Hình ảnh huấn luyện phóng tên lửa DF-31. Nguồn: China Military Online

 

·         Binh đoàn Pháo binh số 2 đã có những bước tiến nổi bật, không chỉ  trong vấn đề hiện đại hóa phần cứng mà còn cả trên khía cạnh huấn luyện và tác chiến

·         Nhiệm vụ của Lực lượng này vẫn là răn đe, đặc biệt là chống sự can thiệp của Mỹ trong một cuộc xung đột khu vực

·         Nhiệm vụ răn đe ngày càng tập trung vào việc phát triển năng lực về vũ khí thông thường, tuy nhiên năng lực về vũ khí hạt nhân cũng được hiện đại hóa nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả

Vào ngày 22 tháng 1, trên trang web của quân đội Trung Quốc, tờ PLA Daily đã đăng những bức ảnh của đơn vị Binh đoàn Pháo binh số 2 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLASAF) tham gia diễn tập phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cơ động Đông Phong 31 (DF-31) (China Military Online, ngày 22/1). Những bức ảnh không tiết lộ về khả năng mới của loại tên lửa này (Trung Quốc đã phát triển ICBM cơ động hơn 7 năm trước), và có vẻ cũng không đề cập đến việc cảnh báo cụ thể một quốc gia nào, mặc dù một số phương tiện truyền thông khu vực coi đó là một mối đe dọa (South China Moring Post, ngày 23/1; Chosun Illbo, 26/1). Tuy nhiên, những bức ảnh lại nhấn mạnh một xu hướng quan trọng: tăng cường sự tự tin về năng lực vũ khí hạt nhân và thông thường của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc. Trong khi bối cảnh và nhiệm vực quân đội thay đổi, PLASAF vẫn duy trì sứ mệnh của mình bằng việc tập trung phát triển năng lực răn đe thông thường thông qua việc thể hiện khả năng chiếm ưu thế trong một cuộc xung đột khu vực và ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột đó.

Là lực lượng kiểm soát các loại tên lửa hành trình tấn công trên bộ phóng từ mặt đất và tên lửa đạn đạo thông thường, PLASAF đang ngày càng trở thành một lực lượng đáng gờm. Năng lực công nghiệp vượt trội và là ưu tiên chiến lược dài hạn đã khiến cho lực lượng này trở thành một “chương trình phát triển tên lửa đạn đạo đa dạng và năng động nhất” trên thế giới (NASIC, Mối đe dọa tên lửa hành trình và đạn đạo, 2013, tr.3). Trung Quốc ngày càng gia tăng số lượng và đa dạng hóa các loại tên lửa, thử nghiệm và sản xuất các loại tên lửa cải tiển về tải trọng, độ chính xác cao hơn, tầm bắn xa hơn, trong khi vẫn tiến hành nâng cấp hệ thống cũ; thành lập các đơn vị mới. Bản báo cáo mới đây nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) về Sự phát triển An ninh và Quân sự liên quan đến Trung Quốc vào đầu tháng 6 đã nhấn mạnh đến việc Trung Quốc liên tục hiện đại hóa năng lực tên lửa thông thường và hạt nhân của mình. Phản ánh sự phát triển ấn tượng mà Trung Quốc thực hiện trong lĩnh vực này, DoD đã miêu tả chương trình phát triển tên lửa hành trình và đạn đạo của Trung Quốc “có thể so sánh với các nhà sản xuất quốc tế hàng đầu khác,” một thành tựu ấn tượng cho phép Trung Quốc sở hữu nhiều loại tên lửa khác nhau và có uy lực (DoD, Báo cáo thường niên và sự phát triển an ninh và quan sự liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 2014, tháng 6, tr.46).  

Điều quan trọng nữa là sự phát triển rất nhanh đó không chỉ giới hạn về kho vũ khí tên lửa tinh vi, có khả năng đặt cả khu vực và các mục tiêu trên lục địa của Mỹ vào tầm ngắm, mà đó còn là một lực lượng tên lửa hành trình và đạn đạo, thông thường toàn diện, đa dạng và có số lượng nhiều nhất trên thế giới. Hiện nay, với năng lực như vậy đã biến PLASAF trở thành “lực lượng lượng răn đe chiến lược cốt lõi của Trung Quốc” (Zhongguo Zhanlue weishe de hexin liliang).[1]

Bài viết này sẽ đưa ra một cái nhìn sâu sắc về sự phát triển của PLASAF và nhấn mạnh sự nổi lên trở thành một lực lượng quan trọng và năng động của PLA. Phần thứ nhất đánh giá về học thuyết và năng lực tấn công chính xác của vũ khí thông thường ngày càng phát triển của PLASAF. Phần thứ hai tập trung vào sự hiện đại hóa năng lực răn đe hạt nhân và các vấn đề về huấn luyện và cá nhân của PLASAF.

Hiện đại hóa năng lực tấn công tầm xa chính xác của vũ khí thông thường (LRPS)

Từ khi thành lập năm 1996 đến cuối những năm 1980, tên lửa hạt nhân của PLASAF có số lượng rất ít, lạc hậu và dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, vào năm 1993, lực lượng này đảm nhận thêm nhiệm vụ đối với loại vũ khí tấn công thông thường. Sau khi đảm nhận thêm nhiệm vụ đối với vũ khí tấn công thông thường, PLASAF đã triển khai số lượng tương đối nhỏ tên lửa đạn đạo tầm ngắn thông thường (SRBM) vào những năm 1990. Năm 2001, Trung Quốc có khoảng 350 SRBM thông thường. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, vào khoảng năm 2007, số lượng trên đã tăng lên gần gấp 3 lần.

Đối với PLA, vũ khí thông thường đóng vai trò trung tâm, không chỉ đối với nhiệm vụ thực hiện các hoạt động chiến đấu, mà nó còn đảm nhiệm nhiệm vụ răn đe chiến lược. Các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc nhận định rằng, sự phát triển về cộng nghệ vũ khí thông thường đã tăng cưởng rất lớn năng lực răn đe của sức mạnh quân sự thông thường trong những thập kỷ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Vũ khí thông thường không chỉ ngày càng có sức mạnh hơn, mà nó có được sử dụng nhiều hơn, có tính cơ động hơn rất nhiều so với vũ khí hạt nhân. Cùng với sự phát triển mà một công bố gần đây của PLA đề cập coi đó là sự “quy ước hóa răn đe” (weishe liliang changguihua), một quan chức PLA tuyên bố rằng, vũ khí thông thường “trở thành phương thức răn đe đầy uy lực để đạt được các mục tiêu chính trị” (chengwei shixian zhengzhi mubiao de youli weishe shouduan) (SMS, tr. 137-138). Tên lửa hạt nhân chiến thuật mang ý nghĩa phạm vi, còn tên lửa hạt nhân mang ý nghĩa tác động, tên lửa thông thường của PLASAF đóng vai trò chủ chốt về mặt này.

Bên cạnh sự gia tăng về số lượng SRBM thông thường, Trung Quốc cũng thúc đẩy khả năng về các loại vũ khí tầm xa, độ chính xác cao và các loại đầu đạn nổ. Thời gian gần đây, PLASAF cũng đã bắt đầu sản xuất tên lửa đạn đạo tầm trung thông thường, loại tên lửa này không chỉ tấn công các mục tiêu trên mặt đất như các căn cứ không quân trong khu vực, mà nó còn là loại tên lửa đạn đạo chống tàu (ASBM) đầu tiên trên thế giới với mục tiêu tấn công là các tàu lớn nổi trên mặt nước, chẳng hạn như tàu sân bay. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan (Ủy ban Biên tập Báo cáo Quốc phòng Quốc gia, Báo cáo Quốc phòng ROC 2011, Bộ Quốc phòng, tháng 8/2011, tr. 71) thì Bắc Kinh đã triển khai loại tên lửa này từ sau năm 2010. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ 2014 cũng cho thấy rằng, hiện Bắc Kinh đang chế tạo mở rộng phạm vi tấn công đối với các loại tên lửa này thông qua việc phát triển loại tên lửa đạn đạo tầm trung thông thường (IRBM) (Báo cáo Thường niên, tr.40). Theo giới truyền thông Trung Quốc thì khi được triển khai, loại tên lửa này sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu xa hơn như đảo Guam, một căn cứ ngày càng trở nên quan trọng đối với quân đội Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Nhân dân Nhật báo, 18/02/2011).

Vào tháng 12/2012, Trung Quốc đã triển khai kho vũ khí với hơn 1000 quả tên lửa SRBM, hầu hết đều hướng tầm bắn về Đài Loan.

Phụ lục 1: Tên lửa SRBM của Trung Quốc

 

Tên lửa

Tầm bắn tối đa (km)

CSS-11 Mod 1 (Đông Phong 16 – DF-16)

800+

CSS-6 Mod 1 (Đông Phong 15 – DF-15)

600

CSS-6 Mod 2

850+

CSS-6 Mod 3

725+

CSS-7 Mod 1 (Đông Phong 11 – DF-11)

300

CSS-7 Mod 2

600

CSS-8 (Đông Phong 7 – DF-7)

150

CSS-9 Mod 1

150

CSS-9 Mod-X-2

260

CSS-14 Mod-X-1

150

CSS-14 Mod-X-2

280

CSS-X-16

200

CSS-X-15

280

 

 

 

Ghi chú: Tất cả các loại tên lửa trên đều là tên lửa cơ động, có hơn 200 bệ phóng đặt tại mỗi điểm chiến lược tại mỗi lớp (số tên lửa nhiều hơn bệ phóng, đòi hỏi khả nạp đạn). Tất cả đều chứa nhiên liệu rắn, ngoại trừ tên lửa CSS-8, đây là loại tên lửa nhiên liệu lỏng và rắn. Nguồn: Trung tâm Tình báo Không gian và Bầu trời Quốc gia NASIC, 2013.

Mặc dù mối quan hệ Hai bờ hiện ở giai đoạn tốt đẹp nhất, nhưng Bắc Kinh vẫn e ngại lực lượng đối lập Đài Loan, Bắc Kinh vẫn nỗ lực tối đa hóa khả năng răn đe và cưỡng ép, trong khi vẫn luôn khẳng định rằng tên lửa của mình cơ bản chỉ nhằm vào các quốc gia bên ngoài can thiệp (Mỹ và có thể là Nhật Bản). Các tác giả đã quan sát cách tiếp cận này trực tiếp trong mối liên hệ với các cá nhân PLA và Đại Lục và các chuyên gia Đài Loan.

PLASAF cũng triển khai tên lửa phóng từ mặt đất DH-10C với tầm bắn khoảng 2.000km, tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10 (LACM). Triển khai các loại tên lửa như vậy sẽ khắc phục được hạn chế khả năng tấn công chính xác tầm xa của PLAN và PLAAF. Với tầm bắn tương tự nhưng được trang bị thêm các tính năng hiện đại khác là hai biến thể tên lửa thông thường cùng chủng loại: tên lửa MRBM DF-21C (CSS-5) tầm bắn tối đa 1.750km và loại nhỏ hơn nhưng số lượng nhiều hơn là tên lửa ASBM DF-21D tầm bắn 1.500km. Trong tương lai, năng lực tên lửa thông thường LRPS của Trung Quốc sẽ có thêm cả tên lửa IRBM của PLASAF (DoD 2014, NASIC 2013).

Với khả năng đáp trả mạnh mẽ, độ chính xác cao, tầm bắn xa và tầm xuyên lớn, lực lượng tên lửa thông thường của PLASAF cho phép Trung Quốc đủ khả năng thực hiện các cuộc tấn công thông thường ở phạm vi xa và có độ chính xác cao. Ngay cả khi năng lực tấn công thông thường của PLAN và PLAAF phát triển thì PLASAF vẫn giữ được vài trò trung tâm về năng lực tấn công thông thường trong khu vực của Trung Quốc. Theo ấn bản Khoa học Quân sự Trung Quốc  năm 2013 thì “Đối với PLA, PLASAF là lực lượng quan trọng [nhất] để tiến hành những cuộc tấn công thông thường tầm xa, và lực lượng này có vai trò đặc biệt và không thể thay thế” (SMS, tr.229).

Hiện đại hóa Học thuyết

Kể từ khi tên lửa thông thường được đưa vào sử dụng những năm 1990, Lực lượng Pháo binh Số 2 đã tập trung vào yêu cầu “ngăn chặn, tác chiến hạt nhân và thông thường”, đây là yêu cầu nhấn mạnh đến nhiệm vụ hoạt động chiến đấu và ngăn chặn của tên lửa thông thường và hạt nhân. Cùng với quá trình hiện đại hóa các lực lượng của mình, PLASAF cũng tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện học thuyết, một học thuyết được xây dựng nhằm đưa ra đường hướng tương lai về phát triển và triển khai năng lực của lực lượng tên lửa thông thường và hạt nhân. Các tài liệu được PLA công bố: “Các nguyên tắc hoạt động của thế hệ mới” xuất bản năm 1991, và tiếp theo là những cuốn sách xuất bản một năm sau đó, phản ánh quá trình PLASAF thực hiện trong lĩnh vực này. Đặc biệt, các ấn phẩm công khai của quân đội Trung Quốc cho thấy những tiến bộ quan trọng được thực hiện về tư duy của Binh đoàn Pháo binh Số 2 như thế nào về các chiến dịch của lực lượng tên lửa và hoạt động răn đe. [2]

Bắc Kinh sẽ không đạt được các mục tiêu bằng con đường ngoại giao cưỡng ép và răn đe, các ấn phẩm của PLA nhấn mạnh rằng, lực lượng tên lửa đóng vai trò qua trọng giúp Trung Quốc đạt được những mục tiêu chiến lược và lợi ích của mình. Chẳng hạn, cuốn sách Bách khoa về Lực lượng Tên lửa Chiến lược Trung Quốc do PLASAF phát hành đưa ra những chi tiết liên quan đến học thuyết, hoạt động chiến đấu, chỉ huy, kiểm soát, hậu cần, quản lý và lịch sử. Một ủy ban biên tập do các chỉ huy của PLASAF đứng đầu đã thực hiện dự án này từ năm 2001.

Giống như các ấn phẩm khác của PLA, bộ bách khoa này cho rằng, trong thời chiến, các đơn vị tên lửa của PLASAF có thể là mục tiêu chính trong các cuộc tấn công của kẻ thù. Vì vậy, lực lượng này sẽ phải chiến đấu trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt, khả năng sống sót phải lớn. PLASAF cần phải chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa của kẻ thù, chẳng hạn như các cuộc tấn công bằng vũ khí dẫn đường độ chính xác cao, cuộc đột kích từ các lực lượng đặc nhiệm, phải sẵn sàng thực hiện sửa chữa và nhanh chóng phục hồi năng lực chiến đấu từ thiệt hại gây ra bởi một cuộc tấn công.[3]

Bộ bách khoa của PLASAF nhận định rằng, khả năng cơ động, ẩn nấp và thời gian đáp trả nhanh là điều cực kỳ quan trọng đảm bảo sự sống còn của lực lượng tên lửa (Bách khoa Lực lượng Tên lửa, tr.73). Đặc biệt, khả năng di chuyển không bị phát hiện là chìa khóa cho sự sống còn của lực lượng này. Điều này phụ thuộc vào khả năng ẩn nấp, nghi binh và các biện pháp đánh lạc hướng, ngăn chặn khác. Chẳng hạn, PLASAF có thể tận dụng thời gian ban đêm và thời tiết, hoặc có thể di chuyển đến các điểm mù của hệ thống do thám đối phương (Bách khoa Lực lượng Tên lửa, tr.77-78).

Khi các thiết bị và tên lửa rời khỏi đơn vị, các bệ phóng và phương tiện hỗ trợ sẽ sẽ được chuyển tới “khu vực kỹ thuật” (daodan jishu zhendi). Tại đây sẽ tiến hành các hoạt động thử nghiệm và nạp đạn. Vị trí khu vực kỹ thuật luôn đặt dưới long đất nhằm đảm bảo bí mật vị trí và bảo vệ cho các đơn vị tên lửa (Bách khoa Lực lượng Tên lửa, tr.89). Sau đó, tổ hợp đơn vị phóng sẽ được chuyển qua “khu vực phóng” (daodan daiji zhendi), nằm ở dưới lòng đất hoặc tại các vị trí bí mật khác, đó là các khu vực mà các đơn vị tổ hợp phóng vẫn giữ bí mật được vị trí và trong trạng thái sẵn sàng phóng khi đợi lệnh thông qua con đường kết nối an ninh bí mật (chẳng hạn sợi cáp quang) (Bách khoa Lực lượng Tên lửa, tr.89)

Các ấn phẩm quân đội Trung Quốc liệt kê lượng lớn các mục tiêu tấn công tiềm tang của tên lửa thông thường. Các mục tiêu này bao gồm trung tâm chỉ huy đối phương, cơ sở thông tin, trạm rada, các mục tiêu thông tin liên lạc, vị trí tên lửa dẫn đường, căn cứ không quân, phương tiện hải quân, trạm xe lửa, cầu, cơ sở hậu cần, năng lượng, các trung tâm phát điện và các nhóm tàu sân bay tấn công. Mục tiêu tấn công của tên lửa thông thường của Lực lượng Pháo binh Số 2 là “làm tê liệt hệ thống chỉ huy đối phương; làm suy giảm sức mạnh quân sự và khả năng tiếp tục hoạt động chiến đấu của quân thù; tạo tâm lý sốc và làm lung lay ý chí chiến đấu; thăm dò khả năng can thiệp của địch.”[4] Để đạt được những mục tiêu này, bách khoa của PLASAF nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc đảm bảo cho lực lượng tên lửa có đủ khả năng chọc thủng hoặc áp đảo hoàn toàn hệ thống phòng thủ đối phương bằng các phương tiện vũ khí công nghệ đa đầu đạn, đầu đạn cơ động, nghi binh, tàng hình và các cuộc tấn công dồn dập (Bách khoa Lực lượng Tên lửa, tr.87).

Kết luận 1

Răn đe là mục tiêu di động: nhằm duy trì khả năng phát triển từ từ nhưng để đạt mục tiêu chiến lược lớn bền vững, PLASAF phải tiếp tục tăng cường năng lực vũ khí hạt nhân và thông thường. Các ấn phẩm của PLA nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng lớn về năng lực răn đe thông thường, loại năng lực sẽ tiếp tục đạt được sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng.

Trọng tâm của Bắc Kinh trong việc ngăn cản các quốc gia yêu sách trong tranh chấp tại Các Vùng Biển Gần và các đối thủ tiềm tàng khác làm ảnh hưởng đến lơi ích trong khu vực và an ninh trên đất liền, ngăn cản Mỹ can thiệp vào các tranh chấp như vậy, điều đó đặt ra những đòi hỏi mới đối với PLASAF. Thứ nhất, để phát triển năng năng lực chống tiếp cận mạnh, chống lại các đối thủ có nguồn lực, sức mạnh như Mỹ đòi hỏi một sự phát triển lớn về năng lực vũ khí thông thường.

Ngoài ra, để duy trì năng lực răn đe hạt nhân hiệu quả bất chấp những biện pháp đối phó đang ngày càng gia tăng của đối thủ, PLASAF phải tiếp tục tăng cường lực lượng hạt nhân của mình. Cuối cùng, để hiện thực hóa những thành tựu hiện đại hóa phần cứng hiện nay của mình trong điều kiện thực tế, PLASAF phải tăng cường các hoạt động và huấn luyện phù hợp. Những nỗ lực này sẽ là chủ đề phân tích tiếp theo.

NÂNG CẤP PHẦN CỨNG VÀ PHẦN MỀM

Phần đầu bài viết phân tích về tiến trình PLASAF hiện đại hóa kho vũ khí thông thường và “quy chuẩn hóa răn đe” -  đưa ra học thuyết dựa vào các loại vũ khí phi hạt nhân hiện đại để ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ và sự can thiệp quốc tế khác vào một cuộc xung đột khu vực. Trong khi PLASAF đã thực hiện những thay đổi đó thì lực lượng này cũng đã nâng cấp năng lực hạt nhân của mình, đó là thảo luận về cách thức mà trong đó các loại vũ khí hạt nhân có thể ngăn chặn các cuộc tấn công thông thường bất chấp chính sách "Không sử dụng vũ khí hạt nhân trước" của Trung Quốc. Nhưng vì phần cứng đã được nâng cấp để đạt các mục tiêu, cho nên bắt buộc cần phải có những binh lính được chuẩn bị tốt hơn, trình độ cao hơn, đây là một thách thức ngày càng quan trọng đối với lực lượng này.

Tăng cường độ tin cậy về khả năng răn đe hạt nhân

Răn đe là mục tiêu di động. Để duy trì độ tin cậy, PLASAF phải tiếp tục tăng cường năng lực vũ khí hạt nhân và thông thường. Các ấn phẩm của PLA nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng lớn về năng lực răn đe thông thường, loại năng lực sẽ tiếp tục đạt được sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Trong khi đó, các nguồn của PLA cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết tiếp tục tục khả năng răn đe hạt nhân. Ngay cả khi mục tiêu theo đuổi phát triển chất lượng chỉ ở mực khiêm tốn, thì điều này cũng cho thấy nhu cầu tiếp tục hiện đại hóa lực lượng hạt nhân và phát triển hiện đại nhằm đảm bảo vượt qua sự phát triển của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) và các mối đe dọa tiềm tàng khác.

Ấn phẩm mới đây nhất của tạp chí Khoa học Chiến lược Quân sự, do Học viện Khoa học Quân sự xuất bản năm 2013. Ấn phẩm  nhấn mạnh đến tầm quan trọng về sự phát triển “một lực lượng đáp trả hạt nhân hiệu quả”, một lực lượng được coi là thành phần cốt lõi trong “hệ thống răn đe” của Trung Quốc (weishe tixi).[5] Các nhà phân tích PLA coi đó là một thách thức, bởi Trung Quốc phải đối mặt với một “môi trường an ninh hạt nhân phức tạp”. Kẻ thù chính mà Trung Quốc phải ngăn chặn là Mỹ, tuy nhiên Trung Quốc cũng không thể bỏ qua các quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân khác , chẳng hạn như Ấn Độ, quốc gia cũng đang hiện đại hóa năng lực hạt nhân của mình. Các nhà phân tích PLA nhấn mạnh những quan ngại về sự phát triển công nghệ mà họ coi đó là mối đe dọa tiềm ẩn đối với khả năng răn đe hạt nhân của mình, đáng chú ý nhất là khả năng tấn công nhanh toàn cầu bằng vũ khí thông thường (CPGS) và phòng thủ tên lửa (SMS, tr.171). Sự hiện đại hóa lực lượng tên lửa hạt nhân của PLASAF đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực khắc phục những thách thức này

Từ những khởi đầu khiêm tốn về năng lực không thực sự chắc chắn, một năng lực dựa vào học thuyết chấp nhận rủi ro của Mao và “cuộc tấn công bất định đầu tiên” (đối phương hoàn toàn không chắc chắn thành công khi xác định và phá hủy các tên lửa của Trung Quốc bằng đòn phản công đầu tiên của mình). Ngày nay, Trung Quốc đang ngày càng đảm bảo khả năng đáp trả hạt nhân đáng tin cậy hơn. Lực lượng tên lửa hạt nhân hiện tại của Trung Quốc sở hữu tên lửa đạn đạo tầm trung MRBM và tên lửa đạn đạo tầm trung IRBM đảm nhiệm vai trò răn đe ở khu vực, tên lửa  đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cơ động và tên lửa phóng từ hầm phòng, hai loại tên lửa này có khả năng nhắm bắn tất cả các mục tiêu trên thế giới. Trung tâm tình báo Tên lửa và Lực lượng Không gian Quốc gia Mỹ (NASIC) ước tính rằng, lực lượng ICBM của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng cường cả về quy mô và chủng loại, và “số lượng đầu đạn hạt nhân của tên lửa ICBM của Trung Quốc với khả năng vươn tới nước Mỹ có thể sẽ tăng lên hơn 100 đầu đạn trong vòng 15 năm tới” (Mối đe dọa Tên lửa Hành trình và Đạn đạo, 2013, tr.3). Ngoài ra, các loại tên lửa cơ đông với khả năng tránh bị tiêu diệt cao hơn, được cải tiến các biện pháp đối phó kẻ địch, cải tiến về phương thức chỉ huy, kiểm soát và thông tin (C3), loại tên lửa này có khả năng thực hiện một cuộc tấn công lần hai. Lưu ý đặc biệt là những cải tiến C3 đối với tên lửa hạt nhân. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD), “Thông qua cải tiến liên kết thông tin liên lạc, các đơn vị ICBM của Trung Quốc giờ đây có khả năng tiếp cận thông tin liên lạc trên chiến trường thông suốt, kết nối với tất cả các cấp chỉ huy, và các chỉ huy đơn vị có thể truyền lệnh cho cấp dưới cùng thời điểm thay vì từng đợt.[6]

Về mặt ngôn ngữ, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Không Sử dụng vũ khí hạt nhân trước” (NFU), và vẫn luôn kiên trì nhấn mạnh chính sách này. Tuy nhiên đã xuất hiện những điều mập mờ liên quan cụ thể chính xác từng trường hợp mà chính sách này áp dụng. Một số ấn phẩm quân đội Trung Quốc cho rằng, khả năng hạt nhân Trung Quốc có thể hỗ trợ ngăn chặn những cuộc tấn công chiến lược thông thường. Tất nhiên, điều này không nhất thiết phải mang hàm ý là Trung Quốc sẽ sử dụng chúng để leo thang hạt nhân khi đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào ngoài các mối đe dọa vũ khí thông thường nghiêm trọng nhất, nhưng nó cũng cho thấy rằng Bắc Kinh sẽ dựa vào khả năng đáp trả hạt nhân để hạn chế sự lựa chọn của đối phương và muốn đối phương phải cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng này. Các tác giả của Khoa học về các Chiến dịch của Binh đoàn Pháo binh Số 2 nhận định rằng, vũ khí hạt nhân là “điểm tựa hạt nhân mạnh mẽ giúp đảm bảo vị thế của các nước lớn và là nguồn răn đe rất lớn.”[7] Mối e ngại về khả năng leo thang hạt nhân có thể khiến cho kẻ thù phải hết sức thận trọng khi tiến hành một cuộc chiến tranh thông thường với Trung Quốc, điều này có thể hạn chế những chọn lựa của đối phương và giúp Trung Quốc dễ dàng hơn khi tiến hành các hoạt động chiến đấu thông thường. Đặc biệt, theo Khoa học về các Chiến dịch của Binh đoàn Pháo binh Số 2 thì “trong các cuộc chiến cục bộ trong điều kiện thông tin hóa, chỉ cần đơn giản bằng việc thể hiện có mức độ về sức mạnh hạt nhân, điều đó có thể sử dụng linh hoạt các phương pháp ngăn chặn; khi đối phương tiến hành một cuộc không kích vũ khí thông thường được thông tin hóa để tấn công chúng ta, họ không thể không cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng cái giá họ phải trả là rất lớn, qua đó đạt được mục tiêu hỗ trợ cho các hoạt động chiến đấu vũ khí thông thường” (SSAC, tr.274).

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc lại nhấn mạnh đến chính sách tiếp tục phát triển, vẫn tuyên bố rằng họ chỉ đơn thuần theo đuổi một lực lượng hạt nhân “vừa phải và có hiệu quả” để đáp ứng được những nhu cầu về an ninh quốc gia. Tuy nhiên so với tính chất thô sơ ban đầu của kho vũ khí hạt nhân trước đây của Bắc Kinh, thì sự gia tăng nhanh chóng và vẫn đều đặn diễn ra đang tạo ra sự khác biệt rất lớn. Các loại tên lửa ICBM cơ động và ICBM phóng từ hầm của PLASAF có thể tấn công các mục tiêu trên toàn thế giới, tính cơ động của loại tên lửa này được tăng cường, do đó tăng khả năng bị tiêu diệt. NASIC ước tính lực lượng ICBM của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục phát triển không chỉ về số lượng mà còn cả về chất lượng.

Nằm trong sự phát triển rất đáng kể của PLASAF, Trung Quốc được cho là đang phát triển và thử nghiệm tên lửa DF-41, loại tên lửa ICBM cơ động có khả năng mang nhiều đầu đạn tấn công các mục tiêu độc lập (MIRV) (Global Times, ngày 28/10/2010; DoD 2014, tr.7). Trung Quốc cũng thử nghiệm tên lửa siêu thanh (HGV), loại tên lửa có thể được triển khai đóng vai trò răn đe hạt nhân (The Diplomat, 17/1). Đóng vai trò quan trong đối với lợi ích của PLASAF, sự triển khai DF-41 và khả năng tiềm ẩn của HGV có thể bảo toàn vai trò răn đe hạt nhân vượt trội của mình bất chấp việc PLAN đang tiến hành thực hiện sử dụng tàu tuần tra răn đe bằng các loại tên lửa SSBN mới.

Nhân tố con người – Phiên bản 2.0

Trong những năm gần đây, phần cứng trở thành sức mạnh tương đối của quân đội Trung Quốc, được thúc đẩy bởi sự tập trung vào công nghệ và dựa vào số lượng rất lớn công nghệ nước ngoài. Đối với PLASAF, vấn đề này còn bao hàm cả năng lực về nền tảng chỉ huy tích hợp và năng lực C4ISR khác. Tuy nhiên, yêu cầu lớn nhất cho tiến trình này rõ ràng vẫn là nguồn nhân lực. Giới lãnh đạo dân sự và quân sự Trung Quốc nhận biết rõ tính cấp thiết này và đang đưa ra những sửa đổi phù hợp

Nâng cao năng lực cá nhân là nền tảng thiết yếu. Các tân binh PLASAF tiếp thu kỹ năng công nghệ từ Chương trình Sinh viên Quốc Phòng và “những sự kết hợp chiến lược” giữa các trường đại học đứng đầu ở Trung Quốc, gồm các trường Đại học Thanh Hoa, Bách Khoa Tây Bắc, Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia, Đại học Kỹ thuật Thông tin và Đại học Công nghệ (Tin tức Lực lượng Tên lửa, 3/1, tr.1). Sự hợp tác phát triển kỹ năng dân sự-quân sự tương tự đã được thực hiện từ thập kỷ trước tại Viện Nghiên cứu Lực lượng Vũ trang PLASAF (Tin tức Lực lượng Tên lửa, 28/12/2013, tr.1).

Tương tự, công tác huấn luyện trong điều kiện thực tế hết sức cần thiết, và đó là chủ đề trọng tâm đã được lên kế hoạch. Có lẽ điều quan trọng và đặc biệt nhất trong thời đại Tập Cận Bình là có những nỗ lực thực sự trong công tác đánh giá chính xác và phát triển liên tục. Vào 12/2013, theo Tin tức Lực lượng Tên lửa, cơ quan ngôn luận chính thức của PLASAF nhấn mạnh rằng, sự chỉ đạo của Tập Cận Bình nhằm thực hiện “huấn luyện chiến đấu thực tế” phải được thực hiện một cách thực chất, có tổ chức như quân đội Nga và Mỹ. Điều đó tập trung nhấn mạnh: “Việc tiến hành huấn luyện trong điều kiện chiến đấu thực tế…cần thiết phải tập trung vào chiến trường tương lai…thực hiện đối đầu với một kẻ thù có sức mạnh, gắn chặt chiến đấu thực tế trong kiểm tra và khái niệm huấn luyện, phương pháp huấn luyện và năng lực chiến đấu thực tiễn.” “Tăng cường nhận thức chiến đấu thực tiễn” phải được tiếp thu bằng việc “gắn chặt với các quan điểm trọng yếu về chiến đấu thực tiễn” và “nhận thức được chiến trường tương lai và hiểu được đối thủ trong tương lai.” “Nguyên tắc huấn luyện,” điều “quyết định mô hình chiến đấu,” phải được chuyển đổi phù hợp: “Nếu chúng ta muốn chiếm thế thượng phong và chủ động trong chiến trường tương lai, chúng ta phải liên tục chuyển đổi nguyên tắc đào tạo…tập trung vào những thiếu sót….và thường xuyên thay đổi phương thức huấn luyện và chiến thuật, sử dụng những khải niệm mới mẻ để thúc đẩy sự mới mẻ trong các mô hình huấn luyện.” Cuối cùng, những tiêu chuẩn phải được thực hiện một cách nghiêm túc: “thực hiện huấn luyện chiến đấu trong điều kiện thực tế đòi hỏi thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn huấn luyện và thông qua việc thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy hiệu quả quá trình đào tạo ở các cấp” (Tin tức Lực lượng Tên lửa, 14/12/2013, tr.2B).

Vào 3/2014, theo Tin tức Lực lượng Tên lửa, “Trong một cuộc diễn tập giữa 2 tiểu đoàn đối đầu với nhau, hai bên đều nhận lệnh xuất kích cùng thời điểm như nhau, tới vị trí đã xác định vào những thời điểm khác nhau, một bên đến vị trí xác định sớm hơn 10 phút so với bên còn lại. Trích dẫn trường hợp này làm ví dụ, một lữ đoàn thực hiện một buổi thảo luận mở rộng, lần lượt kêu gọi các binh sĩ đưa ra một số “hành động mang tính tự phát” [zixuan dongzuo]. “Chỉ huy phụ trách buổi tập luyện khẳng định rằng “Mặc dù các “hành động mang tính tự phát” có thể đi chệch hướng so với các thủ tục đã được quy chuẩn hóa và vi phạm nội quy…nhưng chúng vẫn đáng được khích lệ.” Theo đó, “Lữ đoàn này đã tổ chức một buổi thảo luận lớn trên quy mô rộng rãi bàn đến những tiêu chuẩn về sức mạnh chiến đấu” đã tạo ra một “cuộc thảo luận sôi nổi, nóng bỏng” về việc làm thế nào để hiện thực hóa được mục tiêu khi mà “mọi thứ đều đã được sắp đặt nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu” (Tin tức Lực lượng Tên lửa, 15/3, tr.2).

Những báo cáo như vậy đã xuất hiện thường xuyên trên phương tiện truyền thông quân đội, thúc đẩy các hoạt động tương tự. Một ví dụ khác tán dương buổi huấn luyện đặc biệt được đưa ra nhằm kiểm tra lại kỹ năng khôi phục và hậu cần, là vấn đề trước đó bị coi là sự yếu kém trong một “diễn đàn phê bình và đánh giá đặc biệt” ngay sau một buổi huấn luyện (Tin tức Lực lượng Tên lửa, 22/1, tr.2).  Việc tăng cường năng lực hỗ trợ thông tin, hậu cần và thiết bị cũng được đặt trọng tâm phát triển, bao gồm việc sử dụng sự kết hợp dân sự - quân sự (Tin tức Lực lượngTên lửa, 17/12/2013. Tr.1; 9/11, tr.3). Các buổi huấn luyện đang ngày càng gắn với hoạt động chiến đấu ban đêm, băng qua các khu vực, dưới điều kiện khắc nghiệt và với sự kháng cự dữ dội (bao gồm các cuộc tấn công không gian mạng, hóa học, hạt nhân và vệ tinh trinh thám mô phỏng) (Tin tức Lực lượng Tên lửa, 22/1, tr.2). Mô phỏng trên máy tính đang ngày càng được sử dụng trong giảng dạy và huấn luyện (Tin tức Lực lượng Tên lửa, 26/11/2013. Tr.4).

Các hạ sỹ quân (NCO) không chỉ được coi là nền tảng quan trọng về chuyên môn công nghệ, mà họ còn được xem là quan trọng về khả năng chỉ huy” (Tin tức Lực lượng Tên lửa, 1/10/2013, tr.1). Đây là tất cả thành phần của một cơ chế lớn hơn, trong đó, các yếu tố truyền thống như sự ngụy trang, ứng biến,  niềm tin tâm lý và chính trị vẫn sẽ tiếp tục được chú trọng (Xem “Cải cách Lính Nghĩa vụ và Hạ sỹ quan Quân Giải phóng Nhân dân,” China Brief, 28/10/2011).

Kết luận

Trong những năm gần đây, Binh đoàn Pháo binh Số 2 đã có những bước tiến ấn tượng về phát triển năng lực tên lửa thông thường và hạt nhân. Hơn nữa, tầm cỡ về mặt tổ chức của Binh đoàn Pháo binh Số 2 ngày càng tăng cùng với những phát triển trong vấn đề hiện đại hóa lực lượng, điều này được phản ánh bởi sự có mặt của chỉ huy PLASAF trong Quân Ủy Trung ương (CMC) vào năm 2004, cùng với các chỉ huy của không quân và hải quân, và vai trò trung tâm của lực lượng tên lửa đã được phân định trong các chiến dịch phối hợp của PLA, đặc biệt là trên lĩnh vực thực hiện các cuộc tấn công tên lửa thông thường nhằm hỗ trợ PLA chiếm ưu thế trên biển, trên không và thông tin.

Nhận thức sâu sắc được vấn đề đáp ứng những nhiệm vụ ngày càng tăng sẽ xoay quanh nhân tố nguồn nhân lực, PLASAF đang tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo, đồng thời gia tăng công tác huấn luyện thực tiễn nhằm nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Những đổi mới về chỉ huy và đào tạo như vậy đang được tiến hành rộng khắp PLA dưới thời Tập Cận Bình, ông Tập là người nhấn mạnh đến sự chuẩn bị về mặt thực tiễn nhằm tham gia vào các hoạt động chiến đấu với cường độ cao. Các học viện của PLA đang nỗ lực truyền tải đường hướng của ông Tập thành các vấn đề cụ thể mang tính khả thi (Xem “Phiên họp Toàn thể Lần thứ 3 về Công tác Tuyển dụng và Đổi mới PLA” và “Sự phát triển trong Phối hợp tác chiến của PLA và Cải cách Quân đội”, China Brief ngày 20/11/2013 và 9/4).

Trong tương lai, sự phát triển của PLASAF có thể sẽ tập trung vào việc hiện đại hóa lực lượng tên lửa hạt nhân, tăng cường năng lực tấn công tên lửa thông thường, và “phát triển những loại hình phương thức chiến tranh mới” (fazhan jinxing zouzhan shouduan) nhằm mở rộng khả năng trong các lĩnh vực điện tử và không gian (SMS, tr.232-233). Đầu tiên, Trung Quốc có thể kỳ vọng tiếp tục tăng cường sức mạnh cho lực lượng tên lửa hạt nhân của PLASAF, đây là lực lượng sẽ vẫn duy trì sức mạnh nền tảng về mô hình răn đe hạt nhân của Trung Quốc ngay sau khi Trung Quốc bổ sung thêm một đơn căn cứ trên biển vào lực lượng hạt nhân của mình. Trung Quốc cũng có thể mong muốn thúc đẩy xa hơn nữa năng lực tấn công chính xác thông thường cho PLASAF và cuối cùng là bổ sung thêm các hệ thống tên lửa thông thường tầm bắn xa hơn vào kho vũ khí của mình. Ngoài ra, năng lực trong các lĩnh vực không gian và điện tử mạng có thể sẽ được tăng cường mạnh mẽ hơn cho sự đóng góp của lực lượng tên lửa vào năng lực chiến tranh thông thường và răn đe chiến lược của Trung Quốc.

Cùng với sự phát triển năng lực về chiến tranh thông tin điện tử, không gian, không quân và hải quân của PLA, tiến trình hiện đại hóa liên tục đối với lực lượng tên lửa hạt nhân và thông thường của Trung Quốc có lẽ sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng về mặt chiến lược, hoạt động và chiến thuật đối với Mỹ, đồng minh và bạn bè của mình trong khu vực. Những khả năng đáp trả đối với mối đe dọa tấn công tên lửa thông thường của Trung Quốc có thể bao gồm hệ thống tên lửa tầm xa hạt nhân, bố trí phân tán và một loạt các phương thức chống xâm nhập, làm gián đoạn hoặc làm suy giảm khả năng giám sát, do thám, tình báo và dò tìm mục tiêu của Trung Quốc.

Theo The Jamestown Foundation

Trần Quang (dịch)

 


[1] Junshi kexue yuan junshi zhanlue yanjiubu [Học viện Khoa học Quân sự, Khoa Nghiên cứu Chiến lược Quân sự), biên tập: Zhanlue xue [Khoa học Chiến lược Quân sự], Bắc Kinh: Junshi kexue chubanshe [Báo Khoa học Quân sự, 2013], tr. 228-29. (Hereafter: SMS)

[2] Yu Jixun, “Xin shiji xin jieduan de zhanlüe daodan budui zuozhan lilun chuangxin fazhan” [Sự phát triển cách mạng về Lý thuyết Chiến đấu của lực lượng Tên lửa Chiến lược trong giai đoạn mới và trong thế kỷ mới], Huihuang niandai: Huigu zai gaige kaifang zhong fazhan qianjin de di er paobing [Glorious Era—Looking Back on Second Artillery’s Development and Advances in the Period of Reform and Opening], Beijing: Zhongyang Wenxian Press, 2008, tr. 441-46.

[3] (Zhongguo Zhanlüe Daodan Budui Baike Quanshu [China Strategic Missile Force Encyclopedia] Bắc Kinh, Trung Quốc: Báo Bách khoa Trung Quốc, 2012, tr. 81-82). (Sau đây gọi là: Bách khoa Lực lượng Tên lửa)

[4] Binh đoàn Pháo binh Số 2 Quân Giải Phóng Nhân dân, Di er paobing zhanyi xue [Nghiên cứu Khoa học về Các chiến dịch của Binh đoàn Pháo binh Số 2] Bắc Kinh: Báo PLA, 2004, tr. 318. (Sau đây gọi là: SSAC)

[5] Junshi kexue yuan junshi zhanlue yanjiubu [ [Học viện Khoa học Quân sự, Khoa Nghiên cứu Chiến lược Quân sự), biên tập: Zhanlue xue [Khoa học Chiến lược Quân sự], Bắc Kinh: Junshi kexue chubanshe [Báo Khoa học Quân sự, 2013], tr. 148. (Hereafter: SMS)

[6] Bộ Quốc phòng, Sự phát triển An ninh và Quân sự liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2014 [Hereafter, DoD 2014], tr. 28, < http://www.defense.gov/pubs/2014_DoD_China_Report.pdf >

[7] Lực lượng Pháo binh Số 2, Quân Giải phóng Nhân dân, Di er paobing zhanyi xue [Nghiên cứu Khoa học các Chiến dịch của Binh đoàn Pháp binh Số 2]Bắc Kinh: PLA Press, 2004, tr. 274. (Hereafter: SSAC)