Những nhà cai trị của các thể chế chuyên quyền thường được đánh giá chung là sẽ được hưởng lợi của việc tự do hành động hơn trong việc hoạch định chính sách so với các nhà lãnh đạo của các nền dân chủ bởi vì họ không bị trói buộc bởi các chu kỳ tranh cử. Với những nhà lãnh đạo của các thể chế độc tài kiểu đó, đương nhiên có thể kết luận rằng các thể chế chuyên chế có nhiều quyền hạn hơn để tiến hành các cải cách kinh tế khắc khổ nhờ vào việc họ không cần phải giải trình với cử tri. 

Tuy nhiên, về mặt trực giác, sự xác nhận này có thể là đúng song trên thực tế thì hoàn toàn khác. Trong khi có một thực tế rằng các nhà lãnh đạo chuyên quyền không phải lo lắng về việc giành chiến thắng trong tranh cử, họ lại có ít tự do hành động hơn so với những gì mọi người đánh giá. Thật ra, họ đang bị trói buộc bởi sự ảnh hưởng của các nhóm lợi ích và các mệnh lệnh của chương trình nghị sự chính trị. 

Không có quốc gia nào mà tình trạng chi phối của các chương trình nghị sự chính trị lại rõ ràng như ở Trung Quốc. Với ảnh hưởng của thực trạng tài chính cao kỷ lục, năng suất lao động trong lĩnh vực chế tạo dư thừa, bong bóng bất động sản phình to và vô số doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả đang hút máu của nền kinh tế, Trung Quốc chỉ có sự lựa chọn sống còn duy nhất là phải đối mặt với một cơn đau ngắn hạn để tránh nguy cơ một nền kinh tế trì trệ dài hạn. Nói cách khác, Bắc Kinh tốt hơn hết là xóa bỏ toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, thừa nhận các khoản nợ xấu khổng lồ tại các ngân hàng và tái cơ cấu vốn cho hệ thống ngân hàng. Các biện pháp mạnh tay này chắc chắn sẽ gây ra một đợt suy thoái đau đớn nhưng phần thưởng về dài hạn là một nền kinh tế khỏe mạnh hơn và cân bằng hơn. Nếu nhà lãnh đạo chuyên quyền có sự nhận định đúng đắn, chúng ta sẽ mong đợi một Đảng Cộng sản cầm quyền dưới thời kỳ của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, rõ ràng là nhà lãnh đạo mạnh nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, sẽ thông qua các biện pháp cải cách này. 

Thế nhưng, đánh giá về chính sách kinh tế của Trung Quốc hiện nay, rõ ràng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hứng thú với việc chấp nhận trải qua cơn đau ngắn hạn như thế. Thay vào đó, họ tiếp tục mở cửa hoạt động cấp tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả và tiếp tục bơm phồng quả bóng bất động sản, trong khi thực thi những biện pháp yếu ớt để giải quyết tình trạng dư thừa năng suất chế tạo. 

Có một vài giải thích cho thái độ miễn cưỡng này của giới lãnh đạo Trung Quốc. Thứ nhất, Bắc Kinh rất sợ việc giảm nợ mạnh tay có thể châm ngòi một phản ứng dây chuyền của cuộc sụp đổ các khoản nợ, một cuộc khủng hoảng tài chính và dẫn đến sự sụp đổ tăng trưởng. Những nỗi sợ đó không thể bị loại trừ một cách dễ dàng. Một giải thích khác là các nhà lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng họ có dư thừa nguồn lực để giải quyết núi nợ của đất nước. Ví dụ, một vài nhà kinh tế Trung Quốc nói rằng giá trị các tài sản của quốc gia này, như các doanh nghiệp nhà nước, đất, tài nguyên khoáng sản, lớn hơn tổng số nợ của nước này, gợi ý rằng chính phủ không cần phải lo lắng về việc nợ nần thêm. Cách giải thích thứ ba cho việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hành động là Trung Quốc không thể chịu được một cuộc khủng hoảng tài chính thảm họa vì nước này đang có tỷ lệ gửi tiết kiệm rất cao. Chính phủ kiểm soát ngân hàng và hầu hết các khoản nợ đều là nợ bằng đồng nhân dân tệ. 

Thực tế không thuận lợi 

Trong khi những kiểu bảo vệ như trên dành cho chính sách kinh tế hiện nay của Trung Quốc nhận được một vài sự tán thưởng thì những lời biện hộ đó đã bỏ qua một thực tế phũ phàng: Chương trình nghị sự chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc khiến việc cải cách kinh tế trở nên khó tưởng tượng khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ mạo hiểm với một cuộc suy thoái trước thời điểm chuyển giao quyền lực lãnh đạo vô cùng quan trọng tại quốc gia này. 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19, đại hội sắp tới, dự kiến diễn ra vào mùa Thu năm 2017. Từ nay đến thời điểm đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải vận dụng những thủ đoạn chính trị của mình. 

Cuộc đua này không thể khốc liệt hơn. Đối với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, đây là cơ hội đầu tiên của ông để xây dựng bộ máy lãnh đạo. Nếu mọi việc thuận lợi, ông có thể đưa những người ủng hộ ông vào Bộ Chính trị và quan trọng nhất là Thường trực Bộ Chính trị. Theo quy định không chính thức hiện hành đối với việc về hưu khi kết thúc nhiệm kỳ, 5 trong số 7 ủy viên Thường trực Bộ Chính trị sẽ về hưu vào năm tới. Nếu ông Tập Cận Bình có thể bổ nhiệm ba người trung thành với mình vào cơ quan quyền lực này, ông sẽ kiểm soát cơ quan quyền lực cao nhất đất nước. 

Cũng có những đồn đoán về những thay đổi thậm chí còn lớn hơn tại Đại hội Đảng sắp tới như sự kết thúc của các quy định không chính thức về nhiệm kỳ và giới hạn tuổi, việc tiến hành chọn người kế nhiệm cho 5 năm. Nếu như người kế nhiệm ông Tập Cận Bình được chọn, điều đó sẽ xảy ra tại Đại hội Đảng lần thứ 19. 

Thế nhưng, phải chăng tất cả các mánh lới chính trị này phải đi kèm với chính sách kinh tế? Câu trả lời ngắn gọn là mọi thứ. 

Khái niệm được phổ biến rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là chế độ độc tài từ trên xuống dưới, trong đó hầu hết những người cai trị quyền lực nhất có thể áp đặt ý chí của họ lên những người cấp thấp hơn trong thể chế này, trên thực tế là không có cơ sở. Chế độ hiện nay là một liên minh những người ưu tú bao gồm nhiều phái và các nhóm lợi ích. Một nhóm hoặc cá nhân nổi bật trong thể chế này có thể có nhiều quyền lực hơn bất kỳ đối thủ cạnh tranh nhóm hoặc cá nhân nào nhưng nhóm hoặc cá nhân đóng vai trò chi phối hiếm khi có thể coi nhẹ sự phản đối của các nhóm khác kết hợp lại. 

Vậy điều đã làm phức tạp phép tính chính trị của các nhà lãnh đạo hàng đầu hiện nay và đặc biệt là ông Tập Cận Bình chính là tiến trình lựa chọn lãnh đạo của đảng bị kiềm chế bởi những thủ tục chính thức và không chính thức mà trong đó các nhà lãnh đạo có tư tưởng địa phương, đặc biệt các bí thư đảng tại các tỉnh và các chủ tịch, thị trưởng, có thể thực thi ảnh hưởng thực sự của mình. 

Từ nay đến Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sự kiện quan trọng nhất trong việc quyết định nhân sự của Bộ Chính trị sắp tới sẽ là cuộc họp không chính thức của Ban chấp hành Trung ương đảng và một nhóm các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu (các cựu ủy viên Bộ Chính trị) vào tháng 6/2017. 

Vai trò quyết định 

Một cuộc họp như thế đã diễn ra vào tháng 6/2007, sự kiện mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ định ông Tập Cận Bình làm người kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Nếu tiến trình này được lặp lại, các ủy viên Trung ương Đảng (cơ quan quyền lực với 200 ủy viên có quyền biểu quyết, trong đó có tất cả 62 bí thư đảng và chủ tịch các tỉnh) có thể đóng vai trò quyết định bởi vì họ có thể đưa ra chọn lựa của mình một cách bí mật cũng giống như tiến trình lựa chọn ông Tập Cận Bình năm 2007. 

Tưởng tượng xem nhóm này sẽ buồn như thế nào nếu Bắc Kinh bắt đầu tiến hành một chiến dịch mạnh tay để ổn định hệ thống tài chính và tái cơ cấu kinh tế. Một động thái như thế sẽ làm tổn hại kinh tế của nhiều tỉnh, đặc biệt là những tỉnh mà các ngành công nghiệp nặng có mật độ tập trung cao. Vì chính các bí thư đảng các địa phương đó muốn có một hồ sơ thành tích kinh tế ấn tượng để còn tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp, chắc chắn điều cuối cùng mà họ muốn là cuộc suy thoái kinh tế sẽ rơi vào năm chuyển giao lãnh đạo. 

Bên cạnh thực tế lợi ích quyền lực tại các tỉnh sẽ gây ra hậu quả phản tác dụng, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc còn lo ngại về sự xuất hiện và tình hình chính trị toàn diện trong năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc. Nếu lý tưởng, Đại hội lần thứ 19 sẽ là cơ hội để kỷ niệm các thành tựu của họ. Nhưng nếu một cuộc suy thoái xảy ra do tiến trình tái cơ cấu diễn ra trong năm 2017 trùng với năm diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 19, Đại hội Đảng sẽ giống một sự kiện tiễn đưa hơn là một lễ hội. Sự buộc tội lẫn nhau một cách khốc liệt sẽ diễn ra liên tục tại các trung tâm quyền lực ở Bắc Kinh. Trong một môi trường như thế, không có nhà lãnh đạo nào, không có quyền lực nào có thể đảm bảo rằng kế hoạch đưa người kế nhiệm của ông sẽ nhận được sự ủng hộ đầy đủ vào tháng 6/2017 và nó sẽ được để lại cho Đại hội Đảng vào mùa Thu 2017, nơi quy tụ hơn 2.000 đảng viên. 

Rất ít người dự đoán Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách duy trì tăng trưởng bằng bất cứ giá nào trước mùa Xuân năm 2018, thời điểm chuyển giao quyền lực kết thúc. Hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng không có thay đổi về chính sách, nền kinh tế Trung Quốc sẽ ngày càng tồi tệ hơn theo thời gian và cái giá phải trả cho việc này sẽ là chi phí của quá trình tái thiết lại khu vực tài chính càng lớn. Với những nhà lãnh đạo trên đỉnh quyền lực của Trung Quốc vốn bị ràng buộc bởi những cân nhắc quyền lực của riêng họ, những mối lo ngại này có thể đáng để họ quan tâm song nó sẽ không khiến họ thay đổi suy nghĩ.

Minxin Pei là giáo sư về quản trị tại trưởng Claremont McKenna, là tác giả cuốn “China’s Crony Capitalism: The Dynamics of Regine Decay” (Harvard University Press, 2016). Bài viết được đăng trên Nikkei Asian Review.

Văn Cường (gt)