Tuy nhiên, sự kiện Nga can thiệp vào Ukraine đang đặt ra thử thách với chính sách đối ngoại mới của Bắc Kinh và làm dấy lên những hoài nghi về vai trò toàn cầu của Trung Quốc. Trung Quốc đang gần như đáp ứng được mọi yêu cầu đối với một cường quốc thế giới: chính trị, kinh tế và quân sự có thể đạt mức toàn cầu. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như vẫn chưa hành động như một cường quốc, đặc biệt thể hiện vai trò "can dự" trong các tình huống xung đột như ở Ukraine. Trước đây Đặng Tiểu Bình tuyên bố chính sách đối ngoại của Trung Quốc là "giấu mình chờ thời" thì đến tháng 1/2014, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra quyết sách mới là: Trung Quốc nên "tự chủ động". 

Ngày 15/3, đại diện của Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) đã đưa ra một đề xuất 3 điểm về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine; hối thúc thành lập một nhóm quốc tế để làm trung gian hòa giải; khuyến nghị tất cả các bên kiềm chế không gây hấn thêm; và kêu gọi các thể chế tài chính quốc tế giúp bình ổn tình hình kinh tế của Ukraine. Tuy nhiên, Trung Quốc (cùng ngày) cũng đã bỏ phiếu trắng đối với một dự thảo nghị quyết LHQ, trong đó chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý nhằm hợp pháp hóa việc sáp nhập Crimea vào Nga. Là một cường quốc hàng đầu và là ủy viên thường trực Hội Đồng Bảo An LHQ, Trung Quốc đã thực hiện "quyền phát ngôn" của mình về tình hình Ukraine song lại tránh can dự vào phản ứng quốc tế. Động thái trên của Trung Quốc đã khiến nhiều nhà bình luận đặt vấn đề rằng liệu Trung Quốc có phải là "một bên liên quan miễn cưỡng" trong trật tự toàn cầu hay không và phải chăng Trung Quốc vẫn chỉ là một "cường quốc khu vực".

Kể từ khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012), ông Tập Cận Bình đã giám thị sự mở rộng của những cải cách kinh tế và mở cửa với thế giới bên ngoài của Trung Quốc, cùng lúc đó chỉ đạo một cuộc trấn áp mới với tự do ngôn luận và hội họp cũng như thắt chặt an ninh với người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đối đầu với Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông, tuyên bố thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới trùm lên quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, và ngày càng có thái độ kiên quyết hơn ở Biển Đông.
Mô hình kinh tế của Trung Quốc đòi hỏi những thị trường mới và sự tiếp cận ưu tiên với các nguồn tài nguyên. Đây chính là yếu tố trung hòa trong cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Trung Quốc không thể công kích nước Nga láng giềng vì một loạt lí do phức tạp, từ an ninh đối nội và đối ngoại đến việc tiếp cận các nguồn cung năng lượng mới. Môi trường mang tính cạnh tranh và bất hòa bên ngoài đòi hỏi Bắc Kinh phải đưa ra một cách tiếp cận tương đối cẩn trọng và khéo léo trong ngắn và trung hạn. 

Vì thế, người ta có thể chứng kiến chính sách đối ngoại Trung Quốc sẽ thay đổi từ kiên quyết và tự chủ động trong tình huống này sang mơ hồ và tránh đối đầu trong tình huống khác. Ở những nơi Trung Quốc không thể tác động tạo ra thay đổi, họ sẽ hành động tốt nhất có thể trong khuôn khổ trật tự toàn cầu hiện hành và lặng lẽ theo đuổi lợi ích riêng. Song ở những nơi có khả năng tạo quy tắc mới, Bắc Kinh sẽ hành động kiên quyết. Được coi là một cường quốc đang nổi, bất chấp ngân sách quốc phòng tăng 12,2% (năm 2014) nhưng Trung Quốc dường như sẽ không tiếp bước Mỹ hay Liên Xô tạo ra những gánh nặng đầu tư trong chi tiêu quân sự. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ chiếm 2% GDP, trong khi con số này ở Mỹ là 4,4% và Liên Xô trước đây là 13-14%. Thay vào đó, Trung Quốc đầu tư vào chiến tranh bất xứng, tập trung vào những loại vũ khí bức xạ điện từ, chiến trang mạng, và một sự răn đe hạt nhân dù nhỏ nhưng thích đáng. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng tạo ra một mạng lưới phức tạp gồm các thỏa thuận song phương và đa phương mà Trung Quốc là trung tâm như: Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, các thỏa thuận thương mại tự do với Iceland, và quan hệ đối tác ít chính thức, tập trung vào những vấn đề cụ thể với những nước có ý nghĩa chiến lược quan trọng như Zimbabwe, Sri Lanka và Nga.

Trung Quốc hiện vẫn là một cường quốc mới tương đối kém an toàn trên phương diện chính trị nội bộ và môi trường bên ngoài. Vì thế, Bắc Kinh sẽ phải tự chủ động hơn nữa trong cả việc bảo vệ lợi ích cũng như xác định cái gì thực sự là lợi ích của mình để trì hoãn việc đối đầu công khai với những đối thủ tiềm tàng khác càng lâu càng tốt. Trung Quốc không phải là một bên liên quan miễn cưỡng; đúng hơn họ là một nhà lãnh đạo bất đắc dĩ. Cộng đồng quốc tế không nên trông đợi Trung Quốc hành xử như các cường quốc trước đây và hiện nay. Bắc Kinh đang tiến lên trên con đường riêng và cần phải giải quyết cảm giác không an toàn của riêng mình thì mới có thể hành xử như một nhà lãnh đạo toàn cầu thực sự. 

Theo "The Diplomat"

Mỹ Anh (gt)