Theo nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, đây là mặt trái của hiện tượng gọi là “Đồng thuận Bắc Kinh”. Ông Nghĩa giải thích năm 2004, nhà báo Mỹ Joshua Cooper Ramo đã hệ thống hóa chuỗi chính sách kinh tế của Trung Quốc thành một tập hợp rồi dán cho nhãn hiệu “Đồng thuận Bắc Kinh”, trong đó nhấn mạnh đến ba hướng sáng tạo của Trung Quốc: Thứ nhất, áp dụng công nghệ hiện đại để rút ngắn thời gian chứ không sử dụng những công nghệ đã lỗi thời; Thứ hai, trong quá trình phát triển chú ý đến chất hơn là lượng; Thứ ba, phát huy sức tự chủ để tranh hùng với thiên hạ.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng chiến lược phát triển của Trung Quốc theo ba quan niệm chủ đạo ấy không hề được thể hiện trên thực tế: Thứ nhất, Trung Quốc chỉ "học lỏm" và đang chất kim loại đồng thành núi chứ không áp dụng công nghệ tiên tiến nào; Thứ hai, "Kế hoạch 5 năm thứ 12" được ban hành tháng 10/2010 đã chuyển từ lượng sang chất vì chiến lược cũ có quá nhiều bất ổn và gây bạo loạn xã hội; Thứ ba, khái niệm phát triển tự chủ là nguồn gốc của hành động bá quyền ngang ngược hiện nay và sẽ gây ra nhiều rắc rối cho nước này.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng giải pháp phát triển kinh tế thị trường bằng chế độ độc tài theo kiểu chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc đã gây ra bất công và bạo động, chứ không có gì "hài hòa". Những cụm từ như “tổng hợp quốc lực”, “xã hội hài hòa” hay “quật khởi hòa bình” đều là ngôn từ hoa mỹ của Trung Quốc che giấu ý đồ "trong bá ngoài vương" của lãnh đạo Bắc Kinh. Ngày nay, chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc đã dẫn tới thực tế là gây bất công và bất mãn nên bạo loạn xảy ra, trong khi tai họa về môi sinh đang cận kề và sẽ bùng lên bất cứ lúc nào. Bây giờ, việc chế độ phải dàn trận với dân chúng là mặt nổi khó che giấu. Chính những khó khăn ấy khiến họ khuấy động Biển Đông để khích động chủ nghĩa Đại Hán. Từ đó, có thể thấy cái gọi là “Đồng thuận Bắc Kinh” chỉ là trò quảng cáo dối trá.

Cũng liên quan đến tình hình Trung Quốc, "Tạp chí Âu-Á" ngày 16/6 cho biết các nhà chức trách của Bộ An ninh Công cộng Trung Quốc - cơ quan chịu trách nhiệm về tình báo, an ninh, luật pháp và trật tự trong nước - ngày càng lo ngại khi dân chúng ngày càng có xu hướng coi thường các biện pháp tăng cường luật pháp và trật tự công cộng của chính quyền.

Sự thách thức của công chúng đối với chính quyền diễn ra từ đầu tháng 6/2011 tại các khu vực của người Tây Tạng thuộc tỉnh Tứ Xuyên và Quảng Đông - nơi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triển đầu thập kỷ 1980, sau đó mở rộng sang các khu vực khác của Trung Quốc. Các nhà sư ở tỉnh Tứ Xuyên liên tục phản đối chính quyền bắt giam khoảng 300 nhà sư thuộc tu viện Kirti tại một trại giam quân đội để tiến hành "giáo dục luật pháp", sau khi các nhà sư này tổ chức biểu tình thể hiện sự đoàn kết với một tu sĩ 16 tuổi tự vẫn hồi tháng 3/2011 nhằm phản đối sự thống trị của Trung Quốc ở các khu vực của người Tây Tạng. Sau đó cuộc biểu tình của các nhà sư đã lan rộng đến các khu vực người Tây Tạng khác. Các nhà sư và ni cô người Tây Tạng ở khu vực Kardze, cũng thuộc tỉnh Tứ Xuyên, đã đẩy mạnh các cuộc biểu tình phản đối chính quyền mặc dù bị các nhà chức trách đánh đập và giam giữ trong các trại giam quân đội.

Tương tự, bất ổn ở tỉnh Quảng Đông cũng đang diễn ra do chính quyền đối xử bất công đối với các công nhân người Trung Quốc từ nơi khác đến làm việc trong các ngành công nghiệp của tỉnh (gọi là công nhân di cư). Thông qua biện pháp kiểm soát chặt chẽ Internet, các nhà chức trách đã tìm cách ngăn chặn tất cả thông tin liên quan đến phong trào biểu tình của các nhà sư lọt ra thế giới bên ngoài. Nhưng chính quyền không thể ngăn chặn thông tin liên quan đến cuộc biểu tình của các công nhân di cư ở tỉnh Quảng Đông lan sang các khu vực khác của Trung Quốc cũng như thế giới bên ngoài.

Các công nhân di cư biểu tình đang tìm cách phát tán nhiều bức thông điệp qua các blog của người Trung Quốc. Tất nhiên, việc sử dụng các blog để phát tán các thông điệp liên quan đến cuộc biểu tình ở Trung Quốc không rộng rãi như "Cách mạng Hoa nhài" đầu năm nay ở Tuynidi và Ai Cập, song một thông điệp được phát tán ra bên ngoài qua một blog của người Trung Quốc cho biết: "Khi cảnh sát và quân đội ra tay, họ có thể dập tắt cuộc bạo động hiện nay, nhưng sẽ không giải quyết được những vấn đề cơ bản. Do khoảng cách thu nhập của Trung Quốc ngày càng tăng, nhiều người buộc phải sống ở các thành phố xa xôi quanh năm để kiếm tiền đủ sống. Các công nhân di cư bị phân biệt đối xử và ngược đãi bởi tất cả những người xung quanh như các ông chủ, các chủ nhà trọ và thậm chí cả người dân địa phương. Họ bị đối xử như các công dân hạng hai hoặc hạng ba. Chính sách 'bàn tay sắt' không phải là biện pháp để đối xử với họ. Nhà chức trách có thể dập tắt cuộc bạo động ở Xintang, nhưng nó sẽ xảy ra ở một số nơi khác".

NCBĐ (tổng hợp)