Sau khi bài viết này được hoàn thành, tại Diễn đàn về vấn đề Trường Sa do Đại học Ateneo de Manila tổ chức ngày 05/8/2011, Ngoại trưởng Phi-líp-pin Albert del Rosario tuyên bố rằng đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc chính là “điểm then chốt của vấn đề” và gây khó khăn cho việc tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông (mà giờ đây Phi-líp-pin gọi là Biển Tây Phi-líp-pin).[1]

Ngoại trưởng Phi-líp-pin cũng đề cập đến việc Phi-líp-pin đề nghị Trung Quốc giải quyết vấn đề tại Tòa án quốc tế về luật biển hoặc các cơ quan tài phán quốc tế khác đồng thời nhấn mạnh rằng: “Phi-líp-pin cho rằng đường 9 đoạn của Trung Quốc đơn giản là bất hợp pháp. Đường đó là tùy tiện và không có bất kỳ cơ sở hay giá trị nào theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển”.

 Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Phi-líp-pin cũng cho biết đáp lại những cáo buộc của Phi-líp-pin về việc Trung Quốc vi phạm vùng biển của họ trước Liên hợp quốc, Trung Quốc đã trả lời rằng không xảy ra vi phạm do Trung Quốc có quyền chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông nhờ yêu sách đường 9 đoạn.[2]

Dường như những vi phạm của Trung Quốc mà Phi-líp-pin đề cập bao gồm cả sự kiện Bãi Vành Khăn khi Ngoại trưởng Phi-líp-pin nêu cụ thể rằng vụ vi phạm xảy ra “trong phạm vi 85 hải lý tính từ đảo gần nhất của Phi-líp-pin là Palawan”.  Ông del Rosario cũng cho biết thêm rằng Phi-líp-pin sẽ kêu gọi các nước tham gia vào việc đưa giá trị pháp lý của yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc ra xem xét theo Công ước Luật biển đồng thời “lưu ý” tất cả các nước cần chuẩn bị cho việc yêu sách của mình được xem xét trước một cơ quan tài phán quốc tế và được công nhận.

Những tuyên bố trên của Ngoại trưởng Phi-líp-pin phần nào làm sáng tỏ thêm về đối tượng tranh chấp mà Phi-líp-pin định đưa ra trước Tòa Trọng tài Phụ lục VII – đó là đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc. Một sự phản bác theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển, đối với đường yêu sách 9 đoạn bao trùm đến 80% Biển Đông là vô cùng cần thiết và sẽ góp phần vào nỗ lực chung của các nước duy trì ổn định và phát triển Biển Đông. Tạm thời bỏ qua việc thảo luận về tính phi lý của đường 9 đoạn của Trung Quốc, vấn đề đáng quan tâm đó là Tòa trọng tài Phụ lục VII có thể thụ lý một vụ việc liên quan đến đường 9 đoạn hay không. Vấn đề này lại phụ thuộc vào nội dung thực chất của đường 9 đoạn là gì. Ở đây có một điểm khó khăn đó là Trung Quốc vẫn chưa chính thức công khai quan điểm của mình về vấn đề này. Dù theo Ngoại trưởng Phi-líp-pin, Trung Quốc cho rằng đường 9 đoạn đem đến cho Trung Quốc “quyền tài phán” ở Biển Đông thì vẫn có sự không rõ ràng đó là “quyền tài phán” là quyền tài phán loại gì. Cụ thể là, “quyền tài phán” đó là quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông và đường 9 đoạn là đường ranh giới thể hiện quyền lịch sử đó. Hay đường 9 đoạn chỉ thể hiện yêu sách về các vị trí địa lý mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và trong các vị trí đó có đảo theo Công ước Luật biển và do đó “quyền tài phán” mà Trung Quốc nói đến là quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo đó theo Công ước Luật Biển. Trong trường hợp thứ hai này, vấn đề lại quay lại là trong các vị trí địa lý mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông – Trường Sa - có đảo theo quy định tại Điều 121 của Công ước Luật biển để từ đó Trung Quốc có thể có yêu sách về thềm lục địa từ các đảo đó hay không. Nếu trong trường hợp này thì như đã thảo luận, Tòa trọng tài Phụ lục VII có khả năng thụ lý vụ việc. Tác giả vẫn tiếp tục cho rằng việc giải thích và áp dụng Điều 121 đối với Trường Sa chính là vấn đề Phi-líp-pin sẽ đưa ra Tòa trọng tài Phụ lục VII. Điều này được củng cố thêm bằng thực tế đó là khi phản đối đường 9 đoạn của Trung Quốc tại Liên hợp quốc tháng 4 vừa qua, Phi-líp-pin cho rằng đường 9 đoạn là thể hiện yêu sách về vùng biển và thềm lục địa của quần đảo Trường Sa.

Mặc khác, trong trường hợp Trung Quốc cho rằng đường 9 đoạn thể hiện “quyền tài phán” có tính chất lịch sử thì khả năng Tòa trọng tài Phụ lục VII có thẩm quyền thụ lý yêu cầu Phi-líp-pin hay không sẽ trở nên ít rõ ràng hơn. Điều này là do tuyên bố của Trung Quốc năm 2006 theo Điều 298 có loại trừ các tranh chấp liên quan đến “vịnh lịch sử và danh nghĩa lịch sử” khỏi thẩm quyền  của các cơ quan tài phán nêu tại Điều 297, Mục 2 Phần XV, cụ thể trong trường hợp này là Trọng tài Phụ lục VII. Câu hỏi đặt ra là ngoại lệ “vịnh lịch sử hay danh nghĩa lịch sử” (historic bay or historic title) có bao gồm cả quyền lịch sử hay không? Có học giả cho rằng câu trả lời là phủ định.[3]

Tuy nhiên, học giả đó không cung cấp các án lệ hay ý kiến của các học giả nổi tiếng để bảo vệ quan điểm của mình. Quan điểm của tác giả là trong các án lệ cũng như các chuyên khảo nghiên cứu về danh nghĩa lịch sử (historic title) và quyền lịch sử (historic right) trong luật quốc tế, phạm trù “danh nghĩ lịch sử” thường được hiểu là bao gồm cả “quyền lịch sử”. Nếu như vậy, một Tòa trọng tài Phụ lục VII sẽ khó có thể có thẩm quyền để thụ lý yêu cầu của Phi-líp-pin về giá trị của đường 9 đoạn như là một đường thể hiện yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, cũng nên nói qua rằng nếu Trung Quốc chính thức khẳng định rằng đường 9 đoạn là yêu sách về “quyền lịch sử” ở Biển Đông không liên quan đến vấn đề chủ quyền đảo thì Công ước Luật biển lại có thêm một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc mà Phi-líp-pin có thể đơn phương viện dẫn. Cơ chế này là cơ chế hòa giải, được áp dụng với tranh chấp thuộc ngoại lệ nêu tại Điều 298 mà không liên quan đến các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Tuy báo cáo của ủy ban hòa giải không có giá trị bắt buộc như một phán quyết của Tòa trọng tài Phụ lục VII, ý kiến độc lập của một bên thứ ba về sự vô lý của đường 9 đoạn không phải là không có giá trị. Nó sẽ là cơ sở để Phi-líp-pin tiếp tục đàm phán với Trung Quốc về một giải pháp cho tranh chấp giữa họ, đặc biệt là về Bãi Cỏ Rong.

Dù thế nào đi chăng nữa, lời “kêu gọi” của Phi-líp-pin về việc các nước ASEAN tham gia cùng Phi-líp-pin để “thách thức” đường 9 đoạn của Trung Quốc cần được xem xét một cách nghiêm túc. Đã hé mở khả năng các nước ASEAN sẽ cùng tham gia với Phi-líp-pin trong một hoặc nhiều vụ kiện bằng thủ tục Trọng tài Phụ lục VII.

Nguyễn Đăng Thắng

Tác giải xin chân thành cám ơn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao đã góp ý cho bài viết.

[1]  Office of the President of the Philippines, 'Secretary del Rosario says China’s 9-dash line is “crux of the problem” in WPS, proposes “preventive diplomacy” solutions' An August 5, 2011 press release from the Department of Foreign Affairs (. Lưu ý là tuyên bố của Ngoại trưởng Phi-líp-pin được đưa ra dường như để đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc tại Diễn đàn an ninh khu vực ARF, trong đó Ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng đường 9 đoạn đã có từ năm 1948. Xem Ministry of Foreign Affairs of the People's Republic of China, “Remarks by Foreign Minister Yang Jiechi at the 18th ARF Foreign Ministers' Meeting, 15-23 July 2011, Bali”

[2] So với  Office of the President of the Philippines, 'Continuing dialogue essential on the South China Sea' An March 18, 2011 press release from the Department of Foreign Affairs, trong đó Ngoại trưởng Phi-líp-pin không nói cụ thể nội dung công hàm của Trung Quốc trả lời công hàm phản đối của Phi-líp-pin liên quan đến sự kiện Bãi Cỏ Rong.

[3] Xem R Beckman, 'UNCLOS Dispute Settlement Regime and the South China Sea Disputes' trình bày tại 2011 International Law Association Asia-Pacific Regional Conference, Taipei (Taiwan), May 29 – 1 June 2010 2011.