navy.jpg

Thực tế, chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với trọng tâm là tăng cường kết nối Á-Âu thông qua xây dựng Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển, đã khiến lục địa Á-Âu trở thành trọng điểm trong chính sách đối ngoại đương đại của Bắc Kinh. Một số học giả cho rằng Trung Quốc đang trong quá trình “xoay trục” kéo theo những tác động chiến lược về lâu dài.

Theo các học giả Matthew Burrows và Robert Manning, chiến lược xoay trục nhằm biến việc Trung Quốc có chung đường biên giới với 14 quốc gia trở thành một lợi thế chiến lược. Thành công của chiến lược xoay trục Á-Âu này có thể sẽ trở thành “ác mộng” với Mỹ, khi Bắc Kinh với vị thế kinh tế và chiến lược đang lên giành được sự hậu thuẫn từ phía Nga trong tiến trình ổn định và hiện đại hóa khu vực Á-Âu. Trái lại, nhà nghiên cứu Jeffrey Payne cho rằng Mỹ không cần phải quan ngại do Bắc Kinh sẽ phải đối diện với một khu vực có những lực lượng chính trị khó đoán định và không thể kiểm soán, cũng như sự nghi kỵ cố hữu từ phía Moscow.

Những quan điểm trên không phản ánh đầy đủ động cơ của chính sách xoay trục Á-Âu cũng như bối cảnh khu vực tác động tới chính sách này. Có hai nhân tố đóng vai trò chính. Thứ nhất, “Một vành đai, một con đường” một mặt có thể được xem là phản ứng của Trung Quốc trước chính sách xoay trục, hay tái cân bằng, với Châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Obama và sự suy giảm tương đối ảnh hưởng của Nga tại Trung Á. Thứ hai, “Một vành đai, một con đường”, đặc biệt là sáng kiến Vành đai kinh tế con đường tơ lụa có hàm ý đối nội không kém so với đối ngoại. Cụ thể, một trong những ưu tiên chính của Trung Quốc thông qua sáng kiến này là tăng cường quyền kiểm soát đối với các khu vực “bất trị” tiếp giáp với lục địa Á-Âu là Sơn Dương và Tây Tạng. Trong khi sự suy giảm tương đối ảnh hưởng của Mỹ và Nga tại Trung Á đem lại cơ hội chiến lược để Bắc Kinh gia tăng vị thế, sự tăng cường các hoạt động chống đối của người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng từ năm 2008 đã thúc giục Bắc Kinh tăng cường phát triển kinh tế/hiện đại hóa như phương tiện chủ yếu để bảo đảm sự hòa nhập của những khu vực này vào phần còn lại của Trung Quốc. Như vậy, có sự đan xen giữa động cơ địa chính trị và đối nội trong chính sách xoay trục Á-Âu của Bắc Kinh.

Học giả nổi tiếng Trung Quốc Wang Jisi lập luận chính sách “Hướng tây” (Một vành đai một con đường) của Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, trong bối cảnh chính sách “hướng đông” của chính quyền Obama đe dọa biến quan hệ Mỹ-Trung thành trò chơi có tổng số bằng không tại Đông Á.

Theo lập luận trên, Trung Á trở thành “van an toàn chiến lược” trong tiến trình gia tăng vị thế của Trung Quốc, xét đến sự suy giảm ảnh hưởng và quan tâm của Mỹ đối với khu vực sau khi rút quân khỏi Afghanistan. Sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển bổ sung cho sự xoay trục này bằng cách thúc đẩy kết nối kinh tế giữa Trung Quốc và các nước có biển tại Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông. Điểm chung quan trọng nhất giữa hai con đường tơ lụa trên bộ và trên biển trong tính toán của Bắc Kinh là khả năng bảo đảm sự tiếp cận lớn hơn (cũng như an toàn nguồn cung) tới nguồn dầu và khí của Trung Á và Trung Đông.

Giao thoa lợi ích

Sự quan tâm của các nước Trung Á đối với sáng kiến “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” đã tạo nhiều thuận lơi cho Trung Quốc. Trước mắt, Trung Quốc đang tập trung vào thúc đẩy kết nối kinh tế khu vực thông qua cải thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường ống dẫn dầu và khí, đường sắt và mạng lưới thông tin với các nước giàu tài nguyên tại Trung Á (Kazakhstan và Turkmenistan). Đồng thời, một số quốc gia Trung Á đã xác định đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên, là ưu tiên chính cho phát triển kinh tế trong tương lai. Mức đóng góp 40 tỷ USD của Trung Quốc cho Quỹ Con đường tơ lụa được các nước Trung Á xem là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Bắc Kinh với sáng kiến Vành đai kinh tế con đường tơ lụa.

Bên cạnh đó, sự hưởng ứng với sáng kiến của Trung Quốc chịu tác động bởi sự thay đổi cách nhìn nhận của các nước Trung Á về vai trò của Mỹ và Nga. Có thể cho rằng, cách tiếp cận của chính quyền Obama với Trung Á đã trở thành “con tin” của tình trạng tiến thoái lưỡng nan tại Afghanistan.

Cách tiếp cận lấy Afganistan làm trung tâm của Mỹ được thể hiện qua việc mở rộng khái niệm Trung Á thành Đại Trung Á (Greater Central Asia) không chỉ bao gồm 5 nước tách ra từ Liên Xô cũ, mà còn cộng thêm Afghanistan, Pakistan, tỉnh Khoransan của Iran và tỉnh Sơn Dương của Trung Quốc.

Không gian hậu Xô Viết

Nếu như các sáng kiến gần đây của Trung Quốc với Trung Á xuất phát từ sức mạnh kinh tế và tính toán chiến lược, các sáng kiến tương tự của Nga lại bắt nguồn từ sự suy yếu thực lực. Thực tế, tác nhân thúc đẩy sự quan tâm trở lại của Nga đối với các dự án hội nhập trong “không gian hậu Xô Viết” là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 với những tác động đối với mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên của Moscow. Hệ quả là Nga buộc phải tìm kiếm sự hội nhập trong “không gian hậu Xô Viết” để chống chọi với những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng. Từ giữa thập niên trước, Nga đã bắt đầu chú trọng khai thác lợi thế quan hệ truyền thống với Trung Á để nhập khẩu năng lượng giá rẻ phục vụ nhu cầu trong nước, trong khi bán năng lượng khai thác tại Nga cho các nước Châu Âu với mức giá cao hơn nhiều. Tuy nhiên, sự suy giảm nhu cầu của Châu Âu sau khủng hoảng khiến chiến lược này bị phá sản.

Trong bối cảnh trên, Tổng thống Nga Putin nỗ lực làm sống lại khái niệm về Liên hiệp Á-Âu (Eurasian Union), dựa trên ý tưởng ban đầu được Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev đưa ra vào năm 1994. Trong bài viết vào tháng 10/2011 trên báo Izvestia, Tổng thống Putin nêu viễn cảnh về một tổ chức siêu quốc gia “điều phối chính sách kinh tế và tiền tệ”. Tuy nhiên, mong muốn của Putin lôi kéo Ukraine vào Liên hiệp Á-Âu đã hủy hoại dự án này. Quyết định của Tổng thống Ukraine Yanukovych khước từ thỏa thuận thương mại với EU để gia nhập Liên hiệp Á-Âu đã châm ngòi cho các cuộc nổi dậy trong nước, khiến chính quyền sụp đổ và cuối cùng là việc Nga sát nhập Crimea. Lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây với Nga đã tác động xấu đến kinh tế Belarus và Kazakhstan. Các đối tác của Nga cũng bắt đầu nghi ngờ tính khả thi của sáng kiến khi Kazakhstan chất vấn về ý định của Moscow mời các quốc gia như Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan vào Liên hiệp. Học giả Amkimbekov đã cho rằng Nga thúc đẩy sáng kiến Liên hiệp Á-Âu để chứng tỏ sức mạnh và ảnh hưởng, hơn là thành lập một tổ chức kinh tế hoạt động có hiệu quả.

Thách thức với Bắc Kinh

Sáng kiến Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và sự gia tăng quan hệ kinh tế song phương với Bắc Kinh cũng làm nảy sinh một số vấn đề với Trung Á. Sáng kiến Vành đai kinh tế đi ngược lại với mô hình về một tổ chức khép kín như Liên hiệp Á-Âu. Một nhà phân tích cho rằng “quan ngại chính” của Nga đối với sáng kiến Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa là cách tiếp cận hướng tới kết nối doanh nghiệp Trung Quốc, khác với ưu tiên địa chính trị của Nga. Vấn đề đáng quan tâm hơn với Bắc Kinh, theo học giả Wu Zhengyu, đó là “nếu Trung Quốc đẩy mạnh thâm nhập kinh tế vào Trung Á, các nước trong khu vực cũng sẽ tăng cường hợp tác chiến lược với các cường quốc khác nhằm phòng ngừa rủi ro chính trị từ sự phụ thuộc kinh tế với Bắc Kinh. Sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực Trung Á vì vậy có thể tạo ra sự đứt đoạn giữa kết nối chính trị và kinh tế.

Đằng sau nỗ lực của Bắc Kinh, là ý định củng cố quyền kiểm soát của chính quyền trung ương với các vùng lãnh thổ như Sơn Dương, Tây Tạng và Nội Mông. Từ sau chính sách cải cách và mở cửa dưới thời Đặng Tiểu Bình, đã tồn tại quan điểm chính thống cho rằng phát triển kinh tế và hiện đại hóa về lâu dài sẽ “mua” được sự trung thành của các tộc người thiểu số tại đây.

Tuy nhiên, thách thức chính với Bắc Kinh là sự kết nối Á-Âu, trong khi có thể giúp làm tăng quyền kiểm soát với các khu vực biên giới, có thể tạo cơ hội cho sự thâm nhập của các hệ tư tưởng kể cả chủ nghĩa Hồi giáo quá khích. Sự hiện diện của một số nhóm chống đối người Duy Ngô Nhĩ, được hỗ trợ bởi lực lượng Taliban, và sự gia tăng làn sóng tị nạn Duy Ngô Nhĩ sang các nước Đông Nam Á là hai biểu hiện của thách thức này./.

Theo “The Diplomat

Anh Thư (gt)