Trong chuyến thăm Mỹ từ ngày 23-25/2 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có bài phát biểu quan trọng trước Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) về chính sách đối ngoại và vai trò của ngành ngoại giao Trung Quốc. Đối với vụ kiện do Philippines khởi xướng, ông Nghị nêu ra năm luận điểm bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài và giá trị của vụ kiện, chủ yếu lặp lại các quan điểm mà từ trước đến nay chính phủ Trung Quốc đã nêu. Phần lớn các lập luận của Trung Quốc về vụ kiện đã bị Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII bác bỏ trong Phán quyết đầu tiên về thẩm quyền ngày 29/10/2015 (Phán quyết). Bài viết dưới đây sẽ khái quát lại những lập luận của Trung Quốc và các phân tích, kết luận của Tòa trong Phán quyết nói trên.  

Lập trường của Trung Quốc về vụ kiện Trọng tài do Philippines khởi xướng

 Đối với vụ kiện, Trung Quốc thể hiện một lập trường chung, nhất quán là không tham gia và không thừa nhận thẩm quyền xét xử của Tòa Trọng tài. “Tài liệu lập trường” xuất bản ngày 7/12/2014 là tài liệu quan trọng nhất, trình bày và hệ thống hóa các quan điểm của nước này về vụ kiện và được Tòa Trọng tài sử dụng như một bằng chứng về lập trường của Trung Quốc. Bên cạnh đó, có thể kể đến các nguồn khác như các công hàm, tuyên bố, phát biểu của người phát ngôn, quan chức cấp cao của Trung Quốc – bao gồm cả phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị.  Lập luận của Trung Quốc gồm năm luận điểm chính như sau:

·         Thứ nhất, bản chất của vụ kiện do Philippines khởi xướng là các tranh chấp về chủ quyền các thực thể ở Trường Sa. Vấn đề chủ quyền không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS nên cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS không có thẩm quyền giải quyết

·         Thứ hai, cơ chế trọng tài quốc tế cần sự đồng thuận của cả hai phía trong tranh chấp, việc Philippines đơn phương tiến hành khởi kiện là trái với luật quốc tế và vụ kiện không có giá trị với Trung Quốc.

·         Thứ ba, Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), Hiệp ước Hợp tác hữu nghị Đông Nam Á (TAC), các tuyên bố chung, biên bản cuộc họp, trao đổi, tham vấn giữa hai quốc gia… quy định các bên chỉ sử dụng duy nhất phương pháp đàm phán để giải quyết vấn đề Biển Đông. Việc Philippines đơn phương khởi kiện là phá vỡ cam kết với Trung Quốc và các nước ASEAN.

·         Thứ tư, giữa Trung Quốc và Philippines chưa có trao đổi cụ thể, thực chất về tranh chấp, vậy nên “nghĩa vụ trao đổi quan điểm” – một điều kiện tiền đề để vận dụng cơ chế tài phán của UNCLOS – chưa được hoàn thành, do đó Philippines không thể sử dụng biện pháp trọng tài.

·         Thứ năm, vì Trung Quốc đã tuyên bố loại trừ thẩm quyền của Tòa theo Điều 298 UNCLOS nên Trung Quốc không phải tham gia vào vụ kiện và không bị ràng buộc vào quyết định của Tòa Trọng tài.

Diễn giải chủ quan các quy định của luật pháp quốc tế

Các lập luận của Trung Quốc chủ yếu dựa trên sự diễn giải chủ quan đối với các quy định của UNCLOS nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung theo hướng có lợi cho Trung Quốc, bất chấp các thực tiễn pháp lý và án lệ quốc tế. Dưới đây là các lý do:

Thứ nhất, tranh chấp được nêu trong đơn kiện của Philippines không phải là tranh chấp về chủ quyền

Tòa Trọng tài ghi nhận giữa Trung Quốc và Philippines (cũng như các bên yêu sách khác như Việt Nam, Malaysia, Đài Loan) có tranh chấp về chủ quyền các thực thể ở Trường Sa. Nhưng các tranh chấp mà Philippines đưa ra Tòa không phải là tranh chấp về chủ quyền. Giữa hai quốc gia có thể tồn tại tranh chấp trên rất nhiều phương diện, và sự tồn tại của tranh chấp về chủ quyền không thể loại trừ tranh chấp trên các khía cạnh khác của vụ việc (Phán quyết, đoạn 152).

Trong vụ kiện này Philippines đệ trình 15 vấn đề, yêu cầu Tòa Trọng tài phán quyết 4 nội dung:

(i)     Yêu sách “đường lưỡi bò” là phi lý;

(ii)   Quy chế pháp lý cho một số thực thể ở Biển Đông;

(iii) Một số hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là vi phạm UNCLOS, luật quốc tế về an toàn hàng hải, vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển và xâm phạm quyền lợi chính đáng của Philippines trên biển;

(iv) Trung Quốc không được có thêm các yêu sách và hoạt động bất hợp pháp trong tương lai.

Tòa nhận định: một, Philippines không yêu cầu Tòa tuyên bố chủ quyền của các thực thể; hai, các đệ trình của Philippines cũng không đòi hỏi Tòa phải giải quyết vấn đề chủ quyền như là điều kiện tiên quyết. Và ngay cả khi Tòa phán quyết có lợi cho Philippines thì cũng không tạo ra sự công nhận gián tiếp về chủ quyền và không tạo lợi thế cho Philippines trong tranh chấp chủ quyền (Phán quyết, đoạn 153). Tòa Trọng tài cũng bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng việc Philippines yêu cầu xác định quy chế pháp lý cho các  thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng là "nhằm bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa". Trái lại, tất cả các tranh chấp mà Philippines nêu ra đều là tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS (Phán quyết, đoạn 178).

Thứ hai, cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS có cho phép một bên được đơn phương khởi kiện bên còn lại ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII.

UNCLOS quy định, khi có tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước, các bên tranh chấp có nghĩa vụ tiến hành trao đổi quan điểm (Điều 283). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trao đổi quan điểm nhưng tranh chấp vẫn chưa được giải quyết và giữa các bên không có thỏa thuận khác, thì cơ chế tài phán bắt buộc của UNCLOS sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp (Điều 286). Cơ chế tài phán của UNCLOS cho phép các bên được lựa chọn sử dụng một trong bốn cơ quan là Tòa án Công lý Quốc tế (Tòa ICJ) hoặc Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Tòa ITLOS) hoặc Tòa Trọng tài tổ chức theo Phụ lục VII, hoặc Tòa Trọng tài Phụ lục VIII. (Điều 287).

Nếu các bên không thống nhất về loại cơ chế tài phán thì Tòa Trọng tài Phụ lục VII sẽ được áp dụng một cách tự động (Điều 287 (3)). Tòa Trọng tài Phụ lục VII là cơ chế duy nhất mà một bên có thể đơn phương khởi kiện, không cần sự chấp thuận của bên còn lại. Như vậy, chỉ cần đáp ứng được một số điều kiện nhất định về thủ tục, một bên trong tranh chấp có quyền đơn phương khởi kiện bên còn lại ra cơ chế Trọng tài Phụ lục VII của UNCLOS. Trong phán quyết đầu tiên, Tòa Trọng tài khẳng định rằng căn cứ theo điều 9, Phụ lục VII UNCLOS thì việc Trung Quốc vắng mặt không phải là lý do để Tòa dừng xem xét vụ kiện (Phán quyết, đoạn 113).

Thứ ba, Tòa kết luận các văn bản, tuyên bố giữa Philippines và Trung Quốc (như DOC, TAC, các tuyên bố song phương v.v…) không cản trở việc khởi kiện của Philippines.

Trung Quốc cho rằng các tuyên bố song phương, bản ghi nhớ, văn bản giữa hai nước  - đặc biệt là Điều 4 DOC yêu cầu các quốc gia ở Biển Đông chỉ được sử dụng duy nhất biện pháp đàm phán, không được sử dụng biện pháp tài phán để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Tuy nhiên Tòa Trọng tài đã bác bỏ lập luận đấy vì: (1) các văn bản, tuyên bố được đề cập, ngay cả DOC chỉ là các tuyên bố chính trị, không có giá trị ràng buộc về pháp lý mà; và cho dù có giá trị ràng buộc hay không thì (2) không có văn kiện nào nói các bên chỉ được dùng cơ chế đàm phán và (3) và không có văn kiện nào tuyên bố loại trừ cơ chế tài phán của UNCLOS. Ngược lại, DOC, TAC, các tuyên bố song phương giữa Philippines và Trung Quốc còn thường xuyên dẫn chiếu đến các nguyên tắc và quy định của UNCLOS. Vì thế, Tòa kết luận gữa các bên không có thỏa thuận loại trừ thẩm quyền tài phán của Tòa. Và ngay cả khi các bên đã tuyên bố kiên trì theo đuổi đàm phán thì khi thất bại hoặc bế tắc, bên còn lại vẫn có quyền sử dụng cơ chế tài phán của UNCLOS (Phán quyết, đoạn 213, 216, 217, 223 và 237). Cẩn thận hơn, Tòa còn dành một đoạn khá dài (Phán quyết, đoạn 249 - 251) để chứng minh Philippines cũng không vi phạm nguyên tắc estoppel (tiền hậu bất nhất) khi tiến hành khởi kiện.

Như vậy, Điều 4 DOC không cản trở các nước trong tranh chấp Biển Đông tiến hành khởi kiện.

Thứ tư, Tòa Trọng tài đã kết luận Philippines đã hoàn thành “nghĩa vụ trao đổi quan điểm”, đủ điều kiện để sử dụng cơ chế Trọng tài.

Tòa Trọng tài đã viện dẫn nhiều án lệ, thực tiễn quốc tế để kết luận: “trao đổi quan điểm” ở Điều 283 chỉ cần là trao đổi về “phương thức giải quyết tranh chấp”, không cần phải là trao đổi về vấn đề thực chất, vấn đề nội dung của tranh chấp (Phán quyết, đoạn 337).

Giữa Philippines và Trung Quốc đã có nhiều lần trao đổi quan điểm về phương thức giải quyết tranh chấp nhưng không đi đến thống nhất: Trung Quốc muốn giải quyết bằng đàm phán song phương, Philippines thì muốn đám phán đa phương hoặc biện pháp tài phán. Tòa Trọng tài thừa nhận, theo quy định của luật quốc tế, Philippines không có nghĩa vụ phải tiếp tục duy trì trao đổi quan điểm nếu “tự nhận thấy khả năng đạt được thỏa thuận đã không còn." (Phán quyết, đoạn 342). Về số lần trao đổi, Tòa Trọng tài không đòi hỏi số lần và tần suất trao đổi phải thường xuyên, liên tục để có thể thỏa mãn điều kiện về nghĩa vụ trao đổi quan điểm. Từ đó, Tòa kết luận “nghĩa vụ trao đổi quan điểm” đã được hoàn thành (Phán quyết, đoạn 342, 343).

Thứ năm, tuyên bố dựa trên Điều 298 chỉ được áp dụng cho một số loại tranh chấp nhất định vậy nên Trung Quốc vẫn bị ràng buộc vào quyết định của Tòa đối với các nội dung khác

Điều 298 cho phép các quốc gia được tuyên bố loại trừ khỏi thẩm quyền Tòa Trọng tài đối với một số loại tranh chấp nhất định. Trung Quốc đã tuyên bố bảo lưu thẩm quyền của Tòa Trọng tài với (i) tranh chấp liên quan đến “vịnh lịch sử” và “danh nghĩa lịch sử”; (ii) tranh chấp liên quan đến phân định biển và (iii) tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự, hoạt động chấp pháp trong lĩnh vực đánh cá và nghiên cứu khoa học biển trên vùng EEZ và thềm lục địa. Như vậy, các tranh chấp nằm ngoài ba nội dung trên vẫn thuộc quyền tài phán của Tòa và vì cơ chế tài phán của UNCLOS là bắt buộc nên Trung Quốc không thể từ chối phán quyết của Tòa.

Trong số các đệ trình của Philippines, Tòa Trọng tài đã xác định có 7/15 đệ trình không thuộc trường hợp ngoại lệ bị loại trừ khỏi thẩm quyền của Tòa theo Điều 297 và 298. 8/15 đệ trình còn lại, Tòa chưa có kết luận về thẩm quyền mà tạm thời gác lại, xem xét tiếp cùng với phần tranh tụng về nội dung (Phán quyết, đoạn 413). Như vậy, ít nhất Tòa chắc chắn có thầm quyền giải quyết đối với 7 nội dung trong đơn kiện của Philippines và theo nhiều chuyên gia luật pháp quốc tế nhận định, sau phiên tranh tụng về mặt nội dung Tòa sẽ quyết định có thẩm quyền đối với ít nhất 2 đệ trình nữa

Trung Quốc và phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài

Gần đây, Đại sứ Trung Quốc Chen Xiaodong tại Singapore có bài viết trên tờ Straits Times biện hộ cho Trung Quốc với các luận điểm tương tự như của Ngoại trưởng Vương Nghị tại CSIS. Ông Chen còn cho rằng việc Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện là một hình thức thực hiện quyền của nước này phù hợp với UNCLOS. Luận điểm này lập tức bị Giáo sư Robert Beckman, Đại học Quốc gia Singapore và là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về luật biển và giải quyết tranh chấp phản bác. Theo GS. Beckman: “UNCLOS không có điều khoản nào cho phép quốc gia ‘có quyền không tham gia vào vụ kiện’. Trái lại, UNCLOS quy định các quốc gia có nghĩa vụ hỗ trợ quá trình tố tụng của Tòa. UNCLOS còn quy định, nếu một bên không tham gia vào vụ kiện hoặc im lặng, bên còn lại vẫn có quyền đề nghị Tòa tiến hành tố tụng và đưa ra phán quyết. Sự vắng mặt của một bên không làm ảnh hưởng đến việc xét xử. Và đấy chính xác là những gì đang diễn ra ở vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.”

Rõ ràng, bộ máy tuyên truyền và ngành ngoại giao Trung Quốc đang nỗ lực tìm kiếm lời biện hộ hợp lý cho thái độ “ba không” (không tham gia, không nộp bản tranh tụng và không chấp nhận phiên tòa) của nước này đối với vụ kiện. Tuy nhiên, dường như những nỗ lực này không đủ sức thuyết phục đối với chính giới, luật gia và chính cơ quan tài phán quốc tế.

Dự kiến, tháng 5/2016, Tòa Trọng tài sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện. Dựa trên lập luận Tòa trong phán quyết đầu tiên, các ý kiến của luật gia uy tín thế giới và phần trình bày khá thuyết phục của đoàn luật sư Philippines trong phiên tranh tụng lần hai diễn ra vào tháng 11/2015, dường như cơ hội chiến thắng cho Philippines tại phán quyết chung cuộc là khá cao. Trong khi đó, từ khi Philippines khởi xướng vụ kiện cho đến nay, Trung Quốc không ngừng có các hành động leo thang và mở rộng tranh chấp: chặn đường tiếp tế và đảo quân của Philippines ở bãi cạn James Shoal, xây dựng đảo ở Trường Sa, tăng cường hoạt động tuần tra trên biển v.v… Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ cũng như lợi ích và quyền lợi trên biển, Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận một giải pháp có tính áp đặt hay đơn phương viện dẫn cơ chế giải quyết tranh chấp có mặt bên thứ ba".[1] Chưa có một căn cứ nào cho thấy khả năng Trung Quốc sẽ chấp nhận phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài. Nếu Trung Quốc chọn cách hành xử theo hướng này, Trung Quốc sẽ không chỉ đánh mất uy tín với tư cách là một thành viên của UNCLOS mà còn phá hỏng hình ảnh một cường quốc thân thiện, hiền hòa, “cai trị bằng pháp luật” như những gì mà ông Tập đang cố gắng xây dựng trong nước.

Võ Ngọc Diệp (Học viện Ngoại giao)

Bài viết thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] Phát biểu của người phát ngôn Hoa Xuân Oánh tại Họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/7/2014, xem tại http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/t1281250.shtml