Lời mở đầu 

Cục diện thế giới đang trong giai đoạn định hình, “quyền lực chuyển dịch về phía Đông”, “đọ sức Trung-Mỹ” ,“thế chân vạc”, “thế giới đa cực”, “rối loạn và mất trật tự” là xu hướng cục diện thế giới đang định hình và triển vọng trong tương lai có thể hình thành. Không loại trừ thế giới có thể phải trải qua thời kỳ rối loạn và mất trật tự. Thời kỳ này kéo dài bao lâu, phải xem tình hình khách quan và nỗ lực chủ quan. Một mặt tình thế mạnh hơn con người, mặt khác lịch sử lại chính là do con người tạo ra. Trung Quốc phát triển theo hướng nào trong đại dương mênh mông của thế giới, phát triển như thế nào, phát triển cùng ai, đều liên quan đến đại cục và tình hình chung. Chỉ cần Trung Quốc duy trì bản lĩnh chiến lược của mình, đi đúng hướng, vững bước tiến lên, đến khi đạt được 2 mục tiêu 100 năm, thì việc dân tộc Trung Hoa thực hiện sự phục hưng vĩ đại và nhân dân thế giới hòa bình phát triển sẽ trở thành những mong ước tốt đẹp. 

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc năm 1945, thế giới bị chia làm hai mặt trận lớn Đông và Tây, và bắt đầu Chiến tranh Lạnh gần nửa thế kỷ, Mỹ và Liên Xô – hai cường quốc tranh bá đã tạo nên cục diện cơ bản của thế giới. Năm 1991, Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh từ đó cũng kết thúc, cục diện thế giới bước vào thế giới đơn cực do siêu cường Mỹ “độc bá”. Nhưng vụ tấn công khủng bố “11/9” đã xáo trộn cục diện này, sự trỗi dậy của các nước không phải phương Tây như Trung Quốc càng làm thay đổi cục diện “gió Tây mạnh”. Tiếp theo là bão táp tài chính năm 2008 lại giáng một đòn mạnh vào thế giới phương Tây mà đứng đầu là Mỹ, cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Bài viết phân tích ngắn gọn vài xu thế có thể xảy ra đối với cục diện thế giới và sự lựa chọn chiến lược của Trung Quốc trước mắt cũng như về sau này. 

Vài xu hướng có thể xảy ra của cục diện thế giới 

Quyền lực chuyển dịch về phía Đông 

Đây là điều mà giới chiến lược Mỹ lo lắng. Mười mấy năm sau sự kiện 11/9, đúng vào quá trình Trung Quốc phát triển nhanh chóng trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi của thế giới, sau năm 2012 tính theo GDP đã vượt qua Nhật Bản. Theo xu thế phát triển hiện nay, chỉ cần Trung Quốc phát triển với tốc độ bình quân hàng năm 6%-6,5% trong trạng thái bình thường mới, sau 10 năm nữa, việc trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới chỉ là ngày một ngày hai, chưa cần nói đến việc đánh giá dựa theo sức mua. “Nước Mỹ suy yếu” tạm thời khiến một số học giả giới chiến lược Mỹ (bao gồm ngoại giao, quốc phòng, tình báo thậm chí giáo dục) vô cùng lo lắng, mặc dù nhìn vào “sức mạnh tổng hợp” như kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, tài nguyên…, giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn khoảng cách rất xa, bản thân Trung Quốc cũng không có ý đồ thay thế Mỹ. Nhưng quy mô, tốc độ, xu thế phát triển của Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại. Trong bối cảnh này, cũng không khó lý giải về sự ra đời của chiến lược “Quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương” hay “Tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”. Nội dung chủ yếu của “Quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương” chính là lấy châu Á là trung tâm, chứ không phải là ở lại Trung Đông tiếp tục cuộc chiến “chống khủng bố”, hoặc tiếp tục bố trí lực lượng quân sự đáng kể tại châu Âu. Đương nhiên, Mỹ lần này không dùng phương thức Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Việt Nam hoặc Chiến tranh Lạnh, cũng không dùng phương thức mà Bush đối phó với Iraq, mà dựa vào “sức mạnh thông minh”, triển khai “bố trí khu vực tiền duyên”, “ngoại giao khu vực tiền duyên”. 

Một giả thiết cơ bản đằng sau cách làm này là Mỹ muốn ngăn chặn sự xuất hiện của “quyền lực chuyển dịch về phía Đông”. Kiểu “quyền lực chuyển dịch” này từng xuất hiện vài lần trong lịch sử cận đại của chủ nghĩa tư bản thế giới. Từ Italy đến Hà Lan, từ Hà Lan đến Anh, từ Anh lại sang Mỹ, thời gian này cũng có thách thức và vài cuộc khủng hoảng lớn, bao gồm hai lần đại chiến thế giới, ngay cả sau khi quyền lực chuyển sang Mỹ vẫn phải có cuộc Chiến tranh Lạnh dài hơn 40 năm. Vì vậy việc Mỹ mong muốn duy trì “địa vị lãnh đạo toàn cầu”, có lo nghĩ hoặc hoài nghi chiến lược đối với Trung Quốc là điều bình thường. 

Tuy nhiên, nếu hiểu rõ lịch sử cận đại hơn một trăm năm và con đường phát triển vài thập kỷ gần đây của Trung Quốc, có chút hiểu biết về chiến lược quốc gia của Trung Quốc cũng như chế độ văn hóa của Trung Quốc, thì rất khó tìm được động lực “chuyển dịch quyền lực” từ Trung Quốc. Nếu Mỹ đánh giá chính xác địa vị lịch sử và thực lực tổng hợp của mình, thì sẽ hiểu rõ khả năng “quyền lực rơi khỏi tay” trong vài chục năm tới chưa chắc cao. Đặc biệt là, nếu nhìn thấu xu thế phát triển của thế giới hiện nay, nhận thức đối với môi trường quốc tế toàn diện hơn, thì sẽ hiểu được việc “chuyển dịch quyền lực” theo ý nghĩa vốn có thực sự khó mà xảy ra. Đối với Trung Quốc, kiểu “quyền lực” này không chỉ sẽ không cần, không muốn, mà cũng không nên cần, không thể cần. Không cần, không muốn là bởi vì Trung Quốc không có dã tâm này cũng như không có mục tiêu này. Không nên, không thể là do tính chất nhà nước và chế độ xã hội của Trung Quốc quyết định. 

Cuộc đọ sức Trung-Mỹ 

Cuộc đọ sức Trung-Mỹ là cách ví von cụ thể hơn của một số học giả Mỹ, bao gồm đề xuất G2, cũng bao gồm cái gọi là “Mỹ-Trung”. Một số học giả chủ trương “tái cân bằng” cũng nhìn thấy sự thực Trung Quốc đang trỗi dậy, họ cho rằng không nên cũng không thể đơn giản lặp lại cuộc chạy đua vũ trang, “cân bằng răn đe hạt nhân” với Trung Quốc bằng phương thức Chiến tranh Lạnh như thời kỳ Mỹ-Liên Xô đối đầu, vì thế quay trở lại cân bằng chiến lược, “tiếp xúc + kiềm chế”, chẳng qua chỉ là sự lựa chọn “ai nặng ai nhẹ” giữa hai bên. Nếu Trung Quốc mạnh (thực tế mạnh hay tỏ ra mạnh), thì nhấn mạnh mặt tiếp xúc; hoặc Trung Quốc thay đổi không lớn, bản thân Mỹ mạnh, thì coi trọng mặt tiếp xúc nhiều, cảm thấy Mỹ yếu, thì tăng cường mặt kiềm chế. 

Từ bản thân Trung Quốc, việc thực hiện 2 mục tiêu phát triển 100 năm và tiến tới thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” đang đứng trước đối thủ lớn nhất chính là Mỹ. Trung Quốc tuy không có mong muốn chủ quan thách thức Mỹ, nhiều lần nói rõ “Thái Bình Dương đủ lớn để chứa cả Trung Quốc và Mỹ”, thậm chí chính thức đề xuất xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới Trung-Mỹ, mong muốn giữa hai nước Trung-Mỹ không chỉ không xung đột không đối kháng, mà vẫn có thể tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, thoát ra khỏi trạng thái đọ sức một mất một còn. Cuối cùng, Mỹ hiện tại vẫn là nước bá quyền độc nhất, không thể coi thường. Khi Mỹ lựa chọn mặt kiềm chế đối với Trung Quốc, không thể không đối phó. 
Có thể nói, “đọ sức” không phải là đối kháng, càng không cần phải phát triển đến mức chiến tranh. Kinh tế thương mại, văn hóa, xã hội, giao lưu địa phương…, bạn có tôi, tôi có bạn, trong hợp tác cũng có đọ sức, chỉ cần có thể cùng có lợi thì có nghĩa là cùng thắng, mặc dù không phải lúc nào mỗi bên cũng nhận một nửa bằng nhau. Có thể nói, sự lựa chọn chiến lược về “đọ sức Trung-Mỹ” chí ít còn thực tế hơn nhiều so với việc “chuyển dịch quyền lực”. Chỉ có điều thế giới không chỉ có Mỹ và Trung Quốc tham gia “trò chơi” này, “người chơi” cũng không chỉ có nước phát triển lớn nhất và nước đang phát triển lớn nhất này. 

Thế chân vạc 

Người châu Âu lại không cho rằng bố cục thế giới cơ bản là cuộc đọ sức Trung-Mỹ. Châu Âu, đặc biệt là EU, cho đến nay vẫn là một trong những lực lượng chủ yếu nhất của văn hóa-chính trị-kinh tế thế giới. Tuy có cuộc trưng cầu ý dân ra khỏi EU gần đây, nhưng suy xét từ so sánh thực tế và tiềm lực phát triển cửa lực lượng thế giới, ai xem nhẹ châu Âu, xem nhẹ EU, kẻ đó khó tránh khỏi phán đoán sai về chiến lược, chắc chắn chịu tổn thất. Châu Âu không chỉ là nơi khởi nguồn khai sáng cho nền văn minh hiện đại, cũng là nơi tiên phong có ý định vượt qua bố cục vốn có hướng tới nhất thể hóa khu vực, cũng là một cực mạnh nhất về sức mạnh tổng hợp kinh tế-chính trị-xã hội-văn hóa của thế giới ngày nay. 

Nhìn quanh thế giới, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á là 3 khu vực lớn mạnh nhất của thế giới hiện nay, Mỹ của Bắc Mỹ còn là nước bá quyền độc nhất, Canada và Mexico hoàn toàn không phải là thách thức đối với Mỹ; châu Âu, cho dù Anh có ra khỏi EU, mức độ nhất thể hóa của khu vực này châu Á không sánh kịp, tuy châu Á thực sự là khu vực đông dân nhất, tốc độ phát triển nhanh nhất và tiềm lực lớn nhất. Nói một cách đơn giản, nói đến bố cục thế giới, thế chân vạc Bắc Mỹ-châu Âu-châu Á là thế cơ bản có vẻ phù hợp nhất với thực tế, 3 khu vực đều có sở trường sở đoản của riêng mình. Về phương diện địa lý, có thể nói 3 khu vực này vẫn là 3 khu vực thực lực hùng hậu nhất, ảnh hưởng lớn nhất. Ba khối lớn này làm thế nào để phối hợp hợp tác, thỏa hiệp cạnh tranh là biến số quan trọng của bố cục thế giới hiện nay và thời gian tới. 

Thế giới đa cực 

Mô tả thực tế hơn là: sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trải qua thời kỳ “bá quyền độc nhất” ngắn ngủi, thế giới đang phát triển theo hướng đa cực hóa. Ngoài 3 khối lớn Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á, khu vực Mỹ Latinh và châu Phi cũng đang nỗ lực bắt kịp, Ấn Độ đã được xếp vào hàng ngũ các nền kinh tế mới nổi, chiến lược phát triển và chính sách ngoại giao của Nga cũng vô cùng đặc sắc, chiến lược của Nga có xu thế hướng Đông hay hướng Tây sẽ khiến cục diện thế giới thể hiện rõ những xu thế rất khác nhau. Là đối tác hợp tác chiến lược 20 năm của Trung Quốc, Nga nhiều năm nay là nước lớn về công nghệ, quốc phòng và tài nguyên. Ấn Độ giống Nga, là nước lớn địa duyên, cũng là láng giềng của Trung Quốc. Nhật Bản luôn là nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, vừa là đồng minh quân sự quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á, không ngừng tranh thủ thông qua hiến pháp để đổi lấy địa vị “quốc gia bình thường”. Theo quan điểm này, nếu nói thế giới hiện nay đã và vẫn sẽ tiếp tục hiện rõ xu thế đa cực hóa, thì chính là sự khắc họa thực tế đối với cục diện thế giới. Nhìn chung, thế giới hiện nay đang xuất hiện đa cực hóa, cuộc đấu nhiều bên tham gia, nhiều khả năng xảy ra, kẻ mạnh nhất hôm nay trong tương lai chưa chắc luôn có ưu thế tương đương. Hơn nữa, kẻ mạnh cũng có điểm yếu, kẻ yếu cũng có ưu thế. Trong thế giới đa cực, nước mạnh hay nước yếu, đối tác tốt hay xấu, đều cần phải xem xét tác động lẫn nhau giữa các bên như thế nào. 

Không có trật tự 

Vấn đề là ở chỗ, sự tương tác đa cực như trên vẫn thiếu một trật tự thế giới được cộng đồng quốc tế công nhận và tuân theo. Hòa ước Westphalia cho đến nay đã được vài thế kỷ, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc cũng đã hơn 70 năm. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thế giới đón một vòng toàn cầu hóa mới, không chỉ hàng hóa, vốn, công nghệ, còn bao gồm sự phổ biến ngay lập tức của thông tin và sự lưu động xuyên quốc gia của ngày càng nhiều nhân khẩu (bất luận là dưới hình thức kinh doanh, du học, du lịch hay dưới hình thức di dân, dân tị nạn hay thuyền nhân), đối với các tình huống mới, sự ứng phó theo khuôn khổ của Liên hợp quốc và khuôn khổ khác không đủ để kiểm soát và khống chế. Từ Diễn đàn kinh tế thế giới Davos đến Diễn đàn châu Á Bác Ngao, từ G7 đến G20, cho đến nay cộng đồng quốc tế vẫn chưa xây dựng được một hệ thống trật tự thế giới có hiệu quả và được mọi người công nhận. “Thế giới G0” cũng là cách khắc họa sinh động, trật tự mới đang ở đâu? Cần phải tốn thời gian bao lâu? Phải bỏ ra cái giá từng nào? Những vấn đề này cần phải giải đáp, vì vậy mục tiêu mà cộng đồng quốc tế nỗ lực theo đuổi cũng rất rõ ràng: Một bố cục thế giới hòa bình, an ninh, công bằng, cùng có lợi. Nhưng còn đường lối? Đáng lẽ nên thỏa hiệp, đàm phán, đối thoại, hợp tác, nhưng có một số quốc gia và tổ chức tuy đã bước vào thế kỷ 21 nhưng tư duy vẫn dừng ở thế kỷ 20 thậm chí thế kỷ 19. Ngoại trừ “trò chơi được mất ngang nhau” và luật rừng ra, hình như vẫn còn khả năng khác nữa chưa biết, mà cũng không muốn biết. 

Vì vậy, không thể loại trừ việc thế giới sẽ trải qua một giai đoạn không có trật tự. Giai đoạn này dài bao lâu thì phải xem tình hình khách quan và nỗ lực chủ quan. Một mặt, tình thế mạnh hơn con người, mặt khác, lịch sử chung quy là do con người tự tạo ra. 

Lựa chọn chiến lược của Trung Quốc 

Sự lựa chọn chiến lược và bản lĩnh chiến lược chính là một phương diện quan trọng của nỗ lực chủ quan sau khi phán đoán chính xác tình hình. Đối với giai đoạn hiện nay và tương lai sắp tới của Trung Quốc, chí ít không thể thiếu những khía cạnh sau: 

Phát triển hòa bình 

Kiên trì phát triển hòa bình, vừa là lựa chọn được quyết định bởi tính chất chế độ và đạo đức của Trung Quốc, cũng là yêu cầu khách quan của thời đại ngày nay và tình hình thế giới. “Trò chơi được mất ngang nhau” và luật rừng đã mất hiệu nghiệm, cũng không phù hợp với sự phát triển cơ bản và lâu dài của Trung Quốc. Kể từ khi nước Cộng hòa nhân dânTrung Hoa mới thành lập, từ đề xuất 5 nguyên tắc chung sống hòa bình cho đến việc xác lập phát triển hòa bình là chủ đề thời đại, Trung Quốc luôn kiên trì con đường này trên hành trình phức tạp của mình, con đường này cũng mang lại cho Trung Quốc sự phát triển và an ninh. Vì vậy, nó sẽ không thay đổi, cũng không có lý do để thay đổi. 

Cùng thắng lợi, cùng có lợi 

Phát triển hòa bình không phải là yếu đuối dễ bắt nạt, mà là trong môi trường quốc tế hòa bình và phát triển, từ kinh tế thương mại đến đầu tư, từ giao lưu đến hợp tác, thông qua việc cùng có lợi để đạt được cùng thắng. Trung Quốc không muốn cướp đoạt của người khác để phát triển riêng mình, cũng không thể dựa vào việc chiếm đoạt của người khác để phát triển cho riêng mình. Bất cứ ở đâu phát triển kinh tế thương mại, Trung Quốc đều không thực hiện lôgích “trò chơi được mất ngang nhau”, mà dựa theo quan niệm mới “vì người không vì mình”, cùng chia sẻ lợi ích phát triển của xã hội. Phát triển như vậy mới là sự phát triển mà mọi người hoan nghênh, cũng chính là sự phát triển bền vững. 

Đổi mới mở cửa 

Chiến lược phát triển này chắc chắn cần đến ý thức đổi mới và mở cửa mạnh mẽ. Trong vài thế kỷ qua, thế giới thịnh hành “trò chơi được mất ngang nhau” và luật rừng. Trong luật rừng vô chính phủ của cộng đồng quốc tế, người thắng là vua kẻ thua tay trắng, dường như là quy tắc hành vi không thể thay đổi. “Hòa bình phát triển, cùng thắng lợi cùng có lợi” - sự đổi mới trong quan hệ quốc tế và công việc thế giới này Trung Quốc đã tìm tòi trong nhiều thập kỷ, những năm tháng này càng khiến Bắc Kinh xác định rõ, càng ý thức, càng chủ động hơn, bắt nguồn từ sự tự tin của chế độ Trung Quốc, bắt nguồn từ phán đoán sáng suốt của Trung Quốc về tình hình thế giới. Càng đi con đường đổi mới càng phải kiên trì mở cửa: không chỉ phải kiên trì về mặt chính sách, về văn hóa cũng phải tiếp thu học tập phong thái mở cửa; không chỉ mở cửa với phương Tây mà còn mở cửa với toàn thế giới. Sự mở cửa này không phải là người tranh kẻ đấu, người thắng kẻ thua, mà là bao dung và cùng hưởng lợi. 

Bao dung học hỏi lẫn nhau 

Bao dung, không chỉ là khoan dung mà là học tập lẫn nhau, làm gương cho nhau, bỗ sung lẫn nhau. Lịch sử trải dài vô tận của Trung Quốc cho thấy bất cứ cái gì cũng có sở trường và sở đoản. Mỗi quốc gia, mỗi xã hội, các kiểu văn hóa đều có lý do tồn tại của riêng nó. Chúng ta nói về sự tự tin, muốn tôn trọng tính đa dạng văn hóa trước tiên phải tôn trọng văn hóa dân tộc mình. Nhưng chỉ như vậy vẫn chưa đủ, trong một thế giới ngày càng dựa vào nhau, Trung Quốc vẫn cần phải học cách tôn trọng văn hóa của dân tộc khác. Cho dù văn hóa của Trung Quốc có lâu đời như thế nào, cho dù người khác cho rằng nền văn hóa của họ ưu việt thế nào, vượt qua sự ngạo mạn và phiến diện của các nền văn hóa, vượt qua giới hạn và tấm bình phong dưới các hình thức khác nhau, là có thể bao dung học hỏi lẫn nhau, từ đó cống hiến cho một thế giới đổi mới hơn, một tương lai tươi sáng hơn, như vậy mới có thể xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, chứ không phải chỉ là lời nói suông. 

Giữ vững lập trường 

Thành công luôn bắt đầu từ nhỏ đến lớn. Chỉ cần đất nước vẫn còn, thì lợi ích quốc gia vẫn còn. Khi quốc gia, lợi ích quốc gia vẫn là nhu cầu cơ bản, mở cửa và bao dung vẫn không thể không có lập trường. Lập trường quốc gia chính là lập trường của nhân dân, chính là lập trường đứng về phía lợi ích cơ bản của nhân dân, chính là lập trường thống nhất giữa hạnh phúc nhân dân, phát triển xã hội và an ninh quốc gia. Phát triển và an ninh là 2 mặt của một vấn đề, không có phát triển, an ninh không được bảo đảm; không có an ninh, về cơ bản không thể phát triển lên được, hoặc nhất thời phát triển cũng sẽ có một ngày lụi tàn. 

Giữ vững giới hạn cuối cùng 

Con đường hòa bình và phát triển mà Trung Quốc kiên trì, kể từ đề xướng 5 nguyên tắc chung sống hòa bình tại hội nghị Bandung năm 1954 cho đến nay, phần mở đầu của 5 nguyên tắc nói về tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ lẫn nhau. Trên thực tế, hệ thống Hòa ước Westphalia, hệ thống Liên hợp quốc đều là dựa trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Trên cơ sở này, cùng nhau bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định thế giới là nguyên tắc mọi người cần phải cùng nhau tuân thủ. Nếu có quốc gia tuân thủ có quốc gia không, như vậy thì không có hòa bình, cũng không có sự ổn định tình hình thế giới và an ninh quốc tế. Cục diện thế giới cho dù là đi theo xu hướng nào, hòa bình và an ninh vẫn là tiền đề lớn, phát triển và phồn vinh là mục tiêu chung, ổn định và công bằng là giới hạn cuối cùng. Các nước đều giữ gìn thì sẽ có sự bảo đảm, nếu không chắc chắn rơi vào tình trạng khó khăn về an ninh, tiến thoái lưỡng nan và bẫy Thucydides. Trong thế giới khoa học công nghệ và vũ khí phát triển như ngày nay, bất cứ một cạm bẫy nào nói trên đều sẽ chỉ đem đến tai họa cho nhân loại. 

Thời cuộc rối ren, Trung Quốc phát triển theo hướng nào trên đại dương bao la rộng lớn, phát triển thế nào, phát triển cùng ai, đều liên quan đến đại cục và tình hình chung. Chỉ cần Trung Quốc duy trì được bản lĩnh chiến lược, đi đúng phương hướng, vững bước tiến liên, đến khi đạt được 2 mục tiêu 100 năm, thì dân tộc Trung Hoa sẽ thực hiện sự phục hưng vĩ đại, nhân dân thế giới sẽ hòa bình phát triển, chính là mong ước tốt đẹp!

Theo Tạp chí Thế giới Đương đại, Trung Quốc

Hoàng Lan (gt)