Quan niệm sai lầm thứ nhất là "sự trỗi dậy của Trung Quốc đã gạt sang bên lề ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á". Điều này hoàn toàn không đúng. Không ai có thể phủ nhận sức mạnh của Trung Quốc ở châu Á đang gia tăng; nền kinh tế Trung Quốc hiện lớn nhất trong khu vực; Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của mọi quốc gia châu Á; tiến trình hiện đại hóa quân sự của nước này đã biến Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thành một lực lượng chiến đấu mạnh nhất trong khu vực.... Tuy nhiên, thay vì gạt sang bên lề hoặc thay thế ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á, sự mở rộng quyền lực của Trung Quốc đang thúc đẩy hầu hết các nước châu Á gần gũi hơn với Oasinhtơn và nâng cao vai trò của Mỹ. Sự hiện diện của "chú Sam" vẫn được hoan nghênh vì nó ngăn chặn Trung Quốc nắm quyền bá chủ khu vực, đồng thời thúc đẩy sự cân bằng chiến lược. 

Hiện nay, sức mạnh của Trung Quốc càng gia tăng thì cam kết của Mỹ đối với khu vực càng trở nên quan trọng. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây đã công bố một chiến lược mới đối với châu Á. Trong khi Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ thì hầu hết các nước trong khu vực lại có cảm giác yên tâm và lặng lẽ hoan nghênh. Hiện các mối quan hệ an ninh của Mỹ với các nước châu Á chủ chốt như Ấn Độ, Ôxtrâylia, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Việt Nam tốt hơn bao giờ hết. 

Quan niệm sai lầm thứ hai là "dự trữ ngoại hối khổng lồ giúp Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn". Đúng là Trung Quốc sở hữu khoảng 2.000 tỷ USD trong kho bạc và nợ thế chấp, và 800 tỷ USD trái phiếu chính phủ châu Âu. Nguồn dự trữ khổng lồ đó của Trung Quốc có thể gây lo lắng cho phương Tây và đem lại cho Bắc Kinh nhiều uy tín và quyền khoe khoang, nhưng chúng không đủ khả năng đem lại cho Bắc Kinh nhiều ảnh hưởng ngoại giao.

Kho tiền tệ của Trung Quốc là kết quả từ một chiến lược tăng trưởng dựa trên một đồng tiền được định giá thấp để duy trì sức cạnh tranh xuất khẩu. Nếu giảm đầu tư vào nợ của Mỹ, Trung Quốc hoặc phải tìm các khoản đầu tư thay thế - một công việc không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay, hoặc phải xuất khẩu ít hơn sang Mỹ - một ý tưởng không tốt cho các nhà sản xuất Trung Quốc.

Quan niệm sai lầm thứ ba là "Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kiểm soát được Internet". Mặc dù đầu tư khá nhiều cho công nghệ và nhân lực, song Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức và khó khăn lớn trong việc “thuần hóa” không gian mạng sôi động ở nước này. Mặc dù công nghệ lọc Internet của Trung Quốc tinh vi hơn và Bắc Kinh đưa ra các quy định chặt chẽ hơn so với các chế độ khác, song tốc độ tăng trưởng dân số trực tuyến của quốc gia (hiện đã vượt ngưỡng 500 triệu) và tiến bộ công nghệ (như vi-blog kiểu Twitter) đã khiến cho việc kiểm duyệt phần lớn là không hiệu quả. Chính phủ đã liên tục phải chơi trò đuổi bắt, và nỗ lực mới nhất là buộc các vi-blog đăng ký với tên thật. Việc thực thi các quy định như vậy quá tốn kém. 

Nói chung, Bắc Kinh có thể kiểm duyệt một cách chọn lọc những gì họ cho là "nhạy cảm", song bất cứ khi nào có tin tức mới nhất - chẳng hạn một vụ bê bối tham nhũng, một sự cố nghiêm trọng hay một cuộc biểu tình lớn chống chính phủ - trên Internet đầy rẫy những lời chỉ trích chính phủ. Việc phục hồi trật tự mạng phải mất một thời gian và khi đó thiệt hại chính trị cũng đã xảy ra.

Quan niệm sai lầm thứ tư là "chế độ của Trung Quốc đã mua chuộc được tầng lớp trung lưu". Ba thập kỷ tăng trưởng kinh tế hai con số đã đưa khoảng 250-300 triệu người Trung Quốc - chủ yếu là ở đô thị - vào tầng lớp trung lưu. Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc chịu đựng tình trạng hiện tại bởi có một sự cải thiện lớn so với sự cai trị độc tài trong quá khứ, và vì không có giải pháp tình huống thực tế hoặc ngay lập tức. 

Tuy nhiên, như "Mùa xuân Arập" đã chứng minh, chỉ cần một sự kiện đơn lẻ hoặc một bước đi sai lầm của giới cầm quyền cũng có thể biến các công dân thuộc tầng lớp trung lưu thành những nhà cách mạng triệt để. Điều này có thể xảy ra ngay cả khi không có một cuộc khủng hoảng kinh tế. Hiện tầng lớp trung lưu của Trung Quốc ngày càng trở nên không hài lòng với nạn tham nhũng, tình trạng bất bình đẳng, khả năng chi trả cho nhà ở, ô nhiễm và dịch vụ nghèo nàn…

Tại Thượng Hải, cách đây vài năm, hàng nghìn công dân thuộc tầng lớp trung lưu đã tổ chức buổi "đi bộ tập thể" nhằm ngăn việc mở rộng một dự án tàu hỏa cao tốc. Một cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra hồi năm ngoái ở Đại Liên đòi đóng cửa một nhà máy hóa dầu gây ô nhiễm môi trường. Bắc Kinh cũng biết không thể duy trì sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu. 

Quan niệm sai lầm thứ năm là "tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc không có dấu hiệu chậm lại". Thực tế cho thấy tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã được "hạ nhiệt" từ hơn 10,3% năm 2010 xuống 9,2% năm 2011, và sự dịch chuyển xuôi dốc này sẽ tăng tốc trong những năm tới. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ gặp “cơn gió ngược lớn” bởi dân số lão hóa - với số công dân từ 60 tuổi trở lên chiếm 12,5% dân số trong năm 2010 - sẽ thu hẹp khoản tiết kiệm và cung nhân lực, làm tăng chi phí lương hưu và chăm sóc sức khỏe. Nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Trung Quốc phải làm ra các sản phẩm công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải đổi mới nhiều hơn, mà muốn đổi mới nhiều hơn cần phải nới lỏng sự kiểm soát của chính phủ và tự do trí tuệ hơn.

Theo The Jakarta Global

Thùy Anh(gt)