Sự phát triển toàn cầu hiện đang trong giai đoạn hỗn loạn. Một số nước đang phát triển từng là nước nhận viện trợ, nay lại là nước đi viện trợ cho các nước khác. Số tiền viện trợ từ các nước này chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong xu thế phát triển toàn cầu. Đến nay, Trung Quốc là nhân tố có tính cạnh tranh cao nhất đang nổi lên trên “thị trường” viện trợ toàn cầu, và tính "độc đáo" trong cách cung cấp viện trợ của nước này đang thách thức các chính sách viện trợ truyền thống và hoạt động viện trợ trên thực tế của các cường quốc phương Tây.

Bắc Kinh đang làm đảo lộn nền tảng trật tự thế giới do các cường quốc phương Tây xác lập sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Việc thiếu minh bạch trong các khoản viện trợ của Trung Quốc là một vấn đề đáng quan ngại. Trung Quốc đã không chọn cách công bố thông tin các khoản viện trợ rộng rãi theo cách của Sáng kiến Minh bạch Viện trợ Quốc tế (IATI) mà các nước phương Tây xây dựng nhằm tạo điều kiện phối hợp viện trợ và giảm thiểu sự trùng lặp, lãng phí. Trái lại, các chương trình viện trợ nước ngoài của Trung Quốc thường trở thành một "hố đen" thông tin.

Nghiên cứu mới đây của AidData - một nhóm nghiên cứu tại trường Đại học William và Mary (Mỹ) - về các hoạt động đầu tư, tài trợ của 22 cơ quan và ngành thuộc Chính phủ Trung Quốc đối với 2.650 dự án phát triển tại 51 quốc gia châu Phi có tổng trị giá khoảng 94 tỷ USD, đã chỉ ra những “góc khuất” mới.

Sự thật 1: Nhiều người cho rằng Trung Quốc viện trợ cho châu Phi nhiều hơn Mỹ, và rất nhiều khoản viện trợ nhằm ủng hộ chế độ tham nhũng và độc tài. Không chỉ vậy, còn có ý kiến cho rằng nhiều khoản viện trợ của Trung Quốc không thực sự tốt đẹp bởi mục đích sâu xa của các khoản tiền này là để mua nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào chứ không để cải thiện xã hội và kinh tế ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, rõ ràng hầu hết các nhận định này đều dựa trên các đồn đoán, hay những bình luận và nghiên cứu dựa trên các nguồn thiếu minh bạch. Trong khi đó, tự Trung Quốc lại càng khiến mọi chuyện tồi tệ hơn khi tiết lộ rất ít thông tin đáng tin cậy về hoạt động viện trợ nước ngoài của mình, gián tiếp gia tăng sự nghi ngờ, và khiến việc tìm bằng chứng để xóa tan các chỉ trích này càng trở nên khó khăn.

Sự thật 2: Ý kiến cho rằng hiện Trung Quốc đã thế chỗ Mỹ trở thành “mạnh thường quân” lớn nhất tại châu Phi chủ yếu dựa trên cách nhìn nhận về sự suy giảm sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, từ những dữ liệu có được và từ định nghĩa “viện trợ phát triển chính thức” (ODA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các nhà phân tích cho biết trong giai đoạn từ năm 2000-2013, Trung Quốc đã viện trợ khoảng 31,5 tỷ USD cho châu Phi, tương đương mức trung bình khoảng 2,25 tỷ USD/năm. Trong khi đó, mức ODA mà Mỹ cấp cho châu Phi trong cùng giai đoạn cao gấp gần ba lần con số trên, ước tính vào khoảng 92,7 tỷ USD, tương đương 6,62 tỷ USD/năm.

Sự thật 3: Ý kiến cho rằng các khoản đầu tư tài chính của Trung Quốc chủ yếu chỉ để phát triển hạ tầng cơ sở là không thỏa đáng, bởi Trung Quốc trên thực tế có tập trung nhiều vào các lĩnh vực này, song Bắc Kinh cũng đổ không ít tiền của vào các lĩnh vực khác như nông nghiệp, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Các lĩnh vực Trung Quốc chú trọng đầu tư cũng tương tự phương Tây, mặc dù họ ít quan tâm tới các hoạt động môi trường.

Sự thật 4: Trung Quốc làm thế nào để đồng bộ các khoản chi tiêu phát triển ở nước ngoài với các lợi ích trong chính sách đối ngoại của mình? Có một thực tế là khi các nước châu Phi bỏ phiếu ủng hộ Trung Quốc, hoặc có chung ý kiến với quốc gia này, ở các thể chế quốc tế như Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, họ sẽ nhận được nhiều ODA hơn từ Bắc Kinh.

Sự thật 5: Trên thực tế, Trung Quốc không đầu tư nhiều tiền hay hỗ trợ các chính quyền độc đoán và tham nhũng như những gì người ta vẫn đồn đại. Trung Quốc cũng không căn cứ vào các lợi ích thương mại hay mối lợi về tài nguyên thiên nhiên ở nước sở tại để phân bổ viện trợ. Thay vào đó, Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào các nước nghèo, họ quyết định số tiền đầu tư dựa trên nhu cầu và tình hình nhân đạo cũng như kinh tế xã hội cụ thể ở từng nước. Đây là nguyên tắc tương đồng với Mỹ, và là điều rất đáng khích lệ bởi nó mở ra cơ hội hợp tác Mỹ-Trung và nền tảng cho hợp tác trong dài hạn.

Sự thật 6: Các khoản tiền của Trung Quốc trên thực tế có xu hướng dồn vào các nước giàu tài nguyên thiên nhiên và những nước có mức tham nhũng cao, và điều này chủ yếu là vì lý do thương mại, chứ không phải do các thỏa hiệp và nhượng bộ.

Sự thật 7: Có sự tương đồng và khác biệt lớn giữa cách phương Tây và Trung Quốc phân bổ viện trợ cho các địa phương. Cả phương Tây và Trung Quốc đều phân bổ nguồn tiền này một cách thiếu hiệu quả, và dòng tiền thường đổ vào các khu vực giàu có thay vì các khu vực nghèo đói hơn ở châu Phi.

Sự thật 8: Nhìn vào phạm vi và thời hạn các dự án được Trung Quốc hỗ trợ, có thể thấy giới lãnh đạo châu Phi có thể dễ dàng dùng nguồn tiền được Trung Quốc đầu tư để phục vụ các mục tiêu chính trị. Có không ít khoản đầu tư khổng lồ thường được đổ vào các thành phố quê hương của giới lãnh đạo khu vực. Chính sách tránh can thiệp công việc nội bộ nước đối tác của Trung Quốc nhiều khả năng chính là nguyên nhân dẫn tới sự bất hợp lý này.

Sự thật 9: Có ý kiến cho rằng các khoản viện trợ của Trung Quốc dễ dẫn đến xung đột, song đây là điều không được nhiều người ủng hộ. Trên thực tế, mọi chuyện có thể hoàn toàn khác. Nguồn viện trợ của Trung Quốc thậm chí còn có thể giúp các nước châu Phi tránh khỏi cú sốc do bị phương Tây đột ngột “cắt cầu”.

Sự thật 10: Quan điểm cho rằng quyền lực mềm của Trung Quốc đang dần lấn át sức ảnh hưởng của phương Tây tại các quốc gia đang phát triển này trên thực tế chỉ là phỏng đoán, và không hề có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào. Thực tế là ngay cả trong trường hợp Trung Quốc muốn biến điều này trở thành sự thực thì họ cũng sẽ gặp thách thức không nhỏ. Các tổ chức viện trợ phương Tây đã nhiều năm sử dụng nguồn nhân lực địa phương để hỗ trợ họ lên kế hoạch và triển khai các chương trình phát triển. Nhiều người trong số này sau đó đã đạt được các vị trí cao và quyền lực trong chính quyền, và có lẽ không quá khi nói rằng các tổ chức viện trợ phương Tây đã góp phần đào tạo một lượng lớn các nhà hoạch định chính sách tiềm năng tại những quốc gia này, và sự “trung thành” của họ là điều không thể phủ nhận.

Theo The National Interest

Văn Cường (gt)