Một đôi vợ chồng trẻ người ngoại tỉnh bán hàng trước cửa siêu thị nảy sinh tranh cãi với nhân viên đội bảo vệ trị an sở tại. Sau đó, lãnh đạo địa phương và xe cứu thương tới hiện trường. Khi người vợ mang bầu chuẩn bị được đưa lên xe cứu thương, có người kiên quyết ngăn cản. Lúc này, hiện trường đã trở nên đông đúc với hàng trăm người vây quanh phẫn nộ và họ bắt đầu ném gạch đá, chai lọ vào nhân viên chính quyền cùng cảnh sát. Cuộc bạo động nhuốm màu bạo lực kéo dài ba ngày ở thị trấn Tân Đường thuộc thành phố Tăng Thành (Quảng Châu, Quảng Đông) đã khai màn như vậy. 

Mấy năm lại đây, những sự kiện mang tính tập thể đã không còn là điều gì đó mới mẻ ở Trung Quốc, nhưng các giới vẫn cần phải cảnh giác cao độ với những diễn biến ở Tân Đường. Nguyên nhân không phải là sự kiện bạo động ở Tân Đường có thể kéo dài hoặc tăng lên về quy mô, mà nằm ở chỗ xuất phát điểm của nó rất nhỏ, trong khi có tốc độ lan truyền tình cảm lại rất nhanh. Đồng thời, những người tham gia bạo động không chỉ tấn công cơ quan công quyền và nhân viên công vụ, mà còn nhằm cả vào những đối tượng vô tội, bao gồm xe buýt, người qua đường, hạ tầng, công trình kiến trúc ven đường… Trên Internet, có cư dân đã đưa lên các tấm hình cho thấy tứ chi đều bị thương tổn bởi gạch đá tấn công trong vụ bạo động. Nghe nói, những kẻ gây ra sự kiện bạo động ở Tân Đường chủ yếu là người Tứ Xuyên. 

Không chỉ là Tân Đường, trong tháng 6, thành phố Triều Châu thuộc tỉnh Quảng Đông cũng xảy ra sự kiện bạo lực mang tính tập thể. Một công nhân người Tứ Xuyên ở thị trấn Cổ Hạng, huyện Triều An (thành phố Triều Châu) chỉ vì đòi lương đã bị chặt đứt gân tay, gân chân. Đồng hương của người công nhân nọ liền bao vây đập phá đồn công an, xe cộ ngoài phố, tấn công người qua đường vô tội. Sau bạo động, người bản địa ở Cổ Hạng đã phải lập đội tự vệ để đánh lại người từ nơi khác đến. Tới nay, 20.000 người ngoại tỉnh ở Cổ Hạng và 60.000 người Cổ Hạng bản địa, không một ai cảm thấy an toàn. 

Chuyên gia xã hội học Trung Quốc Vu Kiến Vanh từng phân chia các sự kiện mang tính tập thể ở nước này thành hai loại: sự kiện trút giận tập thể và bạo động. Khác biệt giữa hai loại này là trong bạo động, những kẻ tham gia tấn công cả các đối tượng không liên quan như cửa hàng buôn bán, người qua đường. Trong hai sự kiện Tân Đường và Cổ Hạng, người ta thấy phạm vi mục tiêu tấn công của những kẻ tham gia đã được mở rộng từ cơ quan quyền lực sang nhóm mà họ cho rằng phải chịu trách nhiệm gián tiếp về sự bất hạnh của họ – người bản địa (có thân phận cao hơn họ, nền tảng vật chất ưu việt hơn họ, văn hóa và ngôn ngữ khác họ). Diễn biến của cuộc bạo động ở Tân Đường và Cổ hạng khiến người ta không thể không liên tưởng tới sự kiện đốt phá, cướp bóc ngày 14/3/2008 ở Lhasa, Tây Tạng. Đằng sau hai cuộc bạo động này cũng là sự đối lập của nhóm người thuộc các dân tộc khác nhau. 

Điều làm mọi người bất an là những oán hận từ các đối tượng cụ thể được mở rộng ở phạm vi lớn hơn và ngày càng xuất hiện nhiều đòn báo thù tàn ác. Về hành vi bạo lực cá nhân có vụ cắt mũi, hủy hoại dung nhan nữ phóng viên đài truyền hình trung ương Trung Quốc ngay trước cổng cơ quan này hay việc một người đàn ông ném bom tự tạo vào tòa nhà chính quyền Thiên Tân, làm 2 người bị thương mà nguyên nhân chỉ vì con trai tự sát do mắc bệnh trầm cảm và bị vợ ly dị hoặc chuyện ông Tiền Minh Kỳ ở Phủ Châu, Giang Tô bị tháo dỡ nhà đã đánh bom theo kiểu tự sát nhằm vào các cơ quan chính quyền, làm 3 người thiệt mạng. Về sự kiện bạo lực mang tính tập thể, ngoài Tân Đường và Cổ Hạng, trong mấy ngày qua còn có việc hàng ngàn người dân ở thành phố Lợi Xuyên, tỉnh Hồ Bắc bao vây tấn công tòa thị chính sau khi Cục trưởng Cục Chống tham nhũng chết đột ngột trong thời gian ông này bị cách ly điều tra. 

Mấy ngày trở lại đây, tờ Thời báo Hoàn Cầu, một phụ trương của Nhân dân Nhật báo, tờ báo của cơ quan trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, liên tục đăng bài bác bỏ ý kiến cho rằng xã hội Trung Quốc đang trở nên “rối loạn bất an”.

rong bài xã luận đăng ngày 14/6, Thời báo Hoàn Cầu đã coi Internet là một “bị can” phải chịu trách nhiệm khi cho rằng Internet đã phóng đại ảnh hưởng của những sự việc mang tính riêng lẻ, làm trầm trọng thêm ấn tượng của người dân về “rối loạn bất an” xã hội. Mới đây, tờ báo này cũng đã chỉ trích một số nhân vật nổi tiếng tham gia cổ súy cho hiện tượng thù ghét quan chức, thù ghét cảnh sát và thù ghét người giàu, thổi lên sự thù hận xã hội, tổng kết “tội ác của chế độ”, “tội ác của chính quyền” từ những sự kiện không công bằng cụ thể, “tạo ra đích ngắm trút giận cho tình cảm xã hội”. 

Quả thực, bình luận nêu trên có căn cứ khách quan và hợp lý, cho thấy sự phức tạp của Trung Quốc. Rất nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc (thậm chí là cả các thành phố nhỏ và vừa), một mặt vẫn trong cảnh thái bình ca hát, mặt khác thần kinh của người dân lại bị kích thích bởi những thông tin đánh bom, bạo động xuất hiện ngày càng nhiều. Sự kích thích đó đã tăng tới mức đủ để ảnh hưởng tới toàn cục chưa? Câu trả lời là vẫn chưa đủ. 

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm chú ý là tình hình đang đi xuống. Những chính quyền tạo ra cảnh thái bình ca hát hiện nay, đồng thời cũng có trách nhiệm trong việc gây ra sự bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn, sự ách tắc trong kênh biểu đạt ý kiến của người dân và sự thiếu minh bạch trong pháp trị. Nếu như lợi ích của các công nhân Tứ Xuyên được bảo đảm trong thời gian dài, họ đã không phải làm quen với việc sử dụng “hội đồng hương”, một tổ chức có màu sắc xã hội đen, để ra mặt bảo vệ mình và mức độ bạo lực trong sự kiện ở Tân Đường có thể sẽ không cao như vậy. Sau lớp vỏ hào nhoáng của thành thị, nhân tâm con người dường như trở nên lạnh lẽo. 

Hàng loạt sự kiện gần đây một lần nữa đã làm nổi cộm đặc trưng ổn định mong manh: “nguyên nhân nhỏ, tốc độ lan tràn lớn” của xã hội Trung Quốc. Ổn định mong manh đương nhiên vẫn là ổn định. Nhưng với bản năng hướng về phía trước, các phần tử trí thức rất có thể sẽ nghĩ rằng hiện thực còn tệ hại hơn. Lẽ nào nhà cầm quyền lại không tính tới điều này? Trong khi nguy cơ chưa thổi phồng, nên thừa nhận rằng những sự kiện bạo động và đánh bom đều là các tín hiệu cảnh báo. 

NCBĐ (giới thiệu)