Ngày 11/2, đại diện của Trung Quốc và Đài Loan đã gặp nhau tại thành phố Nam Kinh. Dù cuộc gặp chỉ được kỳ vọng là sẽ đạt ít đột phá (nếu có) thì tính biểu tượng của nó vẫn hết sức to lớn: là cuộc họp chính thức đầu tiên sau 65 năm. Quan hệ Trung - Đài hiện đang ấm dần lên hơn bao giờ hết.

Vậy nếu Trung Quốc có những bước đi đúng đắn và tiếp tục kéo Đài Loan vào quỹ đạo của mình một cách thành công và trong hòa bình, liệu Trung Quốc có thể tạo ra được tình thế “chiếu dồn”?

Bắc Kinh đã đưa ra một lời đề nghị khiến Đài Loan không thể từ chối: một thị trường 1,3 tỷ người đang sẵn sàng cho Đài Loan tiếp cận. Mặc dù còn gây tranh cãi, đây được xem là thành công lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thập kỷ qua. Trong khi cô lập Đài Loan trên trường quốc tế, Bắc Kinh đang tiếp cận hòn đảo này một cách kiên nhẫn và lâu dài, cung cấp những giao dịch kinh tế béo bở và giảm những lời lẽ khoa trương về quân sự (mặc dù Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 1.600 tên lửa hướng về phía Đài Loan). Việc ông Mã Anh Cửu, người đứng đầu Quốc Dân Đảng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2008, đã góp phần giúp mối quan hệ giữa Đảng của ông với Trung Quốc trở nên gần gũi hơn, khác với quan điểm của Đảng đối lập Dân Tiến (DPP) lãnh đạo Đài Loan trong 8 năm về trước.

Sau khi ông Mã lên nắm quyền, Bắc Kinh rõ ràng đã có những chính sách mềm mỏng đối với Đài Loan với việc cho phép một loạt các giao dịch kinh tế có lợi cho hòn đảo này như Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế (ECFA) giúp cắt giảm thuế quan. Cựu TTg/Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng phát biểu rằng: “Chúng tôi có thể hy sinh lợi ích của mình vì đồng bào, anh em Đài Loan ruột thịt”. Tháng 6/2008, hai bên đã đồng ý mở các chuyến bay du lịch trực tiếp, và đến tháng 12 cùng năm, hai bên bắt đầu mở rộng giao thông vận tải và dịch vụ chuyển thư. Khoảng 2,85 triệu người dân Trung Quốc đã tới thăm Đài Loan trong năm 2013, tăng 10% so với năm 2012 (cao hơn gấp đôi số lượng khách đến từ Nhật Bản -nguồn khách du lịch lớn thứ hai của Đài Loan). Và trong năm 2013, thương mại song phương giữa hai bờ đã đạt 197,2 tỷ USD, tăng gần 100% kể từ khi ông Mã lên nắm quyền. Bloomberg trích dẫn thống kê của CP cho thấy, hiện nay có khoảng 40% giá trị xuất khẩu của Đài Loan là hướng tới thị trường Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích hiện nay cho rằng ván cờ dường như đã đến hồi kết thúc. Nhà nghiên cứu Titus C. Chen thuộc Đại học quốc gia Chengchi ở Đài Bắc cho rằng: “Việc phụ thuộc lẫn nhau giữa hai bờ là một quá trình không thể đảo ngược, ít nhất là về mặt kinh tế, xã hội và văn hóa”. Ông nói thêm: “Sự phát triển của Đài Loan không thể tách rời với sự phát triển của Trung Quốc.” Khi được hỏi về sự tương đồng của quan hệ Trung - Đài đối với môn cờ vua, chuyên gia nghiên cứu về đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Miami, June Teufel Dreyer lại đưa ra một quan điểm khác. Ông dùng hình ảnh cuộc chiến đấu giữa loài kiến và côn trùng để mô tả mối quan hệ này. Ông nói: “Có một loại côn trùng mà một bầy kiến sẽ tấn công. Những con kiến đẻ trứng trên đống côn trùng đó và sau đó ăn chúng […] Đó là những gì xảy ra với Đài Loan.”

Trong khi quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc đã trở nên gần gũi hơn, Đài Loan vẫn ngày càng biệt lập so với phần còn lại của thế giới. Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Đài Loan, từ lâu đã công nhận “một Trung Quốc” và hy vọng Bắc Kinh và Đài Bắc có thể giải quyết những khác biệt một cách hòa bình. Tuy nhiên trên thực tế, Mỹ đã bán 10 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan trong vài thập kỷ qua, mặc dù số lượng gần đây đã giảm. Ông Jeff Pool, một NFN của Lầu Năm Góc cho biết: "Nước Mỹ tạo điều kiện cho Đài Loan có sẵn những trang thiết bị và các dịch vụ quốc phòng cần thiết để Đài Loan có thể duy trì được năng lực tự vệ vừa đủ”. Theo ông, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan thường được mô tả là “một sự mơ hồ chiến lược” -trong đó Mỹ không nói rõ liệu sẽ bảo vệ Đài Loan hay không nếu Trung Quốc chiếm giữ hòn đảo này bằng vũ lực.

Đối với Mỹ, việc duy trì đồng minh Đài Loan có giá trị to lớn về mặt tượng trưng và chiến lược. Tuy nhiên, vấn đề Đài Loan đối với Mỹ ít quan trọng hơn nhiều so với đối với Trung Quốc. Mark Stokes, GĐ điều hành của tổ chức Project 2049 chuyên nghiên cứu về an ninh châu Á và cũng là cựu quan chức quốc phòng Mỹ nhận định: Theo Lý thuyết về Tính tất yếu (Inevitability Theory), Trung Quốc tin rằng chắc chắn rồi Đài Loan sẽ được sáp nhập về đại lục. Câu hỏi đặt ra là nếu sớm muộn Đài Loan cũng bị Trung Quốc thôn tính thì tại sao chúng ta phải dại dột để gây rắc rối?

Dù có là tất yếu hay không thì Trung Quốc vẫn luôn gặp thách thức là làm sao thuyết phục được Đài Loan rằng việc thống nhất là có lợi, và thuyết phục người dân Trung Quốc rằng chiến thuật khôn ngoan nhất là kiên nhẫn.

Jia Quingguo, Trưởng khoa trường nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, trong cuốn sách “Debating China” xuất bản năm 2014 đã viết rằng: khi tiếp cận vấn đề Đài Loan, áp lực chính trị lên CP/Trung Quốc là rất lớn và ngày một gia tăng. Trước đây, người dân Trung Quốc biết rằng Trung Quốc còn yếu nên không thể ngăn cản Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Nhưng giờ đây nhiều người tin rằng, Trung Quốc không nên tiếp tục nhượng bộ cho hành động xúc phạm như vậy. Theo ông, vì vấn đề thống nhất đất nước là một nguồn quan trọng đối với tính chính danh chính trị nên nếu không xử lý thỏa đáng vấn đề Đài Loan, ĐCS/Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ nghiêm trọng.

Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo được cho là quyền lực và quyết đoán nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua có thể rất muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này. Tháng 10/2013, ông Tập từng phát biểu rằng, không nên để vấn đề hai bờ kéo dài dai dẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Câu hỏi đặt ra là: Liệu có phải Tập Cận Bình đã xa rời chủ trương kiên nhẫn của Hồ Cẩm Đào hay không?

Theo nhà nghiên cứu Stokes, về mặt quốc tế, thời điểm này cũng thuận lợi. Căng thẳng leo thang trong tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông giúp hướng dư luận ra khỏi vấn đề Đài Loan (Cả Trung Quốc và Đài Loan đều nhất trí rằng, quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý là thuộc về Đài Loan. Bất đồng duy nhất và rõ nhất giữa Trung Quốc và Đài Loan chính là vấn đề chủ quyền của Đài Loan). Ngày càng có nhiều áp lực phải đạt được tiến bộ trong vấn đề này trước khi người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2016 và nhiều khả năng sẽ được kế nhiệm bởi nhân vật ít thân thiện với Trung Quốc hơn.

Trong bối cảnh đó Trung Quốc phải làm gì? Đại diện đàm phán hôm 11/2 của Trung Quốc, Trương Trí Quân chỉ nói chung chung rằng hai bên cần “có thêm ý tưởng”. Kết quả cụ thể duy nhất của cuộc họp tính đến thời điểm này là hai bên đồng ý sớm thiết lập văn phòng đại diện tại mỗi bên, mặc dù thời điểm chưa được xác định. Một điều mà từ “ý tưởng” đó không ám chỉ đến, đó là chiến tranh. Trong ngắn hạn, khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan hầu như là không có. Hòn đảo nhiều núi non này có rất nhiều lợi thế khi tham chiến: Đài Loan có thể tập trung triển khai các chiến thuật hợp lý trong bối cảnh bất cân xứng về khả năng quân sự giữa hai bờ (phát huy điểm mạnh của mình và tấn công vào các điểm yếu của đối phương), tận dụng năng lực phòng vệ bờ biển tốt và chia nhỏ quân lực nên sẽ rất khó cho Trung Quốc trong việc tấn công. Thậm chí kể cả khi Mỹ không can thiệp thì cũng chưa chắc Trung Quốc đã giành thắng lợi.

Theo Alan D. Romberg, GĐ Chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson Center và là cựu quan chức ngoại giao Mỹ, Trung Quốc chỉ chiến thắng nếu có thể làm Đài Loan khuất phục không phải bằng chiến tranh mà bằng hợp tác kinh tế, chia sẻ công nghệ, nâng cao hình ảnh của mình để Đài Loan thấy được rằng sẽ là cơ hội khi được trở về với Trung Quốc. Ông cho rằng: “Điểm bao trùm trong chính sách của Trung Quốc là cố gắng tạo ra môi trường để người dân Đài Loan mong muốn trở về”.

Taipei Times, trích lời Richard Bush, cựu CT Viện nghiên cứu Mỹ của Đài Loan, một tổ chức tư nhân nghiên cứu lợi ích của Mỹ tại Đài Loan phát biểu hồi tháng 1/2014 rằng: Đối với Đài Loan, mối nguy hiểm lớn nhất không phải là bị tấn công quân sự mà là bị Trung Quốc sử dụng sức mạnh ép phải khuất phục. Còn ông Chen của Đại học Quốc gia Chengchi thì tin rằng “lựa chọn duy nhất cũng là rủi ro nhất [đối với Đài Loan] là can dự vào Trung Quốc, thâm nhập sâu hơn vào hệ thống kinh tế, xã hội và làm thay đổi kiến trúc thượng tầng của Trung Quốc từ bên trong”. Một Trung Quốc tự do và dân chủ sẽ có cách hành xử khác đối với Đài Loan. Tuy nhiên, khả năng diễn ra thay đổi chính trị to lớn ở Trung Quốc hầu như là không có. Nhà nghiên cứu Dreyer nói: “Trừ khi có một sự kiện nào đó bất ngờ xảy ra, triển vọng tiếp tục duy trì độc lập ở Đài Loan sẽ chẳng hay ho gì”.

Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, thế giới ngày càng nhìn thấy tương lai thống trị của một Vương quốc Trung tâm như tên gọi của Trung Quốc, thay vì Mỹ. Nếu cũng có rất nhiều người Đài Loan suy nghĩ tương tự thì khi đó ván cờ sẽ kết thúc. 

Theo Foreign Policy

Văn Cường (gt)