Rudyard Gruffiths: Kính thưa quý vị, chào mừng đến Toronto, Canada tại sảnh đường Roy Thompson để tham dự cuộc tranh luận Munk về Trung Quốc. Tên tôi là Rudyard Gruffiths, người đồng tổ chức các cuộc Tranh luận Munk (Munk Debates) cùng với đồng nghiệp của tôi, Patrick Luciani, và thật vinh dự khi tôi được làm điều phối viên cho cuộc tranh luận tối nay.

Trước hết tôi xin chào mừng hàng ngàn người đang đón xem cuộc tranh luận này trên mạng Internet vào lúc này, trên trang Globeandmail.com và trang MunkDebates.com. Xin nhiệt liệt đón chào hàng triệu người đang theo dõi, đọc và lắng nghe cuộc tranh luận này, từ truyền hình Úc, Mỹ và tờ Nhân dân Nhật Báo Trung Quốc cho đến các đối tác truyền thông của chúng tôi như tờ Thời báo Tài chính London và đơn vị nghiên cứu rất uy tín của Trung Quốc (China Confidential Research Unit).

Xin chào, các khán giả Canada trên khắp đất nước, đang lắng nghe và theo dõi chương trình này trên đài CBC, kênh CPAC và BNN. Và cuối cùng khi tôi nhìn quanh sảnh đường này, có đến 2700 khán giả đến tham dự cuộc tranh luận tối nay.

Tất cả những người làm chương trình này muốn cảm ơn quý vị vì đã ủng hộ cho ý tưởng nhằm tạo dựng nên một kênh thảo luận các vấn đề địa chính trị đang ảnh hưởng đến Canada và ảnh hưởng đến thế giới. Sự thành công của loạt chương trình này sẽ không thể có được nếu thiếu đi sự sáng tạo và hào phóng của hai cá nhân. Tôi hy vọng các vị có mặt ở đây hôm nay hãy cùng tôi dành một tràng pháo tay cho người sáng lập ra chương trình Tranh luận Munk của chúng ta, Peter và Melanie Munk.

Và bây giờ là thời khắc mà chúng ta đang mong đợi, chủ đề của đêm nay là: liệu thế kỷ 21 có thuộc về Trung Quốc hay không. Chúng tôi xin mời các nhà tranh luận lên sân khấu. Xin một tràng pháo tay cho hai nhà tranh luận sẽ ủng hộ quan điểm này, Niall Ferguson và David Li. Đối thủ rất mạnh của họ là Fareed Zakaria và TS. Henry Kissinger.

(Phần tiểu sử của các tác giả xin tham khảo trong tài liệu đính kèm phía dưới – người dịch)

Chúng ta hãy nói qua về cách thức tranh luận trong vòng một tiếng rưỡi tới. Mỗi nhà tranh luận sẽ có 6 phút để nêu ý kiến mở màn của mình nhằm ủng hộ hay bác bỏ quan điểm nêu trên. Sẽ có một đồng hồ báo giờ trên màn hình. Sau phần phát biểu mở màn, chúng ta sẽ để cho các nhà tranh luận xem xét và phản bác quan điểm của nhau. Sau đó chúng ta sẽ đưa khán giả vào cuộc tranh luận này theo ba hình thức. Chúng tôi đã mời đến tham dự đêm nay một số nhân vật nổi tiếng, các sinh viên của Khoa Quan hệ Quốc tế Trường Munk và chúng tôi cũng nhận các câu hỏi qua trang web của chương trình, Facebook và Twitter.

Vậy trước khi bắt đầu chương trình, tôi muốn quý vị nhìn vào các con số trên màn hình, rất thú vị. 39% quý vị cho rằng thế kỷ này sẽ thuộc về Trung Quốc, 21% vẫn còn chưa quyết định và cần nghe thêm cuộc tranh luận hôm nay. Chúng ta hãy xem quý vị có thay đổi quan điểm của mình sau cuộc tranh luận hôm nay hay không. Để bắt đầu, tôi xin mời Niall Ferguson. Anh có 6 phút cho phần mở màn của mình.

Niall Ferguson: Cảm ơn Rudyard, và thưa quý vị tôi tin rằng thế kỷ 21 sẽ thuộc về Trung Quốc bởi vì hầu hết các thế kỷ trước đây đã từng thuộc về Trung Quốc. Thế kỷ 19, 20 là hai ngoại lệ. 18 trong 20 thế kỷ qua, Trung Quốc xét ở nhiều góc độ đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tôi xin bắt đầu với một số chỉ tiêu về kinh tế và nhân khẩu: Trung Quốc giống như một lục địa hơn là một quốc gia. 1/5 nhân loại sống ở đấy. Trung Quốc lớn gấp 40 lần diện tích Canada. Nếu Trung Quốc được tổ chức như Châu Âu, Trung Quốc sẽ được chia ra thành khoảng 70 quốc gia-dân tộc. Ngày nay, có 11 thành phố ở Trung Quốc với dân số trên 6 triệu dân. Ở Châu Âu chỉ có một thành phố như vậy là London. Có 11 quốc gia Châu Âu với dân số ít hơn 6 triệu dân. Trong vòng 30 năm, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ gần 10%/năm và IMF gần đây dự đoán rằng chỉ trong vòng 5 năm nữa, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã chiếm vị trí của Mỹ trở thành nhà sản xuất và là thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Và nhu cầu xe hơi ở Trung Quốc sẽ tăng gấp 10 lần trong những năm tới. Đến năm 2035, Trung Quốc sẽ sử dụng 1/5 năng lượng của toàn cầu. Trung Quốc từng phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngày nay, với 3000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và quỹ dự trữ quốc gia khoảng 200 tỷ USD, Trung Quốc đã trở thành một nhà đầu tư.

Có lẽ điều ấn tượng nhất là Trung Quốc đang đuổi kịp các nước tiên tiến cả về sáng tạo lẫn giáo dục. Trung Quốc sắp vượt qua Đức về số bằng sáng chế mới được trao và trong một khảo sát của OECD gần đây về thành tựu giáo dục ở tuổi 15, khu vực Thượng Hải đã đứng đầu về kỹ năng toán học với số điểm 600. Mỹ đứng thứ 25 với 487 điểm, Canada được 527 điểm.

Thưa quý vị, thật không dễ để một người viết sách khi phải tranh cãi ngược lại với những luận điểm trong cuốn sách của mình (ám chỉ TS. Henry Kissinger trong cuốn sách gần đây viết về Trung Quốc – người dịch). Cho nên những gì tôi sắp đọc ra đây là một cách rất ngoại giao để cho TS. Kissinger và có lẽ là cả Fareed Zakaria thấy rằng họ đã đứng nhầm bên của cuộc tranh luận. Tôi xin trích một câu trong cuốn sách mới rất tuyệt vời của TS. Kissinger về Trung Quốc ở trang 493 như sau: “Công cuộc tìm kiếm của Trung Quốc để trở thành một đối tác ngang bằng với Mỹ không còn là một đòi hỏi quá mức của một quốc gia dễ bị tổn thương như trước; điều này ngày càng trở thành một thực tế rõ ràng được hỗ trợ bởi tiềm lực tài chính và kinh tế hùng hậu của Trung Quốc.” Hoặc tôi có thề trích một câu trong cuốn sách của Fareed về Thế giới hậu Mỹ: “Trung Quốc là một quốc gia mà quy mô vượt hơn hẳn Mỹ. Trung Quốc đang thèm khát sự thành công.”

Điều thú vị là cả hai nhà nghiên cứu địa chính trị trên đều thống nhất rằng thách thức kinh tế từ Trung Quốc cũng là thách thức đối với vị trí bá quyền trên thế giới của Mỹ. Một lần nữa tôi xin trích TS. Kissinger: “Nếu Mỹ có kế hoạch lôi kéo Châu Á nhằm kiềm chế Trung Quốc hoặc tạo ra một khối các quốc gia dân chủ để tiến hành một cuộc thánh chiến về ý thức hệ thì kế hoạch này sẽ không thành công”. Và trong phần kết luận của cuốn sách, ông hy vọng cả hai nước sẽ cùng tồn tại hoà bình. Nhưng ông cũng lo ngại một sự tái diễn của kịch bản đã xảy ra 100 năm trước khi sự trỗi dậy của Đức đã thách thức vị trí thống trị của Vương quốc Anh.

Nhưng đối với tôi, đây không chỉ là câu chuyện về Trung Quốc, mấu chốt của thế kỷ 21 thực sự nằm ở sự đi xuống của phương Tây. Một cuộc khủng hoảng tài chính do sự vay mượn quá mức và những trò đầu tư mạo hiểm như đánh bạc được nhà nước trợ cấp; một cuộc khủng hoảng tài khoá có nghĩa là Mỹ sẽ chi tiêu nhiều hơn vào việc trả lãi nợ thay vì chi tiêu vào quốc phòng. Thế kỷ 21 sẽ thuộc về Trung Quốc bởi vì nước Mỹ và Châu Âu ngày càng đi xuống.

Bốn thập kỷ trước đây, Richard Nixon đã dự đoán điều này sớm hơn nhiều người: “Bạn thử dừng lại và nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó có thể tạo ra một hệ thống chính phủ tốt vận hành Trung Quốc. Chúa ơi, sẽ không có cường quốc nào trên thế giới bì nổi Trung Quốc. Nếu bạn đặt 800 triệu dân Trung Quốc làm việc dưới một hệ thống tốt, họ sẽ trở thành những nhà lãnh đạo của thế giới.” Tôi xin ngả mũ trước những thành tựu của Trung Quốc từ khi họ mở cửa quan hệ Trung – Mỹ vào năm 1972. Đó là một thành tựu mà Henry Kissinger là người đóng góp nhiều nhất. Cho nên tôi sẽ không yêu cầu quý vị bỏ phiếu chống lại ông ấy nhưng xét từ những phân tích của ông thì chính nó đã đặt ông và người bạn cùng tranh luận hôm nay về phía chúng tôi. Vì thế tôi đoán quý vị biết phải chọn theo bên nào.

Rudyard Gruffiths: Fareed Zakaria, đến phiên ông

Fareed Zakaria: Cám ơn rất nhiều. Tôi muốn nói ba điểm về Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không trở thành cường quốc thống trị của thế kỷ 21. Thế kỷ này sẽ không thuộc về Trung Quốc vì 3 lý do: kinh tế, chính trị và địa chính trị. Về kinh tế, một điều mà chúng ta đã nhận ra trong các thập kỷ qua là không có gì đi mãi trên một đường thẳng. Trung Quốc trông có vẻ như sắp thừa hưởng cả thế giới nhưng Nhật cũng đã có lúc trông giống như thế. Nhật đã từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; tôi không biết có bao nhiêu quý vị ở đây đã từng được nghe kể rằng cả thế giới chúng ta sắp trở thành người Nhật. Tất cả chúng ta rồi sẽ ăn sushi hết! Nhưng lời dự đoán đó cuối cùng không thành sự thật. Nếu quý vị thử nghĩ, phần lớn các con hổ Châu Á đều tăng trưởng ở tốc độ 9%/năm trong vòng 20 – 25 năm và sau đó họ giảm xuống còn 6%, 5%. Tôi không tiên đoán về sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc. Tôi chỉ đang nói rằng Trung Quốc sẽ đi theo quy luật và đến lúc nào đó sẽ phát triển chậm lại với mức tăng trưởng thấp hơn. Nhưng có lẽ thời điểm đó sẽ đến sau các nước khác bởi Trung Quốc là một nước lớn.

Cũng cần phải chỉ ra rằng trong hệ thống của Trung Quốc, có rất nhiều điểm không hiệu quả. Họ có một bong bóng nhà đất khổng lồ. Tăng trưởng của Trung Quốc rất kém hiệu quả. Mỗi tháng lượng đầu tư nước ngoài Trung Quốc tiếp nhận bằng lượng FDI cả năm của Ấn Độ, nhưng Trung Quốc chỉ tăng trưởng nhanh hơn Ấn Độ 2%. Nói cách khác, nếu bạn nhìn vào chất lượng tăng trưởng của Trung Quốc, nó không ấn tượng như chúng ta nghĩ. Đó là do việc đầu tư ồ ạt, rất nhiều sân bay, các đường cao tốc 8 làn xe, đường sắt tốc độ cao, nhưng nếu nhìn vào lợi nhuận đầu tư thu được thì kết quả không ấn tượng như thế.

Liên Hợp Quốc vừa công bố một báo cáo cho thấy Trung Quốc sẽ gặp vấn đề rất lớn về nhân khẩu trong vòng 25 năm tới. Trung Quốc sẽ mất đi 400 triệu người. Trong lịch sử loài người, bạn không có cách nào trở thành một cường quốc thống trị trên thế giới nếu dân số đang giảm liên tục. Điều đó sẽ không xảy ra và nếu bạn muốn biết một quốc gia với dân số giảm trông như thế nào thì hãy nhìn vào Nhật Bản và tự hỏi quốc gia này mạnh đến đâu.

Thậm chí nếu Trung Quốc trở thành nền kinh tế mạnh nhất thế giới, tất cả những con số đó đều dựa trên cái gọi là cân bằng sức mua khi mà GDP của Trung Quốc đã bị thổi phồng lên vì giá của một lần cắt tóc ở Bắc Kinh sẽ thấp hơn giá của Toronto. Và sức mạnh quốc tế không chỉ dựa vào giá của các lần cắt tóc. Nó phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, vào dầu khí, đầu tư, các hãng hàng không và với tất cả các chỉ số đó, bạn cần đến giá trị đồng tiền thật. Khi đó con số sẽ được điều chỉnh khác đi nhiều.

Nhưng giả sử, cứ thử nói rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, liệu Trung Quốc có đủ khả năng về chính trị để lãnh đạo thế giới hay không? Nhật từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hàng thập kỷ nhưng Nhật không hề có kế hoạch trở thành một nước lớn bá quyền. Bạn cần phải có khả năng chính trị để có thể lãnh đạo thế giới. Henry sẽ nói thêm về điểm này nhưng tôi muốn tóm gọn những điểm trên bằng một ý đơn giản: Trung Quốc là một quốc gia được lãnh đạo bởi một hệ thống chính trị đang trong khủng hoảng.

Tôi không rõ liệu Trung Quốc ở thế hệ tiếp theo có giống với thế hệ hôm nay không. Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được vấn đề cơ bản khi xã hội tạo ra một tầng lớp trung lưu - làm thế nào để Trung Quốc đáp ứng được nguyện vọng của tầng lớp này. Khi Đài Loan trải qua một quá trình tương tự, cái chúng ta nhìn thấy là một cuộc chuyển đổi sang nền dân chủ. Hàn Quốc cũng vậy. Đây không phải là những giai đoạn dễ dàng. Đó là những thời kỳ khá xáo trộn và đẫm máu và Trung Quốc là một quốc gia rất rộng lớn, rất phức tạp. Cứ thử tưởng tượng những bất ổn chính trị và xã hội sẽ diễn ra trong quá trình đó.

Cuối cùng, tôi sẽ đề cập đến vấn đề địa chính trị và Henry cũng sẽ bổ sung thêm về điểm này. Người ta thường thích nói về sự trỗi dậy của Châu Á. Tôi lớn lên ở Ấn Độ. Nhưng không có cái gọi là Châu Á. Có Trung Quốc, có Nhật và có Ấn Độ. Các nước này không ưa thích gì nhau cho lắm. Và thực tế là khi Trung Quốc trỗi dậy, sẽ có phản ứng mạnh mẽ từ Ấn Độ, Nhật, Indonesia, Việt Nam, Hàn Quốc… Bạn đã bắt đầu thấy dấu hiệu của việc này. Trung Quốc không trỗi dậy trong một môi trường chân không, Trung Quốc đang trỗi dậy ở một lục địa nơi có rất nhiều đối thủ.

Rudyard Gruffiths: Hai nhà tranh luận rất chuyên nghiệp đã kết thúc phần của mình đúng thời gian. David Li, tới phiên anh.

....

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Xem toàn bộ video cuộc tranh luận trên trang Munk Debates. Tham khảo thêm về tiểu sử các nhà tranh luận: Sử gia Niall Ferguson, TS. David Li, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, nhà báo Fareed Zakaria.

Dịch: Kim Minh