Kỷ nguyên tương đối ổn định về chính trị đạt được thông qua tăng trưởng kinh tế nhanh chóng có thể đang dần đi đến hồi kết. Thủy triều lên sẽ khiến những con thuyền nổi lên, nhưng những vấn đề về cấu trúc ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tiềm ẩn khả năng gây trở ngại đến việc gia tăng sự thịnh vượng của Trung Quốc. Những cuộc cải cách cụ thể phải được thực hiện cùng với những khẩu hiệu đầy hứa hẹn nếu như Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn duy trì sự độc quyền quyền lực chính trị của mình. Tập Cận Bình, tân Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đến nay đã đưa ra một số cảnh báo gay gắt về mối đe dọa mà nạn tham nhũng đang gây ra ở Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình nhắc nhở Bộ Chính trị: “Trong những năm gần đây, những vấn đề bị dồn nén ở một số quốc gia đã gây ra sự oán hận của dân chúng, sự hỗn loạn xã hội cùng sự sụp đổ của các chính phủ, và nạn tham nhũng, hối lộ đã trở thành một nguyên nhân quan trọng. Một loạt thực tế đã cho chúng ta thấy rằng nếu như tham nhũng trở nên nghiêm trọng, chắc chắn nó sẽ làm Đảng và Nhà nước diệt vong. Chúng ta phải thận trọng. Trong những năm gần đây, đã có những trường hợp vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc kỷ luật và luật pháp trong Đảng. Đây là những trường hợp cực kỳ xấu xa về mặt bản chất và phá hoại nghiêm trọng nền chính trị, khiến nhân dân bị sốc.” 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kịch liệt lên án nạn tham nhũng, vốn đã ăn sâu vào xã hội Trung Quốc trong hàng nghìn năm qua. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng lịch sử này. Tuy nhiên, những lời cảnh báo của ông Tập Cận Bình đã vượt qua những sự vô vị trước đó, và nhà lãnh đạo này đã đặc biệt nhấn mạnh sự thận trọng với tình trạng tham nhũng gia tăng sẽ “chắc chắn làm diệt vong Đảng và Nhà nước.” Hơn nữa, việc Tập Cận Bình đề cập trực tiếp đến Mùa Xuân Arập đã thể hiện một nhận thức rõ ràng về mối đe dọa ngay trước mắt mà nạn tham nhũng đang gây ra cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Lời cảnh báo này của ông Tập Cận Bình cũng bao hàm một gợi ý ngầm về khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ gặp phải những khó khăn nghiêm trọng. Một công trình nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew đã phát hiện ra rằng vấn đề lớn nhất và dễ nhận thấy ở Trung Quốc là lạm phát. Những lo ngại về các quan chức tham nhũng là vấn đề xếp ở vị trí số hai – một nửa dân số Trung Quốc coi tham nhũng là một vấn đề lớn – tăng mạnh so với mức 39% cách đây 4 năm. Những lo ngại về sự gia tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo cũng cao hơn so với cuộc khảo sát trước đó. 

Điều mà cuộc nghiên cứu này cho thấy là tình trạng mất an ninh kinh tế đang ngày càng lan rộng ở Trung Quốc. Những quan ngại về kinh tế cho thấy một nguyên nhân tiềm tàng về sự bất ổn định lớn hơn là sự tức giận về nạn tham nhũng. Những nhà cầm quyền ở Trung Quốc hiện nay giành được nhiều tính hợp pháp phổ biến thông qua việc cải thiện những điều kiện vật chất của người dân. Qua 3 thập kỷ tăng trưởng về kinh tế, Trung Quốc đã làm giảm mạnh sự đói nghèo trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, nếu như phần lớn người dân Trung Quốc không nhận được những cải thiện trực tiếp trong chất lượng cuộc sống của họ từ hệ thống quản lý, khi đó bản thân hệ thống này sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về sự tồn tại. Những cảnh báo của Tập Cận Bình về nạn tham nhũng bao hàm một sự đề cập rõ ràng về những cuộc cách mạng đang diễn ra ở Trung Đông. Trên thực tế, có hai vấn đề quan trọng tương đương nhau giữa tình hình ở nhiều nước Trung Đông và Trung Quốc đương đại. Đó là bản chất chuyên quyền độc đoán của các chính phủ và nạn tham nhũng ăn sâu vào gốc rễ. Tuy nhiên, con đường phát triển kinh tế nói chung của hai khu vực này có thể gần như không khác nhau là mấy. Trong khi tham nhũng là một nhân tố rõ ràng làm bùng nổ làn sóng cách mạng ở Arập, việc thiếu những cơ hội kinh tế là động cơ rõ ràng cho những phong trào lớn của Mùa Xuân Arập. 

Tiến sĩ Ali Kadri, cựu Giám đốc Trung tâm Phân tích Kinh tế của LHQ ở Bâyrút (Libăng), cho rằng làn sóng cách mạng Mùa Xuân Arập bùng nổ chủ yếu là do kinh tế kém phát triển. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Ali Kadri, toàn bộ tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở thế giới Arập đều ở mức âm trong giai đoạn từ năm 1971 đến năm 2000. Hơn nữa, căn nguyên của những phong trào này xảy ra ở Tuynidi, khi người thanh niên Mohamed Bouazizi tự thiêu để phản ứng trước tình trạng thất vọng về kinh tế. Nếu bị kẹt trong một điều kiện kinh tế vô vọng, các cá nhân có ít cơ hội trong trật tự kinh tế xã hội đương đại của họ. Các cuộc cách mạng hầu hết thường được tiến hành bởi những người thuộc tầng lớp thanh niên và những người trong tình trạng tuyệt vọng, gần như không có gì để mất. Viễn cảnh này rất đối lập với tình hình của người Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây. Trung Quốc đã duy trì tăng trưởng ở mức hai con số trong hầu hết 30 năm qua, và mức lương trung bình trên thực tế đã tăng hơn 7 lần kể từ những cuộc cải cách cuối những năm 1970. Tuy nhiên, kỷ nguyên tăng trưởng nguy hiểm ở Trung Quốc có lẽ đang dần đi đến hồi kết. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Trung Quốc đã trải qua cả sự suy thoái kéo dài của nền kinh tế toàn cầu và sự gia tăng mức lương đang diễn ra ở Trung Quốc. Nhiều ngành công nghiệp cần lao động chuyên sâu đang dịch chuyển sản xuất tới những khu vực có giá nhân công lao động rẻ hơn, như Việt Nam và Campuchia. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hiện nay của Trung Quốc đã chậm lại và giảm xuống mức trung bình 7% một năm, mức thấp nhất kể từ năm 1989. 

Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhân vật lãnh đạo số hai của Trung Quốc sau Tập Cận Bình, đã ám chỉ đến những khó khăn này trong một bài phát biểu gần đây tại Quốc Vụ viện (Chính phủ Trung Quốc): "Việc duy trì tăng trưởng ở mức hai con số là rất khó, nhưng mức tăng trưởng 7% sẽ đủ để đạt được mục tiêu xã hội khá giả vào năm 2020.” Phát biểu thẳng thắn này của ông Lý Khắc Cường về tương lai kinh tế Trung Quốc có lẽ là dấu hiệu cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã nhận thức rõ về những vấn đề liên quan đến cấu trúc sắp xảy ra đối với kinh tế Trung Quốc. Ngoài những lo ngại đã được đề cập trước đó về sự giảm sút trong lĩnh vực xuất khẩu, còn có một thực tế rất đáng quan ngại là thị trường nhà ở bị thổi phồng của Trung Quốc có lẽ đang trở thành một chiếc bong bóng chỉ chờ đến thời điểm nổ tung. Nếu như, và khi Trung Quốc đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng, những vấn đề này có thể nhanh chóng chuyển thành sự bất ổn chính trị. Cuộc khủng hoảng lớn nhất mà ban lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt kể từ khi kỷ nguyên cải cách bắt đầu từ cuối những năm 1970 chính là phong trào biểu tình lan rộng hình thành năm 1989. Những cuộc biểu tình đó, chấm dứt bằng vụ đàn áp người biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ban đầu nổ ra vì nhiều người lo ngại về lạm phát tăng nhanh. 

Hơn nữa, khả năng lan rộng sự bất đồng chính kiến hiện nay đã ăn sâu vào gốc rễ của sự thay đổi thực tế nhân khẩu học của Trung Quốc. Khi Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đại diện cho một thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc, bản chất nhân khẩu học rộng lớn hơn của dân tộc Trung Quốc đang có những thay đổi quan trọng. Thế hệ những người già của Trung Quốc, những người vẫn nhớ đến nạn đói tràn lan và tình cảnh nghèo khó khắp đất nước trong những năm 1950-1960, đã quá hài lòng với sự khá giả tương đối của đất nước Trung Quốc hiện đại nên sẽ không muốn gây bất ổn cho hệ thống hiện nay. Thế hệ những người Trung Quốc trẻ hơn, những người sinh ra vào giai đoạn bùng nổ dân số trong khoảng thời gian từ những năm 1980-1990, sẽ ít kiên nhẫn hơn với nạn tham nhũng tràn lan và sự chuyên quyền, độc đoán về chính trị.

Những lời cảnh báo của Tập Cận Bình về mối quan hệ đang hiện hữu do nạn tham nhũng gây ra đã cho thấy sự gia tăng nhận thức về nhu cầu sống còn phải tiến hành những thay đổi trong hệ thống chính trị của Trung Quốc một cách hiệu quả. Do bản chất mờ ám và chuyên quyền độc đoán của Nhà nước Trung Quốc, những cuộc cải cách sâu sắc và kéo dài sẽ là điều cần thiết trong cuộc chiến chống tham nhũng. Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc phải có được những nỗ lực cụ thể để thúc đẩy các cuộc cải cách trước khi những lo ngại về kinh tế và sự mất kiên nhẫn về chính trị bắt đầu gây ra những mối đe dọa thực sự đối với Nhà nước Trung Quốc. 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cần phải thực hiện những biện pháp cụ thể và mạo hiểm về mặt chính trị để truy quét nạn tham nhũng và kích thích tăng trưởng kinh tế nếu như họ muốn duy trì sự độc quyền chính trị của mình. Những động thái gần đây nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước là một bước đi theo hướng đúng đắn. Tuy nhiên, trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, không phải các chính sách của chính phủ, không phải tầm nhìn xa và thực tiễn như thế nào, có thể đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và bền vững. Những cuộc cải cách chính trị sẽ làm gia tăng sức sống trong bối cảnh tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại. Sự kiên nhẫn của người dân Trung Quốc chỉ được đảm bảo nếu như môi trường chính trị và vật chất của họ tiếp tục được cải thiện./. 

Theo “Asia Times” (ngày 28/11)

Mỹ Anh (gt)