Cùng với sáng kiến “Một vành đai, một con đường” ngày càng được định hình rõ nét và các hoạt động liên quan được triển khai, ngày càng có nhiều ý kiến ở cả trong và ngoài Trung Quốc coi sáng kiến này như là Kế hoạch Marshall phục hưng châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai của Mỹ. Xuất phát từ góc độ kinh tế, giới truyền thông Trung Quốc phần lớn cho rằng sáng kiến “Một vành đai, một con đường” có thể mang lại vai trò giống như Kế hoạch Marshall trong tiến trình khôi phục nền kinh tế châu Âu và hội nhập khu vực. Trong khi đó, các học giả và truyền thông phương Tây lại chủ yếu xem xét từ góc độ chính trị và an ninh, cho rằng “Một vành đai, một con đường” là chiến lược chính trị an ninh để Trung Quốc mở rộng phạm vi ảnh hưởng, tranh giành vị trí bá quyền khu vực trong bối cảnh các trung tâm quyền lực quốc tế có sự chuyển dịch. Trên thực tế, mặc dù hai sáng kiến này có một số điểm chung, song từ hình thức, nội dung và xuất phát điểm căn bản đều có sự khác biệt về bản chất.

Nguồn gốc khái niệm “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc”

Việc đưa ra khái niệm “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc” bắt nguồn từ phương án giải quyết của các học giả ở trong và ngoài nước đối với việc “làm thế nào cộng đồng quốc tế và Trung Quốc ứng phó được với cuộc khủng hoảng tài chính”, không liên quan đến sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.

“Kế hoạch Marshall mới” của Lâm Nghị Phu

Nhà kinh tế Trung Quốc Lâm Nghị Phu đưa ra “Kế hoạch Marshall mới” nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, lần đầu tiên gắn “Kế hoạch Marshall” với Trung Quốc. Năm 2009, trước thách thức của cuộc khủng hoảng tài chính, Lâm Nghị Phu cho rằng cần phải đưa ra một “Kế hoạch Marshall” mới, đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn cầu nhằm phá vỡ nút thắt tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển, đồng thời đem lại không gian để các quốc gia có thu nhập cao cải cách cơ cấu, cũng chính là thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên thế giới, tăng nhu cầu xuất khẩu ở các nước phát triển. Kiểu đầu tư này là hai bên cùng có lợi, các nước phát triển có thể nhờ đó mà tiến hành cải cách cơ cấu, thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, còn các nước đang phát triển có thể dỡ bỏ khó khăn về cơ sở hạ tầng, từ đó giành lấy cơ hội phát triển nhanh hơn.

Kế hoạch này thực tế là một sự hợp tác mang tính toàn cầu, các nước phối hợp lựa chọn chính sách tài chính tích cực, đầu tư để giải quyết các khó khăn về cơ sở hạ tầng và môi trường nhằm đạt hiệu quả tăng nhu cầu. Chủ thể thực hiện kế hoạch là các cơ quan phát triển quốc tế kể cả Ngân hàng Thế giới, như Ngân hàng Phát triển châu Âu, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh, Ngân hàng Phát triển châu Phi… Chức năng chính của kế hoạch này là dựa vào các cơ quan phát triển quốc tế nói trên, đồng thời hợp tác với các nước đang phát triển. Trên thực tế, trong “Kế hoạch Marshall mới” của Lâm Nghị Phu, Trung Quốc chỉ là một trong những bên tham gia hợp tác quốc tế, không hẳn liên quan đến sáng kiến “Một vành đai, một con đường” hiện nay.

“Kế hoạch Marshall mô hình Trung Quốc” của Hứa Thiện Đạt 

Người đầu tiên đề xuất thực hiện “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc” là nhà kinh tế nổi tiếng Hứa Thiện Đạt. Năm 2009, đứng trước tình hình xuất khẩu của Trung Quốc giảm tốc do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, ông Hứa Mạnh Đạt khi đó là ủy viên Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến thực hiện “Kế hoạch Marshall mô hình Trung Quốc” nhằm tạo ra nhu cầu trong nước, tức là tiến hành đầu tư có định hướng quy mô lớn ra nước ngoài dưới sự dẫn dắt của Chính phủ Trung Quốc. 

Hứa Mạnh Đạt kiến nghị nhà nước lập một kế hoạch viện trợ nước ngoài, sử dụng lượng dự trữ ngoại hối và nhân dân tệ (NDT) nhất định, cung cấp viện trợ chủ yếu cho các nước đang phát triển. Chương trình viện trợ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng như điện lực, thủy lợi, đường bộ, đường sắt, bến cảng, khoáng sản, năng lượng… Các nước nhận viện trợ có thể căn cứ vào nhu cầu thực tế lựa chọn các chương trình viện trợ khác nhau, và hoàn trả các khoản nợ tương ứng thông qua các phương thức như tín dụng quốc gia, thu phí dự án. 

Cụ thể, kế hoạch này đề cập đến các biện pháp trong 3 lĩnh vực: (1) Thành lập một Quỹ viện trợ và hợp tác quốc tế của Trung Quốc, thực hiện khoản cho vay nước ngoài dưới danh nghĩa chính phủ; (2) Các khoản cho vay của chính phủ sẽ kích thích các doanh nghiệp dư thừa năng suất trong nước “đầu tư ra bên ngoài”; (3) Thực hiện phối hợp đồng bộ với quốc tế hóa đồng NDT, thúc đẩy đồng NDT trở thành đồng tiền thanh toán, dự trữ quốc tế. Kế hoạch này vừa có thể chuyển hóa năng suất dư thừa trong nước thành “quyền lợi của chủ nợ”, tạo ra và nuôi dưỡng các nhu cầu mới của nước ngoài, tranh thủ thời gian và nguồn tài chính nhằm nâng cao mức tiêu thụ của người dân trong nước; đồng thời có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên thế giới, tạo điều kiện để cải cách về cơ bản trật tự kinh tế thế giới, nhất là trật tự tài chính hiện nay. Điểm giống nhau lớn nhất giữa kế hoạch này với Kế hoạch Marshall nằm ở chỗ Trung Quốc giữ chủ đạo trong việc thực hiện viện trợ ra nước ngoài, nhưng lại có khác biệt rất lớn so với sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. 

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” được gọi là “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc”

Trên cơ sở hai khái niệm trên, với việc đưa ra sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, đặc biệt trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh, sau khi Trung Quốc lần lượt tuyên bố thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Quỹ Con đường tơ lụa, nhiều hãng truyền thông ở trong và ngoài nước đã nhanh chóng miêu tả sáng kiến “Một vành đai, một con đường” là “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc”, đồng thời chỉ ra rằng cái gọi là “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc” đề cập đến việc Trung Quốc xây dựng kế hoạch đầu tư và phát triển ra nước ngoài hướng tới các nước ASEAN, khu vực Trung Á trên cơ sở quy hoạch “Một vành đai, một con đường”. Trong đó, việc sắp xếp chiến lược để Ngân hàng BRICS, AIIB và Quỹ Con đường tơ lụa có mối liên hệ với nhau được coi là sự sắp xếp trọng điểm của “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc”.

Có nhiều bình luận cho rằng sáng kiến “Một vành đai, một con đường” có điểm tương đồng với “Kế hoạch Marshall” hơn 60 năm trước của Mỹ, cũng có nhiều bài bình luận cho rằng “Kế hoạch Marshall mới” có 3 vai trò: một là thông qua đầu tư ra nước ngoài để giảm dự trữ ngoại hối; hai là giải quyết vấn đề năng suất dư thừa trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng; ba là thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT.

Ngoài việc so sánh sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và “Kế hoạch Marshall” từ góc độ kinh tế, còn có quan điểm phán xét hai sáng kiến trên từ góc độ địa chính trị. Việc thực hiện phép so sánh giữa kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc với “Kế hoạch Marshall” không phải là ngẫu nhiên, cả hai sáng kiến đều là cách để những lực lượng mới nổi lợi dụng biện pháp kinh tế thực hiện mục tiêu chính sách đối ngoại, đương nhiên cũng bao gồm mục tiêu cơ bản là hỗ trợ kinh tế trong nước phát triển. “Kế hoạch Marshall” giúp Mỹ trở thành “siêu cường đích thực”, Bắc Kinh cũng gửi gắm hy vọng vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường” để thực hiện mục tiêu tương tự. Theo Giám đốc Trung tâm chính trị kinh tế quốc tế châu Âu Ho suk Lee – Makiyama, chỉ xem xét “Một vành đai, một con đường” từ góc độ kinh tế là một sai lầm. “Một vành đai, một con đường” là sự tái xác định địa chính trị, là Kế hoạch Marshall mô hình Trung Quốc. Việc trợ giúp các nước láng giềng xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ mang lại sức ảnh hưởng để Bắc Kinh trở thành thế lực quan trọng nhất châu Á. 

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” không phải là “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc”

Dưới góc độ nào đó, việc coi sáng kiến “Một vành đai, một con đường” là “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc” cũng không hẳn không có lý do, đặc biệt là vai trò kích thích nền kinh tế của sáng kiến này đối với Trung Quốc và các nước dọc tuyến đường cũng như những ảnh hưởng tích cực trên phương diện thúc đẩy hội nhập khu vực mà nó có thể mang lại, và nó hoàn toàn có thể phát huy vai trò tương tự như Kế hoạch Marshall trong tiến trình phục hồi nền kinh tế và nhất thể hóa châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, do bối cảnh thời đại hoàn toàn khác nhau, việc xác định và mục tiêu mong muốn của Trung Quốc và Mỹ đối với sáng kiến (hay kế hoạch) của mỗi bên là không giống nhau, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và Kế hoạch Marshall có khác biệt về bản chất từ hình thức, nội dung cho đến phương thức thực hiện. 

Thuộc tính cơ bản của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” là cùng nhau phát triển 

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trước hết là chiến lược cùng nhau phát triển với đặc trưng chính là mở cửa và toàn diện. Khác với bối cảnh cục diện hai cực khi Kế hoạch Marshall ra đời, thế giới ngày nay ngày càng lệ thuộc vào nhau nhiều hơn, sự phát triển lâu dài, bền vững của một quốc gia không thể tách rời sự phát triển của các quốc gia khác, chỉ khi cùng nhau phát triển các nước mới có thể thực hiện phát triển lâu dài. Trên cơ sở này, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trước tiên nhấn mạnh phát huy tinh thần hòa bình và hữu nghị, mở cửa và toàn diện của con đường tơ lụa cổ đại, không xây dựng chế độ độc quyền, không nhằm vào bên thứ ba, không tranh giành phạm vi ảnh hưởng, bất cứ quốc gia nào dọc tuyến đường tơ lụa có nguyện vọng hợp tác đều có thể tham gia, là sáng kiến hợp tác mở cửa hoàn toàn. Hiện nay đã có hơn 50 quốc gia, vừa có nước lớn vừa có nước nhỏ, vừa có nước phát triển vừa có nhiều nước đang phát triển dọc tuyến đường tơ lụa bày tỏ ủng hộ sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, điều này đã thể hiện đầy đủ đặc trưng mang tính mở cửa và toàn diện của sáng kiến này. Ngoài ra, các quỹ hỗ trợ do Trung Quốc khởi xướng thành lập như AIIB hay Quỹ con đường tơ lụa đều hoan nghênh các nước khác tham gia và cùng nhau xây dựng trên nguyên tắc cởi mở.

Là nước đang phát triển, qua thực tiễn phát triển và hợp tác với nước ngoài, Trung Quốc càng nhận thức sâu sắc được các nhân tố kìm hãm sự phát triển của các nước đang phát triển. Quan trọng hơn là, trong quá trình hợp tác lâu dài với các nước đang phát triển, Trung Quốc đã tìm kiếm được mô hình phát triển chung đặc sắc Trung Quốc, và đã chuyển từ từ chối các hình thức viện trợ có điều kiện của các nước phương Tây sang lựa chọn hợp tác cùng có lợi trên cơ sở hiệp thương bình đẳng, sử dụng tổng hợp các phương thức viện trợ, đầu tư và thương mại, giải quyết các vướng mắc về cơ sở hạ tầng gây kìm hãm đất nước phát triển, phát huy lợi thế tự nhiên của các nước đang phát triển, thực hiện “phát triển cùng thắng”. Mục tiêu “5 thông” (kết nối chính sách, liên thông đường sá, thông suốt thương mại, lưu thông tiền tệ, con người hiểu nhau) mà sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đưa ra là sự kế thừa và đổi mới đối với mô hình phát triển chung trong tình hình mới. 

Các nước dọc “Một vành đai, một con đường” chủ yếu là các nước đang phát triển, ở giai đoạn bắt đầu hoặc đẩy nhanh công nghiệp hóa, đô thị hóa, đang đối mặt với các khó khăn như thiếu vốn xây dựng, thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật. Trong những quốc gia này, có nước giàu tài nguyên năng lượng, nước lại có thị trường rộng lớn, nước thì đang muốn khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa có khác biệt lớn nhưng cũng vừa có tính bổ sung lẫn nhau với Trung Quốc. Bên cạnh việc phát huy lợi thế của mình, Trung Quốc có thể hợp tác cùng phát triển với các quốc gia khác, bổ sung lợi thế cho nhau. Vì vậy, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” là một ý tưởng chiến lược để Trung Quốc và các nước dọc tuyến đường hợp tác cùng phát triển lâu dài, nó cung cấp một nền tảng phát triển to lớn mang tính toàn diện, có nghĩa là thông qua kết nối, phát huy lợi thế tương đối của các nền kinh tế trong khu vực, thực hiện mục tiêu bổ sung cho nhau, hợp tác cùng thắng và cùng nhau phát triển. Ngược lại, Kế hoạch Marshall là kế hoạch viện trợ Tây Âu của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mặc dù có mục tiêu kép, nhưng trước hết là một chiến lược chính trị và an ninh, có tính độc quyền rõ nét. 

Bối cảnh ra đời của Kế hoạch Marshall là thời điểm Mỹ và Liên Xô tranh giành không gian chính trị được hình thành ở châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. “Chính Ngoại trưởng Mỹ George Marshall sau này cũng cho biết quyết định cuối cùng về việc viện trợ khẩn cấp cho châu Âu được đưa ra sau thất bại của Hội nghị Ngoại trưởng 4 nước ở Moskva năm 1947”. “George Marshall cho rằng Chính phủ Liên Xô đã rơi vào trạng thái đình trệ nên sẽ không nhất trí với bất cứ kế hoạch khả thi nào nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng và nguy hiểm khó khăn ở châu Âu, mà sẽ áp dụng mọi biện pháp có thể làm cho tình hình châu Âu xấu đi”. Do đó có thể thấy ngay từ ban đầu Kế hoạch Marshall đã gạt Liên Xô ra ngoài, có đặc trưng là mang tính độc quyền và tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng rõ rệt. Theo đó, Kế hoạch Marshall được coi là bước ngoặt hình thành hai phe cánh lớn, cũng là khởi nguồn của Chiến tranh Lạnh.

Sau chiến tranh, kinh tế các nước Tây Âu suy thoái, chính trị tả khuynh, ảnh hưởng của trào lưu tư tưởng xã hội chủ nghĩa lên cao, Kế hoạch Marshall có ý định thông qua viện trợ có điều kiện đối với các nước châu Âu để khống chế cả về kinh tế và chính trị đối với châu lục này, kiềm chế ảnh hưởng của xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, củng cố vị trí bá quyền mà Mỹ đã xác lập, sắc thái ý thức hệ đậm nét. Điều 1 “Đạo luật viện trợ nước ngoài” năm 1948 của Mỹ bao gồm “khôi phục hoặc duy trì nguyên tắc tự do, cơ cấu tự do và độc lập thật sự của các nước châu Âu, xây dựng ở mức độ cao trên cơ sở điều kiện kinh tế tốt”. Điều này cho thấy vấn đề các nhà hoạch định chính sách quan tâm không chỉ dừng ở viện trợ kinh tế mà còn có mục tiêu chính trị mang đậm sắc thái ý thức hệ. Theo lời cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông Clark Clifford, “cái mà chúng ta lo ngại không phải là thị trường, mà là đề phòng Liên Xô mở rộng phạm vi kiểm soát. Chiến tranh thế giới thứ hai đã để lại cho thế giới tự do một khoảng trống chính trị rất lớn, Liên Xô quyết tâm lấp đầy khoảng trống ấy, đây chính là cơ sở của Kế hoạch Marshall”.

Do đó, có thể thấy Kế hoạch Marshall là chiến lược chính trị và an ninh được xây dựng trên cơ sở ý thức hệ. Các nhà hoạch định kế hoạch này lo ngại Liên Xô lợi dụng cuộc khủng hoảng ở châu Âu để mở rộng ảnh hưởng hơn nữa, và có thể đe dọa an ninh nước Mỹ. Chỉ Mỹ mới có đủ khả năng kinh tế để phục hồi sức sống cho châu Âu và mang lại hy vọng cho các nước không thuộc phe cộng sản ở châu Á. Nếu không cung cấp viện trợ, tình trạng hỗn loạn không ngừng gia tăng sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng cho thế giới tự do, đe dọa lợi ích của Mỹ. Về vấn đề này, nhà ngoại giao Mỹ George Frost Kennan cho rằng “kinh tế rối ren khiến xã hội châu Âu dễ dàng bị các thế lực chính trị lợi dụng. Kế hoạch Marshall là công cụ hữu hiệu để kiềm chế chiến lược”. Sau khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, an ninh quân sự thay thế trợ giúp kinh tế trở thành mục tiêu chính trong chính sách của Mỹ ở Tây Âu. Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của sức mạnh kinh tế đối với hạ tầng an ninh quân sự, số tiền viện trợ cho kế hoạch phục hồi trị giá 1,5 tỷ USD được định nghĩa là “hỗ trợ quốc phòng”, đồng thời cuối cùng Đạo luật hỗ trợ an ninh đã được thông qua vào ngày 10/10/1951, việc lựa chọn cơ cấu an ninh chung thay thế cơ cấu hợp tác kinh tế đã thể hiện hơn nữa thuộc tính chính trị và an ninh của Kế hoạch Marshall.

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” tuân theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi 

Tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp công việc nội bộ của nhau là nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, và điều này cũng sẽ được thể hiện ở các dự án hợp tác trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. Lâu nay, trong quan hệ hợp tác với đông đảo các nước đang phát triển, Trung Quốc luôn tôn trọng quyền tự chủ của các quốc gia có liên quan, hợp tác không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” vẫn sẽ duy trì nguyên tắc trên, nhấn mạnh “cùng thương lượng, cùng xây dựng, cùng chia sẻ”, các nước liên quan tham gia tự nguyện, bình đẳng, hoàn toàn tự đưa ra quyết định căn cứ vào lợi ích quốc gia mình, cùng nhau xây dựng cộng đồng phát triển, cộng đồng lợi ích và cộng đồng trách nhiệm. 

Tại cuộc “Đối thoại về quan hệ đối tác kết nối” được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại “Xây dựng kết nối, thực hiện kết nối châu Á”, “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, quan tâm đến sự thoải mái của các bên, không gây khó khăn, không can thiệp công việc nội bộ nước khác”. Tại cuộc hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Arập, các nước Arập đều cho rằng sở dĩ họ hết sức kỳ vọng vào vành đai kinh tế của Con đường tơ lụa vì trong quá trình thúc đẩy kế hoạch, Trung Quốc đã có thái độ bình đẳng và cởi mở, không mưu cầu tư lợi, không tranh giành phạm vi ảnh hưởng, không can thiệp công việc nội bộ nước khác, không áp đặt người khác, cũng không cạnh tranh với các nước lớn khác và các cơ chế hiện có.

Ý tưởng cơ bản khi thực thi sáng kiến “Một vành đai, một con đường” là “kết nối chiến lược”, sự kết nối chiến lược với sự phát triển của các nước đối tác và các khu vực về cơ bản đã thể hiện nguyên tắc tự chủ và bình đẳng trong hợp tác với các nước đối tác; coi “kết nối chiến lược” là ý tưởng cơ bản, vừa là yêu cầu của nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, vừa là tổng kết kinh nghiệm thành công của Trung Quốc trong hợp tác với cộng đồng quốc tế. Từ khi đưa sáng kiến ra bàn thảo với các nước đối tác cho đến lúc thúc đẩy các dự án giai đoạn đầu, bất kể là kết nối với kế hoạch “Con đường Ánh sáng” của Kazakhstan hay là “kế hoạch khu vườn công nghiệp” kết nối với kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông của Ấn Độ, đều đã thể hiện được ý tưởng “kết nối chiến lược”.

Ngược lại, Kế hoạch Marshall lại đi kèm rất nhiều điều kiện không bình đẳng trong quá trình viện trợ, tạo công cụ đắc lực để can thiệp vào chính sách kinh tế của các nước Tây Âu. “Kênh quan trọng để Kế hoạch Marshall phát huy vai trò là thông qua các điều kiện đi kèm, làm cho Mỹ có thể phát huy ảnh hưởng quan trọng đối với chính sách kinh tế của nước nhận viện trợ”. Kế hoạch Marshall trước hết xác lập các điều kiện viện trợ chung, nghĩa là một nước riêng lẻ không thể nhận viện trợ, nhằm mục đích ràng buộc các nước châu Âu nằm trong tầm ảnh hưởng của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ còn đưa ra các điều kiện viện trợ cụ thể, nhưng các nước nhận viện trợ phải ký kết với Mỹ các hiệp ước song phương, cam kết cân bằng ngân sách, khôi phục sự ổn định tài chính, ổn định tỉ giá, tăng cường hợp tác. Ngoài cung cấp “củ cà rốt” Kế hoạch Marshall còn có cả “cây gậy”, ở nhiều phương diện nó tương tự như kế hoạch điều chỉnh kinh tế vĩ mô của Quỹ tiền tệ quốc tế. Ví dụ, không thể tự do sử dụng viện trợ, và chỉ khi được sự đồng ý của Chính phủ Mỹ thì mới được mua hàng hóa từ bên ngoài; các nước nhận viện trợ còn bị yêu cầu phải lập tài khoản nội tệ đối ứng, tức là quỹ đối ứng, phải được sự phê chuẩn của cơ quan hữu quan của Kế hoạch Marshall mới được phép sử dụng.

Trên thực tế, thông qua quyền điều hành các “quỹ đối ứng”, Mỹ sẽ kiểm soát được nguồn viện trợ nhiều hơn. Theo đó, Mỹ đã tước quyền tự chủ hoạch định chính sách kinh tế của các nước nhận viện trợ, đưa châu Âu vào trật tự chính sách kinh tế tự do mà Mỹ đóng vai trò chủ đạo nhằm duy trì bá quyền về kinh tế của Mỹ. Cuối cùng, nhằm chuyển dịch nguồn vốn và sức sản xuất dư thừa trong nước, phần lớn số tiền Mỹ viện trợ cho châu Âu được yêu cầu sử dụng để hàng hóa của Mỹ. Đến cuối tháng 6/1950, số tiền Mỹ viện trợ cho châu Âu lên tới 9,46 tỷ USD, trong đó 8,8 tỷ USD được yêu cầu dùng mua mua hàng hóa của Mỹ. Về vấn đề này, kết quả điều tra của tổ chức công chúng Pháp tháng 9/1947 cho thấy: 18% số người được hỏi cho rằng Kế hoạch Marshall có mục đích viện trợ chân thành để phục hưng châu Âu, 17% cho rằng Mỹ có ý đồ can thiệp vào công việc của châu Âu, còn 47% người được phỏng vấn cho rằng Mỹ cần thị trường bên ngoài để tránh tự rơi vào khủng hoảng kinh tế.

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” lấy hợp tác thiết thực làm cơ sở

“Một vành đai, một con đường” là ý tưởng và sáng kiến hợp tác cùng thắng, nhưng không theo tổ chức hoặc cơ chế. Sáng kiến này dựa theo các nguyên tắc thiết thực, hiệu quả, sử dụng hết mức các cơ chế hợp tác hiện có, căn cứ vào lợi thế phát triển và điều kiện riêng khác nhau của các nước dọc con đường tơ lụa, đổi mới hình thức hợp tác, linh hoạt trong việc thúc đẩy cùng nhau phát triển. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” không tìm cách thông qua xây dựng chế độ mới để đạt được quyền thống trị, mà tuân theo nguyên tắc hợp tác thiết thực là “vận dụng phù hợp với từng nơi”, “định hướng các dự án”.

Việc dựa vào các cơ chế hiện có cũng cho thấy thái độ thiết thực tôn trọng quy luật khách quan tự phát triển của các khu vực. Trong hơn 60 quốc gia dọc theo “Một vành đai, một con đường”, phần lớn các nước nằm rải rác ở các lục địa Âu, Á và Tây Á, Bắc Phi, môi trường kinh tế, chính trị, an ninh và mức độ hội nhập của các khu vực đều có sự khác nhau rõ rệt, khó có thể triển khai hợp tác có hiệu quả trong khuôn khổ đa phương thống nhất. Tháng 9/2013, khi lần đầu tiên nhắc tới ý tưởng xây dựng “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” tại Kazakhstan, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh các hợp tác có liên quan cần lấy thí điểm nhân diện rộng, từ dọc tuyến đến các vùng, từng bước hình thành ý tưởng hợp tác lớn trong khu vực. Tháng 11/2014, khi Tiểu ban lãnh đạo tài chính kinh tế trung ương nghiên cứu quy hoạch “Một vành đai, một con đường”, Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh cần khẩn trương thúc đẩy xây dựng “Một vành đai, một con đường”, lấy thí điểm nhân diện rộng, từ dọc tuyến đường đến diện rộng. “Điểm” ở đây chủ yếu chỉ hợp tác dự án trong khuôn khổ song phương.

Hiện nay, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đã được triển khai trong khuôn khổ quan hệ đối tác và hợp tác khu vực, đạt được không ít tiến triển ban đầu. Ví dụ, dự án cùng các nước Trung Á bảo vệ di sản dọc tuyến đường, xây dựng tuyến đường sắt nối Đông-Tây Thổ Nhĩ Kỳ và hợp tác toàn diện với các nước Trung Á, đều thể hiện rõ đặc tính hợp tác thiết thực và sức sống của sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.

So với sự hợp tác thiết thực của sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, Kế hoạch Marshall lại thông qua việc sắp xếp thể chế, xây dựng quy tắc nhằm tìm kiếm quyền chủ đạo đối với các công việc của châu Âu và ưu thế bá quyền của Mỹ. “Tầm quan trọng của viện trợ không nằm ở quy mô lớn hay nhỏ, quan trọng ở đây là gây ảnh hưởng lên chính sách kinh tế, tài chính và tiền tệ của châu Âu”. Để thực hiện Kế hoạch Marshall, trước tiên Mỹ thúc đẩy thành lập “Tổ chức hợp tác kinh tế châu Âu”, mặc dù nguyên tắc thành lập của tổ chức này là “tự giúp mình và tự cứu mình”, song dựa vào tư cách quan sát viên và ưu thế của nước viện trợ, Mỹ đã làm cho tổ chức này trở thành công cụ thể chế quan trọng để Mỹ gây ảnh hưởng lên công việc nội bộ của châu Âu.

Trong quá trình thực thi Kế hoạch Marshall, tổ chức này chủ yếu phát huy vai trò phân tích các vấn đề chung và khó khăn kinh tế chung của các nước nhận viện trợ, điều phối chính sách của các nước nhận viện trợ, xóa bỏ các rào cản thương mại trong nội bộ châu Âu, hình thành hệ thống thanh toán đa phương và thành lập “Liên minh Thanh toán châu Âu” (EPU). Thông qua vai trò mang tính cơ chế trên, chính Mỹ đã phá vỡ cục diện không thể tự do trao đổi tiền tệ trong nội bộ Tây Âu, biến USD trở thành đồng tiền thanh toán giữa các nước châu Âu, xác lập địa vị bá quyền của USD, thay đổi bố cục nghiêm ngặt rào cản thương mại giữa các nước châu Âu, xác lập một trật tự kinh tế mới ở châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai do Mỹ giữ chủ đạo.

Việc thực hiện sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đứng trước thách thức ngày càng lớn

So với Kế hoạch Marshall, việc thực hiện sáng kiến “Một vành đai, một con đường” sẽ đứng trước thách thức lớn hơn. Cho dù là sự đa dạng của các nước liên quan, sự mở rộng của lĩnh vực hợp tác cũng như mức độ phức tạp của môi trường quốc tế, thách thức phải đối mặt khi thực hiện sáng kiến “Một vành đai, một con đường” không thể giống như Kế hoạch Marshall.

Xem xét từ đối tượng hợp tác, đối tượng nhận viện trợ của Kế hoạch Marshall là các nước Tây Âu có chung quan điểm giá trị với Mỹ, có chung nhận thức về mối đe dọa đến từ chủ nghĩa cộng sản mà Mỹ tuyên truyền, thêm vào đó là hoàn cảnh khó khăn chung về kinh tế, nên các nước này dễ dàng hình thành nhận thức chung về sự cần thiết phải tiếp nhận viện trợ từ Mỹ. Vì vậy, khi mới đưa ra Kế hoạch Marshall đã nhận được phản hồi tích cực nhất của Anh và Pháp, các nước Tây Âu cũng rất nhanh chóng đạt được sự đồng thuận về việc thành lập Tổ chức hợp tác kinh tế châu Âu và xác định nguyên tắc hợp tác. Ngược lại, các nước dọc theo “Một vành đai, một con đường” không chỉ đa dạng mà còn không đồng nhất, có nhận thức khác biệt hoặc tồn tại bất đồng với Trung Quốc, có nước thậm chí còn là mấu chốt trong ván bài của các nước lớn, điều này đã làm gia tăng rủi ro về kinh tế, chính trị, an ninh trong quá trình hợp tác thiết thực. Làm thế nào đối phó với nhu cầu phát triển đa dạng, tình hình an ninh khu vực phức tạp và rủi ro địa chính trị không ngừng tăng lên… là những thách thức chủ yếu nhất mà sáng kiến “Một vành đai, một con đường” phải đối mặt.

Xem xét từ lĩnh vực và phạm vi hợp tác, Kế hoạch Marshall là kế hoạch viện trợ do Mỹ giữ vai trò chính, lĩnh vực hợp tác tương đối đơn nhất. Trên thực tế, Kế hoạch Marshall chủ yếu viện trợ qua 3 giai đoạn: Đầu tiên là cung cấp thực phẩm, nguyên vật liệu và các sản phẩm thay thế với số lượng lớn để giải quyết tình trạng khó khăn về thiếu vật tư; đặc trưng chính của giai đoạn thứ hai là kế hoạch đầu tư mới, bao gồm viện trợ các trang thiết bị liên quan đến công nghiệp hiện đại và năng lượng, nhất là các thiết bị để mở rộng đầu tư ở nước sở tại; giai đoạn ba là trực tiếp ứng phó với vấn đề năng suất ở các nước Tây Âu. Trong khi đó sáng kiến “Một vành đai, một con đường” là một công trình hợp tác tổng hợp, các lĩnh vực không những đa dạng như thương mại, đầu tư, tài chính, giao thông và nhân văn…, mà còn hy vọng thực hiện được ý tưởng đi từ thí điểm đến diện rộng, từ dọc tuyến đường đến các khu vực, cuối cùng là thực hiện ý tưởng hợp tác lớn trong khu vực, chắc chắn sẽ đề cập nhiều hơn đến sự phối hợp song phương, kết nối đa phương cũng như vấn đề khai thông, hội nhập liên quan đến một loạt các quy tắc, tiêu chuẩn.

Xem xét từ mức độ phức tạp của môi trường quốc tế phải đối mặt, Kế hoạch Marshall được thực thi trong bối cảnh cục diện hai cực, viện trợ của Mỹ dành cho các nước Tây Âu không bị quá nhiều yếu tố bên ngoài can thiệp. Trong khi sáng kiến “Một vành đai, một con đường” lại đối mặt với môi trường quốc tế phức tạp hơn. Hiện nay, sức mạnh tổng hợp và vị thế quốc tế của Trung Quốc nâng lên nhanh chóng, nhưng do thể chế chính trị, ý thức hệ và con đường phát triển khác với các nước phương Tây nên các nước này tỏ ra hết sức hoài nghi đối với xu hướng phát triển của Trung Quốc. Cho dù Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không mưu cầu bá quyền, nhưng sức ảnh hưởng gia tăng khiến các nước châu Âu không khỏi lo ngại, Trung Quốc bị xem là lực lượng tiềm tàng chính thách thức trật tự quốc tế hiện nay. Việc thành lập Ngân hàng BRICS, AIIB và Quỹ con đường tơ lụa được coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng lại trật tự quốc tế.

Xem xét khách quan, bằng lý trí về sự giống và khác nhau giữa hai sáng kiến 

Khi đưa ra phép so sánh giữa sáng kiến “Một vành đai, một con đường” với Kế hoạch Marshall, đòi hỏi phải xem xét bằng lý trí, có sự khác biệt, không nên đánh đồng hai sáng kiến để hạ thấp sáng kiến đi trước. Thứ nhất, từ quy luật khách quan của phát triển kinh tế cho thấy cả hai sáng kiến quả thực có điểm giống nhau, đây cũng là nguyên nhân khiến các học giả Trung Quốc chủ trương thúc đẩy “Kế hoạch Marshall phiên bản Trung Quốc”. Thực hiện đầu tư quy mô lớn theo yêu cầu của mục tiêu kết nối sẽ thực sự kéo nền kinh tế của Trung Quốc và các nước đối tác phát triển đi lên, về khách quan lại đóng vai trò thúc đẩy hội nhập khu vực, có điểm giống với vai trò của Kế hoạch Marshall trên phương diện phục hưng kinh tế châu Âu và thúc đẩy nhất thể hóa châu Âu. Thứ hai, mặc dù thuộc tính cơ bản của Kế hoạch Marshall là chiến lược chính trị và an ninh, và vẫn còn tồn tại tranh cãi về vai trò của kế hoạch này, nhưng về tổng thể, các nước phương Tây có những đánh giá tích cực đối với Kế hoạch Marshall. Thứ ba, cho dù thuộc tính cơ bản của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” là cùng nhau phát triển, song việc thực hiện mục tiêu cùng nhau phát triển chưa từng bị cô lập và cũng có lợi cho việc thực hiện mục tiêu duy trì hòa bình trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Mặc dù tồn tại khác biệt cơ bản, song quá trình thực hiện Kế hoạch Marshall vẫn có thể mang lại bài học kinh nghiệm cho sáng kiến “Một vành đai, một con đường” cả về mặt tích cực và tiêu cực, nhất là trên các phương diện như làm thế nào để tăng cường tính linh hoạt trong hợp tác, tăng cường sự phối hợp bên trong bên ngoài và lên kế hoạch hội nhập. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch Marshall, Mỹ không những yêu cầu châu Âu thành lập cơ quan điều phối, bản thân Mỹ cũng thành lập Ủy ban hợp tác kinh tế (ECA) độc lập với Bộ Ngoại giao, trực tiếp chịu trách nhiệm với tổng thống nhằm tăng cường phối hợp trong ngoài. “Trong quan hệ đối ngoại của Mỹ thời kỳ hòa bình, ECA chưa từng có vai trò như vậy. Mối liên hệ giữa ECA và các nước nhận viện trợ rộng mở hơn rất nhiều so với mối liên hệ truyền thống giữa Đại sứ quán và các cơ quan liên lạc đối ngoại, ECA cũng thường xuyên liên hệ với các cơ quan ban ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế, Bộ Nông nghiệp và đông đảo các tập đoàn lợi ích tư nhân trong nội bộ Mỹ”.

Hiện nay, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” vẫn đang ở giai đoạn đầu thực hiện. Đối với cách đề cập coi sáng kiến này như là Kế hoạch Marshall, cần lựa chọn những biện pháp trao đổi có mục tiêu để tránh hiểu lầm. Đối với đông đảo các nước đang phát triển dọc con đường tơ lụa, ngoài việc nhấn mạnh những khác biệt nói trên để xua tan những băn khoăn của họ, cần làm rõ rằng sáng kiến “Một vành đai, một con đường” không phải là viện trợ như mô hình Kế hoạch Marshall, mà là hợp tác cùng thắng trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam. Trung Quốc là nước đề xướng hợp tác, nhưng không phải là nước giữ chủ đạo. Đối với các nước phương Tây, có thể giải đáp những nghi ngại của họ về việc “Trung Quốc tạo dựng lại trật tự”, trong khi nêu bật các thuộc tính hợp tác kinh tế, cùng nhau phát triển của sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, không né tránh hiệu ứng chính trị và ngoại giao lan tỏa trong quá trình hợp tác. 

Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” đã nhận được thái độ tích cực của chính giới các nước dọc tuyến đường, song giới học giả và tầng lớp nhân dân vẫn chưa thật quan tâm. Do vậy, một mặt cần thông qua các hình thức như hội thảo quốc tế, nghiên cứu các các chủ đề chung giữa Trung Quốc và các nước để làm tăng sự hiểu biết của các nước bên ngoài về sáng kiến này; mặt khác, có thể thông qua các văn kiện mang tính cương lĩnh do nhà nước ban hành để thống nhất giải thích về ý tưởng và lộ trình chính của sáng kiến. Quan trọng hơn là phải nhanh chóng thúc đẩy hợp tác cụ thể trong khuôn khổ, lấy thành quả hợp tác thực tế để bên ngoài thấy được những thuộc tính cơ bản của hợp tác cùng nhau phát triển trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.

Jin Ling là phó giáo sư tại Ban Nghiên cứu Châu Âu, Viện Nghiên cứu Quốc tế, Trung Quốc (CIIS). Bài viết được đăng trên CIIS.

Văn Cường (gt)