tác cùng có lợi, toàn diện và học tập lẫn nhau cũng như sự công bằng và công lý. Như Tập Cận Bình tuyên bố tại Hội nghị kỷ niệm 60 năm Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tầm quan trọng của tính kiên định như vậy nằm ở mong muốn chung “khám phá cách thức thực hiện Năm nguyên tắc, thúc đẩy thành lập một quan hệ quốc tế kiểu mới và chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp thông qua hợp tác cùng có lợi”.

Cuối cùng, tư duy ngoại giao của Trung Quốc xã hội chủ nghĩa đang tạo được động lực bằng cách đem lại một con đường phát triển thay thế cho thế giới. Tư duy ngoại giao của Trung Quốc dưới thời Chính quyền Tập Cận Bình chú trọng nhiều vào nâng cao sự tự tin của Trung Quốc trong các học thuyết, hệ thống, đường lối và giá trị của riêng mình. Như Tập Cận Bình chỉ ra tại Hội nghị học tập tập thể 12 của Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ, “chìa khóa duy nhất để giải quyết các vấn đề của Trung Quốc là tìm ra cách thức phù hợp nhất với bản thân chúng ta”. Với sự tiến bộ hiện tại của Trung Quốc trong phát triển trong nước và vị thế toàn cầu ngày càng nâng cao của nước này, con đường Trung Quốc đang đem lại cho thế giới đa nguyên một lựa chọn thay thế phi phương Tây trong đó nổi bật là tư duy và thực tiễn mới của một nước xã hội chủ nghĩa lớn, một đóng góp vô giá cho thời đại của chúng ta.

Sự phát triển của tư duy ngoại giao của một nước đang phát triển lớn

Là một nước đang phát triển lớn, Trung Quốc có cơ sở chính trị và ngoại giao bén rễ sâu từ thế giới đang phát triển, do đó tư duy ngoại giao của Trung Quốc tất yếu phản ánh những mối quan ngại và yêu cầu của các nước đang phát triển khác.

Quan trọng nhất, nó phản ánh tư duy ngoại giao của các nước đang phát triển của châu Á. Châu lục này chủ yếu gồm các nước đang phát triển, và tư duy ngoại giao của Trung Quốc trong một chừng mức lớn thể hiện nguyện vọng chung của họ. Hiện tại, mục tiêu chung của họ là nâng cao hợp tác nhiều mặt ở khu vực hoặc tiểu vùng, và củng cố ảnh hưởng của họ cũng như địa vị của châu Á nói chung, trong các vấn đề chính trị, ngoại giao, kinh tế và văn hóa toàn cầu. Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã coi phát triển, thay vì can dự vào các cuộc chạy đua vũ trang, là mục tiêu chính của các nước đang phát triển của châu Á, và do đó đề xuất khái niệm rằng “các vấn đề của châu Á cuối cùng nên được chính người châu Á giải quyết”. Nhiều chính sách và chủ trương của nước này như đẩy mạnh xây dựng các khu thương mại tự do và hợp tác tài chính, đẩy nhanh kết nối về cơ sở hạ tầng và củng cố những giá trị châu Á và “Nhận thức châu Á”, đóng góp đáng kể vào sự đoàn kết của các nước đang phát triển ở châu Á và đóng vai trò là một tấm gương điển hình cho các nước châu Á khác.

Đồng thời, tư duy ngoại giao Trung Quốc cũng phản ánh tư duy ngoại giao của các nước đang phát triển trên thế giới. Trong Chiến tranh Lạnh, các nước đang phát triển của thế giới chia sẻ mục tiêu ngoại giao chung là thúc đẩy một trật tự quốc tế công bằng và hợp lý hơn, cuối cùng dẫn đến Phong trào Không liên kết. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một số lượng lớn các nước đang phát triển nói chung đã áp dụng tư duy ngoại giao “đoàn kết vì sức mạnh” cả ở cấp độ khu vực lẫn chức năng, đưa đến thành quả là hệ thống quốc tế và trật tự thế giới được điều chỉnh lại. Để đẩy mạnh nhận thức về vận mệnh chung, Trung Quốc đã thiết lập các cơ chế hợp tác với tất cả các khu vực đang phát triển, trong đó có nhiều khuôn khổ giữa Trung Quốc và ASEAN cũng như các diễn đàn hợp tác với châu Phi, Mỹ Latinh và thế giới Arập. “Khái niệm mới về đạo đức và lợi ích” do Tập Cận Bình đề xuất trong chuyến thăm của ông tới châu Phi vào tháng 3/2013 cũng đã làm sáng tỏ sự can dự của Trung Quốc vào các nước đang phát triển khác, cũng như về quan hệ nói chung giữa tất cả các nước đang phát triển.

Hơn nữa, tư duy ngoại giao của Trung Quốc cũng ngày càng hòa hợp với của các nước đang phát triển lớn khác. Sự trỗi dậy của các nước đang phát triển lớn trên trường quốc tế, tiêu biểu là BRICS, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong quan hệ quốc tế đương đại. Sự hợp tác mang tính thể chế giữa Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Brazil (BRIC) được bắt đầu tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên vào tháng 6/2009, sau đó trở thành BRICS khi Nam Phi gia nhập vào tháng 12/2010. Kể từ đó, sự hợp tác của BRICS đã ngày càng được mở rộng và thể chế hóa, và tạo ảnh hưởng ngày càng tăng đối với thế giới. Vì lý do đó, các nước đang phát triển lớn được nhấn mạnh là một thành phần chủ chốt trong “quan hệ giữa các nước lớn” của Trung Quốc tại Hội nghị trung tương về công tác liên quan đến ngoại giao, một ví dụ điển hình về phát triển và hợp tác trong tương lai giữa các nước đang phát triển lớn của thế giới.

Sự phát triển của tư duy ngoại giao của một cường quốc toàn cầu

Với địa vị cường quốc toàn cầu của mình ngày càng được thế giới thừa nhận kể từ năm 2008, Trung Quốc đang nỗ lực nâng cao tư duy ngoại giao của mình để có thể thích nghi với những thời khắc chuyển giao then chốt.

Với sức mạnh quốc gia và ảnh hưởng toàn cầu có giới hạn, Trung Quốc từ lâu đã bị hạn chế ở ngoài rìa sân khấu quốc tế, và do đó tư duy ngoại giao của nước này dựa trên những tính toán về “phí tổn thấp, rủi ro thấp và lợi ích cao”. Tương ứng với địa vị và vai trò ngày càng tăng của nước này trên thế giới, Trung Quốc đang đẩy mạnh tư duy ngoại giao nước lớn của mình, điều mang những đặc điểm Trung Quốc nổi bật. Cụ thể hơn, trong tư tưởng ngoại giao, Trung Quốc ủng hộ các khái niệm yêu chuộng hòa bình như “hòa bình là thứ quý giá nhất” và “một cường quốc hiếu chiến, dù lớn đến đâu, cũng sẽ diệt vong”. Trong những cách tiếp cận để đạt được các lợi ích ngoại giao, Trung Quốc ủng hộ tinh thần rằng “rộng lượng đem lại nhiều ích lợi hơn”. Trong thực tiễn ngoại giao, Trung Quốc tái khẳng định quyết tâm của mình đảm nhận nhiều trách nhiệm quốc tế hơn với một tầm nhìn nước lớn để theo đuổi và khuyến khích sự phát triển chung của thế giới. Do đó mới có khái niệm mới về “cùng chung con tàu nhanh phát triển” và “vui vẻ hỗ trợ những hành khách khác”.

Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy những hình mẫu lý thuyết mới và những tầm nhìn dài hạn của ngoại giao nước lớn. Lý thuyết truyền thống của ngoại giao nước lớn, vốn có những chủ đề tập trung vào lợi ích quốc gia, cuộc chơi nước lớn, cạnh tranh địa chính trị và thể chế cũng như tâm lý “được ăn cả”, do phương Tây chi phối trong thế kỷ qua và đến lượt nó nói chung phục vụ cho những giá trị và lợi ích của phương Tây. Với nhiều đề xuất chưa từng có tiền lệ được ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đưa ra, Trung Quốc rất nỗ lực xây dựng một khuôn khổ lý thuyết nhìn xa trông rộng cho ngoại giao nước lớn về các nguyên tắc chỉ đạo, lập kế hoạch chiến lược và tính toán chính sách. Trong khi theo đuổi “Giấc mộng Trung Hoa” và “Giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương”, Trung Quốc đã đặt ra những khái nhiệm mới như “vai trò tiên phong chiến lược chung” Trung-Nga, “quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa Trung Quốc và Mỹ và “các nước đang phát triển lớn”, làm giàu thêm lý thuyết và thực tiễn ngoại giao nước lớn của Trung Quốc với những đặc trưng của riêng mình, đặc biệt theo quan điểm của thời đại ngày càng thay đổi của thế giới, những phạm vi mới của quan hệ quốc tế và công cuộc tái xác định vị trí của Trung Quốc.

Trong kỷ nguyên thông tin, ngoại giao phụ thuộc nhiều vào các phương tiện thông tin liên lạc hiệu quả. Khi thực hiện ngoại giao nước lớn trong hai năm rưỡi qua, Trung Quốc đã tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu tư duy ngoại giao nước lớn của mình nhằm giành được nhiều sự thông cảm và ủng hộ trên toàn cầu hơn. Chẳng hạn, cuối năm 2013 Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng “chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn để tinh lọc và phát triển những giá trị và quan điểm của Trung Quốc hiện đại, cũng như thúc đẩy chúng bằng nhiều phương tiện thông tin liên lạc quốc tế. Việc thúc đẩy Giấc mộng Trung Hoa phải đi đôi với việc ủng hộ các giá trị và quan điểm về Trung Quốc hiện đại”. Nói tóm lại, sự phổ biến tư duy ngoại giao nước lớn của Trung Quốc là cần thiết để giới thiệu văn hóa và các tư tưởng Trung Quốc ra nước ngoài, nhờ đó ngày càng được thế giới công nhận.

Những đặc điểm của chiến lược ngoại giao Trung Quốc phản ánh các giá trị hiện đại

Chủ đề chính của kỷ nguyên hiện đại là hòa bình, phát triển và hợp tác cùng có lợi. Với những mục tiêu và trọng tâm như vậy, chiến lược ngoại giao của Trung Quốc mang nhiều đặc trưng của thời đại.

Những tầm nhìn chiến lược tiến bộ với thời đại

Những cơ hội chưa từng thấy đã mở ra trước mắt Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế kể từ khi nước này trở thành một nước dẫn đầu trong G20 vào năm 2008 và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010. Trong khi đó, Trung Quốc đã ngày càng trở thành trung tâm của sự chú ý chiến lược trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong các nước khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ Đại hội 18 ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã nhắc lại sự cần thiết phải có nhiều tư duy chiến lược, sự tập trung chiến lược, sự kiên nhẫn chiến lược và đầu vào chiến lược hơn. Hơn nữa, ông đã đề xuất một loạt tư tưởng chiến lược về an ninh chung của thế giới và ngoại giao nói chung của Trung Quốc. Với ảnh hưởng ngày càng tăng của sự phát triển hòa bình và sự trỗi dậy mạnh mẽ của mình đối với quan hệ quốc tế đương đại, trong khung thời gian 10 năm hoặc thậm chí dài hơn, Trung Quốc đang tích cực hướng chiến lược của mình sang các nước cụ thể, các khu vực khác nhau và các lĩnh vực đa dạng trên một nền tảng thống nhất hơn bao giờ hết. Nói tóm lại, Trung Quốc quyết tâm tận dụng cơ hội quý giá này để đáp ứng những xu hướng phát triển của lịch sử trong khi đồng thời đóng vai trò là một động lực quan trọng cho các xu hướng đó.

Những hiểu biết mới về thúc đẩy tính toàn diện, học tập lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi

Liên quan đến những thay đổi mới trong tình hình trong nước và quốc tế cũng như của cấu trúc quyền lực toàn cầu, “toàn diện, học tập lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi” rất được chú trọng tại Đại hội 18 ĐCSTQ: “Để thúc đẩy tính toàn diện và học tập lẫn nhau, chúng ta nên tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh và các con đường phát triển, tôn trọng và bảo vệ quyền của tất cả mọi người được tự do lựa chọn hệ thống xã hội và con đường phát triển của họ, học hỏi từ người khác để bù đắp cho những thiếu sót của mình và đẩy mạnh nền văn minh loài người. Để thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, chúng ta nên nâng cao nhận thức về con người chia sẻ một cộng đồng có vận mệnh chung”. Để nêu bật sự thông cảm và tinh thần cùng có lợi đó, báo cáo Đại hội tuyên bố thêm: “Một nước nên xem xét những mối lo ngại chính đáng của nước khác khi theo đuổi những lợi ích của riêng mình; và nước đó nên thúc đẩy sự phát triển chung của tất cả các nước khi đẩy mạnh sự phát triển của riêng mình. Các nước nên thiết lập một kiểu quan hệ phát triển toàn cầu mới hợp lý và cân bằng hơn, đoàn kết lại trong những thời điểm khó khăn, cùng chia sẻ quyền lợi và gánh vác nghĩa vụ, và thúc đẩy những lợi ích chung của loài người”. Nói chung, Trung Quốc đã áp dụng 3 nguyên tắc chỉ đạo về mục đích và thực hiện chiến lược quốc tế của mình: thứ nhất, các nguyên tắc “không xung đột” và “không đối đầu” trong xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới cũng như thúc đẩy cải cách hệ thống quốc tế và trật tự toàn cầu; thứ hai, các nguyên tắc “hữu nghị, chân thành, cùng có lợi và toàn diện” để thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, tiêu biểu là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Ngân hàng Phát triển SCO, “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và Quỹ Con đường tơ lụa, khả năng kết nối qua lại và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Hội nghị Tương tác và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) và hợp tác an ninh châu Á…; thứ ba, các nguyên tắc “chân thành, kết quả thực chất, đồng cảm và thiện chí” trong việc tăng cường hợp tác chính trị và thực tế với châu Phi và các nước đang phát triển khác.

Củng cố và nâng cấp các quan hệ đối tác chiến lược của Trung Quốc

Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-Brazil vào năm 1993 đã đánh dấu sự khởi đầu của một loạt quan hệ đối tác chiến lược đối với ngoại giao Trung Quốc. Trong 2 thập kỷ qua những mối quan hệ đối tác như vậy đã tiếp tục gia tăng, 13 trong số đó đã được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện kể từ năm 2013, trong đó có quan hệ đối tác của Trung Quốc với Mexico (6/2013), Belarus (7/2013), Indonesia và Malaysia (cùng trong tháng 10/2013), Algeria (2/2014), Đức (3/2014), Venezuela và Argentina (cùng trong tháng 7/2014), Mông Cổ (8/2014), Úc và New Zealand (cùng trong tháng 11/2014), cũng như Costa Rica và Ecuador (cùng trong tháng 1/2015). Trong khi sự tham vấn, phối hợp và hợp tác giữa Trung Quốc và các đối tác chiến lược của nước này phần lớn tập trung vào việc xây dựng trật tự toàn cầu hoặc khu vực, ngày càng có nhiều vấn đề an ninh và quân sự đang được đề cập, đưa thêm vào các mối quan hệ đối tác của họ những khía cạnh mới.

Xây dựng các mạng lưới quan hệ quốc tế phong phú

Mang những đặc trưng đáng chú ý của Trung Quốc, việc xây dựng các mạng lưới ngoại giao của Trung Quốc giúp thúc đẩy kết nối các vấn đề toàn cầu và quan hệ quốc tế. Trong 2 năm rưỡi qua, Trung Quốc đã nâng cấp quan hệ của mình với 8 nước thành quan hệ đối tác thân thiện và hợp tác toàn diện, trong đó có Cộng hòa Congo và Tanzania (cùng trong tháng 3/2013), Kenya (8/2013), Kyrgyzstan và Turkmenistan (cùng trong tháng 9/2013), Bulgaria (1/2014), Hà Lan (3/2014) và Maldives (9/2014). Với việc thiết lập nhiều quan hệ đối tác với 67 nước và 5 tổ chức khu vực, Trung Quốc đã và đang mở rộng mạng lưới quan hệ đối tác toàn cầu của mình và ngày càng hiện thực hóa tư duy ngoại giao của mình bằng đường hướng “tìm kiếm đối tác thay vì đồng minh” của Trung Quốc. Như Tập Cận Bình chỉ ra tại Hội nghị trung ương về công tác liên quan đến ngoại giao: “Chúng ta nên cố gắng duy trì những cơ hội và không gian cho phát triển, và củng cố các mối quan hệ đối tác chặt chẽ, cùng có lợi của mình bằng cách tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại vì những kết quả cùng có lợi. Chúng ta phải kết bạn nhiều nhất có thể trên nguyên tắc cơ bản là không liên minh, để thành lập một mạng lưới quan hệ đối tác trải rộng khắp thế giới”. Theo quan điểm của tác giả, những nỗ lực xây dựng mạng lưới của Trung Quốc nhằm vào các nhóm nước khác nhau, với mạng lưới cùng có lợi chủ yếu nhằm vào các nước phát triển và mạng lưới quan hệ đối tác nhằm vào các nước đang phát triển. Trong tương lai, Trung Quốc cũng cần phải thiết lập các mạng lưới khác nhau để xử lý các vấn đề toàn cầu cụ thể và để tạo điều kiện cho sự tham gia của công chúng. Trong khi tìm cách xây dựng tất cả các mạng lưới đó, Trung Quốc nên khuyến khích tương tác mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan và tích lũy “năng lượng tích cực” để đạt được nhiều kết quả cùng có lợi hơn giữa tất cả các nước và khu vực liên quan trong khuôn khổ quốc tế.

Những đặc trưng mới của thực tiễn ngoại giao Trung Quốc

Trong thực tiễn ngoại giao, ban lãnh đạo trung ương của Trung Quốc, do ông Tập Cận Bình đứng đầu, đã không chỉ áp dụng những truyền thống có giá trị như nắm bắt các xu hướng chung, giữ gìn công lý, đối xử trên cơ sở bình đẳng và thực hiện những bước đi thực tế, hướng về nhân dân, mà còn phát triển 4 đặc trưng mới trong tình hình mới:

Di sản năng động và những điều chỉnh thực tế

Có tính nhất quán cao độ, ngoại giao Trung Quốc mang những di sản năng động của quá khứ. Chẳng hạn, Trung Quốc đã cố gắng tăng cường quan hệ với tất cả các nước khác, tuy nhiên khi phải đương đầu với những tình hình thay đổi nhanh chóng ở khu vực ngoại vi của mình trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện gần như đầy đủ các cuộc gặp thượng đỉnh hoặc bằng cách viếng thăm lẫn nhau hoặc tại một nơi thứ ba, do đó trong một chừng mực to lớn củng cố các mối quan hệ của họ. Xét thấy sự đối đầu ngày càng tăng giữa Nga và Mỹ kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp kịp thời để điều chỉnh quan hệ 3 bên Trung-Nga-Mỹ, nhằm phá vỡ sự đối đầu của các khối ở châu Á-Thái Bình Dương hoặc trên cấp độ toàn cầu. Khi xử lý các vấn đề khó khăn trong quan hệ Trung-Mỹ, Trung Quốc đã duy trì cách tiếp cận “hai chiến tuyến”, và do đó đóng góp vào sự ổn định của quan hệ Trung-Mỹ nói chung bằng cách thúc đẩy sự hợp tác của họ trong đối phó với biến đổi khí hậu cũng như trong tài chính và thương mại. Đối với sự tan băng quan hệ Trung-Nhật sau hơn 2 năm bế tắc, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội làm chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh để đạt được tiến bộ một phần trong quan hệ của mình với Nhật Bản.

Xác định rõ những điểm mấu chốt và đưa hành động phù hợp với lời nói

Ngoại giao là một nghệ thuật, nhưng quá nhiều tín hiệu mơ hồ không thể tránh khỏi sẽ dẫn đến tính toán sai lầm. Khi đối phó với những khó khăn ngoại giao và những điểm bùng phát, Trung Quốc nhấn mạnh phải duy trì tất cả vấn đề trong những quan điểm mở và trao đổi thẳng thắn về các lợi ích thực sự của nhau. Bên cạnh đó, Trung Quốc trung thành với những hứa hẹn lẫn cảnh báo của mình trong ngoại giao, và do đó duy trì uy tín cao và tính khả thi đáng kể trong thực tiễn. Theo giáo sư Tấn Tài Đông, Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh “nguyên tắc điểm mấu chốt” đối với thế giới bên ngoài, điều thể hiện quyết tâm ngày càng tăng của nước này để phát triển một cách hòa bình trong khi bảo vệ vững chắc những lợi ích cốt lõi của mình. Chẳng hạn, khi nêu bật sự hợp tác với các nước khác trong nhiều dịp, cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ những lợi ích cốt lõi của mình hoặc đánh đổi chúng. Và đó là “nguyên tắc điểm mấu chốt”. Quả thực, trong khi khẳng định sự chú trọng của Trung Quốc vào phát triển hòa bình, Tập Cận Bình chỉ ra các nước khác cần phải đi cùng con đường đó. Về việc phát triển quan hệ nước lớn kiểu mới giữa Trung Quốc và Mỹ, Tập Cận Bình nhấn mạnh cả những nỗ lực của Trung Quốc lẫn điểm mấu chốt không thể phá bỏ được của nước này. Hơn nữa, “Thỏa thuận Nguyên tắc 4 điểm” giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng như cách tiếp cận “lộ trình kép” của Trung Quốc với ASEAN và các nước tuyên bố chủ quyền tương ứng tất cả đều đã chứng tỏ là rất mang tính xây dựng trong việc giải quyết tranh chấp về các quyền hàng hải và lợi ích ở cả biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.

Những đặc trưng mới của ngoại giao cấp cao

Là các nhà lãnh đạo nhà nước, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường là hai nhân vật thu hút và sôi nổi nhất trên trường quốc tế trong 2 năm qua. Bất chấp công việc bận rộn, ở trong lẫn ngoài nước, cả hai nhà lãnh đạo đã có rất nhiều nỗ lực trong ngoại giao Trung Quốc. Chỉ trong vòng 2 năm rưỡi, thay vì đón tiếp khách từ khắp thế giới, họ đã tới thăm một loạt quốc gia ở tất cả các châu lục và tham dự nhiều hội nghị đa phương quan trọng. Đặc biệt với việc làm chủ nhà tổ chức hai sự kiện ngoại giao quan trọng trong năm 2014 – Hội nghị thượng đỉnh CICA ở Thượng Hải vào tháng 5 và Hội nghị cấp cao APEC ở Bắc Kinh vào tháng 11 – Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều đã thể hiện sức thu hút và sự khéo léo của họ, và mang lại nhiều sức mạnh thuyết trình trong các vấn đề toàn cầu cho Trung Quốc. Hình ảnh cần cù, nhẹ nhàng và dễ gần của họ đã không chỉ nhận được sự ca ngợi rộng rãi từ cộng đồng quốc tế, mà còn nâng cao niềm tin của thế giới vào tiến bộ tương lai của Trung Quốc.

Giữ vững các nguyên tắc trong khi trân trọng tình hữu nghị lịch sử

So với các đường hướng ngoại giao vị lợi, chỉ hướng đến lợi ích của một số nước ở phương Tây, ngoại giao Trung Quốc coi trọng cả nguyên tắc lẫn tình hữu nghị. Chẳng hạn, trong khi các nước phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Zimbabwe, Trung Quốc lại chú trọng hơn vào mối quan hệ hữu nghị truyền thống của mình với nước này. Trong cuộc gặp với Tổng thống Zimbabwe Mugabe vào ngày 25/8/2014, Tập Cận Bình đã nhắc lại tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước và ca ngợi những đóng góp của tổng thống đối với quan hệ song phương. Ông nhấn mạnh thực tế rằng người dân Trung Quốc đánh giá cao tình hữu nghị và sẽ không bao giờ quên “một người bạn cũ chia sẻ mọi thăng trầm”. Một ví dụ khác là mặc dù Trung Quốc và Romania lựa chọn những con đường khác nhau phù hợp nhất với đất nước mình, họ chia sẻ nhiều kinh nghiệm chung khi cả hai đều là thành viên của khối xã hội chủ nghĩa, và do đó một mối quan hệ hữu nghị đã bắt nguồn sâu sắc trong lịch sử. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Romania Ponta ở Bắc Kinh ngày 2/9/2014, Tập Cận Bình đã mở đầu cuộc đối thoại bằng cách nói thêm những cảm xúc riêng của ông về Romania và cho biết: “Khi nói về quan hệ Trung Quốc-Romania, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí chúng tôi là ‘tình hữu nghị’, vì những người ở tầm tuổi tôi lớn lên với mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta, và những bộ phim Romania xuất sắc rất nổi tiếng ở Trung Quốc vào thời đó. Tôi hy vọng Trung Quốc và Romania luôn luôn tôn trọng và ủng hộ nhau một cách chân thành, và quan hệ hữu nghị của chúng ta tiếp tục đem lại những lợi ích hữu hình cho cả hai nước”.

Kết luận

Rút ra từ sự sáng suốt và dựa vào sự ủng hộ của toàn dân tộc, ban lãnh đạo Trung Quốc do ông Tập Cận Bình đứng đầu đã có những nỗ lực to lớn để thúc đẩy tư duy ngoại giao và kế hoạch hóa chiến lược của Trung Quốc với những đặc trưng Trung Quốc, điều đã làm giàu thêm thực tiễn của Trung Quốc về ngoại giao nước lớn và đang mở đường cho sự phát triển của Trung Quốc thành một nước lớn toàn cầu. Tuy vậy, những kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng Trung Quốc sẽ phải đương đầu với những thách thức mới đa dạng trên con đường phía trước, do đó nước này phải tiếp tục thận trọng trong tư duy và thực tiễn ngoại giao và quan trọng nhất, tránh mắc những sai lầm chết người. Để thích nghi với môi trường ngày càng thay đổi và hoàn thành các nhiệm vụ khác nhau của tương lai, tư duy, chiến lược và thực tiễn ngoại giao của Trung Quốc nên được lý thuyết hóa, thể chế hóa và vận dụng hơn nữa./.

Theo “China Quarterly of International Strategic Studies

Vũ Hiền (gt)