07RUSSIA-articleLarge.jpg

Đầu năm 2014 nước Nga phải đối mặt với lệnh trừng phạt kinh tế do việc sáp nhập Crimea. Nhiều người dân Nga coi các biện pháp trừng phạt đó như là bằng chứng cho thấy phương Tây cố phá hoại chính sách đối ngoại của Nga. Để đối phó với áp lực từ phương Tây, Nga đã hướng sự chú ý về phía Đông, đặc biệt là Trung Quốc. Nhưng liệu Nga có coi Trung Quốc là đối tác quan trọng bậc nhất trong chính sách “xoay trục sang châu Á” của mình hay không?

Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói về việc chuyển hướng, tập trung vào thị trường Đông Á trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, các biện pháp trừng phạt của phương Tây được coi là một lý do để Nga thúc đẩy chính sách “xoay trục sang châu Á”. Và sự trừng phạt của phương Tây đã dẫn đến việc Nga ký kết một loạt hiệp định song phương với Trung Quốc vào tháng 5/2014; bao gồm một thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn dầu được gọi là “Sức mạnh của Siberia”, với mục đích xuất khẩu hơn 38 tỷ m3 khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc mỗi năm.

Với mối quan hệ Nga - Trung tốt nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thỏa thuận này đã trở thành thách thức đối với phương Tây. Tuy nhiên, hai năm trôi qua, Nga đã chẳng có mấy hành động cụ thể để chứng tỏ sự chuyển hướng sang phía Đông.
Nhìn bề ngoài, hợp tác Nga-Trung đang được tăng cường kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt, cấm vận Nga. Năm 2015, cả Thủ tướng Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nỗ lực theo đuổi các dự án phát triển chung. Bên cạnh đó, hai nước còn đạt được một thỏa thuận lớn về quốc phòng khi Trung Quốc trở thành khách hàng đầu tiên mua hệ thống phòng thủ S-400 AA và máy bay chiến đấu SU-35 của Nga. Lãnh đạo hai nước thực hiện các chuyến thăm viếng lẫn nhau cũng như tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ Hai.

Tuy nhiên, những sự kiện này khó có thể được nâng lên thành bằng chứng cho thấy chính sách “xoay trục sang châu Á” của Nga đã thành công. Hai thỏa thuận về khí đốt năm 2014 và quốc phòng năm 2015 đã được đàm phán nhiều năm trước khi Nga bắt đầu xoay trục về phía Đông. Việc triển khai dự án “Sức mạnh của Siberia” đã bị tạm hoãn đến năm 2018-2019, thậm chí có thể đến năm 2021. Lợi ích kinh tế của Nga trong thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc đã đặt ra dấu hỏi ngay từ đầu. Thậm chí, dự án này trong năm 2016 còn gây ra sự nghi ngờ lớn hơn so với lần đầu nó được ký kết, do sự suy giảm giá dầu trên thế giới.

Mặc dù với số lượng kỷ lục hiệp định song phương được ký kết trong 2 năm qua, song cả Nga và Trung Quốc không thể tận dụng hết lợi thế của mình do tình trạng bất ổn kinh tế. Ở Nga, đồng ruble giảm mạnh và mặc dù tăng 30% xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Nga vẫn giảm tới 30% và của Nga sang Trung Quốc giảm gần 20%. Xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng cũng giảm hơn 50%. Ở Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tăng trưởng kinh tế nhờ ký hợp đồng lên đến 6,9% trong năm 2015, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc năm 2015 đã giảm gần 30%. Và những nỗ lực của Moskva trong việc tạo ra một môi trường đầu tư trong nước hấp dẫn đã cho thấy những kết quả khác nhau. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Nga giảm 20% trong năm 2015.

Cuối cùng, trong khi dự án đường ống dẫn dầu “Sức mạnh của Siberia” được hình dung như là sự thay thế cho thị trường châu Âu, việc cung cấp khí đốt cho Trung Quốc hiện đã vượt quá nhu cầu khi nền kinh tế này chững lại. Đơn giản Nga vẫn chỉ là một trong nhiều nhà cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, cùng với các đối tác truyền thống khác như Úc, Qatar hay gần đây nhất là Turkmenistan. Quan điểm của Trung Quốc về thỏa thuận khí đốt năm 2014 với Nga có lẽ được thể hiện qua mong muốn của Bắc Kinh rằng Moskva phải chịu tất cả chi phí cho việc xây dựng và bảo dưỡng đường ống dẫn dầu mới thì mới có quyền ưu tiên bán khí đốt cho Trung Quốc.

Rõ ràng, Nhật Bản đã trở nên ngày càng thận trọng trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Và trong khi Nhật Bản chủ yếu dựa vào Mỹ để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc, nước này gần đây đã cho thấy một sự mở đầu cho quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với Nga. Việc Nhật Bản thay đổi chính sách giảm sản xuất điện hạt nhân kể từ sự cố Fukushima vào năm 2011 đã khiến nhu cầu khí đốt tự nhiên ở trong nước rất lớn và Moskva là sự lựa chọn tốt để đáp ứng nhu cầu này, đặc biệt khi Nga đang mất sự cân bằng và không ổn định trong thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc. Nguồn năng lượng này có thể được chuyển giao từ vùng Viễn Đông của Nga, và do đó sẽ không cần phải đi qua các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhật Bản có thể sẽ coi nguồn cung cấp của Nga như một sự bảo đảm an ninh năng lượng tốt hơn so với các nhà cung cấp chính hiện nay của nước này. Nỗ lực gần đây của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc khuyến khích hai bên xích lại gần nhau hơn trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G-7 là một tín hiệu tốt trong quan hệ song phương.

Từ kết quả trên cho thấy Bắc Kinh đã không muốn hy sinh mối quan hệ kinh tế và chiến lược truyền thống với phương Tây để đối lấy sự hợp tác chặt chẽ với Nga. Cơ hội đầy hứa hẹn cho Moskva trong việc đẩy mạnh quan hệ năng lượng và an ninh với Tokyo sẽ giúp hai nước duy trì một mối quan hệ vững chắc trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là Nga sẽ lựa chọn đối tác nào cho chính sách “xoay trục sang châu Á” của mình?

Tác giả Dmitry Filippov là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Nghiên cứu Đông Á, Đại học Sheffield. Peter Marino là nhà phân tích về chính trị châu Á, trong đó tập trung về Trung Quốc và các vấn đề Kinh tế và An ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bài viết đăng trên “Diễn đàn Đông Á”.

Hùng Sơn (gt)