tapcanbinh-1.jpg

Thứ nhất, việc tổ chức thành công Lễ duyệt binh là sự khẳng định Tập Cận Bình hiện là lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, nắm chắc quân đội. Sự khẳng định này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh có một số đồn đoán cho rằng vị thế của Tập bị suy giảm do các biến động từ thị trường chứng khoán và sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sự kiểm soát quân đội của Tập được củng cố trong bối cảnh Tập đang muốn triển khai một số cải cách quan trọng nhằm tái cơ cấu tổ chức quân đội.

Thứ hai, việc tổ chức Lễ duyệt binh đã tạo ra sự ủng hộ “nhiệt thành” của người dân Trung Quốc đối với Tập do hầu hết người dân Trung Quốc đều tìm thấy “niềm tự hào và tự tôn dân tộc” khi tham dự và chứng kiến Lễ duyệt binh. Đối với người dân, Trung Quốc hiện nay đã không còn là một “quốc gia yếu” như cách đây 100 năm và có thể tự hào tuyên bố trở thành cường quốc lớn trên thế giới. Những ngày tháng “sỉ nhục quốc gia” của Trung Quốc đã là quá khứ và Trung Quốc đang dần lấy lại “hào quang” trước đây.

Thứ ba, việc Trung Quốc trình diễn các tên lửa hiện đại, bao gồm tên lửa thế hệ Đông Phong là tín hiệu rõ ràng khẳng định Trung Quốc đang sở hữu hệ thống khí tài quân sự toàn diện và hiện đại với năng lực tấn công phá hủy các mục tiêu của kẻ thù. Mặc dù khoảng cách về sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ còn rất lớn, hiện khoảng cách này đang ngày càng rút ngắn lại theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Hiện quân đội Trung Quốc đã là “đội quân hiện đại” và có năng lực tham gia “chiến tranh hiện đại”. Trong tương lai gần, quân đội Trung Quốc là đội quân có khả năng trở thành địch thủ đáng gườm đối với quân đội Mỹ, qua đó càng làm gia tăng căng thẳng cạnh tranh chiến lược giữa hai nước.

Thứ tư, việc tổ chức Lễ duyệt binh được cho là giúp Trung Quốc giảm quan ngại của một số nước về ý đồ của Trung Quốc, đặc biệt khi Tập tuyên bố sẽ cắt giảm 300.000 quân số. Tập Cận Bình muốn gửi thông điệp tới các quốc gia láng giềng ở Châu Á về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, và sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc không mang lại mối đe dọa cho các quốc gia khác.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc tổ chức Lễ duyệt binh cũng bị chỉ trích là nhằm “răn đe” các quốc gia khác và muốn “khoe cơ bắp” quân sự. Với sức mạnh quân sự ngày càng tăng, Trung Quốc không có cách nào để né tránh các chỉ trích này. Giải pháp hiện nay là Trung Quốc cần phải tăng cường đối thoại với các bên liên quan và quan trọng hơn là cần “hết sức kiềm chế” khi phát sinh các vấn đề và sự nghi kỵ sâu sắc giữa Trung Quốc và các quốc gia khác.

Thứ năm, mặc dù các cường quốc phương Tây không cử nguyên thủ tham dự buổi lễ, Trung Quốc đã thành công trong việc mời Tổng Thống Nga Putin và Tổng Thống Hàn Quốc Park Geun-hye tham dự. Hiện đã có một số đồn đoán về mối quan hệ liên minh Trung - Hàn trong tương lai. Mặc dù khả năng này hiện vẫn còn quá sớm, sự tham dự của Tổng Thống Park cho thấy quan hệ Trung - Hàn đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng nồng ấm.

Theo “The Diplomat

Mỹ Anh (gt)