Vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một số hợp đồng kinh doanh và đưa ra những đề nghị trị giá hàng tỷ USD về trợ cấp, cho vay, tín dụng xuất khẩu và quỹ đầu tư cho châu Phi khi các nhà lãnh đạo châu Phi tham gia Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi lần thứ 6, một sự kiện đặc biệt diễn ra 3 năm một lần để bàn thảo những vấn đề về phát triển và an ninh giữa các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và châu Phi

Không có gì ngạc nhiên, chuyến thăm thứ hai của ông Tập trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc đến châu Phi, bao gồm cả chặng dừng chân tại Zimbabwe, đã tập trung sự chú ý vào vai trò gia tăng của Trung Quốc đối với lục địa này. Động thái này đã chiếm hầu hết trang nhất các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới. Dưới đây là 5 trong số những bí ẩn nguy hiểm nhất và dai dẳng về sự can dự của Trung Quốc tại châu Phi.

Đầu tiên và cũng nguy hiểm nhất là Trung Quốc can dự vào châu Phi chỉ vì muốn khai thác tài nguyên thiên nhiên. Chắc chắn rằng tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên của lục địa này là sức hút lớn đối với các công ty Trung Quốc - cũng giống như các tập đoàn dầu mỏ và khoáng sản phương Tây gồm Shell, ExxonMobil và Glencore. Thậm chí quốc gia giàu có về dầu mỏ như Nigeria cũng không thể tránh khỏi việc này. Chỉ trong năm 2014, các công ty Trung Quốc đã ký kết các hợp đồng xây dựng trên 70 tỷ USD tại châu Phi, mang lại cơ sở hạ tầng quan trọng, công ăn việc làm và thúc đẩy kỹ năng của nguồn lao động địa phương.

Các công ty công nghệ đã tập trung mở rộng sự phát triển tại địa phương. Hơn một thập kỷ trước, Tập đoàn viễn thông Hoa Vĩ đã thành lập Trường đào tạo West African tại thủ đô Abuja của Nigeria. Kể từ đó, tập đoàn này đã phát triển kỹ năng cho các kỹ sư địa phương - những người khởi động mạng lưới điện thoại di động đem đến cuộc cách mạng về công nghệ thông tin tại châu Phi. Câu chuyện đối với các lĩnh vực khác cũng tương tự: Nhóm Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc-châu Phi (CARI) thuộc Đại học Johns Hopkins đã cố gắng định hình sự can dự của Trung Quốc vào châu Phi, phân tích ảnh hưởng của nó và đã phát hiện ra rằng các nhà máy của Trung Quốc tại Nigeria thuê nhân công Nigeria sản xuất vật liệu xây dựng, bóng đèn, đồ gốm và sắt thép từ các con tàu được vớt lên. Một quan chức Nigeria đã nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2009 "Trung Quốc đang ra sức can dự vào tất cả các thành phần kinh tế của chúng tôi".

Điều bí ẩn thứ hai nằm ở mức độ can dự của Trung Quốc đối với lục địa này. Các nhà quan sát thường phóng đại quá nhiều về độ lớn của những khoản tiền - các khoản cho vay và hỗ trợ mà Trung Quốc cam kết đối với châu Phi và các nước đang phát triển. Cứ cho là như vậy thì Trung Quốc cũng không hề minh bạch về các dòng tài chính này. Trong khi các thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hầu hết là các nước phát triển đều báo cáo về các cam kết hàng năm cấp nhà nước của họ thì Trung Quốc lại không làm thế. Tuy nhiên, Trung Quốc lại công khai số liệu tập hợp vài năm một lần và nó thấp hơn nhiều so với tin đồn. Từ năm 2010-2012, các khoản hỗ trợ của Trung Quốc đối với các nước khác tăng nhanh nhưng tổng số chỉ là 14,4 tỷ USD trên toàn thế giới.

So sánh con số này với một nghiên cứu của Tập đoàn Rand Corp vào năm 2013 - tập đoàn này đã cố gắng đưa ra dự đoán về mức viện trợ của Trung Quốc bằng việc tập hợp dữ liệu từ các báo cáo, thì con số của nghiên cứu này đưa ra là 189,3 tỷ USD chỉ tính riêng trong năm 2011. Có sự băn khoăn về việc họ tính toán như thế nào? Nghiên cứu của một hãng truyền thông nhận viện trợ của Trung Quốc đã đưa ra sự minh họa cụ thể: Năm 2010, nhà xuất bản Tendersinfo News đã báo cáo rằng một nhóm doanh nhân Trung Quốc đã ký kết 22 hợp đồng trị giá 250 triệu USD tại một diễn đàn kinh tế ở Ai Cập. Bỏ qua thực tế là chỉ một phần nhỏ các bản ghi nhớ như vậy có thể dẫn đến các dự án thật sự, ý kiến cho rằng các hợp đồng như vậy có thể xem như các cam kết hỗ trợ của Trung Quốc thì thật là ngớ ngẩn!

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã nỗ lực đánh giá số lượng các khoản viện trợ phát triển của Trung Quốc. Không như các nhà nghiên cứu thuộc Tập đoàn Rand Corp, họ coi sự hỗ trợ chỉ bao gồm các khoản mà Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia viện trợ phân loại là viện trợ phát triển chính thức (ODA), ví dụ như các khoản hỗ trợ, cho vay. Họ ước tính mức viện trợ của Trung Quốc trong năm 2011 chỉ ở con số khiêm tốn là 4,5 tỷ USD.

Một ví dụ khác tương tự là câu chuyện kỳ lạ trên một tờ báo Hong Kong rằng Trung Quốc cam kết 1.000 tỷ USD hỗ trợ châu Phi đến năm 2025, trong đó 70-80% đến từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc. Khi bài báo này xuất hiện, ngân hàng của Trung Quốc đã đăng lời phủ nhận trên mạng và thậm chí còn đe dọa sẽ có hành động pháp lý. Câu chuyện này vẫn được lan truyền. Số liệu từng không rõ ràng thì nay đã sáng tỏ: Để đạt được mục tiêu này cần phải có 83 tỷ USD mỗi năm. Mặc dù các ngân hàng Trung Quốc ngày càng chủ động trong hoạt động đầu tư ở châu Phi, dữ liệu về các khoản vay từ Trung Quốc cho thấy các cam kết tài chính của nước này trong vài năm gần đây chỉ khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. Thậm chí mức chi phí này cũng khiến Trung Quốc phải cân nhắc rất nhiều khi đầu tư vào những nước đang gặp vấn đề nợ công tăng. Ví dụ vào năm 2014, Ghana đã hủy một nửa khoản vay trị giá 3 tỷ USD mà họ đã ký kết với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc 3 năm trước đó.

Điều bí ẩn dai dẳng thứ ba là các công ty Trung Quốc thuê nhân công chủ yếu là người của quốc gia họ. Tháng 7 vừa qua, khi nói chuyện với Đại sứ của các nước châu Phi tại Ethiopia, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng "quan hệ kinh tế không chỉ đơn giản là xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn lao động nước ngoài". Ai cũng biết ông Obama đang nói về Trung Quốc. Nhưng đây liệu có phải là mô tả chính xác về hoạt động kinh doanh của Trung Quốc? Trong nhóm các quốc gia dầu mỏ với ngành xây dựng đắt đỏ như Algeria, Guinea, Angola, các chính phủ này cho phép các công ty xây dựng Trung Quốc mang theo công nhân đến từ Trung Quốc. Nhưng tại các quốc gia khác thuộc châu Phi, phần lớn nhân công tại các công ty Trung Quốc là người dân địa phương. Học viện Bary Sautman và Yan Hairong có trụ sở tại Hong Kong khảo sát 400 công ty Trung Quốc hoạt động tại hơn 40 quốc gia ở châu Phi. Họ phát hiện ra rằng trong khi vị trí quản lý và kỹ sư chính có xu hướng là người Trung Quốc thì hơn 80% công nhân là người địa phương. Một vài công ty còn thuê nhân công tới 99% là người địa phương.

Nghiên cứu tại Ethiopia cho thấy gần 4.800 người Ethiopia được các công ty Trung Quốc thuê để xây dựng dự án tàu nội đô. Khoảng 4.000 người Ethiopia khác làm việc tại Huajian, một nhà máy giày của Trung Quốc gần thủ đô Addis Ababa. Trong cả hai trường hợp trên, một số công nhân địa phương còn được gửi sang Trung Quốc để đào tạo nghiệp vụ quản lý. Điều này đem lại lợi ích kinh tế cho các công ty Trung Quốc. Để đưa công nhân từ Trung Quốc sang, họ phải trả lương cao hơn cộng thêm chi phí máy bay, phòng ngủ và tiền ăn. Tất nhiên vẫn có tình trạng căng thẳng xung quanh nhiều khu công nghiệp của Trung Quốc nhưng phần lớn xuất phát từ mâu thuẫn về lương và điều kiện làm việc chứ không phải vì có chỗ làm cho người dân địa phương hay không.

Bí ẩn thứ tư là sự viện trợ của Trung Quốc là phương tiện đảm bảo quyền lợi về dầu mỏ và khai thác than. Như Richard Behar (phóng viên điều tra người Mỹ làm việc cho tạp chí Forbes) viết một bài báo vào năm 2008 cho rằng "Trung Quốc hỗ trợ các bệnh viện, đường ống nước, đập nước, đường tàu, sân bay, khách sạn, sân vận động, tòa nhà Quốc hội - tất cả theo cách nào đó đều liên quan đến việc tiếp cận với các nguồn khoáng sản thô".

Nghiên cứu của Tập đoàn Rand Corp được đề cập ở trên cũng gợi ý tương tự rằng "Trung Quốc có được nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên như là lợi nhuận thu được sau các khoản viện trợ". Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) năm 2009 đã kết luận "viện trợ nước ngoài của Trung Quốc được định hướng chủ yếu bởi nhu cầu tài nguyên thiên nhiên".

Vào đầu năm nay, một nhóm các nhà nghiên cứu - những người đã theo dõi sát các cam kết viện trợ của Trung Quốc - thông báo rằng nhu cầu tài nguyên thiên nhiên không lý giải được chi tiết những cam kết này. Dữ liệu của họ chưa phát hiện ra trường hợp nào mà sự viện trợ của Trung Quốc lại trực tiếp dẫn đến sự nhượng bộ về khai thác than hoặc dầu mỏ. Chỉ có một hợp đồng nổi tiếng gần giống với điều này. Vào năm 2007, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo và hai công ty xây dựng Trung Quốc tham gia một dự án mạo hiểm nhằm khôi phục một mỏ khai thác đồng. Họ đã đàm phán với Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc về một khoản vay thương mại trị giá 6 tỷ USD, bảo đảm sẽ hoàn lại sau khi có lợi nhuận từ mỏ đồng này. Khoản vay này sau đó giảm xuống 3 tỷ USD và được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho hai công ty này. Tuy nhiên, trong trường hợp này, rõ ràng lợi ích cốt lõi của các công ty Trung Quốc không phải là việc tiếp cận nguồn tài nguyên mà là tìm cách hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng tại một đất nước nghèo tín dụng.

Trong hầu hết các trường hợp khác khi mà ngân hàng Trung Quốc yêu cầu sự bảo đảm cho các khoản vay lớn ở châu Phi bằng nguồn thu đảm bảo thì đều không có mỏ than hay giếng dầu nào có liên quan đến Trung Quốc. Ví dụ như việc Ghana dùng sản lượng cô-ca của người nông dân nhằm đảm bảo cho khoản vay trị giá 562 triệu USD để xây đập thủy điện. Tương tự như vậy, họ bảo đảm khoản vay 3 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc - khoản vay này sau đó giảm một nửa - với việc xuất khẩu dầu mỏ cho công ty dầu mỏ đa quốc gia Anh Tullow Oil và các đối tác không phải là Trung Quốc. Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Trung Quốc cung cấp khoản vay 1,5 tỷ USD được đảm bảo bằng dầu mỏ nhưng không có chút dầu mỏ nào được trả lại. Dầu mỏ được khai thác tại đó thuộc hai công ty châu Âu là Total (Pháp) và Eni (Italy).

Điều bí ẩn cuối cùng là Trung Quốc có nhu cầu không thể thỏa mãn đối với các vùng đất châu Phi và có lẽ sẽ có kế hoạch gửi một nhóm nông dân đến trồng trọt ở châu Phi sau đó chuyển nông sản về Trung Quốc. Năm 2012, Giám đốc Kinh tế thuộc Ngân hàng Phát triển châu Phi đã gọi Trung Quốc là "kẻ chiếm đoạt đất" tại châu Phi. Nhưng trong một cuốn sách xuất bản vào tháng 11, các nghiên cứu đã xem xét 60 trường hợp đầu tư nông nghiệp của Trung Quốc, kể cả tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Nghiên cứu này đã mất 3 năm khảo sát thực tế và tiến hành phỏng vấn trên hàng chục quốc gia. Kết quả cho thấy trong số 15 triệu héc-ta được cho là do công ty Trung Quốc sử dụng thì thực tế tìm thấy bằng chứng có ít hơn 700.000 héc-ta. Nông trại của Trung Quốc lớn nhất là nông trại cao su, đường và đồn điền cây gai dầu. Không có nông trại nào trồng lương thực để xuất khẩu sang Trung Quốc. Và tại Zambia - nơi có vài chục trang trại Trung Quốc để trồng trọt, nuôi gà cho thị trường địa phương - thì nghiên cứu cũng không tìm thấy thị trấn nào của người Trung Quốc.

Tạo nên những điều bí ẩn như vậy ngày càng gây khó khăn cho việc tập trung đánh giá một loạt vấn đề liên quan đến nguồn tài nguyên, bảo vệ các loài gặp nguy hiểm trong mối quan hệ Trung Quốc-châu Phi. Bị cản trở bởi những vấn đề khó khăn này, quan hệ hợp tác Trung-Mỹ trong vấn đề châu Phi sẽ không đi đến đâu. Nếu làm rõ được những bí mật trên, nó sẽ tạo ra một nền tảng cơ sở thông tin tốt hơn cho sự can dự của phương Tây với Trung Quốc ở châu Phi hoặc ở bất cứ nơi nào khác.

Giáo sư Deborah Brautigam, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về yếu tố Trung Quốc tại châu Phi thuộc trường Đại học Johns Hopkins. Bài viết được đăng trên Foreign Policy.

Trần Quang (gt)