Trước khi kết thúc chuyến thăm Mỹ hồi tuần trước, Tướng Trần Bính Đức đã có cuộc trả lời phỏng vấn riêng “Thương báo”, đây cũng là lần đầu tiên vị Tổng Tham mưu trưởng này nhận trả lời phỏng vấn báo chí bên ngoài Đại lục. Tướng Trần Bính Đức đã dùng từ “hài lòng” để tổng kết thành quả chuyến thăm Mỹ vừa rồi. Phía Trung Quốc đã luôn kêu gọi Mỹ cần tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, phía Mỹ lần này cũng hạ thấp thái độ, hai bên đã có sự tiếp xúc chưa từng có. Theo Tướng Trần Bính Đức, phía Mỹ đã hiểu sâu sắc hơn về Trung Quốc, nhất là Mỹ đã có suy nghĩ mới và nhận thức mới đối với 3 trở ngại trong quan hệ quân sự Trung-Mỹ: Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, máy bay và tàu chiến Mỹ do thám vùng trời và vùng biển Trung Quốc, những hạn chế trong các bộ luật của Mỹ. Ví dụ như năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton còn đề cao Luật quan hệ với Đài Loan, song lần này bà Hillary chỉ nói một câu ủng hộ chính sách một Trung Quốc, "đây là một sự biểu đạt thái độ, một sự tiến bộ".

Tuy nhiên, Tướng Trần Bính Đức thừa nhận trong một số vấn đề mang tính nguyên tắc, Mỹ không hề có cam kết cải thiện. Do đó, có thể nói rằng “với Mỹ, vừa có hợp tác, vừa phải đấu tranh, đây là một nhiệm vụ lịch sử lâu dài”. Ông nhấn mạnh, lần này xây dựng một cơ chế giao lưu cần có thời gian cọ sát, không thể yêu cầu là được ngay, không phải một chuyến thăm này là có thể giải quyết được mọi vấn đề.

Lấy vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan làm ví dụ, Tướng Trần Bính Đức cho biết, phía Trung Quốc đã yêu cầu rõ ràng phía Mỹ giảm bớt bán vũ khí cho Đài Loan, song Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mulen trả lời rằng “quyết định cuối cùng là ở Tổng thống và Quốc hội”, đây vẫn là câu trả lời nước đôi, vừa có tính tích cực, lại vừa giữ nguyên lối tư duy cũ.

Cũng giống như chuyến thăm Mỹ của Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu hồi năm 2009, khi Tướng Trần Bính Đức vừa rời khỏi Mỹ, phía Mỹ lập tức đề cập lại vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan, gần nửa số nghị sỹ Quốc hội Mỹ đã liên danh đệ đơn hối thúc Tổng thống Obama phê chuẩn thương vụ vũ khí này. Theo nguồn tin thân cận giới quân sự Mỹ, đây không phải là việc làm tùy tiện và cũng không phải mới được quyết định sau chuyến thăm Mỹ của Trần Bính Đức. Phía quân đội Mỹ đã kêu gọi Quốc hội lùi việc biểu quyết này tới thời điểm sau khi Trần Bính Đức rời Mỹ để tránh làm ảnh hưởng tới chuyến thăm, đây là sự giữ thể diện, cũng có thể nói là một “thành ý” từ phía Mỹ. Đối với “thành ý’ này, Trần Bính Đức cho biết nếu Mỹ thực sự bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc nhất định sẽ “đấu tranh kiên quyết”.

Tổng Tham mưu trưởng PLA cho rằng mặc dù vẫn còn va chạm, song quan hệ quân sự Trung-Mỹ vẫn sẽ tiến về phía trước, phía Mỹ luôn nhấn mạnh quân đội hai bên cần có một mối quan hệ lành mạnh, ổn định, đáng tin cậy và bền vững, nếu không làm được 3 vế trước thì cũng không thể có được mối quan hệ bền vững.

Phía Mỹ hy vọng có thể nâng cấp đối thoại quân sự hai bên lên cấp 2+2, tức Bộ trưởng Ngoại giao cộng Bộ trưởng Quốc phòng. Trần Bính Đức đã trả lời thẳng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ rằng “không thể” bởi trong đối thoại quân sự hai nước, phía Trung Quốc cần là thành quả thực chất, không có thành quả thì nâng cấp có tác dụng gì? Nếu như vấn đề hiện nay xử lý chưa được, nâng cấp đối thoại cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Đây là lần đầu tiên tướng lĩnh cao cấp của PLA công khai bày tỏ thái độ rõ ràng trước yêu cầu này của phía Mỹ. Trên thực tế, do 3 yêu cầu quan trọng phía Trung Quốc đưa ra đều không được phía Mỹ đáp lại một cách “hài lòng”, phía Trung Quốc đã không chấp nhận cách làm của phía Mỹ trong việc xây dựng cơ chế hội đàm 2+2.

Mấy năm gần đây, Mỹ đang dần tăng cường quân lực tại châu Á, dư luận cho rằng “Mỹ đang trở lại châu Á”. Về vấn đề này, Trần Bính Đức cho rằng Mỹ chưa hề rời khỏi châu Á, cho nên có thể nói rằng không có việc “Mỹ trở lại châu Á”, chỉ có đang chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu sang châu Á mà thôi. Theo Trần Bính Đức, hiện nay quân đội Mỹ đổ nhiều nguồn lực vào châu Á, song cũng không tạo ra sự uy hiếp lớn đối với Trung Quốc bởi “Mỹ không thể không xem xét cẩn thận và có thái độ có trách nhiệm”, đối với sự tăng cường bố trí quân đội Mỹ tại châu Á, “cần có một đánh giá khoa học, đối sách chính xác, không nên quá sợ hãi”.

  Theo Thương báo ngày 8/6

 Hương Trà (gt)