Một số sự kiện như Mỹ công khai can thiệp vấn đề Nam Biển Đông và đảo Điếu Ngư; quân đội Mỹ thâm nhập sâu vào Ôxtrâylia, hợp tác quân sự Mỹ - Ôxtrâylia có bước đi mạnh mẽ nhất từ 30 năm qua; Ấn Độ bất chấp sự phản đối của Trung Quốc có ý đồ hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa; Hội nghị bảo vệ an ninh Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ lần đầu tiên tổ chức có trọng tâm là thảo luận sức mạnh quân sự của Trung Quốc; Nhật Bản thương thảo với Philíppin về tình hình Biển Đông hướng trọng tâm vào Trung Quốc… Để kịp thời dự kiến và tránh những khó khăn, rủi ro, nắm chắc cơ hội lịch sử trên con đường “phát triển hòa bình”, Ủy ban chính sách an ninh quốc gia - Hội nghiên cứu khoa học chính sách Trung Quốc đã tập hợp các học giả hàng đầu ở trong nước biên soạn bản “Báo cáo đánh giá môi trường an ninh địa chính trị Trung Quốc (2010-2011)”, các tư liệu được tập hợp xuất bản vào tháng Tám. Báo “Quốc phòng Trung Quốc” đã tổ chức cuộc gặp gỡ một số học giả nói trên để được nghe các học giả này trình bày nhận định và xem xét “mạch đập” về môi trường an ninh địa chính trị Trung Quốc hiện nay như sau: 

I- Mt tiêu cc v môi trường an ninh Trung Quc tăng lên 

Ba Trung Đàm - Chủ tịch Ủy ban chính sách an ninh quốc gia -Hội nghiên cứu khoa học chính sách Trung Quốc: Việc Trung Quốc phát triển nhanh một mặt đã làm tăng thực lực tổng hợp quốc gia và lực lượng bảo vệ hòa bình thế giới, tạo ra chỗ dựa vững chắc hơn cho hòa bình thế giới và ổn định khu vực; nhưng mặt khác Trung Quốc phát triển nhanh cũng cũng là thời kỳ phát sinh nhiều va chạm, mâu thuẫn bộc lộ rõ. Đây là một bối cảnh lớn để quan sát tình hình an ninh địa chính trị của Trung Quốc, cũng là bối cảnh lớn để xuất bản công khai bản “Báo cáo đánh giá môi trường an ninh địa chính trị Trung Quốc (2010-2011)”. Từ năm 2010 đến nay, đặc trưng tổng thể về môi trường an ninh địa chính trị Trung Quốc là tính chất lệ thuộc lẫn nhau và va chạm nhau giữa Trung Quốc và thế giới đồng thời sâu sắc thêm, hợp tác chiến lược và đề phòng chiến lược diễn ra song song nhưng không mâu thuẫn nhau, thời cơ chiến lược và thách thức chiến lược cùng phát sinh. Điều đáng quan tâm là mặt tiêu cực trong môi trường an ninh Trung Quốc tăng lên, những chấn động ngầm tăng vọt, lĩnh vực kinh tế thương mại ổn định tương đối, môi trường ở gần tương đối rối ren, ở xa tương đối ổn định. Cũng từ năm 2010 đến nay một số sự việc lớn xảy ra do Mỹ điều chỉnh chiến lược toàn cầu trở lại châu Á cho thấy môi trường an ninh địa chính trị của Trung Quốc lại đứng trước một bước chuyển ngoặt mang tính lịch sử, đồng thời đang chuẩn bị có một đợt vẽ lại bản đồ địa chiến lược của thế giới đương đại. 

Trương Văn Mộc - Tiến sĩ, Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm nghiên cứu vấn đề chiến lược - Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh: Từ năm 2010 đến 2011 sự kiện lớn nhất ảnh hưởng đến môi trường an ninh địa chính trị của Trung Quốc là Mỹ “trở lại châu Á”, khu vực Tây Á, Bắc Phi rối ren và hành động tấn công quân sự của NATO đối với Libi. Thực tế này cho thấy giữa EU và Mỹ đã có xu hướng thiết lập thể chế Mỹ-châu Âu cùng thống trị thế giới. Sau khi Liên Xô tan rã và châu Âu tiếp cận nhau hoàn thành thống nhất, Mỹ đã chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á, mục tiêu của Mỹ là nhắm vào Trung Quốc. Như một sự báo ơn, châu Âu sau sự kiện Libi cũng sẽ giữ lập trường thống nhất với Mỹ ở khu vực Đông Á, nhất là trong việc đối phó với Trung Quốc trỗi dậy. Mỹ và EU đang tiến hành một đợt phân công lại chiến lược mới và phân phối lại lợi ích mới, lực lượng thế giới đang cơ cấu lại. Đối với Trung Quốc, thách thức nghiêm trọng hơn đang đến gần. 

Tháng 2 năm nay tại Trường quân sự ở West Point , Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Robert Gates có bài phát biểu nhấn mạnh mối đe dọa do việc Trung Quốc và Nga hiện đại hóa quân sự. R. Gates nói: “Thách thức an ninh mà chúng ta đang đối mặt hiện nay còn lớn hơn cả Irắc và Ápganixtan, trong đó bao gồm: chủ nghĩa khủng bố và các phần tử khủng bố đang tìm kiếm các loại vũ khí sát thương quy mô lớn, Iran, Bắc Triều Tiên, Nga và Trung Quốc hiện đại hóa quân sự, các chính phủ đã sụp đổ và đang sụp đổ, cách mạng Trung Đông, mạng Internet, hải tặc, thảm họa thiên nhiên và thảm họa do con người tạo ra…”. Trong những nội dung nói trên có “Bắc Triều Tiên, Nga và Trung Quốc hiện đại hóa quân sự”, đối với nước Mỹ thì đó là những mục tiêu mà Mỹ nhắm đến trong chính sách “trở lại châu Á” của họ. Đối với môi trường an ninh địa chính trị của Trung Quốc, Trương Văn Mộc tổng kết bằng hình ảnh “sói thực sự đã đến”. 

II - Mỹ dịch chuyển trọng tâm chiến lược quân sự là biến số lớn nhất 

Bành Quang Khiêm - Thiếu tướng, Phó tổng thư ký Ủy ban chính sách an ninh quốc gia - Hội nghiên cứu khoa học chính sách Trung Quốc: Hai năm gần đây là thời kỳ môi trường an ninh địa quân sự của Trung Quốc phức tạp và nghiêm trọng. Cuộc đọ sức và cọ xát giữa hai lối tư duy, hai ý niệm, hai loại quan điểm giá trị là hòa bình phát triển và đối đầu chiến tranh lạnh diễn ra hết sức quyết liệt. Mâu thuẫn mang tính kết cấu giữa Trung Quốc và Mỹ tăng lên rõ rệt, trọng tâm bố trí chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ chuyển dịch nhanh hơn, trở thành lượng lớn nhất ảnh hưởng đến môi trường an ninh địa quân sự của Trung Quốc. 

Sau chiến tranh Côxôvô, Mỹ cơ bản đã hoàn thành bố cục chiến lược ở khu vực vành đai phía Tây của lục địa Á-Âu, “phía Tây không chiến sự”, thêm nữa là Trung Quốc phát triển nhanh đã dẫn đến sự lo ngại cực độ của nước Mỹ. Trọng tâm bố trí chiến lược quân sự toàn cầu của Mỹ chuyển dần từ phía Tây lục địa Á-Âu sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sau nhiều năm cố gắng, việc xây dựng chuỗi đảo và một quần thể các căn cứ quân sự ở Tây Thái Bình Dương được đẩy mạnh thêm một bước, đảo Guam được xây dựng thành đầu mối chiến lược mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, 60% tàu ngầm hạt nhân và 6 trong số 11 biên đội tàu sân bay của Mỹ lần lượt được bố trí tại đây. Để phối hợp, Mỹ lớn tiếng tuyên bố “trở lại Đông Nam Á”, các hoạt động trinh sát quân sự và diễn tập quân sự áp sát khu đặc quyền kinh tế ở biển phía Đông Trung Quốc và ở Biển Đông(Biển Đông) tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, Mỹ lần đầu tiên dàn xếp đưa đến một trạng thái tiếp cận gần nhau giữa hai quân đội Nhật Bản và Hàn Quốc, giữa Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc đã có dấu hiệu nhất thể hóa về quân sự. Mỹ còn nhanh chóng tiếp cận các nước khác có giá trị lợi dụng với Mỹ ở xung quanh Trung Quốc. Vậy là Trung Quốc đứng trước sự kiềm chế mang tính kết cấu của một “NATO châu Á”. Tuy vậy, bởi thực lực tổng hợp và hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc có bước tiến bộ lớn, khả năng bảo vệ an ninh quốc gia tăng lên mạnh, mặc dù đứng trước nhiều thánh thức về an ninh, các sự kiện bột phát và xung đột quân sự cục bộ không thể loại trừ, nhưng khả năng bị nước ngoài xâm nhập vũ trang quy mô lớn và chiến tranh toàn diện không lớn. Còn nước Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược về phía Đông, áp lực đối với Trung Quốc tăng lên nhưng Mỹ phải chịu nhiều nhân tố kìm hãm, Mỹ khó tập trung chú ý và nguồn lực chiến lược vào đối phó với Trung Quốc. Nói tóm lại, môi trường an ninh địa quân sự của Trung Quốc tuy phức tạp, có nhiều thay đổi nhưng bánh lái điều khiển phương hướng chung về an ninh quốc gia của Trung Quốc vẫn ở trong tay Trung Quốc. 

Vương Tương Tuệ - Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu vấn đề chiến lược, Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh: Cuộc đấu ngoài không gian hiện nay đang tăng lên mạnh, Mỹ đã nêu rõ phải kiểm soát toàn diện không gian, khi cần thiết sẽ ngăn chặn chiến lược không gian của nước khác muốn tiến vào và sử dụng không gian vũ trụ, khiến “biên cương trên không” của Trung Quốc, tức an ninh vũ trụ đứng trước khảo nghiệm nghiêm trọng. Cao Đông Quản - Chủ nhiệm Ban nghiên cứu học thuật, Tổng cục hậu cần PLA: Trong thời đại Internet như hiện nay, chúng ta phải tỉnh táo nhận thức được rằng thế lực thù địch thế kỷ 21 sẽ sẵn sàng sử dụng không gian mạng để thực hiện cuộc “chiến tranh thông tin”, “chiến tranh mạng”, lấy đó để ngăn chặn bước phát triển hòa bình của Trung Quốc. Vấn đề an ninh mạng nếu không được giải quyết tốt sẽ gây nguy hại toàn diện đến an ninh chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa nên cần phải được coi trọng cao độ. 

III - Hiệu ứng “khủng bố lan tràn” tạo nên thách thức mới 

Lý Khánh Công - Phó tổng thư ký Ủy ban chính sách an ninh quốc gia - Hội nghiên cứu khoa học chính sách Trung Quốc: Môi trường an ninh trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay cũng rất nghiêm trọng, tính chất nghiêm trọng này được thể hiện trong ba vấn đề là chống khủng bố, chống ma túy và chống hải tặc. Hai năm trở lại đây các sự kiện khủng bố quốc tế vẫn nhiều, nạn buôn bán ma túy tràn lan, cướp biển hoành hành. Khu vực có nhiều hoạt động khủng bố xảy ra từng bước chuyển dần sang khu vực xung quanh Trung Quốc, hình thành nên một “vành đai chiến tranh - khủng bố” với trung tâm là hai chiến trường Irắc và Ápganixtan. Trung Quốc ở gần khu vực “tam giác vàng” về nguồn lực ma túy, lại cũng giáp với các nước và khu vực “lấy ma túy đánh trận trước”, “lấy ma túy nuôi khủng bố”, nhiệm vụ chống khủng bố hết sức nặng nề. Hai năm gần đây cũng là thời kỳ hoạt động của hải tặc, nhất là ở vùng biển Xômali, vùng biển này đã trở thành vùng điển hình nhất trong 5 “vùng biển khủng bố lớn”. Có một dấu hiệu tương đối rõ là ba thế lực nói trên gần đây liên kết với nhau khiến cho cuộc đấu tranh “chống ba thế lực” của quốc tế trở nên khó khăn hơn. 

Trong cuộc đấu tranh “chống ba thế lực” nói trên, cuộc đấu tranh chống khủng bố vẫn có ảnh hưởng lớn nhất đối với môi trường an ninh địa chính trị của Trung Quốc. Cuộc chiến tranh chống khủng bố của Mỹ diễn ra 10 năm nay trong đó động cơ và nguyên nhân của cuộc chiến đã sớm chuyển từ mục tiêu “trả thù khủng bố” sang thành hiện thực “khủng bố trả thù”. Quân đội Mỹ và liên quân của họ ở Irắc và Ápganixtan đã bắn giết tràn lan không những làm cho bao nhiêu người dân vô tội thương vong nghiêm trọng, mà còn phát sinh “hiệu ứng khủng bố” rõ rệt khiến người dân hai nước hoang mang sợ hãi cực độ. “Tâm lý sợ Mỹ” nói trên còn lớn hơn tâm lý sợ lực lượng vũ trang chống Mỹ. Đồng thời tình trạng giết chóc bừa bãi theo kiểu “thà giết nhầm nghìn người chứ không để sót một người” cũng khiến cho một số phần tử vũ trang chống Mỹ trốn sang nước láng giềng hoặc khu vực láng giềng như Pakixtan, đồng thời hợp nhất với thế lực khủng bố ở bản địa, từ đó có thể triển khai các hoạt động chống khủng bố ở phạm vi lớn hơn. “Hiệu ứng khủng bố lan tràn” nói trên đã tạo nên thách thức mới đối với môi trường an ninh địa chính trị của Trung Quốc./. 

  Theo báo “Quốc phòng Trung Quốc” (ngày 20/9)

 

Lê Sơn (gt)